Diễn đàn lý luận

Về đời sống thi ca hôm nay

Lý luận phê bình
09:12 | 16/02/2024
Một câu hỏi lớn đặt ra: Phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống trong tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống đô thị và cái gọi là lối “sống gấp” đang nghiền thời gian sống của chúng ta thành từng mảnh vụn?
aa

Một câu hỏi lớn đặt ra: Phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống trong tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống đô thị và cái gọi là lối “sống gấp” đang nghiền thời gian sống của chúng ta thành từng mảnh vụn? Đã có lúc nhiều nhà thơ tự hỏi: “Thơ cần cho ai, cần cho mọi người hay chỉ cần cho riêng ta?”.

Nếu nói thơ cần cho mọi người thì đấy là một điều không thực tế, vì số đông hôm nay không đọc thơ (cũng không phải vì không đọc thơ mà đời sống tinh thần của họ nghèo nàn). Trong cộng đồng văn hoá Việt hôm nay chỉ có một thiểu số còn đọc thơ (đa phần là học sinh, sinh viên, người già về hưu và người làm thơ đọc thơ của nhau). Vậy thơ sống thế nào trong thời đại “kỹ thuật số”, trong thời “điện tử hoá” đang rút dần đất sống của thơ?

Toạ đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” là hoạt động mở màn cho Ngày thơ Việt Nam 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội).

HAI DÒNG CHẢY CỦA THƠ ĐƯƠNG ĐẠI

Theo tôi, thơ đương đại đang tồn tại hai dòng chảy chính. Có thể tạm gọi dòng chảy thứ nhất là dòng thơ không chuyên nghiệp với sự có mặt đông đảo của những người yêu thơ, những người làm thơ bình dân đang sinh hoạt ở rất nhiều câu lạc bộ thơ ở nhiều thôn, xóm, phường, xã, quận, huyện… tại các địa phương trên khắp cả nước. Về dòng chảy này, tôi chợt nhớ tới một câu thơ của nhà thơ Lê Văn Ngăn “Chúng tôi vô danh nhưng chúng tôi nhiều hơn những người nổi tiếng”. Có thể nói chưa có thời kỳ văn học nào của đất nước ta lại có một nền thơ bình dân rộng rãi và sôi động đến như hiện nay, sự bùng nổ ấy chính là nhờ công nghệ in ấn và xuất bản rất phát triển hiện nay khi ai cũng có thể bỏ tiền túi để công bố những sáng tác thơ của mình (rẻ nhất cũng là bằng cách đánh máy vi tính và photocopy).

Đây cũng là chuyện bình thường trong sự phát triển tất yếu của một xã hội ngày càng cởi mở, nhất là khi dân tộc chúng ta là một dân tộc yêu thơ và ở nhiều giai đoạn đã coi việc làm thơ như một hành động yêu nước như ông chủ báo Nam Phong ngày xưa đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Đấy tạm gọi là dòng chảy thứ nhất.

Dòng chảy thứ hai là dòng thơ chuyên nghiệp với sự hiện diện của những người viết chuyên nghiệp, những nhà thơ đã thành danh. Đây là dòng thơ chủ lưu làm nên diện mạo của thơ ca Việt Nam đương đại với những tinh hoa và tài năng thơ thật sự. Nhưng có một thực tế nghiệt ngã, những người nổi tiếng như họ, những năm qua lại đang “chìm nghỉm” trong một biển người làm thơ không chuyên hiện nay. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này khi các nhà thơ chuyên nghiệp phải từ 4-5 năm (có người cả chục năm) mới xuất bản được một cuốn thơ, mỗi cuốn in khoảng chừng 500 bản, lại để biếu nhau là chính vì thơ bán được rất ít hoặc không bán được.

Vậy thì lớp độc giả nào sẽ đọc thơ của chúng ta với 500 bản in như vậy nếu không phải chỉ có chính những người làm thơ đọc của nhau? Chúng ta chỉ có hai muơi bốn chữ cái - hai mươi bốn con đường mở ra hai muơi bốn dòng sông ngôn ngữ. Vào cái thời ma lực của chữ viết, với máy in, mực in và giấy in, khiến nhiều người mộng mơ và đa cảm đều muốn trở thành thi sĩ. Không ai có quyền cấm họ trở thành các nhà thơ với cách thức gieo trồng cảm xúc để cho ra đời một thứ sản phẩm gần giống với thơ! Nhưng sau mọi xúc động duy mỹ, thơ là sự kết cấu của ngôn từ để tư tưởng bay lên, và bởi khát vọng của yêu thương, đau đớn và mất mát của chúng ta sẽ vượt qua những cảm xúc trữ tình cũ kỹ và nghèo nàn ý tưởng.

