Giải thiêng các nhân vật lịch sử là một xu hướng khá “thịnh hành” trên văn đàn Việt nhiều năm qua. Theo nhiều nhà nghiên cứu, xu hướng này khởi nguồn từ Nguyễn Huy Thiệp với chùm truyện ngắn Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa, sau đó lan rộng, trở thành hiện tượng phổ biến của văn học đương đại.
Bên cạnh các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, các nhân vật tôn giáo nổi tiếng trong lịch sử cũng là đối tượng được các nhà văn đặc biệt “ưa thích” khi tiến hành nhìn nhận, đánh giá lại, giải oan hoặc giải thiêng. Có thể kể đến các nhân vật tôn giáo nổi tiếng xuất hiện trong tiểu thuyết đương đại như nhà sư Phạm Sư Ôn trong Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, thiền sư Từ Đạo Hạnh trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, linh mục Alexandre de Rhodes trong Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, linh mục Bá Đa Lộc trong Ngược mặt trời của Nguyễn Một, linh mục Lê Hữu Từ trong Bến lạ bờ xa của Vũ Huy Anh, Phật hoàng Trần Nhân Tông trong Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng của Bùi Anh Tấn… Giải thiêng, như lời của Phạm Thị Thanh Phượng, “luôn gắn liền với cảm thức phân tích, luận giải, thụ hưởng lịch sử. Với hàm nghĩa này, lịch sử không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện, nhân vật qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái, một chiều mà đã được mở rộng hơn, sâu hơn và “đời hơn”. Nhờ đó, văn xuôi hư cấu lịch sử đã đi vào bản chất: khám phá, phân tích, luận giải lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp”(1). Quá trình giải thiêng các nhân vật tôn giáo trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại không những cung cấp một cái nhìn mới lạ về các nhân vật này mà còn giúp bạn đọc có cái nhìn sâu hơn vào tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy quá trình này bao gồm những đặc trưng sau:
1. Giải thiêng có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị. Trong các tác phẩm, việc giải thiêng các nhân vật lịch sử thường được nhà văn gắn với những biến cố, sự kiện chính trị của một triều đại, dân tộc trong quá khứ. Các nhân vật tôn giáo cũng không ngoại lệ. Nguyễn Việt Hà xây dựng nhân vật linh mục Alexandre de Rhodes trong mối tương quan chính trị giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài trong cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài suốt hai trăm năm. Phật hoàng Trần Nhân Tông được Bùi Anh Tấn giải thiêng trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại phức tạp, ngổn ngang của nhà Trần sau chiến thắng Nguyên Mông. Trên thực tế lịch sử, việc các nhân vật tôn giáo có quan hệ với chính trị là chuyện “thường ngày ở huyện”. Họ xuất hiện trên chính trường với những vai trò, địa vị khác nhau. Trần Nhân Tông là vua một nước, Phạm Sư Ôn khởi nghĩa chống lại nhà Trần, Bá Đa Lộc và Từ Đạo Hạnh là những “cố vấn” chính trị… Do đó, “tái nhận thức” và giải thiêng các nhân vật tôn giáo trong những thời điểm “nhạy cảm” cũng là phương thức giúp các nhà văn tái hiện và bộc lộ quan niệm của mình về lịch sử, về những biến thiên lớn trong thời cuộc nước nhà.
