Sự xuất hiện của mạng Internet đã mở ra cánh cửa giúp những người viết trẻ sớm được độc giả đón nhận. Tuy nhiên, xu thế phát triển văn học mạng lại đặt ra nhiều băn khoăn, cần có giới hạn nào cho những sáng tạo để không quá dễ dãi và đánh mất giá trị tốt đẹp của văn chương?
Không chỉ đánh mất giá trị tốt đẹp
Từ năm 2000, văn học mạng đã bắt đầu manh nha xuất hiện và trở thành “món ăn” yêu thích của những ai yêu thích văn chương và sáng tác, bởi không cần một nhà xuất bản mà chính tác giả có thể thoải mái tự đăng tác phẩm của mình lên và tự tìm kiếm độc giả.
Trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, có thể dễ dàng tìm thấy các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm viết truyện online. Ngoài ra các tác giả thường tìm đến các nền tảng như Noveltoon, Enovel, Tomo, Hivestories, Truyenhd, Vieread, Truyenfree… để đăng truyện và hưởng nhuận bút theo lượt view.
Những tác giả văn học mạng nổi lên thời gian qua phải kể đến Trần Thu Trang với “Cocktail cho tình yêu”, “Phải lấy người như anh”. Nhà thơ Phong Việt gây sốt với tập thơ “Đi qua thương nhớ”, xuất bản được 10.000 bản. Tác phẩm của Anh Khang, Hamlet Trương, Gào… đã trở thành sách bán chạy nhất sau khi đăng trên mạng…
Nội dung của văn học mạng rất phong phú. Từ những đề tài lịch sử, kinh dị, xuyên không, bách hợp (đồng tính nữ), khoa học viễn tưởng cho đến những nội dung tâm lý nhẹ nhàng… Tại Hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung” do Hội Nhà văn tổ chức tháng 6.2022, nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi chia sẻ, văn học mạng ngày nay đã rất khác văn học mạng những năm 2010. Chưa bao giờ những người viết lộ diện dày đặc như ngày nay. Trên các trang mạng xã hội có rất nhiều nhóm, cộng đồng người sáng tác, ở đủ các thể loại, đề tài, mức độ chất lượng. Người viết có thể là học sinh cấp 2, cấp 3, viết một cách bản năng, có khi dễ dãi, ảnh hưởng của tiểu thuyết mạng Trung Quốc, truyện tranh Nhật Bản. Các tác giả này viết hàng ngày, chạy “chỉ tiêu” theo đơn đặt hàng. Không còn nhiều sáng tạo, cốt truyện được quy ước theo đề tài như: tổng tài (nam chính lộng lẫy, giàu có), tình yêu đồng giới (đam mỹ- đồng giới nam, bách hợp – đồng giới nữ)… Những thể loại truyện được nhiều người viết lựa chọn như tiên hiệp, kỳ ảo, “hard sci-fi” sử dụng các yếu tố khoa học…
Có lẽ chính vì sự tự do sáng tạo này mà văn học mạng đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế những tác phẩm trên các nhóm viết truyện, tiểu thuyết, rất khó để kiếm được một truyện có văn phong thuần Việt hoặc mang màu sắc riêng. Ngay từ tiêu đề, lối hành văn đến cách xưng hô, đặt tên nhân vật trong truyện đều đậm màu sắc truyện Trung Quốc dù đó là truyện tâm lý xã hội hiện đại hay xuyên không, lịch sử. Trong đó, không ít truyện mang bóng dáng của tiểu thuyết ăn khách Trung Quốc, như “Vong xuyên tam kiếp một bỉ ngạn” là dáng dấp của tiểu thuyết ngôn tình cổ đại “Tam sinh tam thế thập lý đào hoa” do Đường Thất Công Tử sáng tác. Không chỉ bắt chước văn học mạng của Trung Quốc, nhiều tác giả nổi lên cũng nhờ những truyện ngôn tình sướt mướt hay đậm đặc chi tiết sex, giật gân, như: “Cô vợ của tổng tài”, “Yêu em trong hận thù”, “Minh hôn âm dương” …
Nói về vấn đề này, tác giả Hồng Suka chia sẻ, nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng nặng nề cách kể chuyện phong cách ngôn tình hay đam mỹ, kinh dị… với bối cảnh, cách xưng hô, nói chuyện của Trung Quốc.
“Tôi không phản đối bạn theo đuổi thể loại chủ đề nào, nhưng phong cách viết cần phải thoát ra hẳn những gì bạn đọc của người khác. Tiểu thuyết gia muốn thành công và sống được với nghề là phải khiến độc giả nhận ra mình ngay trên trang viết. Như chỉ cần đọc vài trang là biết sách của Murakami, hay Rowling, hay là Hirashino Keigo, hoặc Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư…
Những tác giả này phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đánh đổi để có được chỗ đứng trên văn đàn. Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, rất nhiều tác giả tài năng đã được biết đến. Còn việc xuất bản thành sách giấy lại đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm nhiều hơn của tác giả, người biên tập, nhà xuất bản. Bạn không thể xuất bản một cuốn sách với nội dung cẩu thả và sai lệch được. Sách là nguồn tri thức và dù là tiểu thuyết, nó vẫn phải truyền tải một điều tích cực, hoặc một thông tin giá trị nào đó theo cách đúng đắn và rõ ràng”, Hồng Sakura chia sẻ.
