Toàn cầu hóa “khởi động” vào những thập niên cuối thế kỉ XIX khi nhiều hàng rào thương mại được xóa bỏ cùng với sự phát triển vượt trội của giao thông vận tải, dẫn đến những cuộc di dân trên diện rộng diễn ra trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa bài viết. Nguồn Internet |
Song, tính chất hội nhập như là hệ quả của toàn cầu hóa chỉ thực sự đạt được với làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai, từ 1950 đến 1980, khi nhiều nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia chủ trương đa phương hóa trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, phải đến làn sóng toàn cầu hóa lần thứ ba vào hai thập niên cuối thế kỉ XX, đúng thời điểm Việt Nam bước vào thời kì Đổi mới, những hệ quả của toàn cầu hóa mới thật sự được thể hiện ở mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở Việt Nam, khái niệm toàn cầu hóa được nhắc đến khoảng từ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, và xuất hiện trong văn học nghệ thuật muộn hơn so với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa...
Đến nay, sau hơn hai thập niên đầu của thế kỉ XXI, toàn cầu hóa không còn là xu thế, là triển vọng hay là hiện thực đang vừa đến mà đã là môi trường, khí quyển của mọi quốc gia, dân tộc. Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam cũng đã bộc lộ rõ và được thừa nhận, trên cả hai phương diện thuận lợi và thách thức. Trong những thuận lợi và thách thức ấy, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc cần phải được nhìn nhận như thế nào, để không chỉ giữ gìn mà còn khẳng định, không chỉ củng cố mà còn phát huy, không chỉ làm điểm tựa của giá trị dân tộc mà còn là bệ phóng của vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đặt câu hỏi Vấn đề bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa: Giữ gìn hay khẳng định?, tiểu luận này hi vọng sẽ nhìn sâu vào câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ nhiều khía cạnh, để bản sắc không phải là thứ chỉ được gìn giữ và lưu giữ trong bảo tàng kí ức của dân tộc.
Nhìn từ diện mạo của văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại, chúng tôi muốn đặt ra vấn đề trên nhằm bàn sâu hơn vào câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh giao lưu, hội nhập sâu rộng với thế giới.
1. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và những “thách thức” của thời toàn cầu hóa
Bản sắc dân tộc luôn cần được trân trọng và gìn giữ. Khi đề cập đến văn học nghệ thuật cùng bản sắc dân tộc, một cách tất yếu chúng ta đã đề cao tính dân tộc. Tuy vậy, có một câu hỏi cần đặt ra, trong thời đại toàn cầu hóa, tính dân tộc và tính nhân loại, cái nào mới là giá trị cần theo đuổi, nhất là khi giữa tính dân tộc và tính nhân loại vẫn có thể có những vênh lệch trong quan niệm về giá trị. Một ví dụ: Áo dài nam giới như một lễ phục có nên được sử dụng trong những hội họp quốc tế để tôn vinh bản sắc dân tộc? Âu phục vốn đã thông dụng trong các nghi thức ngoại giao trên toàn thế giới liệu có làm giảm đi bản sắc dân tộc của Việt Nam? Khi hội nhập và giao lưu quốc tế, lúc nào cần tôn vinh tính dân tộc, lúc nào cần hướng đến tính nhân loại, rõ ràng là câu chuyện cần được suy nghĩ nghiêm túc.
