Những ngày đầu năm 2022, đời sống văn chương trong nước liên tục đón nhận tin vui khi có những tác phẩm được dịch ra các ngôn ngữ khác nhau.
Tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được dịch sang tiếng Đức do NXB Tauland phát hành trên toàn nước Đức, với bản dịch của hai dịch giả là Hoàng Đăng Lãnh và Rodion Ebbighausen (người Đức). Đây không phải lần đầu tiên Số đỏ được “xuất ngoại”. Trước đó, tác phẩm này đã được xuất bản tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Italy, Séc…Sau những ngôn ngữ như Nga, Nhật Bản, Mông Cổ, Ba Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch…, mới đây, tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được dịch sang tiếng Slovakia. Bản dịch được xuất bản với 3 ngôn ngữ: Slovakia - tiếng Việt - tiếng Hán do Eva Antoshchenko Muckova, dịch giả người Slovakia, chuyển ngữ từ tiếng Việt, có đối chiếu với bản gốc tiếng Hán.
Được biết, tác phẩm Nhật ký trong tù được gửi tới toàn bộ các thư viện ở Slovakia và phát hành theo hệ thống nhà sách tại quốc gia này. Trước đó, Eva Antoshchenko Muckova từng dịch các tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn, truyện ngắn của Thạch Lam sang tiếng Slovakia.
Cùng thời điểm, Tuyển tập thơ đương đại Việt Nam (tập 1) đã được dịch sang tiếng Hàn. Tuyển tập gồm 60 bài thơ của 20 nhà thơ Việt Nam như: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Inrasara, Trần Anh Thái, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn, Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng... Trước đó không lâu, tiểu thuyết Chúa đất của nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng vừa chính thức có mặt tại xứ sở Kim chi.
Từ năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đã thống nhất cùng đầu tư xuất bản cuốn sách hợp tuyển một số tác phẩm văn học của các tác giả hai nước, với tựa đề Hợp dòng văn học Việt Nam - Ấn Độ. Hợp tuyển được xuất bản bằng song ngữ: tiếng Anh và tiếng Hindi, vừa có mặt tại Ấn độ do NXB Rajkamal Prakshan ấn hành.
Dù có nhiều tín hiệu đáng mừng như vậy, nhưng để văn học Việt tiếp tục lan tỏa, đến được với đông đảo bạn đọc trên thế giới, một trong những việc có thể làm, theo nhà văn Kiều Bích Hậu (hiện công tác tại Ban Đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam), là xây dựng Viện Dịch thuật văn học Việt Nam để quy tụ đội ngũ dịch giả tài năng, liên kết với các đối tác nước ngoài để mỗi năm xuất bản ít nhất 10 đầu sách văn học Việt Nam tiêu biểu ở 10 quốc gia mạnh về văn chương và có ngôn ngữ phổ cập như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nguồn SGGP *Tên bài viết do Văn nghệ đặt