2. Giải thiêng bao gồm nhiều mục đích khác nhau. Khi tiến hành giải thiêng nhân vật tôn giáo, mỗi nhà văn đều hướng đến những mục đích riêng, tựu trung lại gồm:
Thứ nhất, hướng đến tính chân xác lịch sử, khoa học. Đây là mục đích chính của Nguyễn Việt Hà khi tiến hành giải thiêng linh mục Alexandre de Rhodes trong tiểu thuyết Khải huyền muộn. Nhắc đến Alexandre de Rhodes, trong tâm thức người Việt, là nhắc đến con người có công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Những “công” và “tội” của ông đối với nước ta trong quá trình truyền đạo về cơ bản không được đại bộ phận người dân Việt để ý mà chỉ tồn tại trong giới sử học và tôn giáo học. Nguyễn Việt Hà muốn làm rõ, đưa độc giả đến với những khoảng mờ lịch sử đó bằng những phân tích sắc sảo dựa trên tư liệu xác thực có độ tin cậy cao. Vị linh mục Bồ Đào Nha trong Khải huyền muộn hiện lên như một nhà chính trị khôn ngoan, có nhiều thủ đoạn nhằm phục vụ cho việc truyền đạo của mình và một con buôn lọc lõi trong nghề. Sau khi Thiên chúa giáo bị “mất uy tín khủng khiếp” vì linh mục Pina không điều trị được bệnh nổi nhọt đầy người của chúa Sãi, Alexandre de Rhodes cùng các linh mục khác rất nhanh chóng theo thuyền ra Đàng Ngoài, yết kiến chúa Trịnh Tráng với hành trang là “hai viên ngọc quý” và những bí mật quân sự mà vị chúa Đàng Ngoài khát khao sở hữu để cân bằng sức mạnh với Đàng Trong: “Rhodes biết chúa Trịnh Tráng muốn điều gì. Mối lo dằng dai ám ảnh về những khẩu trọng pháo của xứ Đàng Trong, ưu thế quân sự duy nhất mà quân đội phía Bắc vắng thiếu. Chỉ có thương thuyền của người Bồ Đào Nha mới chuyên chở được nó”(2). Rõ ràng, qua ngòi bút của Nguyễn Việt Hà, linh mục Alexandre de Rhodes có công không nhỏ trong việc tạo thế cân bằng trong cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh đẫm máu trong lịch sử dân tộc. Mặt khác, Alexandre de Rhodes qua ngòi bút của Nguyễn Việt Hà cũng không phải là người có công lớn nhất trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Nguyễn Việt Hà đã đứng về phía học giả Bùi Kha khi cho rằng Alexandre de Rhodes chỉ là người thừa kế công lao cải biên ngôn ngữ của linh mục Francesco de Pina, khi cho ông tự thú: “Cha Pina hơn Rhodes chừng tám tuổi, chính danh là sư huynh và sâu xa trong thâm tâm Rhodes luôn coi ông là thầy linh hướng. Gần như toàn bộ mọi nghiên cứu về việc Latinh hóa tiếng Việt mà Rhodes đang làm đều dựa trên đề cương khởi thảo của Francesco de Pina: Nhập môn tiếng Việt Đàng Trong”(3).
Thứ hai, tôn vinh những giá trị cơ bản của con người. Các nhà văn Hồ Anh Thái, Bùi Anh Tấn đã tiến hành giải thiêng nhân vật Đức Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông với mục đích như thế. Trong Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng, Bùi Anh Tấn đã xây dựng hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông với đầy ắp những nỗi lo âu thế tục. Qua những dòng tâm trạng miên man không dứt của đức Phật Hoàng, chúng ta bắt gặp nỗi xót thương quân lính cả hai bên (quân Trần và quân Nguyên Mông) lâm vào cảnh máu chảy đầu rơi, nỗi đau tê tái cõi lòng khi vì đại cuộc mà phải cống em gái rồi gả con gái cho ngoại bang, nỗi âu lo cho mối quan hệ giữa các tôn thất nhà Trần, cả những tính toán, quyết sách lạnh lùng, chuẩn xác và “tàn nhẫn” ở tầm chiến lược để đảm bảo hòa bình, ổn định cho đất nước, dân tộc… Chỉ đến khi sắp về với Phật, tâm trí của đức Điều Ngự mới thảnh thơi, an lạc. Như vậy, có thể thấy việc giải thiêng đức Phật hoàng của nhà văn thực chất là hành trình khắc họa tâm trạng, suy nghĩ rất đời, rất người của đức Phật hoàng, những suy nghĩ tưởng chừng như không thể có ở bậc tôn giả đại trí. Và đó cũng là một cách để tôn vinh một trong những con người tinh hoa, vĩ đại nhất của dân tộc. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái cũng tiến hành giải thiêng đức Phật bằng cách tập trung miêu tả những nét đời thường của Ngài. Nhà nghiên cứu Lê Dục Tú đã có nhận xét xác đáng về hành trình giải thiêng này như sau: “Gạt bỏ đi vòng hào quang huyền thoại được thêu dệt xung quanh cuộc đời đức Phật, nhà văn đã vẽ nên hình ảnh một đức Phật hết sức giản dị và gần gũi. Nhân vật đức Phật của Hồ Anh Thái hiện lên đậm chất người theo đúng nghĩa của nó”(4). Phật không hề có phép thuật mà chỉ là một người bình thường. Để thành công, đốn ngộ và truyền bá giáo lí nhà Phật, Ngài đã trải qua hành trình dài dặc của đời người với đầy khó khăn, thử thách, hiểm nguy. Do đó những thành công của đức Phật cũng chính là thành công của con người trong hành trình tìm kiếm và giải thoát bản thân khỏi vòng quay hữu hạn của số phận. Ngợi ca đức Phật là một cách để Hồ Anh Thái ngợi ca trí tuệ, bản lĩnh của con người.
