Diễn đàn lý luận

Với nghệ thuật viết cho thiếu nhi*

Tác phẩm và dư luận
07:44 | 06/10/2020
Không chỉ viết riêng cho thiếu nhi, nhưng Phạm Đình Ân vẫn là tác giả khắc ghi dấu ấn đối với độc giả nhỏ tuổi cùng phụ huynh các thế hệ. Anh in sách báo thường xuyên và có bài trong nhiều tuyển tập.
aa

Không chỉ viết riêng cho thiếu nhi, nhưng Phạm Đình Ân vẫn là tác giả khắc ghi dấu ấn đối với độc giả nhỏ tuổi cùng phụ huynh các thế hệ. Anh in sách báo thường xuyên và có bài trong nhiều tuyển tập.

Qua mấy lần thay sách giáo khoa từ năm 1982 đến hiện tại, học sinh tiểu học biết đến ba bài thơ Tắc kè hoa, Sắc màu em yêu, Quà của bố và hai bài văn Sao Chổi, Cây chuối mẹ. Năm học 2020-2021, anh tiếp tục có bài ở các bộ sách giáo khoa mới.

Thềm trăng trải chiếu (368 trang) là cuốn tuyển chọn thơ - văn của Phạm Đình Ân viết cho trẻ em (trẻ em, chữ dùng của tác giả) trong khoảng bốn mươi lăm năm (1975-2020). Sau bài Thay lời giới thiệu của nhà văn Phong Thu, sách được bố cục làm 3 phần. Hai phần chính là Thơ và Văn. Phần Phụ lục là một số bài về dư luận hưởng ứng. Phần thơ có 186 bài, trong đó có 59 bài là thơ chưa in tập. Tại phần Văn, bên cạnh 29 truyện nói về đời sống hằng ngày là 11 chuyện kể về tục ngữ, ca dao.

Sách thơ dùng để tuyển chọn, đáng chú ý nhất là hai tập Tắc kè hoa và Đất đi chơi biển. Phong Thu cho rằng Tắc kè hoa là “khu vườn nhỏ tươi đẹp”; Phạm Đức đánh giá đó là “tập thơ có chất lượng cao”; Phan Văn Tường nhận xét: “nếu ta thong thả, yên lặng cùng tác giả chăm chú lắng nghe và quan sát thì sẽ nghe ngân lên nhịp đập hồn hậu của trái tim anh với cuộc đời, với trẻ thơ”. Tập Đất đi chơi biển có nhiều hồi âm hơn. Đặng Trường Lưu nhấn mạnh “một lối viết mới”; Đào Thản cho rằng “tập thơ giàu sức cảm nghĩ và thể hiện”; Anh Vũ khẳng định “tập thơ có những khai phá”; Phạm Hồ Thu xem đó là “cách viết sáng tạo”; Chu Thị Thơm nhận định: tác giả đã “hóa thân linh hoạt vào thế giới trẻ thơ”. Chùm thơ viết về Trường Sa được nhiều bạn đọc hưởng ứng (những ý kiến nêu trên có ở phần phụ lục).

Đối với Phạm Đình Ân, xét về cá nhân và đặt trong bối cảnh văn học viết cho thiếu nhi, có thể thấy anh có đổi mới về nội dung và cách tiếp cận đời sống. Đó là: Giảm đồng thoại để tăng hiện thực; Hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em; Mở rộng biên độ sáng tạo.

Giảm đồng thoại, tăng hiện thực

Đồng thoại là một hướng viết cho trẻ em rất quen thuộc và có hiệu quả, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Nói cho dễ hiểu, đồng thoại là dùng thiên nhiên, đồ vật để thay con người, nói về con người. Đồng thoại là một phần chủ yếu của thi pháp truyền thống viết cho trẻ em. Tuy nhiên, cũng khá nhiều tác giả viết theo thi pháp hiện thực (khái niệm đồng thoại và hiện thực, nói đầy đủ phải là: hiện thực đồng thoại và hiện thực con người)

