Sáng tác

Chiếc mũ cói trôi sông

Trương Chí Minh / Châu Hải Đường dịch
Văn học nước ngoài 11:00 | 19/10/2024
Baovanghe.vn - Xuân Sinh mở bừng mắt, lơ mơ một lúc, mới hiểu ra là vừa chiêm bao. Dụi mắt đứng dậy, đi ra bên bờ sông, Xuân Sinh trông thấy có một chiếc mũ cói nổi trên mặt nước, đang quay vòng vòng ở đó, chậm chạp trôi xuôi.
aa

Mặt trăng rất lớn, ánh trăng như sương như lụa loang đầy, nhuộm khắp cánh đồng mênh mông cùng cây cối làng mạc xa gần thành một bức tranh thủy mặc trong đêm.

Bao vây trong tiếng ếch kêu ran khắp nơi, Xuân Sinh hút hết một túi thuốc, đổ hết tàn đi, rồi đứng lên, men theo bờ ruộng đi sang mé đằng tây. Thấy nước đã đầy rồi, anh ta quay trở lại đổi bơm sang ruộng khác, rồi lại ngồi xuống dưới gốc cây dương bên sông Hương Mễ.

Chắc đã hơn 12 giờ rồi. Xuân Sinh lại hút hết hai túi thuốc, thì đã díu mắt lại, vừa nghe tiếng nước chảy tiếng ếch kêu vừa chìm vào giấc ngủ.

Xuân Sinh nằm mơ, thấy mình đang đứng bên một con đường, ông nội bà nội đã mất từ lâu cùng với mấy người họ hàng làng xóm, còn có cả một số người không rõ là ai đang ngồi trên một chiếc xe rất đẹp, hình thù kỳ dị đi qua trên đường. Xuân Sinh muốn gọi họ, nhưng không thốt được thành lời. Họ nhìn thấy Xuân Sinh, thì đều tựa như không hề quen biết, cứ ào ào đi qua. Tiếp theo đó, Xuân Sinh lại thấy buồn đi tiểu đã gấp lắm rồi, nhưng lại không tìm thấy nhà xí, cuối cùng không nhịn nổi nữa, anh ta chạy ra sau chỗ góc tường đổ vách xiêu, vừa cởi được quần ra thì bỗng nhiên tỉnh dậy.

Chiếc mũ cói trôi sông
Nước dưới sông Hương Mễ dường như lập tức chảy nhanh hẳn lên, cái mũ cói đột nhiên tăng tốc trôi xuống phía nam.

Xuân Sinh mở bừng mắt, lơ mơ một lúc, mới hiểu ra là vừa chiêm bao. Dụi mắt đứng dậy, đi ra bên bờ sông, Xuân Sinh trông thấy có một chiếc mũ cói nổi trên mặt nước, đang quay vòng vòng ở đó, chậm chạp trôi xuôi. Anh ta bèn đứng trên bờ, đái vào cái mũ. Vừa mới đái, liền nghe thấy từ dưới nước có tiếng nói vọng lên: “Sao anh tệ thế, đái vào đầu tôi rồi!” Tiếng nói ấy vừa ngưng thì nước dưới sông Hương Mễ dường như lập tức chảy nhanh hẳn lên, cái mũ cói đột nhiên tăng tốc trôi xuống phía nam.

Đang đái dở, Xuân Sinh cũng phải cố nín lại, anh ta xách quần, lên cầu, líu ríu chạy một mạch về thôn. Tận đến khi vào hẳn trong thôn rồi, Xuân Sinh vẫn không dám ngoái đầu lại nhìn.

Xuân Sinh hốt hoảng chạy vào trong sân, thấy trong buồng đèn vẫn còn sáng. Anh ta đang định vào nhà, bỗng nhiên cảm thấy chỗ bức tường phía nam có tiếng động, quay đầu lại nhìn, một bóng đen đã vụt qua đầu tường, lăn xuống dưới. Trong cơn kinh hoảng, Xuân Sinh đá đổ một cái ghế đẩu trong sân, thì thấy cửa sổ buồng ngủ chợt tối đen.