Thứ ba, giễu nhại những con người nặng kiếp tham - sân - si. Võ Thị Hảo trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Giàn thiêu đã giải thiêng Từ Đạo Hạnh - nhân vật tôn giáo nổi tiếng một cách triệt để nhất, táo bạo nhất nên cũng gây ra những tranh cãi, phản ứng dữ dội nhất. Với Võ Thị Hảo, Từ Đạo Hạnh hiện lên như một vị “tu hú”, không thành chính quả do không gột rửa được những tham, sân, si về quyền lực và sắc dục trong tâm. Dù Từ Đạo Hạnh đã đi được một chặng dài trên con đường đến với cõi Niết bàn nhưng lại không có được niềm tin vào Phật như sư Minh Không và thậm chí cả đồ đệ Tuệ Mẫn của mình. Từ Đạo Hạnh thấy tội nghiệp cho các môn đồ của mình: “Các người thì đăm đăm đứng đây, chôn chân để nghe những điều cao xa mà không biết rằng thầy của các người đã từ lâu rời bỏ các người”(5). Không những thế, Từ Đạo Hạnh còn quá mê đắm sắc dục, chấp nhận thỏa thuận với Sùng Hiển Hầu với mục đích nhằm làm vua để hưởng cho bằng hết những lạc thú nhục dục mà mình chỉ mới được nếm một lần trong đời dưới thân phận Từ Lộ.
3. Giải thiêng bằng các bút pháp khác nhau. Với mục đích khác nhau, các nhà văn đã sử dụng các bút pháp khác nhau trong quá trình giải thiêng các nhân vật tôn giáo lịch sử. Trong Giàn thiêu, Võ Thị Hảo chọn bút pháp giễu nhại đậm chất hài hước đen (black homour) để tiến hành giải thiêng nhân vật Từ Đạo Hạnh một cách triệt để, táo bạo. Chất u-mua này biểu thị rất rõ trong nhiều đoạn văn, như đoạn miêu tả Từ Lộ sau khi trả xong thù nhà đang định quyên sinh để trọn tình vẹn nghĩa với người yêu lại lên cơn ham muốn nhục dục đến mức phải “tự xử”, rồi quyết định… không chết nữa để còn có cơ hội hưởng thêm nhiều lần lạc thú đứng đầu tứ khoái của con người. Trong khi đó, để miêu tả những ngổn ngang rối bời trong tâm trạng của Trần Nhân Tông, Bùi Anh Tấn chọn bút pháp độc thoại nội tâm. Toàn thiên tiểu thuyết, ngoại trừ những cuộc đối thoại giữa thiền sư Bảo Sát và đạo trưởng An Kì Sinh là những dòng tâm trạng miên man không dứt của đức Phật hoàng. Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái lại chọn bút pháp hiện thực dựa trên tư liệu lịch sử khoa học, chân xác để giải thiêng đức Phật và linh mục Alexandre de Rhodes.
Có thể khẳng định, giải thiêng các nhân vật lịch sử là một xu hướng phổ biến và đúng quy luật của văn xuôi nói chung, tiểu thuyết nói riêng trong quá trình dân chủ hóa văn học Việt Nam đương đại. Giải thiêng, theo hướng tích cực, nhằm đánh giá lại nhân vật lịch sử một cách khách quan, công bằng, toàn diện và nhân bản hơn chứ không đồng nhất với việc “hạ bệ”, “dung tục” hóa nhân vật như một số người quan niệm. Và việc giải thiêng nhân vật tôn giáo cũng như các nhân vật lịch sử khác, xét đến cùng, chỉ là một phương thức để nhà văn bộc lộ tư tưởng nghệ thuật và phong cách nghệ thuật của mình trong tác phẩm
D.T.H
---------
1. Phạm Thị Thanh Phượng (2017), Cần thận trọng khi “giải thiêng” nhân vật lịch sử, http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/can-than-trong-khi-giai-thieng-nhan-vat-lich-su-10823_2662.html.
2,3. Nguyễn Việt Hà (2005), Khải huyền muộn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.289, 297.
4. Lê Dục Tú (2014), Cảm quan tôn giáo trong văn xuôi Việt Nam đương đại, http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c308/n15822/Cam-quan-ton-giao-trong-van-xuoi-Viet-Nam-duong-dai.html.
5. Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, tr.432.