Về bài viết của bác Đỗ Tiến Bảng đăng trên Văn nghệ số 52, ra ngày 29/12/2018, chúng tôi xin được trao đổi lại mấy điểm mà tác giả bài báo quan tâm, chất vấn chúng tôi:
1.
Về vấn đề dẫn nguồn: Hỏi thăm, biết bác từng giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, nên chúng tôi rất nể trọng bác. Qua bài viết, chúng tôi hiểu bác là một nhà giáo rất chuyên cần, một nhà tư liệu học giàu có. Bác nói rằng cái “nguồn” mà chúng tôi dẫn ra, có “niên đại” muộn hơn so với các tư liệu mà bác dẫn ra trong sách này sách kia. Các sách ấy, không phải là chúng tôi không biết, mặc dù chúng tôi không phải là nhà chuyên môn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, như đã nói, nguồn trong dân gian, được các nhà sưu tầm, nghiên cứu, in thành sách nọ sách kia, nhưng xin phép hỏi bác rằng, các câu ca dao được truyền miệng trong dân gian có trước, hay mấy cuốn sách của các nhà sưu tầm nói trên có trước? Thế nên, các câu ca dao lưu truyền trong dân gian, có ai dám khẳng định dứt khoát rằng câu này, câu kia ra đời vào ngày nào, tháng nào, năm nào hay không? Chung quy cũng chỉ là những ước đoán, những cách hiểu phần nhiều mang tính chủ quan của cá nhân. Bởi vậy, cũng không nên xem nguồn của mấy cuốn sách trên có giá trị hơn nguồn của chúng tôi cung cấp, cho dù chủ nhân của sách ấy là những ai chăng nữa. Đã không thể khẳng định chính xác, thì cớ sao có thể nói rằng những tư liệu “nguồn” ấy là đáng tin cậy hoàn toàn, là có giá trị hơn “nguồn” mà chúng tôi sử dụng? Các công trình sưu tầm, biên soạn về văn học dân gian của cụ Vũ Ngọc Phan cùng một số cộng sự và đồng nghiệp tiếp nối, đương nhiên, đó là những đóng góp đáng quý. Nhưng nếu chú thích rằng nội dung mấy câu ca dao ấy là ca ngợi sự giàu có sung túc, ấm no ở các triều vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông, chẳng phải là một chú thích chủ quan, thiếu cơ sở thực tế lịch sử hay sao? Thế nên, trong các bài viết của mình, chúng tôi cũng chỉ dùng những chữ “có lẽ”, “có thể”, “phải chăng”… không mang nghĩa khẳng định, chẳng phải cũng là những chữ nên dùng hay sao? Thêm nữa, lý do mà các sách trên chú thích như vậy, theo chúng tôi, là bởi vì ở thời điểm ấy, các soạn giả ấy chưa có thông tin mới, khách quan về nhà Mạc, thì sai sót ấy cũng là lẽ thường tình. Chỉ một số năm gần đây, các công trình nghiên cứu về nhà Mạc mới được tiến hành đầy đủ và sâu sắc hơn, mới thấy được những đóng góp không nhỏ về nhiều mặt của nhà Mạc trong quá trình phát triển của đất nước. Hàng mấy trăm năm, hình ảnh của nhà Mạc bị che phủ bởi những tư tưởng “bảo hoàng” của các nhà làm sách, đặc biệt là cuốn VIỆT NAM SỬ LƯỢC của ông Trần Trọng Kim. Theo chúng tôi, bạn đọc ngày nay cũng nên thể tất cho những lời thóa mạ vô lối của ông Trần Trọng Kim khi đánh giá về nhà Mạc, rằng khi viết cuốn VIỆT NAM SỬ LƯỢC, ông ấy cũng chưa đủ cứ liệu về nhà Mạc như ngày nay chúng ta đã thấy !
2.
