Sáng tác

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Hiền Trang
Truyện
08:00 | 22/11/2024
Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.
aa

Con cá mập ấy định bay lên, nhưng vì một con cá mập không thể bay lên, nên nó chỉ còn cách là ngã xuống trong vô vọng. Không phải viên đạn đang xăng xái rẽ một đường chưa ai từng đi trong cơ thể nó mà cũng không phải cái chết đang tới gần khiến nó thấy mọi sự giãy giụa, từ đầu chí cuối, chỉ là sự băng hoại tất yếu của định mệnh, mà chính là việc, nó đã không thể nào, bằng bất cứ cách nào, bay lên, bởi nó đã được định hình trong cấu tạo, và nó dù có là sinh vật hung hãn nhất của đại dương bạo liệt thì cũng chẳng hơn gì một kẻ cam chịu tuyệt đối mà thôi.

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang
Minh họa Phạm Hà Hải

Cả đời mày đã tin mày là Tử thần nhưng mày đâu phải. Nó nghĩ thế và Tử thần cũng nói với nó, dường như, một điều tương tự, ở cùng tần số. Tử thần đứng ở kia, như hình chạm khắc của một trận phong ba hay một hòn đảo kết bằng đinh tán, khẩu súng trên tay y còn đang tỏa nhiệt, y đăm đăm nhìn cái hoạt cảnh đang dàn trước mắt mình như một họa sĩ vẽ bức tranh tham vọng nhất trong đời, bỗng nhiên thảng thốt nhận ra nhát vẽ vừa rồi sẽ, hay đã, là nhát vẽ cuối cùng trên tấm vải toan, bức tranh đã hoàn thiện, những gì y có thể làm thêm cho nó là không gì cả.

Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật. Kẻ bị giết thấy mình như con thỏ bị nhét vào chiếc mũ thần kỳ, và khi lôi ra thì mình đã hóa thành một cái khăn tay; nó tự hỏi vậy rốt cục nó là con thỏ bị hóa phép thành cái khăn tay, hay nó là cái khăn tay bị hóa phép thành con thỏ và giờ chỉ trở lại bản dạng thật của mình. Thật tệ, vào chính giờ chót của một đời sống, kẻ sắp chết nhận ra mình chưa bao giờ là cái mình vẫn là, và nó cũng không hiểu nổi thế cái gì đang chết. Còn kẻ giết, y thấy mình như đang biểu diễn trên sân khấu, giở một mánh khóe mà y đã thuộc làu làu, nhưng khi tiếng hoan hô rền vang thì cũng là lúc y biết đã không ai sa bẫy, họ vỗ tay chỉ bởi họ biết những gì diễn ra đây chỉ là một cú lừa về mặt thị giác, và con thỏ vẫn đang ẩn núp ở một ngóc ngách nào đó trên đời, như sự sống tạm nhường chỗ cho cái chết, nhưng khi tới thời cơ, nó lại vùng sống dậy, có thể là trong một cơ thể khác, nhưng vẫn là sự sống, và y - kẻ giết - dù có giết không ngơi nghỉ, cũng không thể nào giết cho kỳ hết, vì cái chết cũng chỉ là một sự vô ích nhọc công.

Bất chấp những suy tư ấy, y có thể thấy trước rằng hoạt cảnh này - một con cá mập mako với cái lưng màu xanh chàm và dưới ánh nắng chói chang giữa trùng dương, nó ngả sang màu trắng bạc của những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ - hoạt cảnh này, sẽ đóng băng trong y, một tảng băng ẩn mình sẵn sàng phá dỡ mọi con thuyền chở những mối ưu tư lảng vảng xung quanh nó, một tảng băng rồi đây, sẽ nhấn chìm con thuyền cuộc đời y.

Nó đóng băng trong y thật, Tử thần. Mỗi lần quờ tay vào khoảng hẫng của những lớp nhộn nhạo dưới bề mặt lớp da mình, y lại chạm phải tảng băng ấy, một đụn tuyết lạnh buốt giữa đại dương nắng cháy, lớp da nhám của con cá mập mako, không chịu tan chảy bằng bất cứ giá nào, y rụt tay lại nhưng không kịp nữa, cái lạnh căm từ nó đã làm tê liệt cả y và bắt nhốt y vào một dòng ý thức trắng lóa không tiếng động. Càng cố lẩn tránh khỏi tảng băng con cá mập, y càng bị thôi thúc bởi ý muốn thi thoảng đưa tay rờ lấy nó, nhất là những ngày chính hạ, khi không còn gì cản được toán thiên binh của mặt trời sầm sập đổ bộ, như thể y sợ nó sẽ tan chảy vào lúc y không để ý, như tuyết vẫn tan khi xuân sang, và còn lại chỉ là một vùng ướt sũng chảy tràn.

