Với tôi, mỗi lần về quê là một dịp được nhởn nhơ thư giãn. Tôi thường đi chuyến tàu cuối trong ngày, lắc lư khi thức, khi ngủ theo nhịp bánh xe, con tàu đi về phía trước mà lòng người thường lại giật lùi về dĩ vãng, về những buồn vui mỗi bận về thăm nơi chôn nhau cắt rốn… Sáng sớm hôm sau tôi đã có mặt đâu đó ở Xứ Nghệ, nhưng cho dù có dừng lại ở Vinh, có khi xuống tận Cửa Lò, có khi vào thắp hương đền Chợ Củi… thì đích đến cuối cùng của tôi vẫn là một làng nhỏ bên bờ sông La có tên cổ là làng Cầu Khóng.
Lần gần đây nhất, vào dịp lễ Vu Lan, tàu đến ga Yên Trung thì trời sắp sáng. Nhìn về phía Đông đã thấy đường viền nhấp nhô của dãy Hồng Lĩnh in trên nền trời phơn phớt hồng. Tôi một mình lặng lẽ đi tắt cánh đồng về phía nghĩa trang dòng họ. Phần mộ ông bà, ba mẹ tôi được xây khiêm nhường trên cánh đồng làng, ngay bên một phân dòng của sông La, một dòng nước bé gầy nhưng chưa bao giờ khô cạn, về thắp hương tôi vẫn lấy nước sông La ở tận con sông nhánh này để cắm hoa. Mỗi lần lặng đứng trước phần mộ với ba nén nhang đang cháy trong tay, tôi luôn thầm báo rằng con đã lại trở về! Con đã lại trở về từ cuộc đời lận đận, con đã lại trở về từ những tháng ngày lưu lạc, con trở về xin một thoáng bình yên dưới bóng chở che của những bậc sinh thành dưỡng dục. Bà nội và mẹ tôi tần tảo nuôi tôi khôn lớn suốt những tháng năm côi cút chưa bao giờ trách cứ vì những gì tôi không làm được cho bà, cho mẹ vui lòng, còn trong lòng tôi luôn xót xa vì những gì đã không thể chuộc lại được nữa rồi…
Về quê tôi thường ra ngay với cánh đồng để ngẫm về linh hồn của đất, gặp lại cuộc sống của làng, nỗi trăn trở, vui buồn, âu lo và hy vọng của bao thế hệ. Cánh đồng còn là nơi gắn bó với bao kỷ niệm tuổi thơ tôi, đấy là nơi hương lúa thấm đẫm vào lòng, hoa lúa rơi đầy mặt nước, lũ cá rô ron đớp mồi, lũ cào cào châu chấu bay nhao nhác, lũ nhái bén nhảy tứ tung trước mỗi bước chân… Đấy là bữa cơm đầu bờ ngày nhổ mạ, bếp lửa chiều đông đốt từ rơm con cúi cay xè nước mắt, là cánh diều lên lung linh trong những mắt cười… Con đường men theo các bờ ruộng, hằng ngày chúng tôi vẫn tới ngôi trường sơ tán ở tận bên kia dãy núi Chùa Am nay đã không thể nhận ra được nữa, những dấu chân hồn nhiên chạy nhảy, những dấu chân bấm chặt xuống đất bùn, những vết trượt ngã chỉ còn lưu lại trong trí nhớ mong manh của cuộc đời tôi. Cánh đồng ngày xưa mùa này xếp ải, chuẩn bị đất cho vụ mùa bây giờ lúp xúp gốc rạ, lúa ma nẩy phất phơ xanh. Người ta đã không cắt rạ đem phơi để đun bếp, lợp nhà, làm thức ăn cho trâu bò… và cũng không đốt đồng như nhiều nơi vẫn làm. Trước vụ gặt, công trình thủy lợi rút nước, đất khô, mấy chiếc xe máy có buộc hai bên hai cái vợt, căng bằng lưới dày, miệng to như vành nón hướng ra phía trước, đang nổ máy inh ỏi, chạy vòng vòng thật lực trên các thửa ruông: Người ta vợt châu chấu đem bán cho các nhà hàng đặc sản, lại thêm một nghề phụ ngoài việc trồng lúa!