“Nghe thấy tôi về, lại còn vội vàng thổi tắt đèn đi?” - Xuân Sinh vào nhà, nói với Thủy Đình vợ mình, vẻ oán trách.

“Ai biết là anh? Tôi tưởng con mèo.” Thủy Đình ở trên giường trả, lời trong bóng tối.

Đợi đèn được thắp trở lại, Xuân Sinh trông thấy trên giường chăn chiếu bừa bộn, giữa đêm cuối thu mà khuôn mặt Thủy Đình mướt mát mồ hôi.

“Vừa nãy, chỗ góc tường phía nam đúng là có một bóng đen, loáng cái đã không trông thấy đâu nữa.” Xuân Sinh nói, vẫn chưa hết hoảng hồn.

“Chắc chắn là con mèo.” Thủy Đình vội quay mặt đi vuốt lại tóc, sắp lại chăn.

“Có vẻ to hơn con mèo.” Xuân Sinh nhấn giọng.

Trong ánh sáng ngọn đèn hạt đỗ, Thủy Đình nguýt anh ta, bảo: “Thế thì chắc là ma.”

Xuân Sinh vừa nghe thấy đã giật nảy mình, vội vàng xua tay: “Đừng nhắc đến ma nữa, tôi vừa mới gặp ma ở cánh ruộng bên tây đây.”

Rồi Xuân Sinh đem câu chuyện ở ngoài đồng khi nãy kể cho Thủy Đình nghe, trong lòng vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi, lại bảo, vẫn còn chưa bơm xong nước vào ruộng, nhưng anh ta không dám đi nữa.

Thủy Đình vừa nghe, liền mắng bảo: “Lũ đàn ông các anh thật không ra làm sao, chỗ nào đái chả được, lại đi đái xuống sông! Không biết là cánh phụ nữ chúng tôi tối nào cũng phải ra sông giặt quần áo à?”

Xuân Sinh ngồi trên giường, xin Thủy Đình đi cùng mình ra bơm nước ruộng. Thủy Đình lừ mắt, bĩu môi, đạp cho Xuân Sinh một cái vào hông, mắng bảo: “Trông anh có ra cái giống gì không, rõ là gan thỏ đế, việc gì cũng phải bấu lấy vợ!”

Xuân Sinh ngả người nằm ngửa trên giường, nói: “Chả cần biết, nhưng tôi không đi nữa.”

Hai người im lặng lúc lâu, Thủy Đình bỗng ngồi dậy, bảo: “Nếu không thì anh đi gọi Quý Lai, bảo anh ấy đi với anh, anh ấy còn chưa ngủ đâu.”

“Làm sao em biết anh ấy chưa ngủ” - Xuân Sinh vẫn nằm trên giường, hỏi.

Câu hỏi lại của Xuân Sinh khiến Thủy Đình sững lại hồi lâu, cô tránh ánh mắt của anh ta, lại nằm xuống, nói: “Vừa nãy tôi nghe thấy, anh ta ở trong nhà kêu cái gì rất lớn tiếng, nhất định là chưa ngủ đâu.”

Xuân Sinh ở trên giường ngẫm nghĩ rất lâu, chỉ còn cách trở dậy tìm lấy nửa chai rượu còn lại từ hôm Tết, lại kiếm cái túi ni-lông lấy một ít đồ muối, đi ra sân gọi Quý Lai ở cách bên kia tường vây.

Nhà Quý Lai ở phía nam nhà Xuân Sinh, hai nhà chỉ cách nhau một bức tường cao bằng đầu người.

Nghe thấy Xuân Sinh gọi uống rượu, rất lâu sau Quý Lai mới đáp lời, rồi mặc quần áo mở cửa đi ra.