Y rờ vào tảng băng ấy luôn, những khi y không có gì để làm và những khi y đang làm một điều gì đó, thậm chí cả vào cái buổi sáng Chủ Nhật mà y nhỏm dậy từ chiếc giường của mình và bước ra ngoài lối vào cửa nhà chính, ngắm nhìn những triền núi xanh còn mờ sương, lộng lẫy như không chứa đựng một thực tại nào, và lòng y rạo rực cái ý nghĩ rằng nếu không phải bây giờ thì không còn lúc nào cho y nữa, cả lúc ấy y cũng rờ vào dưới da mình, sục sạo tìm cái tảng băng kia, để chắc chắn rằng nó còn ở đấy, bất biến, không suy suyển. Y yên tâm khi thấy cái góc nhọn của tảng băng đâm vào ngón tay cái mình chảy máu, như một lời hứa hẹn rằng dù y có đi tới bước đường nào chăng nữa, nó sẽ vẫn đâm vào tay mỗi khi y cần thấy máu mình. Y cần dắt sẵn trong người một thứ có thể hủy hoại bản thân, bất kể ở đâu, bất kể lúc nào.

Tám mươi mốt ngày tiếp theo kể từ con cá mập mako, y không đi câu và tránh mặt luôn cả biển. Y bất chợt dửng dưng với những con sóng và những xoáy nước khổng lồ, cũng chẳng thiết gì những con cá voi hay những con bạch tuộc. Bỗng nhiên y thấy ngay đến đám thủy sinh vất vưởng cũng trở nên quá cồng kềnh mà mảnh lưới đã te tướp của y không sao cưu mang nổi, y luyến tiếc vì đã lao vào cuộc sống quá nhanh, quá bốc đồng, đã ngụp lặn quá sâu, đã lật tẩy mọi thứ có vẻ như là bí ẩn, để rồi phải chứng thực rằng bên dưới đó không có gì quý giá, và một người chỉ cần bì bõm bơi trên bề mặt nông choèn của cuộc sống cũng là đã đủ. Y chỉ còn nằm úp mặt trên giường vào những ngày như vậy, tai bịt chặt để không một thanh âm nào từ đại dương lọt được vào màng nhĩ, dù là tiếng một con chim bói cá đớp hụt bọt sóng trắng tinh hay tiếng bật tắt của một cây đèn biển, và hối hận vì mình đã làm quá nhiều điều mà không để dành cho mai sau, vì mình đã vội vã làm toàn bộ những gì mà một người khác có thể nhẩn nha làm trong năm trăm năm, và y còn lí do gì để sống thêm năm trăm năm nữa.

Y đã không dành dụm cho mình một niềm hưng phấn bất chợt nào để chữa lành những ngày cả thèm chóng chán. Giá như y đừng đã tha thiết sống nhiều đến thế, để có lúc phải thấy rằng, với việc sống, y chỉ là một gánh nặng. Là một Tử thần, đáng ra y phải khác đi. Hoặc đáng ra y không nên là một Tử thần. Y không nên là nhưng y đã là. Đừng bắt y cắt nghĩa. Y đã nghĩ mình có thể sống bình thường như một người thợ sửa xe trong những gara trơ trọi trên những xa lộ không một bóng người, người mà mỗi ngày đều lôi ra lau chùi bộ cờ lê ốc vít, nhưng khi người đó mong chờ một vị khách phương xa ghé tới với cái xe trật bánh thì lại chỉ thấy trước thềm nhà một cơn mưa nặng hạt, và vì đâu y đã không thể trở thành một cái gì gần giống. Nhiều năm về trước, mẹ y đã muốn y trở thành một nghệ sĩ cello và khi nghĩ lại y cho rằng nó cũng phi lý như cái cách định mệnh muốn y làm một Tử thần, cũng phi lý như cái cách y muốn mình trở thành một người viết lách. Y khước từ được mẹ, không khước từ được định mệnh, và cũng không khước từ được chính mình, đó là nỗi bất hạnh của y, vì đã nghĩ rằng có độ sai khác trong những công việc ấy, nhưng ai ngờ là lỗi của phối cảnh, những thứ ở gần thì tưởng xa mà những thứ thật xa lại tưởng gần. Một kẻ giết những dây đàn, một kẻ giết sinh vật sống và một kẻ giết những trang giấy, nếu đã biết sớm là cũng như nhau cả, y có khi đã chọn giết những dây đàn.

