Lứa nhà văn mới đang làm gì để tiếp cận độc giả và bước đi trên con đường sáng tạo trong thời đại này?
Đối với số đông người đọc, văn chương và nền tảng TikTok giống như hai đường thẳng song song. Một bên đại diện cho văn hóa, những giá trị chân - thiện - mĩ đang dần bị mai một trong thế giới xô bồ, còn bên kia là mạng xã hội thời thượng bậc nhất, đại diện cho quyền lực của những nội dung ngắn dưới dạng video clip, phần nào cổ súy cho sự tiêu thụ thông tin ồ ạt, kém chọn lọc. Đây còn là nơi khởi nguồn của nhiều trào lưu gây tranh cãi nên thường bị đánh giá là độc hại, ảnh hưởng xấu tới nhận thức giới trẻ. Thế nhưng, liệu bằng một góc nhìn cởi mở hơn, ta có thể thấy con đường nào nối liền hai thế giới này không?
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Truyền thông văn chương, hay tâm thế của lứa nhà văn mới
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự phát triển bùng nổ của các nền tảng cộng đồng, từ blog, diễn đàn (forum) đến mạng xã hội, các tác giả trẻ đã có nhiều cơ hội tiếp cận với độc giả ngoài con đường xuất bản chính thống. Thế nhưng, chính sự đổ bộ gần như không qua một màng lọc nào này khiến cho chất lượng của truyện mạng trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Đã có một thời, văn học mạng, hay thậm chí văn học trẻ nói chung, bị coi là những sản phẩm giải trí dễ dãi, sao chép ngôn tình Trung Quốc một cách vụng về, non kém, và bởi thế, hiển nhiên không thể đứng trong hàng ngũ văn chương chân chính.
Nhưng có lẽ thời ấy đã đi qua. Lớp độc giả mới được tiếp xúc với văn chương, điện ảnh, nghệ thuật quốc tế cũng đã trang bị cho mình những góc nhìn mới, tâm thế mới để trở nên cởi mở, đa dạng nhưng cũng khắt khe hơn. Bởi vậy, những sáng tác thiếu nghiêm túc, không có sự đầu tư về chất xám hay chiều sâu sẽ rất khó để thuyết phục bạn đọc và có một chỗ đứng trên văn đàn.
Vậy, văn học thị trường, các sáng tác thuộc thể loại trinh thám, kinh dị, dã sử, cổ trang, lãng mạn… ở Việt Nam đang chuyển mình như thế nào? Trong thời điểm hiện tại, chúng ta đã nhìn thấy sự sôi động của ngành xuất bản, khi không ít tác giả tự tin nhập cuộc và ghi dấu ấn với bạn đọc, như Thảo Trang (Tết ở làng Địa Ngục, Ngủ cùng người chết...), Thục Linh (Ngôi làng cổ mộ, Tứ Trấn Huyền Linh...), Doo Vandenis (Vết máu ngược, 17 âm 1)...
Thành công của lứa tác giả với tuổi đời rất trẻ này có lẽ đến từ một tâm thế đặc biệt, một sự chủ động trên vai trò người viết. Không chỉ là chủ động lựa chọn đề tài, chủ động “bản địa hóa” những concept bắt nguồn từ phương Tây để kể câu chuyện của người Việt, họ còn chủ động trong chính sự tiếp cận độc giả thay vì dựa vào nhà phát hành. Và, họ đã thấy những con đường, những lối đi có thể dẫn đến một điều gì đó đáng kể.
TikTok: Một con đường tiếp cận văn chương?
Như đã nói ở trên, dường như rất khó để nhìn thấy một điểm chạm giữa văn học và nền tảng TikTok. Trên một mạng xã hội có vô vàn nội dung được sản xuất mỗi ngày - phần lớn có thời lượng rất ngắn, phục vụ mục đích gây cười hoặc bán hàng, thì sao văn chương có thể tồn tại, hay chí ít là bảo tồn giá trị, chiều sâu của nghệ thuật?
Thế nhưng, nếu nhìn nền tảng này như một phương tiện để tiếp cận độc giả, ta sẽ thấy được những tiềm năng nhất định. Dù chịu nhiều điều tiếng, TikTok đến cùng cũng chỉ là một mạng xã hội, như Facebook hay Instagram. Những nền tảng này vận hành dựa trên nội dung do người dùng sáng tạo (user-generated content) nên rất khó để kiểm soát về số lượng hay chất lượng, ngay cả với những chính sách đến từ bản thân nền tảng đó và hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, giải pháp có thể đến từ chính định hướng của người dùng. Người dùng có quyền lựa chọn những nội dung mang lại giá trị, kiến thức, đồng thời từ chối tiêu thụ những nội dung dễ dãi, độc hại và gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức xã hội. Họ cũng có thể chọn trở thành người sáng tạo để góp phần xây dựng nên những cộng đồng lành mạnh, văn minh hơn trên internet. Quay trở lại với văn chương, thì đây chính là tâm thế cần có để nhìn thấy cơ hội đến gần hơn với bạn đọc, đồng thời gạn lọc những giá trị thật giữa biển thông tin vô bờ bến.