Ngay từ buổi đầu sáng tác, Phạm Đình Ân đã nghiêng hẳn về hiện thực. Trong Thềm trăng trải chiếu, số bài về hiện thực choán đến chín mươi phần trăm. Nhiều bài đồng thoại thì chỉ đồng thoại một nửa. Xin dẫn chứng đồng thoại hoàn toàn, bài Năm anh em (trích): Bàn nhận chỗ đứng giữa/ Bốn ghế ngồi bốn bên/ Bàn là người anh cả/ Bốn ghế là bốn em. Đồng thoại một nửa, thí dụ bài Trăng của bé (trích): Bé đi, trăng đi cùng/ Bé đứng trăng đứng ngó/ Bé chạy, trăng chạy thi/ Bé ngồi, trăng ngồi đó. Những bài thơ hoàn toàn hoặc một nửa đồng thoại của Phạm Đình Ân không nhiều nhưng vẫn đủ để cho thấy lối viết truyền thống không xa lạ gì đối với anh và anh vẫn có những bài thơ, bài văn đạt hiệu quả nghệ thuật cao (Năm anh em, Trăng của bé, Có kẻ lách vào vườn, Sao Hôm sao Mai, Ngắm cây hỏi quả, Suối và Đường, Rừng và Núi, Chuồn chuồn kim, v.v.) Nhưng “tạng” của tác giả này thuận hơn về hiện thực, anh cố ý đi về hướng này và được độc giả ghi nhận. Phạm Đình Ân có nhiều bài hay về hiện thực. Chẳng hạn, bài Giấu cô trong tủ. Chú đến nhà chơi, hỏi cô từ ngoài ngõ. Cháu vội giấu cô vào tủ áo, nói đùa chú rằng cô đi vắng. Chú biết sự thật, giả vờ buồn. Cháu thương chú, vội mở tủ để cô ra. Tình huống vui đùa dí dỏm, ý vị mà chan chứa nỗi niềm yêu thương, san sẻ. Phạm Đình Ân không muốn viết nhiều về đồng thoại, có thể anh tránh bị hòa lẫn vào sự lặp lại nhàm chán của những hình ảnh chim thú, gia súc, cây lá, đồ vật… Anh muốn sống cùng trẻ em trong đời thật, vui với các em và khuyên dạy chúng một cách nhẹ nhàng, khéo léo về tình yêu gia đình, bạn bè, cộng đồng, Tổ quốc, nỗi niềm san sẻ nhân ái…, giúp trẻ thơ hoàn thiện nhân cách. Anh từng tâm sự rằng viết đồng thoại thì không khó lắm đối với tác giả đã thạo nghề, nhưng cái hay của đồng thoại lại dễ bị thời gian bào mòn nếu lạm dụng nhân hóa, thiếu sáng tạo. Viết hiện thực lại là thử thách đối với bất kỳ ai, nhưng đã hay thì chắc chắn tác phẩm sẽ khắc sâu lâu dài vào tâm khảm người đọc.

Hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em

Tăng hiện thực, giảm đồng thoại hóa ra như một định hướng - cố ý hoặc vô thức - có sẵn trong tiến trình bốn mươi lăm năm sáng tạo của Phạm Đình Ân, khiến thơ anh ở cuối chặng đường rẽ sang hướng dẫn kỹ năng sống, có nhiều đóng góp. Thơ loại này anh đã có từ thuở đầu khi tác giả chưa có ý thức rõ ràng. Từ năm 1978, anh đã có bài nói đến em bé được bà tặng cam, em tặng lại mọi người mà quên phần của mình. Khoảng năm 2010, do đời sống xã hội đặt ra vấn đề kỹ năng sống, anh mới có ý thức về nó và viết dồn dập. Tác giả đưa ngay 39 bài vào phần Thơ chưa vào tập của Thềm trăng trải chiếu. Thơ kỹ năng sống của anh chính là thơ hiện thực. Đối với Phạm Đình Ân, hướng viết này dễ dàng thể hiện ý nghĩa kỹ năng sống hơn đồng thoại, vì nó nói trực tiếp về đời sống con người, không qua biện pháp nhân hóa. Mới nghe qua, người ta có thể nghĩ kỹ năng sống thì chỉ thuần khuyên răn, dạy dỗ khô khan, nhiều lý ít tình. Thật ra, không hẳn thế. Chất lượng sáng tác không liên quan đến đề tài mà phụ thuộc vào tài năng. Chất trữ tình trong thơ Phạm Đình Ân ở phần này vẫn đậm đà. Mọi bài thơ kỹ năng sống đều gửi đến bạn đọc niềm rung cảm, chúng có giá trị thẩm mỹ nhất định. Trẻ em đọc hẳn là thấm vào chứ không truội ra. Thí dụ bài Một cảnh sang đường:

Đèn đỏ bật lên, xe dừng lại

Ông dắt cháu sang đường.

Không phải đâu

Cháu dìu ông nữa đấy.

Thế rồi

trẻ và già đi tiếp

Bỡ ngỡ hỏi chào

Mỗi người một nẻo

Biết đến bao giờ gặp lại lần sau…

Hoặc bài Bạn cõng, thầy cõng cũng rất xúc động: Thào cõng Thèn đến lớp/ Ba năm rồi ít đâu/ Thương Thào đang bị sốt/ Đành vậy, đừng ốm lâu// Thầy giáo đến hỏi thăm/Gắng cõng em đi học/ Chim hót và suối reo/ Qua cầu treo, đèo dốc// Thương và nể thầy quá/ Biết cảm ơn sao đây/ Nước mắt dọc đường rỏ/ Thầy ơi, ướt áo thầy.

