Sự kiện & Bình luận

Vẹn nguyên tình đồng đội

Bút ký phóng sự
18:35 | 02/05/2017
Mười năm sau ngày giải phóng, khi cuộc sống thời bình của những người lính đã bắt đầu trở nên ổn định, thì cũng là lúc những kỷ niệm, những ký ức hào hùng, sâu đậm trong cuộc sống của mỗi người bắt đầu thức dậy, bắt đầu tìm đến, bắt đầu tụ lại với nhau. Và thế là bắt đầu từ năm 1985, cứ vào dịp ngày 30-4 hàng năm các chiến sỹ cũ của C150 lại có một ngày gặp mặt truyền thống của mình
aa

C150 là một đơn vị trinh sát kỹ thuật thuộc Ban Quân báo B3, hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên suốt 10 năm, từ 1965 cho đến kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ (tháng 4 năm 1975). Với nhiệm vụ ban đầu là nắm tình hình địch bằng việc bắt, giải mã và phân tích các thông tin của chúng qua hệ thống vô tuyến điện để phục vụ các trận đánh, các chiến sỹ trinh sát kỹ thuật C150 đã dần dần trưởng thành, tiến tới đảm bảo nắm chắc các hoạt động của địch trong một “thế giới hỗn mang” của sóng điện tử để cung cấp thông tin phục vụ tới cấp chiến dịch, thậm chí là cả một số vấn đề có tính chất chiến lược, từ đó đã có rất nhiều đóng góp tích cực vào thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên nói riêng cũng như chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói chung.

Mười năm sau ngày giải phóng, khi cuộc sống thời bình của những người lính đã bắt đầu trở nên ổn định, thì cũng là lúc những kỷ niệm, những ký ức hào hùng, sâu đậm trong cuộc sống của mỗi người bắt đầu thức dậy, bắt đầu tìm đến, bắt đầu tụ lại với nhau. Và thế là bắt đầu từ năm 1985, cứ vào dịp ngày 30-4 hàng năm các chiến sỹ cũ của C150 lại có một ngày gặp mặt truyền thống của mình...

Trong chiến tranh, Biết địch biết ta luôn là vấn đề được đặc biệt chú trọng, để dẫn đến kết quả cuối cùng là Trăm trận trăm thắng. Điều này đã được đúc kết lại như một khái niệm của binh pháp mà trong đó, nếu như Biết ta là cái tài và cái đức của người cầm quân, thì Biết địch lại là yếu tố để cái tài và cái đức đó phát huy được hết hiệu quả của nó. Ngành Tình báo với rất nhiều phương diện hoạt động phong phú, linh hoạt chính là để thực hiện nhiệm vụ Biết địch đó...

Bên cạnh những hình ảnh người chiến sỹ tình báo gan góc, quả cảm hoạt động âm thầm trong lòng địch, như chúng ta vẫn thường hình dung, thì cũng còn những lĩnh vực hoạt động khác của các chiến sỹ tình báo mà ít người biết đến, trong đó có thông tin liên lạc. Không phải đến bây giờ cuộc chiến trong công nghệ thông tin mới là điều đáng quan tâm, mà ngay từ rất lâu rồi, hoạt động tình báo kỹ thuật trong chiến tranh đã được sử dụng một cách triệt để và hiệu quả, góp phần to lớn vào sự thành công của từng trận đánh, từng chiến dịch và cả cuộc chiến. Họ thực sự là những “Hacker” mặc quân phục Quân giải phóng trong cuộc đấu âm thần, nhưng không kém phần gay gắt trên mạng lưới thông tin chiến trường..