Và, ờ thì y cũng có một người mẹ. Một Tử thần thì không thể có mẹ ư, không, y có mẹ, y có cả một ngôi nhà nơi y đã sinh ra, nơi năm bốn tuổi y vẫn thường nhảy lên bộ trường kỷ và lén lút nếm trà ướp nho Muscatel mà ông ngoại y thường pha sẵn, ông ngoại y, người mà tên ông đã được dùng làm tên của y, phải, y có cả một người ông và thậm chí là cả một cái tên, dù là một cái tên mà y chưa bao giờ muốn có. Y vẫn thường nghĩ về cái thời điểm mẹ đặt tên cho mình, thời điểm đã cưa đôi cuộc đời y thành hai miền đất mà giữa chúng không có một tấm vé khứ hồi. Trước thời điểm ấy, hằng hà sa số những cái tên treo chi chít trên đầu y, mẹ y đã có thể lấy đại một bản đồ sao, chỉ vào chòm sao Lepus và nói, đây, tên của thằng bé con tôi, mẹ y cũng đã có thể mở đại một cuốn từ điển về các loài giáp xác, thấy hình một con ghẹ xanh đang bơi tung tăng và quyết định, Portunus pelagicus, đây, tên khoa học của con ghẹ đáng yêu kia, sẽ là tên của con, con ạ, hoặc giả, bà có thể lấy tên một cụ tổ năm đời, hay tên của cha y, hay tên người tình đầu mà bà không bao giờ nhắc đến, Chúa ạ, bà có thể chọn bất cứ cái tên nào, có quá nhiều quá nhiều cái tên cho bà lựa chọn. Nhưng bằng cách nhắm mắt giật lấy trên đầu một cái tên trao cho con mình, bà đã tạo ra một thời điểm bước ngoặt, rào lại hàng tỉ con đường và rồi buộc y phải gắn bó với cái tên này, tên ông nội y, Ernest Miller, chỉ có cái họ là khác, vì đó là họ bên nhà nội, Hemingway.

Y không phàn nàn gì về họ hay tên đệm, y thấy ổn với hai phần ba cái tên, nhưng có những thứ chỉ cần phần thiểu số hỏng là đi đứt, xét cho cùng thế giới đã sa đọa mà không cần tới một nửa dân số là phát xít. Ernest, có khi chính cái tên ấy đã đẩy y ra nông nỗi này, nó thiếu mất một chữ “a” để là Earnest - nghĩa là “nghiêm túc”, và nó chỉ là một sự nghiêm túc giả hiệu, một sự nghiêm túc chẳng hề nghiêm túc, nghe thế mà không phải thế, lại là một trò ảo thuật, nhưng lần này là một trò mị hoặc về mặt thanh âm.

Cái tên ấy đã báo hại y. Nếu không vì cái tên ấy, y đã thành một xác chết thay vì một Tử thần. Mãi sau y mới biết mình đã dại dột biết bao, dù tử mạng năm mười chín tuổi với hai trăm ba mươi bảy mảnh đạn găm vào người nghe có vẻ là một kết cục thảm thê, nhưng mọi chuyện tốt hơn là nên diễn ra như thế. Song, nghĩ là nghĩ vậy, chứ vào cái lúc y nằm trên cáng cứu thương, như một đống bầy nhầy phân hủy và tự hoại, một con tôm bị long ra khỏi vỏ, một cái cửa sổ bị dỡ khỏi bản lề, một tấm kính úp ngược vào bức tường đổ nát, một thành phố tan hoang sau cơn động đất, vào lúc ấy, khi ngay đến cả ánh rạng đông cũng bị mắc kẹt trong những bụi rậm tai ương, còn linh hồn y đã gãy làm đôi và văng một nửa bên cây cầu đã cháy, thì y còn có thể làm gì khác ngoài rên lên yếu ớt khi nghe có ai đó gọi tên mình? Ernest, y đã nghe rất rõ tên mình phả ra trong hơi thở khẽ khàng của một người nào đó, làm y nhớ tới những ngọn gió đã nuôi lớn những chùm nho trĩu quả trên những đồn điền quê hương vào mùa thu hoạch, Ernest đấy ư? Nghĩ rằng có một thiên thần gọi mình về trời, y đáp, vâng, là tôi đây, là chính tôi đây. Y biết đâu Định mệnh đã giăng ra một cái bẫy, còn y, đã sập.

