Từ chủ trương “đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế”, đồng thời “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam quan tâm tới chính sách “Tái cân bằng” từ thời Obama trước đây, cũng như “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Trump hiện nay.
Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt - Úc giai đoạn 2020-2023 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ký kết |
Cam kết của Washington
Không chỉ Việt Nam, các nước còn lại trong ASEAN, cũng như nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới đều rất quan tâm đến chính sách châu Á của Mỹ tới đây. Liệu khi thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Biden có thúc đẩy tiếp FOIP hay không. Các nhà phân tích chỉ mới hình dung ra những nét đại thể các nguyên tắc và trụ cột trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden trong tương lai. Ông Biden là một nhà chính trị gia lão luyện với nhiều kinh nghiệm trên chính trường quốc tế. Chính ông đã nhận xét trong một bài viết mô tả đường lối của chính phủ dưới quyền ông là Hoa Kỳ sẽ trở về vai trò lãnh đạo thế giới tự do.
Trả lời báo Thanh Niên ngày 20/11/2020, Ts. Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng chuyến công du của ông O’Brien đến Việt Nam và Philippines trong tháng 11/2020 mang ý nghĩa lớn. Bởi vì thực tế dù Covid-19 bùng nổ, nhưng mật độ công du của lãnh đạo, quan chức cấp cao Mỹ cũng như một số đối tác và đồng minh của nước này vẫn rất dày đặc. Ts. Nagao nhận xét: “Với Mỹ thì vào tháng 10, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến Tokyo (Nhật) để tham gia cuộc hội đàm của ngoại trưởng các nước “Bộ tứ Kim cương” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc). Cũng trong tháng 10, Ngoại trưởng Pompeo lại tiếp tục có chuyến công du Ấn Độ, Sri Lanka, Malpes, Indonesia và Việt Nam. Sau đó đến phiên Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien công du đến Việt Nam và Philippines”.
Theo Ts. Nagao, trong giai đoạn đại dịch, nhiều cuộc hội đàm cấp cao đã diễn ra trực tuyến. Nhưng thực tế, việc hội đàm trực tuyến vẫn có rủi ro bị tin tặc do thám, nên nhiều nội dung quan trọng có thể bị rò rỉ. Từ lý do này, nhiều nội dung thảo luận quan trọng cần được trao đổi tại chỗ. Vì thế, các cuộc làm việc trực tiếp giữa mùa đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc các bên cần thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. “Kết hợp cùng các cuộc tập trận đang diễn ra trong khu vực Indo-Pacific, rõ ràng việc tăng cường hợp tác giữa các nước với “Bộ tứ Kim cương” đang chuyển động mạnh mẽ”, Ts. Nagao bình luận.
Phân tích về chuyến công du của ông O’Brien, PGS. Stephen Robert Nagy (Nhật Bản) nhận định: “Mỹ đang tiếp tục xây dựng lòng tin rằng Washington cam kết hợp tác cùng Việt Nam dù lãnh đạo Nhà Trắng là ai. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra khi ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống Mỹ. Vì chiến lược Ấn Thái Dương của Mỹ sẽ tiếp tục hướng đến nâng cao quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực”. “Nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, có thể nhìn thấy Washington có cách tiếp cận đa phương, có hệ thống nhằm thúc đẩy quan hệ với đồng minh cũng như các đối tác quan trọng trong khu vực”, PGS Nagy nhận xét.
Vai trò dẫn dắt của Nhật Bản
Từ ngày 18 – 20/10/2020, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã tới thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Thông lệ, tân Thủ tướng Nhật thường dành cho Hoa Kỳ, chuyến công du quốc tế đầu tiên. Tuy nhiên, ông Yoshihide Suga và trước đây là ông Shinzo Abe, đã phá vỡ tiền lệ này khi các ông đều đến Việt Nam để tiến hành chuyến thăm và làm việc nước ngoài đầu tiên của mình. Tại sao Việt Nam? Câu trả lời được giới quan sát đưa ra là vì, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia mà Nhật Bản xem là có chung những mối quan tâm về an ninh khu vực, cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) do Nhật Bản khởi xướng. Nếu Israel là cánh tay mặt của Hoa kỳ ở Trung Đông, thì Nhật Bản là cánh tay trái ở khu vực Ấn Thái Dương, nhất là trong chiến lược “Tứ giác Kim cương” đang có triển vọng trở thành cấu trúc an ninh và kinh tế kết nối hai đại dương liền kề.
Chiều 19/10/2020, ông Suga đã có buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Việt – Nhật ở Hà Nội và phát biểu về chính sách Đông Nam Á. Trong đó, ông Suga cho biết, Nhật Bản đang triển khai với tốc độ nhanh chưa từng có quỹ cho vay Hỗ trợ Ứng khó Khẩn cấp Khủng hoảng Covid-19 có tổng trị giá 500 tỷ yên (4,7 tỷ USD) trong vòng hai năm tới, hỗ trợ “hoạt động kinh tế của các nước, tập trung vào vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm ASEAN. “Việc hợp tác này cũng thúc đẩy chăm sóc sức khỏe toàn dân, một mục tiêu mà Nhật Bản đang cố hướng tới cùng với ASEAN”, ông Suga nói thêm.Về nguồn nhân lực, Thủ tướng Suga nói các thực tập sinh từ các nước ASEAN tới Nhật Bản đóng vai trò “quan trọng” cho kinh tế Nhật. Ông nhắc lại những cải cách của mình đã mở rộng 14 lĩnh vực cho họ tới làm việc ở Nhật Bản từ tháng 4/2019.
