Sự kiện & Bình luận

Văn học dịch nhanh nhạy và tự phát

Tiếng nói nhà văn
08:14 | 03/12/2022
Phải nói rằng độc giả Việt Nam ngày nay đang được tiếp cận với một nền văn học dịch rất phong phú và đa dạng. Đa dạng về đề tài, về nội dung và đa dạng về ngôn ngữ. Khác với các thế hệ độc giả cách nay vài chục năm trở về trước, hầu hết các tác phẩm văn học nước ngoài đều được dịch từ tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung và nó quý hiếm đến mức có những tác phẩm được đọc thuộc lòng. Có thể liệt kê ra những tác phẩm kinh điển đó như
aa

Phải nói rằng độc giả Việt Nam ngày nay đang được tiếp cận với một nền văn học dịch rất phong phú và đa dạng. Đa dạng về đề tài, về nội dung và đa dạng về ngôn ngữ. Khác với các thế hệ độc giả cách nay vài chục năm trở về trước, hầu hết các tác phẩm văn học nước ngoài đều được dịch từ tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung và nó quý hiếm đến mức có những tác phẩm được đọc thuộc lòng. Có thể liệt kê ra những tác phẩm kinh điển đó như: Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và Hoà bình, Cánh buồn đỏ thắm, Anna Karenina, Bông hồng vàng và Bình minh mưa… của Nga; Tây Du ký, Hồng Lâu Mộng, Thuỷ hử, Tam quốc diễn nghĩa, Liêu Trai Chí Dị, AQ chính truyện… của Trung Quốc; Không gia đình, Những người khốn khổ, Bá tước Monter Cristo, Ba chàng lính ngự lâm, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Lão hà tiện… của Pháp v.v… Những tác phẩm lừng danh kể trên đã khiến cho độc giả Việt yêu thêm con người và đất nước họ, kể cả khi bây giờ họ đã khác xa ngày xưa. Điều đó chứng tỏ rằng văn học của một quốc gia luôn có sức mạnh phi thường của nó. Mỗi một tác phẩm thời đó đều được các dịch giả chuyển ngữ một cách công phu kỹ lưỡng như thể nó được viết ra từ tiếng Việt vậy, trau chuốt và cẩn trọng vô cùng…

Bây giờ thì đã khác. Có thể thấy rằng hầu hết các tác phẩm văn học “ăn khách” của thế giới ngay sau khi phát hành hoặc đoạt giải thưởng văn học tại quốc gia sở tại hoặc các giải thưởng quốc tế, là rất nhanh chóng có mặt trên các quầy sách của Việt Nam. Số đầu sách dịch có lẽ chiếm đến một nửa số đầu sách của các quầy/hiệu sách trên các phố sách. Điều đó thể hiện sự nhanh nhậy của các nhà xuất bản đối với trào lưu văn học đương đại của thế giới, giúp bạn đọc tiếp cận được với nền văn minh nhân loại nhanh hơn và thức thời hơn. Nhiều tác phẩm được dịch từ rất nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, khiến độc giả có thể khám phá những nét độc đáo của nhiều dân tộc khác nhau, các vùng đất khác nhau; từ những quốc gia lớn, có nền văn minh tiên tiến và văn học đồ sộ hàng đầu thế giới… đến các quốc gia nhỏ bé đang phát triển tại các khu vực và châu lục.

Đồng thời, đề tài của các tác phẩm văn học “nhập khẩu” cũng ngày càng phong phú hơn, có thể nói là đáp ứng được phần lớn các nhu cầu đọc của độc giả. Đội ngũ dịch giả cũng theo đó mà đa dạng hơn cả về ngôn ngữ lẫn tuổi đời. Bên cạnh những tên tuổi kỳ cựu, chuyên nghiệp, uy tín… cũng xuất hiện một đội ngũ dịch giả nghiệp dư “tay ngang”, họ mang đến một khởi sắc mới cho văn học dịch Việt Nam. Tuy nhiên, vì họ chưa được đào tạo bài bản về dịch thuật nên chất lượng đôi khi cũng có những hạn chế nhất định, thậm chí là… tai hại; góp phần vào vấn nạn bị gọi là “thảm hoạ dịch thuật” hiện nay. Tất nhiên “thảm họa” này còn vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, vi mô và vĩ mô khác nữa; chẳng hạn đôi khi vì chạy theo tiến độ và “thời cơ” nên cả dịch giả lẫn biên tập viên và nhà xuất bản đã lơ là hoặc “đốt cháy giai đoạn”, tạo nên những lỗi cộng hưởng rất lớn, chứ không chỉ là những “hạt sạn dịch thuật” có thể… thông cảm (!)

Trào lưu dịch công nghệ cũng đóng góp không nhỏ vào “thảm họa dịch thuật” trên đây. Thời đại công nghệ thông tin lên ngôi, đồng nghĩa với nó là có rất nhiều công cụ hỗ trợ dịch khá hiệu quả. Google translation là một ví dụ. Nhưng phần mềm dù tiên tiến đến đâu vẫn chỉ là công cụ của “số hóa” không thay thế con người được, nhất là trong dịch thuật văn học. Rất dễ để nhận ra những đoạn văn dịch máy như vậy trong một số bản dịch vì nó vừa tối nghĩa, vừa ngây ngô, buồn cười mà các dịch giả “mỳ ăn liền” vì chạy theo tiến độ mà không trau chuốt lại.