Định mệnh, có phải ông đang vẽ Định mệnh đúng không Pablo? Sau này, khi y gặp Pablo Picasso, người mà y sẽ gọi là Xô, trong ngôi nhà một người bạn ở Paris, y đã kéo ông ra ngoài và hỏi riêng ông điều đấy. Nhất định là ông đã vẽ Định mệnh, còn có thể là gì khác, những khối kỷ hà dàn phẳng lên mặt giấy, xâm lấn lên nhau, chối bỏ những sắp xếp có tổ chức và quy tắc, những tổng thể bị đập bỏ rời rạc và quăng quật, những mảnh rơi rụng và khai trừ khỏi mình phạm trù đạo đức ấy chỉ có thể là Định mệnh thôi, hãy nói với tôi rằng, mọi thứ ông đã vẽ, là Định mệnh. Nhưng Xô, sau một hồi nín lặng, chỉ là một hồi nín lặng nữa. Lời đáp chỉ tới sau hai hồi nín lặng ấy, không không, Ernest ạ, đó không phải là Định mệnh, cái mà tôi vẽ đó, nó là chẳng là gì cả, nhưng vì Định mệnh cũng chẳng là gì cả, anh bạn thân mến ạ, nên nói như anh, cũng có thể là đã đúng.

Thái độ sao cũng được trong câu trả lời của Xô không làm y thất vọng hay thoái chí. Miễn là y biết nó là Định mệnh là được. Và, y biết chứ. Y biết Định mệnh là những mảnh đầu thừa đuôi thẹo được ráp nối vô lương tâm, y thừa biết, bởi y đã thành Tử thần vì thế. Vị Tử thần đã thu nạp y khi y nằm trên cáng cứu thương, một ngày nọ, thú nhận với y điều đó, rằng Định mệnh đã yêu cầu ông tìm một quân nhân tên Earnest đang hấp hối trên mặt trận ở bờ sông Isonzo, là Earnest với một chữ “a”, để cứu sống anh ta và đưa anh ta gia nhập binh đoàn thần chết, nhưng cũng chính là Định mệnh đã để ông sơ suất mà nhận lầm y, Ernest không có chữ “a” nào cả. Định mệnh trí trá, cẩu thả và ngụy biện như vậy đấy.

Lúc đó là Thế Chiến thứ nhất, một cách gọi khác của việc cả thế giới vùng lên đánh nhau, lần thứ nhất, sẽ còn lần thứ hai nữa nhưng ấy là chuyện sau này. Trong cái thời kỳ ấy, chỉ có hai loại người, loại giết và loại bị giết, và sự phân loại chỉ có tính nhất thời, bởi loại giết hôm nay, ngày mai cũng có thể bị giết, đôi khi người ta thấy mình là kẻ bắn trước nhưng cũng lại chính là mình là kẻ rơi đầu trước, vô lí ư? Nhưng sá gì logic hay những mũi tên ngoại suy trong một cuộc tương tàn, vì đây nữa, đây cũng là một trò ảo thuật, kẻ bị giết biến thành kẻ giết, con thỏ biến thành cái khăn tay, còn y, từ kẻ đang lịm dần trở thành ông chủ của cái chết, một khúc cua không thể lí giải của định mệnh, nó chuốc cho y say, giải y lên xe, rồi nó chở y đi, thảy bỏ y ở lại và khi y mở mắt ra, y thấy mình đã ở đó, không biết lối nào đã dẫn y tới đó nhưng y tóm lại là đã ở đó, y là con tin của Định mệnh, như mọi người.

Có một lúc, khi bước xuống thềm nhà vào tảng sáng một ngày Chủ Nhật, cái ngày mà y nhỏm dậy từ giường mình, y nghĩ và nghĩ và kết luận rằng tảng băng đã có từ trước khi có con cá mập mako, nó đã tích tụ từ đời thuở nào rồi và con cá mập chỉ đơn thuần là sự dồn nén quá độ làm tảng băng trồi lên mặt nước cho y rờ thấy. Và giọt băng đầu tiên có lẽ đã rơi xuống hóa nhũ trong thạch động của y có lẽ là khi vị Tử thần tiền bối thủ thỉ rằng, ông đã lầm, nhưng thế giới này có thể chấp nhận mọi lỗi lầm, nó chỉ không chấp nhận sửa sai, và ông đã nói đến thế thì y còn làm gì được nữa.