Về việc ông Đỗ Tiến Bảng khuyến cáo chúng tôi nên tìm hiểu các tác giả có học hàm học vị trong nghiên cứu văn học dân gian, đương nhiên là rất quý rồi. Tuy nhiên, dù là kẻ “ngoại đạo”, nhưng chúng tôi không phải là không biết đến danh tiếng những cao nhân này và trước tác của họ. Và cũng xin thưa với bác rằng, những cao nhân ấy, cho dù là họ có học hàm học vị thế nào chăng nữa, giá trị của họ đến đâu chăng nữa, thì cũng không có nghĩa là là những người không có học hàm học vị, hoặc kém hơn là không có chút giá trị nào. Ở đời nhà Nguyễn, cụ Vũ Phạm Khải (1807-1872), chỉ có học vị Cử nhân (1831), nhưng cụ Khải sau đó đã là người mấy lần chấm thi lấy đỗ các Tiến sĩ đấy ! Hoặc như cụ Lê Đại Cang (1771-1847), chả có tí học hàm học vị nào cả, nhưng cụ Cang (Cương) từng là chủ khảo kỳ thi Hương ở Hà Nội (1831), lấy đỗ Cử nhân, Thánh thơ Cao Bá Quát đấy thôi!
3.
Bác Đỗ Tiến Bảng khi phân tích mấy câu ca dao, đã bác bỏ ý kiến của chúng tôi về nội dung và cho rằng, hình ảnh “con bế con dắt, con bồng con mang” “chỉ có thể là hình ảnh đông con, một đàn con bé bỏng” và kể tên những vua bé vua con nào đó ở đời Lê Sơ, rồi kết luận rằng “phát minh” của bác chúng tôi đã không bàn đến. Thưa rằng liên tưởng ấy của bác, chúng tôi chẳng đã nói rồi sao? Đó là một cách hiểu có phần khiên cưỡng, chúng tôi đã nói như vậy. Và với cách hiểu này, bác cũng đã tự bác bỏ bản thân mình, khi bác tán đồng nhận xét của chú thích trong sách Tuyển tập văn học dân gian ? Chú thích ấy nói rằng hình ảnh đó là thể hiện sự no ấm, giàu có, sung túc của dân gian. Thực ra, nội dung của chú thích ấy là đúng, chỉ chưa đúng ở chỗ nó khẳng định địa chỉ về đời Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông mà thôi! Lý do như chúng tôi đã nói ở trên. Toàn bộ kiến giải của chúng tôi nằm rải rác ở các bài đã viết.
4.
Việc bác Đỗ Tiến Bảng phê phán chúng tôi, rằng chúng tôi cho rằng CHÍNH SÁCH MỞ CỬA của nhà Mạc là dựa trên cơ sở nào? Thưa rằng, chúng tôi chỉ dựa vào nhận xét của các sử gia nhà Lê Trung hưng, ca ngợi nhà Mạc. Xin hỏi bác nhé: Không dựa vào những tư liệu ấy thì dựa vào đâu ? Nhà Lê Trung hưng xem nhà Mạc là kẻ thù, mà các sử gia nhà Lê Trung hưng trong sách TOÀN THƯ buộc phải viết như thế, vì đó là sự thật khách quan, còn gì đáng tin cậy hơn không? Còn như bác chất vấn chúng tôi lấy tư liệu nào để kết luận về chính CHÍNH SÁCH MỞ CỬA của nhà Mạc ư? Các sách sử đương thời tất nhiên không hề có cụm từ này, nhưng những khảo cứu đương đại về nhà Mạc, cho thấy gốm sứ Chu Đậu ở Hải Dương đã từng được các thương đoàn người Việt chở bằng thuyền buồm đi khắp thế giới. Hiện có hơn hai chục bảo tàng lớn ở châu Âu đang lưu giữ các sản phẩm gốm sứ Chu Đậu như những bảo vật quý báu của nhân loại. Chẳng phải đấy là chính sách xóa bỏ cấm vận, mở rộng ngoại thương là gì? Chúng tôi đã nói rồi, chả lẽ bác quên ư? Chả lẽ bác là nhà nghiên cứu, lại không cập nhật được những kiến thức phổ thông này, từng đã được công bố từ hơn chục năm trước hay sao? Lịch sử luôn không ngừng được bổ sung bằng nhiều nguồn tư liệu, kể cả các bi ký, gia phả dòng họ, ca dao dân ca, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, mỹ học và nhiều nguồn tư liệu phong phú khác có được ở khắp nơi, đâu phải chỉ chăm chắm vào việc “tầm chương trích cú” những tư liệu vốn rất nghèo nàn ở trong nước, thậm chí có nhiều chỗ đã lỗi thời hoặc đã được làm sáng tỏ?