Đánh mất cả lòng tự trọng
Chia sẻ về hiện tượng này, PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, văn học mạng là thứ văn học tồn tại trên không gian mạng, viết trên mạng, tiếp nhận và tương tác trên mạng nên có đặc thù khác. Vì vậy chuyện “vàng thau lẫn lộn” cũng thường gặp.
“Không ít tác phẩm có nội dung không lành mạnh, mang tính chất giải trí nhiều hơn nên các thể loại truyện tương đối thông dụng trên không gian mạng chính là tác phẩm ngôn tình, tác phẩm trinh thám, kinh dị rồi xuyên không… Văn học mạng là văn học được viết trên mạng, lưu hành trên mạng, tiếp nhận trên mạng. Cho nên đặc điểm của văn học mạng chính là tính tự do và tính chất nhanh nhạy, sự tương tác giữa người viết và người đọc dường như mang tính chất tức thời. Và người viết nhiều khi có sự tham gia của người đọc”, PGS.TS Trần Khánh Thành nói.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Khi được hỏi về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Điều đầu tiên dẫn đến tình trạng này là một số người viết trẻ trên không gian mạng đã không còn coi văn học là vẻ đẹp của nghệ thuật sáng tạo văn chương và sự thiêng liêng như là bản chất của văn học. Họ chỉ dùng cái gọi là văn học để thỏa mãn những nhu cầu và cách nhìn của cái tôi cá nhân ích kỷ. Họ không có trách nhiệm với những gì họ viết trước xã hội, thậm chí họ đánh mất lòng tự trọng khi công khai bày tỏ nhục dục của mình. Bên cạnh đó, nhu cầu của một bộ phận người đọc trẻ đã “kích động” họ viết ra những tác phẩm như chúng ta đang nói đến. Một bộ phận người đọc trẻ đang sống một đời sống quá ích kỷ và tìm mọi cách để thỏa mãn cái tôi ích kỷ ấy. Tất cả những điều đó đã dung túng cho những cái gọi là văn chương trong thế giới mạng hiện nay”.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, bản chất của tự do chỉ hiện ra đúng với chính nó khi được ai đó lựa chọn nó. Một tâm hồn đẹp, đầy trắc ẩn với số phận con người sẽ chọn tự do làm đôi cánh để bay lên. Một đời sống ích kỷ, một tâm hồn trống rỗng sẽ chọn tự do để thỏa mãn cái tôi nhục dục. Con ong dùng cánh để bay tới những bông hoa. Con ruồi dùng cánh để đi tìm những đống rác. Tự do chính là đôi cánh và đó chỉ là một phương tiện. Tự do không phải là một đạo đức. Đạo đức là người sử dụng tự do. Hãy tự do sáng tạo ra những vẻ đẹp mới của nghệ thuật trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Khi nói đến toàn cầu hóa của việc viết và đọc là nói đến tính tư tưởng và khả năng phổ cập một tác phẩm văn học trong những nền văn hóa và xã hội khác nhau.
Hội Nhà văn Việt Nam đã có Giải tác giả trẻ để khích lệ sáng tác của các nhà văn trẻ viết cho người đọc Việt Nam nhưng có khả năng tiếp cận bạn đọc thế giới trên nền tảng của văn hóa và đời sống xã hội Việt Nam. Việc một số những người viết trẻ và người đọc trẻ lấy lý do tự do hay toàn cầu hóa đã chứng minh sự thiển cận và sự ích kỷ của họ. Những sáng tác đó không phải là văn chương mà họ chỉ lấy cái tên “văn chương” để gán cho một thứ tăm tối, bệnh hoạn và lạc đường của cả người viết và người đọc nó mà thôi. Một số tác giả truyện ngôn tình đình đám ở Trung Quốc không bao giờ được thừa nhận trong thế giới văn học Trung Quốc. Ở Việt Nam cũng vậy. Còn trong xã hội Hồi giáo thì viết và đọc thứ văn chương này được coi là ma quỷ và bị quy tội.
“Viết thứ văn chương đó và đọc thứ văn chương đó chưa có quy định là vi phạm luật pháp để có thể xử lý cho dù nó bị tòa án lương tâm kết tội. Ở Việt Nam cũng vậy và hầu hết các nước trên thế giới cũng vậy. Giải pháp có tính chiến lược là giáo dục thẩm mỹ. Theo tôi, thẩm mỹ là khoa học của Cái Đẹp. Khi trong tâm hồn con người chứa đựng Cái Đẹp thì tự khắc nó sẽ chống lại cái xấu xa. Đồng thời với giáo dục thẩm mỹ thì các cơ quan quản lý văn hóa phải có những hoạt động có tính chiến lược về văn hóa.
Các hội văn học nghệ thuật phải tổ chức được các hoạt động để tôn vinh những tác phẩm có giá trị và truyền bá rộng rãi những tác phẩm đó một cách bền bỉ và kiên quyết. Thực tế có những người viết, người đọc ở tuổi đôi mươi đã viết, đã đọc những tác phẩm mà chúng ta đang đề cập, nhưng sau đó 10 hoặc 15 năm họ có thể sẽ thay đổi, đấy là con đường nhận thức của họ. Sẽ không chấm dứt được hoàn toàn loại văn chương này, nhưng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, các hội chuyên ngành, hệ thống giáo dục, hệ thống truyền thông và những người có lương tâm phải tìm mọi cách ngăn chặn sự lan rộng của loại văn chương này”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ quan điểm.
PHONG ANH
Nguồn Báo An Ninh Thế Giới