Y chỉ bảo ông hai điều, rằng, điều thứ nhất, làm Tử thần nằm ngoài mọi kế hoạch của y, y muốn trở thành một nhà văn, còn làm Tử thần, y chưa thấy có gì thú vị trong việc làm Tử thần cả. Ông cười khan, ồ không, chẳng có gì diễn ra theo kế hoạch cả đâu, cậu có lên kế hoạch để bị hai trăm ba mươi bảy mảnh đạn găm vào người và chết như như một con chó, à, một con chó anh hùng, trên trận mạc? Không, cậu không lên kế hoạch cho mình như thế, nhưng nó vẫn diễn ra, cậu vô can trong chính cuộc đời mình Ernest ạ, và cậu hãy cứ làm nhà văn, đâu ai cản cậu, tôi vẫn là một người thợ mộc những khi tôi không làm Tử thần, đâu ai cản tôi, chúng ta được sinh ra để cùng một lúc làm nhiều thứ, cũng đừng nghĩ tôi làm Tử thần vì việc ấy có gì thú vị, cậu có thấy thú vị với hai trăm ba mươi bảy mảnh đạn găm vào người, có thích thú nằm đây chờ chết không? Không, chúng ta không làm Tử thần vì công việc này thú vị, chính đấy mới là phần đáng mong chờ nhất. Rồi y nói với ông, rằng, điều thứ hai, y có thể giết, giết bất cứ con gì, cái gì, thứ gì chịu được sự chết nhưng y sẽ không giết người. Ông cười khan lần nữa, ồ không, cậu sẽ giết người chứ, cậu sẽ giết, không phải bây giờ, được thôi, hãy cứ giết chó mèo heo gà, giết cả linh dương sư tử ngựa vằn gấu trắng cũng được, tùy cậu, bắt đầu như vậy là rất tốt, nhưng rồi cậu sẽ giết người, tin tôi đi, cậu sẽ giết người, cũng chẳng khó lắm đâu, tôi cũng từng như cậu, tôi nói chắc như đinh đóng cột rằng đừng hòng tôi giết người, thế mà chỉ ba tuần sau, tôi giết kẻ đầu tiên, đã có kẻ đầu tiên thì sẽ có kẻ thứ hai và kẻ thứ một nghìn, để xem cậu sẽ trụ vững tới tuần thứ mấy, cho cậu ba tuần nhé, không gấp quá đấy chứ, ồ, tôi không muốn xúc phạm cậu đâu.

Ông đã nhầm và ông đã không nhầm, y cũng vậy. Ba tuần sau, họ gặp lại và y mang theo cái đầu một con nai sừng tấm. Nó bị hóc khi nuốt phải một trái phong già, và y giúp nó, bằng một viên đạn, chết yên lành trên thảm lá phong. Con vật khuỵu xuống như một vũ công ballet chào khán giả trước khi màn nhung đóng lại, nó làm y hiểu lầm rằng cái chết thật đẹp, chỉ là nhún mình một chút trước những khán giả đang trầm trồ thưởng thức, chỉ là điệu bộ làm duyên trước cuộc sống quá đỗi khắc nghiệt và tàn độc. Thậm chí, con vật đẹp hơn sau khi nó chết, nó nằm im ở một tư thế mà nếu ướm vào máy quay phim sẽ vừa đúng một khung hình tỉ lệ vàng, hai chân trước của nó co lên, cái mõm đẫm sương còn thấp thoáng những cọng lá cây trinh nữ, mà hẳn, đã rớt lại từ đêm hôm trước, dòng máu đỏ tuôn ra từ ngực, hòa vào sắc đỏ thẫm của lá phong thu giòn tan, một sự hoàn hảo không xáo động và ngọ nguậy, không một động tác thừa, không một chi tiết hụt.