Trở lại với vấn đề bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật Việt Nam, với những loại hình nghệ thuật truyền thống, không quá khó để xác định đâu là giá trị riêng có của Việt Nam. Nhưng làm thế nào để âm nhạc, sân khấu truyền thống… tiếp tục sống trong không khí diễn xướng và thành một phần không thể thiếu của văn hóa dân tộc thay vì chỉ được “trình diễn” trong những lễ hội, những dịp kỉ niệm, tôn vinh? Nhã nhạc cung đình Huế dẫu chưa được đón nhận như một loại hình âm nhạc phổ thông, song qua các lễ hội, các dịch vụ du lịch, kinh doanh (chẳng hạn như du thuyền trên sông Hương nghe ca Huế)... vẫn còn được “trình diễn” và duy trì. Song, liệu thật sự có còn không gian văn hóa cho cồng chiêng Tây Nguyên, cho hát then ở miền núi phía Bắc... nếu không tính đến các dịp trình diễn được tạo dựng thay vì các biểu diễn, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang tính chất cộng đồng, tự phát? Với các loại hình văn hóa nghệ thuật đậm tính dân tộc và truyền thống, dẫu không dễ duy trì như một hoạt động phổ biến rộng rãi, việc gìn giữ để nó không bị mất, hay mai một đi… trong một bối cảnh xã hội mới, ít ra vẫn được quan tâm và làm tốt, nếu so sánh với những lúng túng trong việc làm thế nào để các loại hình nghệ thuật đương đại vẫn mang đậm các sắc thái Việt Nam. Liệu có cái gọi là bản sắc dân tộc trong các tác phẩm văn học, điện ảnh hay hội họa Việt Nam… hai mươi năm đầu thế kỉ XXI? Giá trị Việt ngoài ở chất liệu dân tộc, ở đề tài, chủ đề, tư tưởng, những phương diện nội dung của tác phẩm, liệu có được thể hiện ở hình thức nghệ thuật, khi giới văn nghệ sĩ đã tiếp cận và sử dụng khá nhiều phương thức sáng tạo vốn xuất phát từ phương Tây và nay đã trở thành công cụ chung của toàn thế giới? Để hội nhập và vươn đến các giá trị mang tính toàn cầu, liệu nghệ thuật Việt Nam có phải/ có cần hi sinh ít nhiều giá trị thuần dân tộc tính? Liệu có khi nào các tác phẩm tuy đậm đà bản sắc dân tộc Việt lại không được đón nhận rộng rãi trên thế giới? Bài toán cân đối giữa giá trị dân tộc và giá trị nhân loại ngay trong một tác phẩm nghệ thuật liệu đã được các nghệ sĩ suy nghĩ một cách nghiêm túc? Và liệu những toan tính lí trí về việc vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa hướng đến các giá trị phổ quát có làm mất đi tính hồn nhiên trong sáng tạo nghệ thuật, cũng là yếu tố then chốt để làm nên các tác phẩm độc đáo? Trừ những đề tài được “đặt hàng”, xét từ tâm thức sáng tạo, phần lớn các nhà văn không sáng tạo tác phẩm chỉ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các văn nghệ sĩ hiện nay có xu hướng xem văn học nghệ thuật là trò chơi, là những thể nghiệm sáng tạo cá nhân. Giá trị giải trí của văn học nghệ thuật được đề cao thay vì các giá trị nhận thức, giáo dục như những thời kì trước. Đây cũng là xu hướng chung của văn học nghệ thuật đương đại thế giới khi người nghệ sĩ và tác phẩm không nhất thiết phải mang vác những trách nhiệm to lớn, trong đó có việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những nỗ lực đưa tác phẩm hội nhập với thế giới, phần lớn các tác giả cũng quan tâm hơn đến việc tác phẩm có đạt được những giá trị phổ quát của nhân loại không, đề tài và bút pháp có thích hợp với công chúng toàn cầu không - vậy vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc có còn cần thiết và có bị xem nhẹ? Đây là một thách thức không nhỏ của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời toàn cầu hóa, nhất là ở lĩnh vực văn học nghệ thuật.