Cũng từ thơ hiện thực mà nhiều độc giả chú ý đến vẻ đẹp thuần hậu, trực tiếp của quê hương nông thôn mang sắc thái cổ truyền trong thơ Phạm Đình Ân. Anh cùng trẻ em đến với cây đa, giếng nước, cỏ may, nắng sớm, trăng sao quê nhà, các con vật trâu - bò, tắc kè, cuốc, liếu điếu… Ở nhà thì con đón mẹ về chợ (giúp mẹ một tay/ bé cầm cái nón), cháu giúp bà giã trầu (bà ăn bỏm bẻm, môi bà đỏ tươi), nhường bà bắp ngô thơm mềm (bà chỉ còn răng cửa/ ăn bắp non ngậm sữa), v.v; ra ngoài thì đi hái nấm (bé theo chị ra đồi/ hái sao nấm đầy giỏ), đi tìm hoa mua mà chẳng phải mua, đi hái sim đu cành trĩu nặng, v.v. Phạm Đình Ân đã trải những tháng năm tuổi thơ tươi xanh ở miền trung du Thanh Hóa, những năm đầu tuổi thanh niên lại lên Việt Bắc (nơi anh cư trú thời sinh viên, có một phần miền núi) bởi thế nhiều bài thơ và văn của anh mang sắc thái đặc thù địa lý. Hồn quê, hồn dân tộc thấm đẫm hầu hết các bài thơ của anh.

Mở rộng biên độ sáng tạo

Trước đây, Phạm Đình Ân chỉ làm thơ, mới đây anh còn viết truyện, kể chuyện bằng văn xuôi. Đối với Phạm Đình Ân thơ và văn không tách rời mà giao thoa, chuyển hóa thể loại. Thơ và văn, hoán đổi cùng một tứ, một ý, tạo nên hiệu quả nghệ thuật mới. Những bài thơ Bức tranh, Để dành thôi, Xe chở rác, Quạt cho quạt, Ngắm cây hỏi quả, Đôi bạn… soi hình bóng mình vào các trang văn xuôi tương ứng. Sự chuyển đổi thể loại từ một nội dung hiện thực khiến các em nhỏ thay đổi cách cảm nhận, hoặc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thể loại đối với từng độc giả riêng biệt. Em này thích thơ, em kia thích văn là lẽ thường.

Ở phần Văn, tác giả đưa bạn đọc nhỏ tuổi đến với văn học dân gian, giúp các em trau dồi tiếng Việt và hiểu thêm về cái đẹp của đời sống muôn màu. Văn xuôi viết cho trẻ em của Phạm Đình Ân giàu chất trữ tình thơ ca.

Về đơn vị tác phẩm, bài thơ có thể là câu chuyện nhỏ, dí dỏm, diễn đạt linh hoạt, bất ngờ (Giấu cô trong tủ, Răng chạm vào răng), giúp trẻ nhỏ liên tưởng đến hình ảnh ẩn dụ (Đua thuyền, Quà của bố, Đất đi chơi biển). Thơ đố cùng nhiều bài khác giúp trẻ em tham gia hoạt động đối thoại tương tác, mở mang tri thức, loại bỏ cách đọc “ăn sẵn”, lười suy nghĩ. Kiểu loại thơ đa dạng: thơ 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ; thơ 4 câu, 4 câu nối dài… Thơ lục bát khá nhiều (tập trung ở thơ đố), trong khi thơ viết cho trẻ em trên sách báo hiện nay hơi ít thể thơ này. Lục bát có nhiều ưu điểm khi tác giả muốn bồi dưỡng tâm hồn thiếu niên, trẻ em gái, trau dồi tiếng Việt. Thơ lục bát của Phạm Đình Ân uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhiều ẩn dụ, gợi nhiều đến thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

Yếu tố hiện đại viết cho thiếu nhi thể hiện tập trung ở tập thơ Trong người có lá. Tác giả tiếp cận sự vật, hiện tượng cũ bằng cách nhìn mới và thể hiện giọng thơ mới (Thời gian, Trời cao cao, Sông và biển, Gia súc tinh khôn, Chuồn chuồn kim, Lửa và nước, Thang máy và thang tre, Hai chân, Trong người có lá).

Trong Lời giới thiệu, nhà văn Phong Thu nhận xét: “Rất kỹ lưỡng, cẩn trọng, chính xác, thân thiết với trẻ em (…) Phạm Đình Ân tránh sa đà vào lối mòn khi viết về thiên nhiên… Anh cũng viết rất thoát, khá tinh tế, dí dỏm và sâu sắc về gia đình…”. Ý kiến ấy thỏa đáng. Nếu cần đầy đủ hơn thì xin nêu thêm: thơ đố, thơ hướng dẫn kỹ năng sống, cảm hứng níu giữ hồn quê dân gian truyền thống, ý thức thẩm mỹ nâng niu quý trọng tiếng Việt và cuối cùng là yếu tố hiện đại mới xuất hiện cũng là những ưu điểm cần được ghi nhận trong thơ Phạm Đình Ân.

______

* Về tuyển thơ - văn Thềm trăng trải chiếu của Phạm Đình Ân, Nxb Hội Nhà văn, 2020

Nguồn Văn nghệ số 40/2020


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.