Đứng ở trước hiên nhà vào một ngày Chủ Nhật lặng thinh, y xoay lật mình theo đủ mọi phương và ngắm nhìn nó thật lâu. Phải chi y đã phát hiện ra tảng băng sớm hơn một chút, nhưng biết sao được, y đã phát hiện ra tảng băng khi đã quá muộn màng, nó đã quá lớn để y có thể đập bỏ, hóa hơi hay làm bất kỳ một điều gì khác ngoài rờ lên nó đến khi tay chảy máu. Y đã giữ rịt cái mặc định ấy quá lâu, rằng chỉ trong cái chết, sự sống mới đạt tới trạng thái toàn bích của mình, và rồi đã bôn ba khắp nơi, làm tròn bổn phận của một Tử thần. Có nghịch lý không, khi chính trong vai một Tử thần mà y đã sống thật nhiệt thành và vồn vã? Mỗi đêm khi bước vào giường, y bồn chồn không thể chờ đợi tới ngày mai để tiếp tục chuyến đi săn còn dang dở, y thấy mình trong những cơn sốt sình sịch mà vẫn đầu trần phi nước đại qua những thảo nguyên bạt ngàn và nhắm bắn hàng đàn bò mộng, y thấy mình ngồi sau chiếc xe jeep bốc cháy băng qua những đồng cỏ savanna chạy đua cùng đàn ngựa vằn trong ráng chiều đỏ chót và lội xuống đầm lầy khua khoắng đánh thức đàn cá sấu đang ngủ rất say, y thấy mình dong duổi tới tận Phi châu để đấu tay đôi với một con sư tử đầu đàn tự xưng là chúa tể và y cưỡi lên lưng một con tê giác đi từ Rwanda cho đến khi tới được Congo thì nó bị y kết liễu, y sẽ không trở về từ biển cả nếu trên ghe tàu không chất đầy những cái đầu của lũ thủy quái khổng lồ đủ cúng tế cho 12 vị thần Olympia và kể cả vào những ngày buồn tẻ nhất thì y cũng phải thảm sát bầy bồ câu trong khu vườn cung điện vua Henry đệ tứ. Y thấy những dòng sông lửa băng qua đời mình, nhói lên một vẻ huy hoàng, cái giây phút cuộc sống đoạn tuyệt cùng cái chết, mọi thứ đùng đoàng nơi nòng súng như một buỗi diễn pháo hoa, và niềm cuồng hoan hiển hiện cả trên những thân cây bao báp.

Tháng Bảy năm đó, cái nóng độc đoán. Vào cái giờ tờ mờ này, khi đêm còn chùng chình chưa tan hết, vậy mà cái nóng cũng không hề cả nể, nó bốc lên từ đất và ngay đến lá cây hình như cũng thở ra hầm hập. Và vào một ngày như ngày Chủ Nhật hôm ấy, một người quên mất mình là thể rắn, mỗi bước đi lại sũng sĩnh thêm ra, lớp biểu mô ngoài cùng chảy rữa và thâm u cùng cốc phơi bày. Thế mà, ngay trong cái nóng hắc ám ấy, tảng băng của y không những không hề thu bé mà hồ như còn lớn thêm, hồ như vô phương cứu chữa. Dạo ấy, phiêu bồng trong những cuộc săn, y bỏ mặc cho cơ thể mình lên nấm mốc. Y đã không đoái hoài gì đến những xơ cứng nơi mình, khi không đi săn, y viết về những cuộc đi săn, những cuộc đương đầu với mãnh thú và những trò chơi ác liệt nơi tiền tuyến, nhưng phần lớn là về những cuộc đi săn, và có lẽ, nếu không là một Tử thần, y đã không có gì để viết. Cuộc đời về bản chất, y lùng sục mà không thấy có gì để viết, nó trụi lơ và nhạt nhẽo, buộc y phải nhồi nhét, đắp điếm, hóa trang. Song, người ta lại thích điên cuồng những điều y viết, cứ như thể bên trong họ kẻ nào cũng có tố chất của một Tử thần, kẻ nào cũng muốn được lang bạt và vung lên lưỡi hái, và y là một bà đồng giúp họ làm trung gian cho cái nguyện ước âm ỷ này. Chà, dạo ấy, y đã buông thả biết bao, cho việc sống.