Chuyến thăm Việt Nam và Indonesia của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh năng lực quốc phòng của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với những tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Theo ông Jeff Kingston, Giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học Temple ở Tokyo nhận định với South China Morning Post, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia mà Nhật xem là có chung những mối quan ngại về Trung Quốc và cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một FOIP do Nhật Bản khởi xướng.
Ấn Độ - Cầu nối đến “Bộ Tứ”
Trong các hoạt động ngoại giao cấp tập, Việt Nam thông báo với Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại nơi này với việc triển khai tàu, chiến đấu cơ và ít nhất một máy bay ném bom tại vùng biển mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền của mình và cũng là nơi hãng ONGC của Ấn Độ có các hoạt động dầu khí. Theo GS. Carl Thayer của Đại học New South Wales, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa. Vậy nên việc Việt Nam chủ động thông báo với Ấn Độ cho thấy một động thái ngoại giao với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ chính trị”.
Tại cuộc gặp Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harch Vardhan Shringla (ngày 21/8), Đại sứ Việt Nam tại New Delhi Phạm Sanh Châu nói Việt Nam quyết tâm phát triển mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mạnh mẽ. Ấn Độ và Việt Nam giờ đây gặp nhau tại điểm hội tụ về chiến lược. Cả hai đều phản đối việc Trung Quốc coi Biển Đông là ao nhà của mình và cả hai cùng có lợi ích trong việc gìn giữ hoà bình và ổn định trong vùng biển tranh chấp. Sự hợp tác sâu rộng nữa giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các hoạt động khai thác dầu khí diễn ra nhằm đối trọng những hành động phát triển cơ sở hạ tầng vượt trội của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp với Ấn Độ ở Kashmir.
Ấn Độ coi tự do hàng hải trên Biển Đông là trọng tâm trong tầm nhìn của chiến lược FOIP và theo nhà nghiên cứu Malik, điều quan trọng hơn đối với Ấn Độ là kiềm chế những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết khu vực biển có tranh chấp. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, dù cả Hà Nội và New Delhi đều có thể thấy được lợi ích trong mối quan hệ đang nở rộ nhưng cả hai bên vẫn thận trọng, nhất là Việt Nam. Trong Sách trắng Quốc phòng mới nhất công bố cuối năm ngoái, Việt Nam vẫn tiếp tục không tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào trong chính sách quốc phòng “bốn không và một nếu” của mình.
Ngày 17/10/2020, Tạp chí Nikkei Asian Review dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho rằng sự vươn lên của “Bộ tứ Kim cương” phản ánh xu hướng thay đổi từ thế giới đơn cực sang đa cực và xu hướng này sẽ trở thành trung tâm trong tương lai. “Các thách thức chung hiện không có ai, cấu trúc, tổ chức hay hệ thống các nhân tố có sẵn có thể thực sự giải quyết”, theo ông Jaishankar. Lần theo tư duy chiến lược nói trên, ngày 3/12/2020, các chuyên gia nhắc lại đánh giá của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley khẳng định tại một diễn đàn về quân sự, Hoa Kỳ cần gia tăng gấp bội lực lượng Hải quân tại Tây Thái Bình Dương, từ đây đến năm 2045, để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc kiểm soát vùng biển này. Mỹ cũng cần triển khai một số lực lượng “trên bộ” tại Philippines, Việt Nam và Úc.
Úc - Việt ký Đối tác Chiến lược Toàn diện
Ngày 5/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên Việt Nam - Úc lần thứ hai theo hình thức trực tuyến. Hai nước đã ký chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020-2023. Chương trình tập trung vào 3 trụ cột là tăng cường gắn kết kinh tế; làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh; xây dựng quan hệ đối tác tri thức và đổi mới; giúp quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng và thực chất. Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Úc giai đoạn 2020-2023 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ký kết.
Ngoại trưởng Marise Payne nhất trí với các đề nghị của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về tăng cường các nỗ lực hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ngoại trưởng Marise Payne khẳng định sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong nông nghiệp, tiếp cận thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp Australia tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực hai bên quan tâm như viễn thông, hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính, ngân hàng, khai khoáng, năng lượng…; cam kết tiếp tục tăng hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sớm quay trở lại Úc học tập. Ngoại trưởng Marise Payne cũng chúc mừng Việt Nam về những thành công từ đầu năm tới nay trên cương vị Chủ tịch ASEAN; khẳng định Úc sẽ tham dự tích cực và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để bảo đảm thành công của các Hội nghị Cấp cao Đông Á, Cấp cao ASEAN - Úc và Cấp cao RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao các cam kết của Úc trong hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực, cả về thiên tai, giải quyết dịch bệnh thông qua tiếp cận các nguồn vaccine, tăng cường hợp tác kinh tế và hỗ trợ phát triển; triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chương trình Hành động triển khai quan hệ tập trung vào 3 trụ cột là tăng cường gắn kết kinh tế; làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh; xây dựng quan hệ đối tác tri thức và đổi mới; giúp quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng và thực chất. Bộ trưởng Marise Payne khẳng định Chính phủ Úc tiếp tục đặt ưu tiên cao với Việt Nam trong chính sách đối ngoại, coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nguồn Văn nghệ số 52/2020