*

C150 là phiên hiệu của một đơn vị tình báo kỹ thuật như vây. Tiền thân từ một tổ công tác thuộc tiểu đoàn 75 ở miền Bắc, sau hơn 100 ngày hành quân theo những lối mòn Trường Sơn, cuối năm 1960, đầu năm 1861, đơn vị vào đến chiến trường khu 5 và bắt đầu đi vào hoạt động với phiên hiệu Đơn vị V408, có nhiệm vụ nắm địch thông qua mạng lưới thông tin liên lạc vô tuyến. Cuối năm 1964, trước yêu cầu của chiến trường, 5 cán bộ của V408 được điều lên Tây Nguyên thành lập tổ trinh sát kỹ thuật thuộc Mặt trận B3 (mặt trận Tây Nguyên) mà nhiệm vụ đầu tiên là tham gia chiến dịch Plây Me lịch sử. Sự có mặt của trinh sát kỹ thuật trong chiến dịch đã nhanh chóng nắm trọn và chính xác những diễn biến của địch, thông qua hệ thống thông tin liên lạc của chúng, góp phần to lớn vào thắng lợi tuyệt đối của chiến thuật “công đồn, diệt viện” mà ta lần đầu tiên áp dụng trên chiến trường Tây Nguyên, bất chấp cả sự có mặt tham chiến của quân Mỹ, điều mà trong kế hoạch ban đầu ta chưa đề cập tới. Kết thúc chiến dịch, cuối năm 1965, một lực lượng chủ lực lớn được điều động từ miền Bắc vào tăng cường cho B3, trong đó có bộ phận tình báo kỹ thuật. Cùng với 5 thành viên ban đầu này hình thành nên đơn vị C150 với quân số ban đầu chỉ mới hơn 30 người, hoạt động trên toàn bộ chiến trường Tây Nguyên. Có thể coi đây là đơn vị đầu tiên thuộc ngành tình báo kỹ thuật của chúng ta hoạt động trên chiến trường miền Nam ngay từ những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ...

Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo (ngồi giữa) cùng Ban chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên chụp ảnh lưu niệm với các chiến sỹ C150 trong một lần gặp mặt sau ngày giải phóng


Cũng như hầu hết tất cả những người lính Tây Nguyên thuở ấy, lính C150 cũng đã từng trải qua những khoảng thời gian khó khăn, thiếu thốn và vô cùng ác liệt của đạn bom, của sự bao vây, cô lập địa bàn của địch, cũng như của những mùa mưa Tây Nguyên dầm dề, dai dẳng kéo dài hàng tháng trời. Những ngày đó đã được Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trân Tây Nguyên ghi lại trong cuốn hồi ký Chiến đấu ở Tây Nguyên của mình:

“... Mùa Đông 1969, B3 phải tổ chức một chuyến bảo đảm hậu cần dài nhất từ trước tới nay: 25 cung vận chuyển gùi thồ dưới bom B52 và mưa lũ. Toàn quân làm công tác vận chuyển, kể cả các đơn vị trực tiếp nổ súng. Nhưng vấn đề hậu cần ở đây đâu chỉ là vận chuyển. Có gì mà vận chuyển? B3 lúc đó không có gạo, các cơ quan, đơn vị phía sau đồng loạt ăn một lạng gạo một ngày, phải trồng sắn để ăn mà dành gạo cho phía trước....”

Khó khăn chung của lính Tây Nguyên thì đã như vậy; còn đối với những người lính tình báo kỹ thuật, tuy là “con cưng” của Mặt trận, nhưng lại còn thêm những khó khăn riêng mang đặc thù của công việc. Thiếu tướng Nguyễn Sơn ngày ấy đã nói về công việc của họ như thế này: “Pin là hậu cần số Một, đạn là số Hai, gạo muối là thứ Ba...”. Cuộc chiến tranh Việt Nam vốn được coi là nơi để chứng tỏ sức mạnh về quân sự của người Mỹ, nên họ đã đổ vào đây cơ man nào là tiền của cùng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Trong khi đó chỉ riêng pin dùng để chạy máy, thứ không thể thiếu trong “đồ nghề” của những người lính tình báo kỹ thuật, thì mỗi cục cũng trị giá bằng một con trâu. Mỗi tháng sơ sơ cũng xài hết khoảng “trên hai chục con trâu” mới đủ. Mưa gió, đạn bom như vậy lấy đâu cho đủ. Ấy là chưa nói đến máy móc toàn loại dải tần hẹp, độ nhạy kém, gặp mưa bão, sấm sét thì chỉ có nước... chịu...