Thế mà, cũng không mãi được. Câu này là Xô đã nói với y, khi Xô chỉ cho y xem một bức tranh vào một lần hai người tình cờ gặp lại, trong một quán cafe xó xỉnh nào đó ở Paris mà cơn mưa dai dẳng dồn họ tới chân tường, một cuộc gặp gỡ sẽ trượt dài vào những dữ kiện không tên, không ghi chép, không cứ liệu, không còn lại và không tồn tại. Không phải tôi vẽ đâu, Xô nói, không phải là Định mệnh, nó vượt thoát khỏi Định mệnh, cậu nên biết là như thế, hãy nhìn những người đàn bà nằm chải tóc, thổi sáo và trần truồng múa vòng quanh dưới những tán cây ra hoa hồng rực, họ đang vui đấy, và trên bức tranh này họ sẽ mãi mãi vui như chưa từng nếm mùi đau khổ, nhưng chỉ trên bức tranh này, chỉ một bức tranh này thôi, nhưng cậu nghĩ mà xem, chỉ thế thôi cũng đã thật dài, đâu có gì được mãi.

Y không tài nào đếm nổi mình đã giết bao nhiêu con cá mập mako trong đời, và con cá mập đóng băng trong y, y càng không biết nó là con cá mập thứ mấy y đã giết, có lẽ là một con số xấu, một con số mà sự hiện diện của nó chỉ là một sự tiếp nối bắt buộc mà không mang theo biểu tượng gì, trong nó không có sự trường sinh hay những điều may mắn, không có điềm lành hay điềm gở, chỉ là một con số ngẫu nhiên bị lôi kéo hay ép uổng vào trò tiêu khiển được dựng lên cho những người cổ sơ đếm những con dê du mục. Vậy mà, cùng với con cá mập mako thứ bao nhiêu không biết ấy nằm ngồn ngộn trên sàn thuyền, y thấy cộm lên trong mình một tảng băng u tối, chặn đứng những dòng hải lưu hạnh phúc đã từng chảy trôi, và từ đâu trong bóng đêm thâu của nỗi lòng, rỉ ra thay cho máu, là những dòng nước mắt.

Nhưng không, ông đã nhầm và y đã không nhầm, rằng y không giết người. Ba tuần, y lùi thành năm tuần, rồi ba tháng, rồi hai năm, và sau hai mươi năm, đến khi y nhỏm dậy từ cái giường ấm êm của mình vào một sáng Chủ Nhật, thì đã là hơn bốn thập kỷ dài y lần lữa và thoái thác. Chẳng phải vì lương tâm mà y không làm thế, y đã quên quách lương tâm từ lâu lắc rồi, ở cái tuổi này, người ta sống khỏe mà không cần lương tâm, có lương tâm chỉ tổ làm mọi thứ thêm bề bộn và rối rắm, và nếu y đã không giết, có chăng, chỉ là vì, y nghĩ, chưa đến lúc. Ý nghĩ chưa đến lúc đã lủng lẳng trong y đến tận hôm qua, cả khi y ngồi bên bàn ăn uống tì tì một chai cognac, y vẫn nghĩ là chưa đến lúc, cả đến tận đêm qua, khi y đặt lưng nằm lên chiếc giường ở gác hai, hít một hơi tràn trề diệp lục của đồng quê đêm buông trước khi chìm vào giấc ngủ, y vẫn nghĩ là chưa đến lúc, thậm chí cả trong giấc mơ đêm ấy, khi y thấy một con linh cẩu nhảy xổ vào người mình trong khoang trực thăng đang rơi tự do xuống một đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, y vẫn đoán chắc rằng, chưa đến lúc đâu, hẵng còn xa lắm. Và y chiến đấu với con linh cẩu trong giấc mơ trong khi trái tim hào hứng nghĩ rằng, y sẽ để dành nhiệm vụ giết người này, dù sao cũng cần một cái gì đó để dành cho mai sau không nhàn rỗi, như cách người ta vẫn viết trong những tờ thư gởi chính mình của năm mươi năm nữa, rằng “Bạn thân mến hỡi, hãy cất nhà trong một khu rừng và từ nay sống yên vui cùng hoa cỏ”. Ừ, y đã thực tâm nghĩ như thế. Vậy mà, cả nó nữa, cũng chẳng mãi được đâu.