Dịch văn bản từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác đã là một việc khó, dịch văn học còn khó hơn nhiều. Người dịch không chỉ cần giỏi ngoại ngữ mà còn phải giỏi cả tiếng Việt và có sự hiểu biết văn hoá thế giới rộng và sâu. Người dịch thơ cần phải biết làm thơ để dịch cho “ra thơ” đã đành, dịch văn xuôi cũng phải có tư duy của nhà văn thì bản dịch mới “ra văn”. Lại có rất nhiều những từ nước ngoài mà người dịch không thể tìm được từ đồng nghĩa trong tiếng Việt và ngược lại. Muốn dịch được một tác phẩm đạt tiêu chuẩn chân thiện mỹ thì người dịch ngoài việc làm chủ ngôn ngữ nguồn, còn phải hiểu bối cảnh của tác phẩm nữa. Dịch một bài thơ hoặc một tác phẩm văn học không phải là dịch cho nó hay hơn mà dịch làm sao cho hết cái hay của chính tác phẩm đó. Đó là sự tôn trọng nguyên tác, tôn trọng tác giả và tôn trọng bạn đọc. Sự khác biệt về văn hoá cũng là một trở ngại không nhỏ cho các dịch giả. Những người đã từng sống nhiều năm ở môi trường ngôn ngữ hiểu được văn hoá của dân bản địa, nhưng cũng có những dịch giả chỉ sống và học ngoại ngữ trong nước thì sẽ khó khăn hơn nhiều trong dịch thuật để có một dịch phẩm chất lượng cao…

Kể ra một vài khó khăn trở ngại như trên để thấy việc dịch văn học không đơn giản là “thông ngôn”, là “chuyển ngữ” mà bất kể ai thạo ngoại ngữ cũng đều làm được. Và có lẽ cũng vì quan niệm dịch văn học nó đơn giản như vậy cho nên thù lao cho các dịch giả thì luôn là những câu chuyện đáng bàn. Có thực mới vực được đạo, giá trị lao động không được trả xứng đáng thì cũng khó mà đòi hỏi chất lượng cao được. Đồng tiền thế nào thì bát gạo thế ấy. Phải chăng đó cũng là một nguyên nhân của “thảm họa dịch thuật” hiện nay? Nếu có một hội nghề nghiệp cho dịch thuật, có những quy định khắt khe về chất lượng bản dịch và mức thù lao hợp lý cho công việc dịch văn học, thì đó sẽ là những cải tiến đáng kể cho nền văn học dịch ở Việt Nam.

Còn một trở ngại nữa là việc tiếp cận văn bản dịch và bản quyền. Việc này nếu để người dịch tự xoay xỏa thì thật khó. Giá như Hội Nhà văn Việt Nam có thể hỗ trợ nguồn sách dịch và đảm bảo về bản quyền thì tôi nghĩ các dịch giả sẽ tự tin hơn trong công việc dịch thuật của mình. Và nữa, nên chăng có một tạp chí chuyên ngành cho văn học dịch Việt Nam, để các dịch giả được công bố các tác phẩm của mình một cách đúng nghĩa, được khích lệ và phát hiện tài năng. Còn như thực trạng hiện nay, mảng văn học dịch ở nước ta có vẻ rầm rộ nhưng đó chỉ là sự tự phát và thiếu định hướng. Vì có cung thì có cầu. Hiện nay độc giả có xu hướng tìm đến các nền văn học nước ngoài để mở mang kiến thức và tầm mắt, thì các nhà sách và các Nhà xuất bản “chớp thời cơ” để làm ăn thôi. Đó là qui luật tự nhiên của thị trường. Nhưng với văn hóa nói chung và văn học nói riêng, thì không thể để mặc cho thị trường điều chỉnh được. Với tầm cỡ và quy mô thị phần áp đảo trên thị trường sách như hiện nay, đáng lẽ ra phải có một Hội nghề nghiệp riêng cho văn học dịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có Hội đồng văn học dịch trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam mà chức năng của nó chắc cũng chỉ dừng ở mức quan sát và báo cáo hoặc tham mưu cho lãnh đạo Hội những công việc nặng về sự vụ hành chính. Những dịch giả có tên tuổi ngày càng hiếm dần và chưa thấy xuất hiện những tên tuổi mới có tầm cỡ như bác bậc tiền bối…

Rõ ràng là đi đôi với số lượng của các tác phẩm văn học dịch trên thị trường sách hiện nay, chúng ta cần chú trọng hơn nữa về chất lượng dịch thuật. Đã đến lúc dịch thuật văn học phải phát triển thành một nghề, có chứng chỉ và được đào tạo bài bản. Ngoài các dịch giả uy tín, cũng rất cần có những biên tập viên văn học dịch thiện nghệ và có trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, để lọc bỏ những “hạt sạn” không đáng có trong mỗi tác phẩm văn học dịch. Ngoài việc tôn trọng nguyên tác thì độc giả cũng cần được tôn trọng vì họ đã bỏ tiền ra mua tác phẩm. Các Hội nghị về văn học dịch cũng nên được tổ chức thường niên để các dịch giả có điều kiện được giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cùng nhau. Gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã rất quan tâm đến văn học trẻ (người viết văn trẻ) và văn học cho thiếu nhi. Hi vọng trong những năm sắp tới, văn học dịch Việt Nam sẽ được quan tâm hơn nữa để đội ngũ tác giả vững chãi, tự tin và chuyên nghiệp hơn!

Nhà thơ Nguyệt Vũ

Nguồn Văn nghệ số 49/2022


Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.