2. Bản sắc văn hóa dân tộc - giữ gìn hay khẳng định?
Theo nghĩa rộng, tác phẩm văn học nghệ thuật nào cũng có tính dân tộc khi luôn thuộc về một dân tộc nhất định. Song, để có tính dân tộc như một phẩm chất, các tác phẩm ấy phải nói lên tiếng nói của dân tộc thông qua đề tài, chủ đề, tư tưởng, thông qua nhân vật hay thông qua các hình thức thể loại đặc thù của dân tộc. Văn học nghệ thuật Việt Nam, hẳn nhiên, không thiếu các tác phẩm giàu tính dân tộc, xét theo cả hai cách trên. Tuy vậy, có phải tác phẩm nào có tính dân tộc cũng đều toát lên được bản sắc dân tộc? Bản sắc dân tộc chỉ được nhận diện trong tương quan so sánh, đối chiếu với tác phẩm của các nền văn hóa khác. Bản sắc dân tộc phải là những dấu hiệu nổi bật, riêng biệt, được nhìn từ “cái nhìn bên ngoài”, giữa những giá trị phổ quát chung của nhân loại. Như thế, không phải loại hình, tác phẩm văn học nghệ thuật nào cũng đậm đà bản sắc dân tộc. Và kể cả khi đã giàu bản sắc văn hóa dân tộc, liệu quá trình phát triển, hội nhập, toàn cầu hóa có làm bản sắc ấy bị mai một đi, bởi cả sự vô tình và hữu ý của nghệ sĩ, của công chúng thưởng thức và của các chính sách về văn hóa nghệ thuật? Chẳng hạn mo, một trong những di sản văn hóa phi vật thể của người Mường và câu chuyện văn hóa phải thích ứng với đời sống xã hội đương đại là một trường hợp đáng suy nghĩ. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, “có giữ được mo tang lễ mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong mo Mường” và “phải tìm cách phục hưng mo tang lễ, làm cho mo tang lễ tồn tại và duy trì trong đời sống xã hội người Mường”. Nhưng làm thế nào để phục hưng mo tang lễ theo đúng những nghi thức nguyên thủy của nó, khi việc thực hành mo tang lễ đã buộc phải thay đổi bởi sự phát triển của đời sống xã hội? Trong tang lễ của người Mường hiện nay, mo hầu như không còn được diễn xướng đầy đủ, trọn vẹn như trước bởi các quy định cụ thể về việc ma chay ở làng xã, chẳng hạn như linh cữu người từ trần không được để quá bốn mươi tám giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức lễ an táng. Thời gian tang lễ của người Mường bây giờ chỉ còn tầm ba ngày hoặc ít hơn (trong khi tang lễ của người Mường trước đây vốn thường kéo dài từ bảy đến mười hai ngày). Rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục tang lễ, giảm tốn kém tiền của, nhân lực, vật lực… là một bước tiến theo nếp sống văn minh. Tuy nhiên, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục tang ma, việc diễn xướng mo cũng buộc phải thu gọn lại. Các thầy mo có thể tùy hứng cắt bỏ một phần, một đoạn lễ thức, nghi thức hay chỉ ngâm những đoạn mo theo yêu cầu của chủ nhà. Người Mường, nhất là lớp trẻ, theo đó ít nhớ mo, thuộc mo. Mo tuy chưa mất hẳn nhưng ít nhiều đã xa dần với ngay cả chính người Mường, trong những biến đổi của đời sống xã hội. Qua nhiều đời trao truyền, nhiều thầy mo cũng không còn hiểu và nhớ thật đúng, thật đủ về mo. Không còn nhiều thầy mo thực sự là bảo tàng sống của văn hóa Mường, nhân tố then chốt trong việc lưu giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa. Có thể thấy rằng, bản chất của văn hóa là vận động, biến đổi. Làm thế nào để vừa giữ gìn bản sắc văn hóa vừa vẫn phát triển theo xu thế tất yếu với những giá trị phổ quát là câu hỏi gây nhiều trăn trở. Câu chuyện mo Mường đang dần bị mai một và chiến lược bảo tồn, đưa mo Mường trở thành một di sản văn hóa thế giới đã cho thấy những khó khăn không nhỏ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nói chung giữa bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là cần thiết, nhưng đâu mới thực sự là bản chất của việc giữ gìn, bảo lưu? Suy đến cùng, mọi việc giữ gìn là nhằm để khẳng định sự sở hữu, để tự hào về những cái đã có, đã được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh. Nếu không phải để các giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc được biết đến rộng rãi, việc giữ gìn sẽ dần mất ý nghĩa và khó được tiếp tục lâu dài. Vì vậy, đằng sau giữ gìn phải là khẳng định, phổ biến, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc ấy. Quan họ được giữ gìn tốt hơn so với một số hình thức diễn xướng khác là bởi sự phổ biến rộng rãi của nó trong đời sống văn hóa dân tộc. Hay nhờ những nghiên cứu, phục hồi cũng như đưa thơ đương đại vào xẩm, xẩm truyền thống đã được nhiều người biết đến, sau một thời gian dài chỉ tồn tại nhỏ lẻ, tự phát và chưa thật sự được xem là một loại hình nghệ thuật. Liên hoan hát xẩm năm 2019 hay hội thảo về xẩm năm 2021 được tổ chức ở Ninh Bình chẳng phải là để khẳng định giá trị của xẩm? Việc xẩm được công nhận là di sản văn hóa quốc gia đầu năm 2022 là một minh chứng cho thấy cần phải có rất nhiều nỗ lực để có thể khẳng định các giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. Và một khi đã được khẳng định, việc giữ gìn bản sắc sẽ được thực hiện thuận lợi, dễ dàng hơn. Giữ gìn và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc vì vậy là hai mặt của một vấn đề. Khẳng định để có ý thức giữ gìn. Và giữ gìn cũng nhằm để khẳng định, và xa hơn là phổ biến, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc ấy với thế giới.