Nếu như người Mỹ coi chiến tranh là một cuộc đấu sức, thì với ta, đó lại là cuộc đấu trí. Bàn cờ thế trận ở Tây Nguyên đã nói lên rất rõ điều đó; và các chiến sỹ C150 Mặt trận Tây Nguyên cũng thể hiện rất rõ điều đó ngay trong công việc của mình. Từ việc Nguyễn Xuân Nước, một chiến sỹ cơ công của đơn vị, đã cải tiến thành công máy điện tử 139 của Trung Quốc, giảm mức độ tiêu hao năng lượng từ “một con trâu” xuống còn “nửa con trâu”; đến việc tìm ra những phương pháp mới để nắm địch, như cách chuyển từ dài sang ngắn; nghĩa là thay vì thu thập tin tức từ phía sau, các chiến sỹ C150 đã lập những chốt kỹ thuật trên các điểm cao để tăng cường khả năng thu thập thông tin, đồng thời cũng hình thành nên một mạng lưới nắm địch ngay tại các đơn vị chiến đấu trên toàn chiến trường đảm bảo kịp thời và phù hợp với đặc điểm của mỗi giai đoạn, mỗi chiến dịch. Rồi lại chuyển từ ngắn sang dài, bằng cách nắm tình hình quân địa phương để biết quân chính quy, nắm quân ngụy để biết quân Mỹ, nắm bộ binh để biết không quân... Có thể nói đây thực sự là một sự sáng tạo đem lại hiệu quả vô cùng lớn, từ đó đúc kết thành kinh nghiệm chiến đấu: Thông qua nắm tình hình chiến đấu để phục vụ chiến dịch; thông qua nắm chiến dịch để chỉ đạo chiến đấu; từ đó phát hiện ra những vấn đề có tính chất chiến lược... Điều này về sau đã được tổng kết và phổ biến cho các chiến trường bạn... Tất cả những điều đó không chỉ chứng tỏ bước trưởng thành của một đơn vị, mà còn đánh dấu cả sự lớn mạnh không ngừng của cả một lực lượng tình báo kỹ thuật quân sự của ta trong 10 năn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm giàu thêm truyền thống Trung dũng - Kiên cường, độc lập - Sáng tạo, Bí mật - Khôn khéo, Đoàn kết - Quyết thắng của Tình báo quốc phòng Việt Nam

Đánh giá về C150 tình báo kỹ thuật trên chiến trường Tây Nguyên trong thời gian này, Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã ghi lại trong tập sách Đồng Đội, một tập sách mang tính chất kỷ yếu của đơn vị: "Các đồng chí cán bộ, chiến sỹ của C150 đã được rèn luyện, thử thách, luôn rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ nên đã có nhiều cống hiến cho công tác quân báo ở chiến trường Tây Nguyên, góp phần thắng lợi vào chiến dịch Tây Nguyên đại thắng mùa xuân 1975." Và với tư cách là người từng nhiều năm trực tiếp làm việc với C150 trên chiến trường này, ông còn nói thêm: Ở chiến trường, mỗi khi phải cân nhắc trước một quyết định nào đó, chúng tôi đều hết sức chú trọng đến thông tin của trinh sát kỹ thuật...

*

Đã cùng nhau đi suốt cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, đã từng cùng nhau chia sẻ bát cơm, củ sắn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, và thậm chí cả sự sống và cái chết nữa, để rồi đến giây phút cuối cùng của cuộc chiến lại được chia nhau niềm vui sướng tận cùng của chiến thắng, có lẽ hơn ai hết, chỉ những người lính là những người hiểu hơn ai hết ý nghĩa của hai từ ĐỒNG ĐỘI. Còn hơn thế nữa, chính họ đã thổi vào đó những hàm ngôn mới. Những người lính C150 Tình báo kỹ thuật Mặt trận Tây Nguyên ngày đó cũng vậy. Tháng 10 năm 1975, họ chia tay nhau về với đời thường, để lại một truyền thống đầy tự hào cho mãi đến ngày hôm nay. Trải qua bao nhiệm vụ mới, với những đòi hỏi và thách thức mới, truyền thống C150 vần được gìn giữ vẹn tròn.

Trong chiến tranh, họ là một đội ngũ. Về với đời thường, họ là trăm cuộc đời, trăm số phận. Nhưng có một điểm giống nhau, đó là cái tình đồng đội ở họ thì vẫn vẹn nguyên. 10 năm sau ngày chia tay, năm 1985, vào đúng dịp 30-4, lần đầu tiên họ gặp lại nhau, và Ban liên lạc C150 ra đời. Ban đầu chỉ hơn 30 người; cũng lại là con số 30, con số mở đầu của C150 khi bắt đầu thành lập năm 1965; gồm một số anh em tại Hà Nội và vài tỉnh lân cận. Cuộc mưu sinh đã kéo mỗi người ra một phía. Nhưng cuộc mưu sinh không thể tách họ ra khỏi đồng đội của mình. Bằng chứng là từ sau cuộc gặp mặt lần đầu tiên đó, các cuộc gặp mặt lần thứ 2, 3, 4, 5... lần lượt ra đời và duy trì đều đặn vào đúng dịp 30-4 hàng năm, cho đến hôm nay là lần thứ 32. Và cũng như sự trưởng thành của C150 ngày ấy, số người tham gia sau mỗi lần gặp gỡ lại đông đảo hơn. Từ địa điểm là một căn phòng chưa đầy 20m2 của nhà văn Trương Vĩnh Tuấn tại số 5 Trương Hán Siêu (Hà Nội), với tất cả những bề bộn, túng thiếu của cuộc sống nói chung thời đó, họ đã cùng ôn lại những kỷ niện của ngày hôm qua, đã cùng dìu dắt nhau trong cuộc sống hôm nay. Và cũng từ đó, từng ngày, từng ngày, từ khắp mọi miền của Tổ quốc, họ đón nhau về với vòng tay đồng đội, cả người còn sống, cả người đã khuất; để rồi cho đến lần này thì không chỉ là hơn trăm con người trong số họ nữa, mà cả gia đình và những thế hệ con cháu họ cũng về ngồi lại bên nhau, hồ hởi, trang nghiêm, đầm ấm...

