Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu.
Trên thực tế, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch, tạo thêm thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã đạt thành tựu đáng ghi nhận với những con số ấn tượng. Cả nước đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.614 di tích quốc gia và 128 di tích quốc gia đặc biệt; có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê; 498 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận ghi danh, bao gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu. Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ con số đếm trên đầu ngón tay từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 196 bảo tàng (bao gồm cả 69 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia và 265 bảo vật quốc gia.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). |
Những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế
Dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vẫn gặp không ít khó khăn. Trước hết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa bộc lộ một số hạn chế, cả về nội dung lẫn hình thức trong từng lĩnh vực. Một số quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần được quy định rõ hơn. Bên cạnh đó, một số quy định của luật có tính khả thi chưa cao, không còn phù hợp với thực tiễn cần phải sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ. Trong thực tiễn, quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng gặp một số vấn đề phát sinh cần được bổ sung mới vào luật.
Mục đích sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa hiện hành còn tồn tại hạn chế, vướng mắc cũng như đứng trước những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Sửa đổi luật có tính chất kế thừa, sửa đổi - bổ sung và xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Sửa đổi luật cũng giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa; đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.
Quá trình xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được tiến hành một cách bài bản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì xây dựng Đề cương Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh Đề cương chi tiết Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng nội dung Hồ sơ dự án Luật. Vào tháng 8/2024 vừa qua, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, khóa XV đã thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Cơ hội phát huy, phát triển từ sửa đổi Luật Di sản văn hóa
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp nêu rõ, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật liên quan.
Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản giúp bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lí thuận lợi nhất cho các hoạt động giá trị di sản văn hóa của dân tộc phù hợp với tình hình mới và khắc phục một số hạn chế phát sinh trong thực tiễn. Bên cạnh đó, sửa đổi Luật Di sản văn hóa cũng phù hợp với thực tiễn, phát triển và đưa công nghệ vào số hóa các di sản. Điều này giúp quảng bá các di sản văn hóa trên không gian mạng cũng như đưa di sản Việt Nam ra thế giới. Số hóa các di sản cũng hỗ trợ đắc lực trong việc giới thiệu về vùng đất, con người, lịch sử Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ thích khám phá, tìm hiểu góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam phát triển.
Sửa đổi Luật Di sản văn hóa mang đến cơ hội phát triển của bảo tàng tư nhân. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay, các bảo tàng ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa của đất nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công chúng.
Hiện tại, Việt Nam có 69 bảo tàng ngoài công lập. Sửa đổi Luật Di sản văn hóa xem xét, xây dựng các chính sách, quy định riêng đối với bảo tàng tư nhân, để phát huy và phát triển loại hình này trong thời gian tới. Bảo tàng trở thành nơi gìn giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hóa của công chúng.
Các vấn đề về quy định không được sử dụng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vì mục đích lợi nhuận; cần có quy định riêng về mô hình quản lí đối với di sản đô thị; các quy định cụ thể về việc ngăn chặn, xử lí kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo sửa đổi Luật Di sản văn hóa cũng được bàn luận, lấy ý kiến sôi nổi. Vì thế, sửa đổi Luật Di sản văn hóa không chỉ phù hợp với thực tiễn mà còn tạo cơ hội mới cho bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.