3. Để bản sắc văn hóa dân tộc không phải chỉ được “giữ gìn”
Toàn cầu hóa khiến các nền văn hóa xích lại gần nhau. Cùng với việc hướng tới những giá trị chung, nhân loại ngày càng quan tâm hơn đến các giá trị riêng, khác. Và một trong những dấu hiệu để nhận dạng hay để định vị một dân tộc chính là các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc ấy. Giới thiệu và quảng bá văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật, trở thành chiến lược của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Vậy, con đường nào cho việc quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra thế giới? Đâu là những giải pháp để bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ được giữ gìn mà còn được khẳng định, phát huy? Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều hình thức, nhiều hoạt động để giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến thế giới. Những tuần lễ Việt Nam ở nước ngoài, những liên hoan quốc tế về văn học nghệ thuật, những chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các tổ chức phi chính phủ… trong một chừng mực nhất định đã giới thiệu được đáng kể những loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam với thế giới. Song, so với các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn dễ xác lập bản sắc riêng, câu chuyện tìm kiếm chỗ đứng cho văn học nghệ thuật đương đại Việt Nam trên trường quốc tế dường như khó hơn; và làm thế nào để mang đến những giá trị riêng, khác, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc lại càng khó gấp bội phần. Văn hóa để được lan tỏa cần phải được thấu hiểu chứ không chỉ được quan sát bằng cái nhìn tò mò, lạ lẫm từ những cộng đồng bên ngoài nó. Có lẽ, cần suy nghĩ nhiều hơn đến việc làm thế nào để giúp thế giới “hiểu” văn hóa Việt Nam, thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật đương đại Việt Nam, thay vì chỉ “biết” về văn hóa Việt Nam. Đây mới là hướng đi để khẳng định thay vì chỉ gìn giữ và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với thế giới.