Chúng tôi trộm nghĩ, các công trình nghiên cứu của những tác giả, soạn giả đi trước, dù ở mức nào chăng nữa, cũng không bao giờ là sự hoàn mỹ và do đó, cũng không nên xem đó là chân lý vĩnh cửu, là hoàn toàn đáng tin cậy. Sự nghi ngờ trong nghiên cứu khoa học chính là tố chất cần thiết và đáng quý của một nhà nghiên cứu. Trong toán học, 1+1=2 là đúng, nhưng chưa hẳn đã đúng, huống chi là khoa học xã hội nhân văn nói chung!
Trộm nghĩ, nghiên cứu lịch sử và văn học sử, đâu chỉ có việc tìm kiếm, tàng trữ hàng bồ tư liệu mà “tầm chương trích cú” là đủ? Phải đứng ngoài lịch sử, đứng trên tư liệu mà xem xét, kết nối các chi tiết, so sánh, đối chiếu, loại bỏ những chi tiết ngụy tạo mà tư duy một cách khoa học, sáng suốt, khách quan, khả dĩ mới có thể đưa ra được những kiến giải hợp lý hợp tình hơn hay chăng. Bác Đỗ Tiến Bảng bảo rằng những lời bàn về thể thơ lục bát, về sự ra đời của chữ Nôm của chúng tôi, hoàn toàn “chỉ mang tính khuyến nghị”, rằng “ước đoán kiểu này đã không cụ thể, nên càng không mang đến một hiểu biết gì thêm cho người đọc”. Thử hỏi lại bác Đỗ Tiến Bảng rằng, bác có tư liệu gì khẳng định rõ ràng xuất xứ mấy câu ca dao đã dẫn, hoặc tất cả các bài ca dao mà dân gian truyền tụng, nay được chép lại, có địa chỉ chính xác hay không? Đã ước đoán, nếu không dùng các chữ “có lẽ”, “có thể”, “phải chăng” thì dùng chữ gì hay hơn bác nhỉ?. Tài liệu ngổn ngang, chính sử có, ngoài chính sử có, và cả vô khối những tư liệu ngụy tạo nữa. Ví dụ, có ông Giáo sư, hơn chục năm trước, phát hiện được tấm bia “cổ”gần biên giới phía Bắc, khắc bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ, gần giống như bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ, tương truyền là do Lý Thường Kiệt sáng tác và kết luận, đó là tài liệu gốc, có trước bài thơ Lý Thường Kiệt sai người đọc trong đêm khuya ở trận đánh quân Tống trên sông Như Nguyệt hơn 90 năm. Đương nhiên, đó là một phát hiện rất quý, có thể dùng để tham khảo, nhưng thử hỏi tư liệu ấy đã hoàn toàn đáng tin cậy hay chưa? Liệu đây có phải là “tác phẩm” rất tinh vi của người Tàu cố ý làm ra, với mục đích vô cùng thâm độc nào đó hay chăng? Những thứ lừa bịp kiểu này, người Tàu đã làm rất giỏi và đã từ rất lâu rồi, ở khắp mọi nơi trên đất nước của chúng ta, kể cả trên mấy hòn đảo mà chúng ta đang quản lý. Nếu cứ tin ngay vào “phát hiện” ấy, liệu chúng ta có mắc sai lầm khi tự phá bỏ niềm tin của chính mình hay chăng?
Việc bác Đỗ Tiến Bảng trích dẫn lời phê phán của tác giả sách Trung hưng ký trong sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ về tình trạng thối nát ở giai đoạn Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh thao túng chính sự là để chứng minh điều gì, nếu không phải cho thấy rõ một phần sự thật về một triều đại “ngu muội và hèn hạ bậc nhất” trong lịch sử dân tộc, như lời nhà sử học Trần Huy Liệu đã viết đấy ư? Dẫn liệu như thế, chẳng phải là bác đã tự “bắn” vào chính mình đấy ư? Chúng tôi chỉ mượn lại dẫn liệu của bác, để sáng tỏ thêm rằng triều Lê Sơ chưa thể tạo ra một xã hội lý tưởng như ở đời Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông mà thôi!
Khuôn khổ tờ báo có hạn, có điều gì sơ xuất khi trình bày, trao đổi, xin được lượng thứ !
Nguồn Văn nghệ số 3/2019