Đêm càng thêm tĩnh lặng, Xuân Sinh và Quý Lai thập thõm theo nhau đi ra cánh đồng phía tây, ngồi bên sông Hương Mễ uống rượu với đồ muối. Trong ruộng lúa, tiếng ếch kêu càng râm ran, bóng trăng đã tới ngọn hàng dương liễu phía tây, hai người cùng quay mặt sang phía đông, đối diện với những bông lúa, nói chuyện, uống rượu, trong bụng sợ hãi, nhưng không ngăn được ý muốn nhìn xuống dòng sông phía sau lưng mình.

Đến tờ mờ sáng, cuối cùng ruộng cũng đã bơm đủ nước rồi. Xuân Sinh và Quý Lai đều không xuống sông rửa chân, cứ xách giày đi chân không về thôn.

Xuân Sinh vừa mới rửa chân tay nằm xuống giường, thì chợt người bên nhà đẻ của Thủy Đình đã đến sân, đứng ngoài cửa sổ gọi gấp, nói rằng: em trai Thủy Đình đi lấy nước vào ruộng suốt đêm qua, nhẽ ra đã phải xong từ lâu rồi, mà tận bây giờ vẫn chưa thấy về nhà, cha Thủy Đình đi ra đồng tìm, chỉ thấy chỗ cửa cống có một đôi dép, mà người thì chẳng thấy đâu. Em trai Thủy Đình bị chứng động kinh. Cả nhà đều hoảng lên, gọi người nhà, hàng xóm, men theo bờ sông đi tìm. Người vừa đến bảo Xuân Sinh cũng mau mau ra đi tìm giúp.

Nhà đẻ Thủy Đình ở phía tây thôn, cách Hồ Gia Kiều một khoảng đất, cũng đều lấy nước sông Hương Mễ bơm ruộng.

Tìm đến tận lúc mặt trời đã đến đỉnh đầu, mọi người cuối cùng cũng tìm thấy em trai của Thủy Đình ở chỗ hõm cong của sông Hương Mễ, trên quãng đồng phía nam Hồ Gia Kiều. Nó bập bềnh giữa đám cỏ nước um tùm, chiếc mũ cói vẫn đội trên đầu.

Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản Trung văn

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bên lề bản thảo - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Chuyện ếch - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Mắt - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Chim ngọc trai - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài Những ngày không sách - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài
Làm dâu. Truyện ngắn của Phạm Thị Hương

Làm dâu. Truyện ngắn của Phạm Thị Hương

Baovannghe.vn - Ngay sau khi ông khỏe lại, việc đầu tiên ông muốn làm là từ mặt vợ chồng tôi. Mẹ chồng tôi là một người đàn bà cam chịu. Bà không ra phản đối cũng chẳng ra đồng tình. Bà lặng lẽ ngồi mép ghế, cúi đầu như người biết lỗi.
Sông Đà - Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam

Sông Đà - Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Sáng 12/7, Viện Pháp tại Hà Nội và Omega Plus Books đã tổ chức tọa đàm ra mắt sách Sông Đà - Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam của Philippe Le Failler, với sự tham dự của đông đảo nhà nghiên cứu và độc giả quan tâm đến lịch sử văn hóa vùng cao.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động đào tạo lĩnh vặc Văn hóa nghệ thuật

Chuyên nghiệp hóa hoạt động đào tạo lĩnh vặc Văn hóa nghệ thuật

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 2406/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường đại học, cao đẳng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trên toàn quốc”.
NSND Vương Duy Biên làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam

NSND Vương Duy Biên làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Tại Đại hội lần thứ Nhất Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, NSND Vương Duy Biên đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam
Danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn- Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới

Danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn- Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới

Baovannghe.vn - Vào hồi 13 giờ 02 phút ngày 12/7/2025 (giờ Paris), tức 18 giờ 02 phút ngày 12/7/2025 (giờ Việt Nam), tại kỳ họp thứ 47 của của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã chính thức ghi danh Danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn- Kiếp Bạc được UNESCO vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.