So với các loại hình nghệ thuật phi ngôn ngữ, văn học dường như có ưu thế hơn trong việc phản ánh trọn vẹn tâm hồn, tính cách của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Song, những khác biệt về ngôn ngữ là một trở ngại lớn cho việc giới thiệu văn học Việt Nam với thế giới. Nếu hội họa, điêu khắc, kiến trúc, thậm chí cả âm nhạc, sân khấu, điện ảnh (những loại hình nghệ thuật vẫn ít nhiều cần đến ngôn từ trong biểu đạt) có những con đường riêng để đến với đông đảo người thưởng thức, vượt qua ranh giới dân tộc, quốc gia, thì văn học, ngoài kênh ngôn từ, không còn con đường nào khác để thế giới hiểu Việt Nam, thông qua các tác phẩm cụ thể. Dịch thuật, chuyển ngữ trở thành cánh cửa giúp văn học Việt Nam vượt ra khỏi biên giới của dân tộc. Công bằng mà nói, việc dịch văn học đang ngày một được quan tâm hơn ở Việt Nam. Nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng, chưa có nhiều tổ chức của Nhà nước đứng ra lo liệu việc dịch thuật, giới thiệu một cách bài bản các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu. Các tác phẩm được lựa chọn dịch thuật đa phần là các tác phẩm “xưa”, “cũ” và phần nào đã được biết đến rộng rãi. Cách làm thận trọng này tuy an toàn và phù hợp với tình hình quảng bá văn học chưa thật sự mạnh mẽ và mang tầm vóc của một quốc gia, song vô hình trung lại làm “chậm” bước hội nhập của văn học Việt Nam, làm giảm cơ hội để đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Cần làm thế nào để dịch thuật và giới thiệu, quảng bá song hành thay vì đi sau hoạt động sáng tác. Chúng ta thường đợi để chọn dịch và giới thiệu tác phẩm của các tác giả đã thành danh. Thế nên, chúng ta thường chỉ giới thiệu được văn hóa và con người Việt Nam khi bối cảnh văn hóa xã hội ấy đã lạc hậu tầm vài thập kỉ. Bạn bè quốc tế không nên chỉ biết về con người, đất nước Việt Nam thời hậu chiến qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê… Hàng loạt tác phẩm văn học nghệ thuật tươi mới của cái hôm nay, ngay bây giờ, những tác phẩm thể hiện rõ nhất văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, cần được giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế. Như mọi quốc gia, dân tộc, Việt Nam cũng quan tâm sâu sắc đến các vấn đề chung của nhân loại như chiến tranh, sắc tộc, môi trường, tình trạng di dân và nhập cư, giới và quyền của trẻ em, phụ nữ... Nghệ sĩ trẻ Việt Nam hoàn toàn không quay lưng với các vấn đề về nhân quyền, về thân phận con người trong những bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể. Cần phải giới thiệu những vật lộn với tự nhiên trong cuộc mưu sinh của con người Nam Bộ với bạn bè quốc tế thông qua việc dịch thuật văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Cũng cần đưa ra thế giới cái nhìn của người Việt Nam hôm nay về những lịch sử gần qua việc dịch tác phẩm của Nguyễn Hữu Nam, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang bên cạnh việc tiếp tục giới thiệu văn học đề tài lịch sử gắn với các cây bút tên tuổi như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Quốc Hải. Văn hóa tộc người đặc sắc trong văn chương Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Niê Thanh Mai cũng sẽ giúp thế giới hiểu rõ hơn sự đa dạng của đời sống, con người Việt Nam... Dịch thuật luôn là con đường quan trọng nhất để làm lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện cái riêng của con người Việt Nam, từ cội rễ văn hóa Việt Nam, song vẫn hướng đến các giá trị chung của nhân loại.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc đã khó, khẳng định và giới thiệu các giá trị ấy đến với bạn bè quốc tế càng khó khăn hơn. Tuy vậy, để bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một và không bị giam hãm trong phạm vi một vùng văn hóa, một tộc người, có lẽ cần nghĩ nhiều hơn đến việc khẳng định và quảng bá văn hóa, thay vì chỉ giữ gìn như trước. Có thể bản sắc văn hóa dân tộc sẽ ít nhiều bị phôi pha và mai một trong quá trình va chạm, đối thoại văn hóa, cùng với những biến đổi tất yếu của cuộc sống đương đại. Song cần xem sự vận động, biến đổi của văn hóa là tất yếu và bản sắc văn hóa dân tộc cũng tất yếu vừa loại bỏ những yếu tố lạc hậu vừa xác lập những giá trị mới. Suy cho cùng, tại một thời điểm nào đó, cái xác lập giá trị đặc sắc của Việt Nam so với văn hóa chung của nhân loại ấy chính là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thế nên, cần suy nghĩ đến việc phổ biến, quảng bá văn hóa cũng nhiều như việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để bất kì người Việt Nam nào cũng hiểu, tự hào và có ý thức giữ gìn, quảng bá văn hóa Việt Nam. Để các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam không chỉ được lưu giữ trong các bảo tàng kí ức của dân tộc mà thực sự có đời sống năng động và vượt ra khỏi biên giới của quốc gia, dân tộc.
Thái Phan Vàng Anh
Nguồn VNQĐ