KHÔNG CÓ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT KHÔNG CÓ THI CA

Thi ca chính là sự sáng tạo hình tượng nghệ thuật của văn bản ngôn ngữ thơ. Xin khẳng định: Không có sáng tạo chắc chắn là không có thơ vì lúc ấy, bài thơ của bạn chỉ là một sự sao chép hình ảnh thiên nhiên, sao chép tâm trạng con người, sao chép sự rung động bắt chước người khác một cách sơ đẳng và sơ khai nhất. Thơ đích thực không phải thế và muôn đời không phải thế. Do vậy, sự sáng tạo trong thơ đòi hỏi chúng ta phải có sự lao động nghệ thuật một cách có ý thức, một cách chủ động để nắm bắt những kỹ năng cơ bản nhất trong việc làm một bài thơ, trong việc dựng một tứ thơ. Thông thường, theo bản năng tự nhiên, người viết chỉ chú ý tới một chút cảm xúc ban đầu và một vài hình ảnh, một vài ấn tượng để bắt đầu viết một bài thơ. Chính điều này làm cho người làm thơ cảm thấy rất dễ viết, dễ làm thơ và ai ai cũng có thể trở thành nhà thơ được với công nghệ in ấn phổ biến ngày hôm nay.

Cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng một hình tượng lạ, một cấu trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ, và phải là những phát hiện mới về tính suy tưởng của thơ. Thời gian trước đây có ý kiến cho rằng, thơ hay (giống như một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có soi vào mãi cũng không thấy gì. Còn thời gian gần đây lại có ý kiến, thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một tư tưởng mới, một sức sống mới đã làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ.

Các nhà thơ đương đại đã làm chúng ta ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường thẩm mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng ngày và tính công dân nhiều khi lại là thước đo được nhắc tới trong các tác phẩm văn học đương đại.

Những nhà thơ sung sức hiện nay đang có những cách tân được dư luận chú ý là những nhà thơ đã biết cách giữ được đặc thù của ngôn ngữ thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ với các xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ bằng những ý tưởng mới. Thật ra, thơ hay có những tiêu chí gì, chuẩn mực gì vẫn là chuyện muôn đời xưa nay còn phải bàn cãi, vì cái hay đối với lớp người này (ở thời điểm này) chưa chắc đã là hay đối với lớp người khác (ở thời điểm khác) và ngược lại. Nhưng có một điều dễ nhận ra, thơ hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của nghệ thuật văn chương. Có một số nhà thơ đương đại đang hướng đến cách tiếp cận tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những suy tưởng mới, những ý tưởng mới để làm thay đổi nội dung trình hiện của các bài thơ, để làm cho những con chữ thơ có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, giầu hàm lượng tri thức hơn.

Một vấn đề quan trọng có thể coi là căn cốt nhất trong việc sáng tạo thi ca chính là việc phát hiện, xây dựng các tứ thơ cho mỗi bài thơ. Với tôi, tứ thơ chính là sự kết hợp hài hòa của các trạng thái hưng phấn trong sáng tạo thi ca như: cảm xúc, nghĩ suy và trí tưởng tượng. Nếu coi mỗi bài thơ là một sinh thể thi ca, ta sẽ nhận thấy: Cảm xúc chính là phần da thịt tươi mới, màu mỡ, sống động của sinh thể thơ; Ý tưởng (trong nội hàm tư tưởng) là phần xương cốt tư duy vững chắc của sinh thể thơ; còn Tứ thơ chính là cái hồn của sinh thể thơ ấy. Từ nhận định này, trong hành trình sáng tác mỗi bài thơ, ta sẽ có một tam giác sáng tạo thơ bao gồm 3 đỉnh: da thịt của cảm xúc thơ, xương cốt của ý tưởng thơ và cái hồn của tứ thơ. Vì thế, chí ít một bài thơ đích thực, trước tiên phải có đủ 3 yếu tố: cảm xúc, ý tưởng và tứ thơ theo tam giác thơ nói trên.

Nếu coi mỗi bài thơ là một ngôi nhà thì đường nét kiến trúc của ngôi nhà ấy chính là tứ thơ. Điều này làm nên sự khác biệt độc đáo của mỗi một văn bản thơ vì mỗi bài thơ hay thường xuất phát từ những tứ thơ hay và độc đáo. Vì thơ là một loại hình sáng tạo nghệ thuật nên nhà thơ được coi như một kiến trúc sư của tâm hồn. Bởi thế nhà thơ không chỉ cấu trúc đặt ngôi nhà thơ của mình lên trang viết mà phải đặt ngôi nhà thơ này vào tâm hồn người đọc, vào trái tim, vào suy nghĩ của độc giả. Vì tứ thơ là hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ nên tứ thơ chính là quá trình cấu tứ bằng hoạt động của tư duy để sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Khi đó, nhà thơ dùng tư duy thơ để cắt nghĩa, lý giải, khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ sự cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm và bằng cả những ẩn dụ nghệ thuật.

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Baovannghe.vn - Giấc ngủ không sâu, đã thế lại liên tục bị rơi vào những miền ảo ảnh xa mờ. Hắn thấy Thầy Sư Phụ trở về từ hẻm núi sũng hơi sương. Khuôn mặt thầy hốc hác.
Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Baovannghe.vn - Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam.
Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Baovannghe.vn - Văn chương Sao Mai luôn gắn liền với số phận con người, hết sức bình dị và lôi cuốn. Những tác phẩm của ông đã ăn sâu trong tâm trí bao bạn đọc. Một đời văn sống lam lũ nơi rừng xanh núi đỏ, viết văn dưới ánh sáng đèn dầu, mà cho ra đời đến hơn 30 tác phẩm.
Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Baovannghe.vn- Người đi trên phố nắng/ Ta về sau cơn mưa
Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Quẩn quanh trong lồng sắt/ năng hót