Sớm hôm ấy, một sớm Chủ Nhật, sau khi con linh cẩu đã chết và cái trực thăng đã tan xác giữa rừng sâu, y tỉnh dậy và đột nhiên thấy thế giới bên ngoài hiện ra mới mẻ. Y không biết chính xác là cái gì mới ở đó, những hàng thù du vẫn là những hàng thù du, và, Mặt Trời vẫn chưa biến thành Mặt Trăng, và, tiếng rúc rích của những con sơn ca vẫn sáng trong như suối chảy. Chuồi khỏi chăn, y nhỏm mình khỏi giường, và, xuống nhà tìm một ly nước lọc, nhưng, lục khắp nơi, y cũng không thấy gì hơn ngoài chai cognac đã uống hết già nửa, và, khi uống cognac, y nghĩ về những giấc mơ vừa qua, đồ rằng, mình nên viết tiếp câu chuyện thứ hai, về con linh cẩu.

Y ngồi vào bàn viết, lấy ra những tập giấy trong hộc bàn và tìm một cây viết mới, lắc lắc lọ mực đã chớm khô, rồi đặt nét bút đầu tiên trên tờ giấy trắng. Từ phần thân rễ sâu nhất của mình, một nguồn cảm hứng sáng tạo dâng lên trong y, đây sẽ là một câu chuyện thật hay đây, y linh cảm, sẽ hay hơn tất cả, không thì cũng ngang bằng, những gì hay nhất y từng viết, y hứng khởi di đầu bút xuống mặt giấy, biết rằng chỉ cần một chữ cái đầu tiên tuôn ra là cả một dòng sông sẽ chảy. Có điều, khi nét gạch đầu tiên thành hình, y chợt không biết nét tiếp theo sẽ như thế nào thêm nữa, có một cái gì nghèn nghẹn, nhộn nhạo, một cái gì đó vương vướng, kẹt cứng, một chướng ngại vật dai dẳng, ảo não và tọc mạch, một cái đập, một cái đê như đang ngăn không cho cảm hứng lọt xuống kẽ tay y. Y nhíu mày, có lẽ nào mình đã lạc vào một đám sương mù cô đặc. Y áp tai vào nghe ngóng, rồi quờ tay vào cái vương vướng, kẹt cứng ấy, những mong hẩy nó ra, gạt nó đi, hay ít nhất là thu gom nó lại, nhưng khi tay y vừa tới nơi, cái tay vội vàng rụt về như chạy trốn, và khi đưa tay lên, y thấy những đầu ngón tay mình nhễu ra một lớp băng lạnh.

Ngay giữa cái nóng mùa hè, những đầu ngón tay y tê buốt và ẩm thẫm, như báo hiệu rằng thời khắc mà y dè xẻn bấy lâu đã đến. Rời khỏi bàn viết, y lại rón rén bước lên lầu, mở tủ quần áo, lấy ra một khẩu súng mà y vẫn thường dùng để giết những con bồ câu vào những khi không thể bay tới cánh đồng savanna hay bơi thuyền ra vịnh.

Xung quanh vắng lặng như tờ, không một bóng người lai vãng, chỉ có một người đàn bà đang nằm trên giường mà y đã quyết định không nhắc đến, bởi y rồi sẽ hủy hoại nàng vào một lúc nào đó, nhưng không phải lúc này, cũng không phải vì tình yêu mà y bỏ qua nàng, tình yêu cũng như lương tâm mà thôi, ở tuổi này không còn cần nữa, và y không chọn nàng, có lẽ là vì với y, đã đến lúc, còn với nàng, vẫn chưa. Y đi vòng một vòng khắp căn nhà, nhưng dù có đi tới vòng thứ hai hay thứ hai nghìn, y cũng sẽ không tìm được ra kẻ nào quanh quẩn, trong khi, y đã nghe hơi thở của Định mệnh phả ngay sau gáy và Định mệnh đã đuổi kịp đến mình, không cho lưỡng lự hay trì hoãn thêm một giờ nào nữa.

Chẳng còn cách nào, y bước ra khỏi thời gian từ con đường dẫn vào cổng chính, cảm thấy dù đứng ở đâu trên con đường này cũng có thể thấy bình minh đang ngấp nghé nơi song cửa, y chọn đại một nơi, như một kẻ giết cô đơn và một kẻ bị giết cũng cô đơn, và, y rờ lại lần cuối cái tảng băng đang nhộn nhạo lớn dần lên trong mình, tốt, nó vẫn ở đây, cả lớp da nhám nhám của con cá mập, và, y thú nhận trong thầm lặng, Tử thần, ông đã không nhầm đâu, còn tôi thì đã sai rồi, và, nghĩ đến thế, kẻ giết đưa súng lên, kề vào đúng thái dương kẻ bị giết, và, nhắm mắt lại, và, bóp cò.

VN11/2022

Tags:

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