Lịch sử ngày mở thêm trang

Mỗi hàng chữ đậm - nét vàng chiến công

Việt Nam đất mẹ anh hùng

Có chúng con giữ thành đồng vẻ vang

Mười năm vất vả gian nan

Mỗi tên người - ánh thép gang kiên cường....

(thơ Cao Văn Lâng, nguyên chiến sỹ C150 Mặt trận Tây Nguyên)

Vâng, có mặt trong ngày hôm nay là những con người như vậy. Những con người với những cái tên đã từng làm nên danh hiệu Thành đồng quyết thắng cho C150 trong suốt những năm từ 1968 đến ngày toàn thắng 1975. Họ là những Nguyễn Tăng Thường, Nguyễn Đìng Trung, Trương Vĩnh Tuấn, Đỗ Hồng Thanh, Bùi Hồng Lục, Hoàng Thư, Vũ Văn Tòng... Từ người lính, nhiều người trong số họ đã trở thành những doanh nghiệp thành đạt, những cán bộ mẫu mực, có người thành nhà báo, nhà văn, nhà giáo; có người về lại với ruộng đồng, có người trở lại chiến trường xưa để sinh cơ lập ngiệp... Người đi hết cuộc đời binh nghiệp, người nằm lại chiến trường... Tuy nhiên, cái giống nhau của ngày hôm nay ở họ là những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt, là rưng rưng nơi khoé mắt, là sự kiêu hãnh, tự hào, cái biểu hiện chỉ có thể có được khi người ta thực sự mãn nguyện với cuộc sống. Đúng vậy lắm chứ. Giờ đây khi tóc đã hoa râm, họ hoàn toàn có quyền mãn nguyện vì là những người luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Ngày hôm qua, họ đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, với dân tộc; còn ngày hôm nay, họ hoàn thành nhiệm vụ với gia đình, với chính mình... Tôi đã phát hiện ra điều này qua lời phát biểu của ông Bùi Hồng Lục, nguyên Chính trị viên C150 thời kỳ sau năm 1975, khi ông nói rằng trong gia đình của tất cả chiến sỹ C150 hôm nay ngồi đây, không một gia đình nào có con cái hư hỏng, nghiện ngập. Một chi tiết hết sức đáng để được cười một nụ cười hào sảng, vang đến tận trời...

Các chiến sỹ C150 trong một lần trở lại thăm chiến trường xưa


10 năm họ chiến đấu bên nhau, 40 năm sau họ lại đến với nhau, vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Điều đó không thể chỉ coi đơn thuần là biểu hiện, mà phải hiểu đó chính là tâm cam của mỗi con người. 40 năm đã qua, họ vẫn luôn xếp thành đội ngũ, và những dịp như thế này lại là một lần điểm danh.

Thời gian và sự gian khổ đã làm nên sự từng trải của những người lính. Và cũng chính thời gian đã lại kiểm chứng những ân tình thuỷ chung của người lính. – “Mọi điều có thể mất, nhưng chỉ có ân tình là còn lại mãi”. Vị tướng dạn dày trận mạc Hoàng Minh Thảo, người từng gắn bó cùng họ suốt 10 năm gian khổ, ác liệt mà mưu trí, hào hùng, đã nói như thế trong một lần gặp mặt như vậy cách đây 10 năm, khi ông còn sống. Có thể coi đấy là một niềm tâm sự của ông sau khi đã đi gần trọn một cuộc đời binh nghiệp; mà cũng có thể coi như một lời hẹn thủy chung của những người lính hôm nay

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.