Đầu tiên, lợi thế lớn nhất của TikTok nằm ở việc sản xuất nội dung dễ dàng, ít tốn kém về tiền bạc, nhân lực hay công sức. Điều này cho phép các tác giả tự xây dựng nên cộng đồng người đọc tiềm năng, trước khi có được sự giúp đỡ từ đơn vị phát hành hay báo chí, truyền thông chính thống.
Về cách tiếp cận này, có một trường hợp đáng chú ý là Doo Vandenis (Nguyễn Quỳnh Như), một tác giả trinh thám sinh năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh. Mới đầu, một bút danh “Tây” hay sự nổi tiếng của cô trên các nền tảng trực tuyến - như Wattpad (một trang đăng tải tác phẩm và đọc truyện của giới trẻ), Facebook hay TikTok, có thể khiến những độc giả văn chương thuần túy ngần ngại. Nhưng trên thực tế, Doo Vandenis đã sở hữu hai đầu sách xuất bản, bao gồm Vết máu ngược và 17 âm 1. Trong đó, 17 âm 1 (Linh Lan Books, 2023) đã nhanh chóng bán hết phiên bản đặc biệt, và theo thông tin từ nhà phát hành, cuốn sách đã được tái bản chỉ vài ngày sau khi chính thức mở bán.
Trước hiện tượng này, chắc hẳn một bộ phận bạn đọc sẽ cho rằng, đây chẳng qua là chiêu trò truyền thông qua mạng, lợi dụng gu thưởng thức văn chương còn nhiều hạn chế của người đọc trẻ, như lứa học sinh cấp 2, cấp 3... để bán sách. Nhưng, như đã nói, thị trường văn học ngày hôm nay - kể cả văn học trẻ, gần như đã loại bỏ những sản phẩm ngô nghê, giản đơn, mang hơi hướng ngôn tình khỏi cuộc chơi từ rất lâu. Đối tượng độc giả mới không còn dễ xiêu lòng rung động trước những câu chuyện tình yêu tuổi hoa niên, những mô-típ đơn giản, khuôn mẫu, hay những công thức gây sốc một thời... Họ đã bước về phía bóng tối, về phía những góc khuất của con người và xã hội, đòi hỏi ngay cả các tác phẩm giải trí cũng phải trở nên gai góc, sắc sảo hơn.
Quay về trường hợp tiểu thuyết 17 âm 1 của Doo Vandenis. Là một cuốn sách đa thể loại, pha trộn giữa kinh dị, trinh thám, tâm lí, lấy bối cảnh học đường, hẳn nhiên thách thức đặt ra với tác giả trẻ này không hề nhỏ. Chắc chắn cuốn sách sẽ có những điểm chưa thuyết phục về tình tiết, giọng văn, chiều sâu..., đặc biệt là với lứa độc giả dày dặn và trưởng thành. Tuy nhiên, thành công của tác phẩm ít nhất đã chứng minh một điều: cô gái 21 tuổi này biết khai thác những thế mạnh của bản thân và tiếp cận đúng đối tượng độc giả bằng những gì mình có.
Đến thời điểm hiện tại, kênh TikTok của tác giả (mang tên Doo Vandenis) đã đạt hơn 45.000 người theo dõi, số lượt thích (likes) tổng cộng đạt 1,2 triệu; trong đó có những clip ngắn đạt trên 1 triệu lượt xem. Những nội dung trên kênh mang màu sắc trẻ trung, hài hước, xoay quanh tác phẩm mới ra mắt, tình huống truyện, nhân vật, câu chuyện bên lề... khơi gợi sự tò mò và kích thích khán giả tương tác. Ở đây, khán giả không chỉ còn là đối tượng thưởng thức, tiếp nhận tác phẩm một chiều, mà còn tham gia vào quá trình hình thành nên cuốn sách và trở thành một người bạn, một người đồng hành của tác giả. Đó là một trải nghiệm mới mẻ, không chỉ gây hứng thú cho người đọc mà còn khiến văn chương trở nên gần gũi hơn.