Trên cánh đồng thân thuộc dân quê tôi đã bao đời quay theo vòng quay của mùa vụ. Nắng nôi, lũ lụt, chó ăn đá, gà ăn sỏi, đồng ruộng không nuôi nổi người, bà con phải tìm trăm phương ngàn kế mưu sinh. Làng tôi nổi danh với câu “lừa ma, lọc nước”, nghe toàn là lừa với lọc, khiếp chết! “Lừa ma” đây là nghề làm hàng mã, còn “lọc nước” không biết là ám chỉ nghề làm giấy, ép dầu hay làm bột lọc? Tính cách con người cũng từ đó mà nên…
Tôi có ông bạn thiếu thời, buồn vui chia sẻ năm, sáu chục năm trời, bây giờ đang sống độc thân. Về quê tôi thường vứt cái túi vào nhà ông ấy rồi đi lo công chuyện, đến bữa thì bò về, có gì ăn nấy. Tôi vui mừng vì quê nhà bây giờ chẳng kém gì thành phố, điện đường trường trạm đang dần dà thành hiện thực, tòa ngang dãy dọc xây cất tươm tất, nhiều nhà nấu cơm bếp ga, bảo quản rau quả, thịt cá bằng tủ lạnh, ông bạn tôi còn lắp một cái máy điều hòa không khí để dưỡng già. Nói nhỏ với nhau, chứ đến cái nhà vệ sinh cũng khác, xí bệt, gốm viglacera hẳn hoi nhé! Bạn tôi nói bây giờ chỉ còn một ước mơ nho nhỏ là trời cho khỏe mạnh…
Trưa hôm ấy hai anh em chúng tôi đang ăn cơm thì có người mở cổng sau đi vào, tay xách cái âu nhôm, vừa đi vừa oang oang: “Biết bác về, sáng nay vợ em kiếm được lưng giỏ cua, nấu nồi canh, mang một chút sang mời bác, nắng quá, vợ em nó lo bác chịu không thấu!”. Tôi thì có lạ gì gió Lào với nắng lửa, trở về nào có dám than vãn gì đâu, thế mà vợ chồng chú ấy không bỏ qua, nhớ đến ông anh tội nghiệp! Lưu lạc khắp nơi, cũng có khi được biết món này, món nọ nhưng bữa trưa hôm ấy suốt đời không dễ gì có được, không dễ gì quên!
Tối đến, sau vài ly rượu hàn huyên tôi xin đi ngủ sớm vì đã suốt một ngày vất vả. Ông bạn xếp cho tôi ngủ trong căn nhà cổ, nơi ngày xưa hôm nào tôi chẳng sang chơi đùa, nghịch ngợm, còn ông ấy ngủ ở ngôi nhà ngang mới xây cất sau này. Tôi ngủ thiếp đi, lúc chợt tỉnh xem đồng hồ mới hơn mười giờ, tôi nhẹ nhàng mở cửa ra sân. Ngoài vườn trăng rải vàng lên muôn vàn cây lá, trời cao lóng lánh sao, đêm mát mẻ, khác hẳn với hồi trưa, đã sang thu rồi chăng, sao đêm êm ả và bình yên đến thế? Thực ra, quê tôi theo đường chim bay cũng chỉ cách biển mươi cây số, lại nằm ngay cạnh sông La. Biển và sông đang ngày con nước, ở ngoài ấy đầy gió và đầy trăng nên tràn cả vào trong làng. Tôi ngồi ngoài sân một mình mà lòng chìm vào bao kỷ niệm, những năm tháng tuổi thơ lặng lẽ trở về cùng với ánh trăng rằm rờ rỡ…
Gần sáng, tôi thức giấc trong tiếng gà eo óc gáy. Ở thành phố, bốn năm giờ sáng đã âm vọng tiếng động cơ, xao xác tiếng người, về quê giữa đêm thanh vắng nghe lại tiếng gà mà cứ ngỡ ngàng như nhận được những âm thanh thân thuộc vọng về từ một thời xa ngái. Tôi đoán rằng cũng đã canh tư, khẽ khàng trở dậy, xỏ giày rồi theo thói quen đi ra đường. Đã lâu lắm rồi ở quê không mưa, con đường bê tông khô trắng trải dài trước mặt, đây là một nhánh theo hướng Đông- Tây trong mạng lưới đường nội đồng ngang dọc. Tôi ngước nhìn lên, trước mặt là một chiếc mâm vàng rực rỡ treo lơ lửng, cách đỉnh núi Chùa Am chỉ mấy con sào. Trăng Rằm tháng Bảy mà như là đã Trung Thu, trong veo và lung linh sáng. Đi trong ánh trăng vằng vặc tôi thấy lòng mình hồ hởi như vừa nhận được một ân huệ, một điều gì may mắn…
Hôm sau, khi đã trở về nhà, tôi lần mò vào mạng mới biết rằng vầng trăng tôi gặp lại ở quê là vầng trăng gần với Trái Đất nhất, tròn nhất và sáng nhất trong năm, người ta gọi là Siêu Trăng! Thời điểm Siêu Trăng ta nhìn thấy mặt trăng lớn hơn và sáng hơn gấp bội so với thông thường. Năm nay, tôi được ngắm siêu trăng trên cánh đồng làng của quê mình! Đúng là tôi đã gặp may…
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022