Những gì kênh của Doo Vandenis đạt được cũng không chỉ là con số ảo, mà là thành công thực tế về mặt tiếng vang, doanh số. Tất nhiên, giá trị của tác phẩm văn học hay tài năng của tác giả không nên và cũng không thể đo lường chỉ bằng doanh thu, độ phủ sóng. Thế nhưng, ngay cả trên thế giới, văn học thị trường vốn đã luôn hướng đến một tệp độc giả khác, một mục tiêu khác so với những tác phẩm văn chương “thuần túy”. Bởi vậy, độc giả không nên áp đặt những tiêu chuẩn, kì vọng của dòng văn học này lên các tác phẩm hướng tới số đông.
Bên cạnh đó, Doo Vandenis cũng thể hiện sự chủ động nhập cuộc của mình với một phương án truyền thông độc đáo: xây dựng AI Chatbot (một phần mềm được lập trình để tự động đối thoại, trả lời câu hỏi với người dùng) mô phỏng một nhân vật quan trọng trong cuốn sách 17 âm 1. Đây cũng chỉ là một phương thức truyền thông khơi gợi sự tò mò của độc giả, chứ không thể nâng tầm bản thân cuốn sách. Tuy vậy, nó cho thấy sự thông minh và tư duy độc đáo của một tác giả còn rất trẻ, vốn đang là sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin.
Những thách thức
Cho dù sở hữu những tiềm năng rất đáng để khai thác, song việc sử dụng TikTok để truyền thông sách cũng tồn tại nhiều hạn chế. Ngay cả khi người sáng tạo cố gắng đưa vào đó hàm lượng tri thức, chất xám thì cũng khó lòng thay đổi sự thật rằng, dạng nội dung được ưa chuộng nhất trên TikTok vẫn là những clip ngắn, với độ dài tối đa chỉ 1-2 phút nếu muốn giữ chân người xem. Thuật toán này rất dễ giản lược hóa những lớp lang phức tạp của một tác phẩm văn chương, gây nên cách nhìn nhận thiên kiến, một chiều và làm mất đi giá trị cốt lõi của tác phẩm. Bên cạnh đó, luật chơi của nền tảng này cũng ít nhiều đặt các sáng tác văn chương, nghệ thuật trước nguy cơ bị biến thành những nội dung ăn liền, hời hợt để phục vụ thị hiếu. Từ lâu, giới mộ điệu điện ảnh đã gay gắt lên án những clip “review phim” trá hình, mà trên thực tế là tóm tắt lại bộ phim, bởi chúng không chỉ làm mất giá trị của tác phẩm gốc mà còn là giá trị của điện ảnh, của sự thưởng thức, suy tư cần có từ phía khán giả.
Mặt khác, nền tảng TikTok khó có thể phù hợp để quảng bá những sáng tác văn chương mang tính thể nghiệm, hướng đến việc khám phá những khía cạnh phức tạp của đời sống hay nội tâm con người. Những tác phẩm này đòi hỏi một sự đọc kĩ lưỡng, cẩn trọng, một sự soi chiếu với cá nhân người đọc, đồng thời khó lòng quy giản thành cốt truyện, thông điệp để xây dựng nội dung truyền thông câu khách. Do đó, nền tảng TikTok, hay bất cứ mạng xã hội nào khác, cũng đem đến cả cơ hội và nguy cơ khi được áp dụng để truyền thông văn chương. Đây là thử thách dành cho bản thân mỗi tác giả và các đơn vị phát hành, khi họ buộc phải tham gia cuộc chơi với sự chủ động, với kiến thức, mục tiêu, định hướng rõ ràng, đồng thời hiểu rõ giá trị của tác phẩm để chối từ những sự thỏa hiệp không tương xứng.
Kết lại, bản thân những tác giả trẻ, hay văn học trinh thám, dã sử, kinh dị... trên thị trường Việt Nam vẫn còn một con đường rất dài để đi, để ngày một hoàn thiện mình. Thế nhưng, ngay cả khi khó lòng so sánh với văn chương “thuần túy” về sự độc đáo trong góc nhìn hay giọng văn mang đặc trưng, cá tính riêng, sự xuất hiện và thành công của dòng sách thị trường vẫn vô cùng cần thiết để đời sống tinh thần, văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc hơn. Điều này cũng nói lên rằng, người viết không nhất thiết phải tạo ra những thứ cao siêu, sang trọng trên tháp ngà thì mới xứng đáng được công nhận. Họ hoàn toàn có thể đi con đường riêng, sáng tạo bằng niềm vui, sự bền bỉ, nghiêm túc và nguồn năng lượng tươi mới để cho ra đời những sáng tác đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của con người trong không gian số.
TRIỀU DƯƠNG
Nguồn VNQĐ