Mỗi lần đọc thơ Hàn Mặc Tử, tôi thấy bâng khuâng hoài, không hiểu mơ hay là thực, mộng hay là ảo… Cái cảm giác ấy cứ ám ảnh tôi như sự mê hoặc của hạnh phúc và tin yêu. Thì ra Hàn Mặc Tử đây rồi! Hàn Mặc Tử không đi vào cõi lãng quên… Và trong cuộc đời này, Hàn Mặc Tử không đi vào cõi “cô đơn rợn ngợp” của kiếp người như ông đã từng âu lo, một nỗi âu lo mang tâm thức hiện sinh:
Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa
Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha
Vẻ mặt khác chi người quốc sắc
Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta
(Hoa cúc)
Dường như những “nhà thơ lớn” thường hay băn khoăn cho sự tồn sinh của chính mình trong cuộc sống mai sau. Phải chăng nỗi lắng lo: “trong đời tri kỷ chỉ riêng ta” của Hàn Mặc Tử cũng chính là nỗi ưu lo của đại thi hào Nguyễn Du ngày trước về sự hiện hữu của mình trong tâm thức của con người hậu thế:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Không biết sau hơn ba trăm năm/ trong thiên hạ có ai là người khóc Tố Như?)
Nhưng không đợi đến ba trăm năm, chỉ đến sau hai trăm năm, Nguyễn Du (1765-1965) đã được khẳng định như một đỉnh cao chói lòa trong nền văn học và văn hóa dân tộc, khi cả hai miền Nam - Bắc trong năm 1965 của Thế kỷ XX, tuy khác nhau về thể chế chính trị nhưng đều tổ chức lễ tưởng niệm hai trăm năm ngày sinh Nguyễn Du vô cùng long trọng. Còn với Hàn Mặc Tử, sau một thời gian “bị lãng quên” vì nhiều lý do không đáng có, đã trở lại với cuộc đời và sẽ sống vĩnh hằng trong tâm cảm người đọc. Tôi tin là như thế! Bởi, khi thơ Hàn Mặc Tử được trở lại trong đời sống văn hoc, bao nhiêu bạn đọc, bạn thơ, những người mến mộ thi sĩ tài năng nhưng cũng đầy bất hạnh này đã đón nhận thơ ông như đón nhận một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng thường, vì nói như Đặng Tiến: “trong tác phẩm Hàn Mặc Tử còn nhiều vết tích của một nhân bản Việt Nam”[1] Bởi vậy, Hàn Mặc Tử sẽ không bao giờ cô đơn, và trong đời thi nhân đã/ đang/ sẽ có biết bao nhiêu người, tri âm, tri kỷ không chỉ yêu thơ ông mà yêu cả cuộc đời không may mắn của một thiên tài thi ca !?…
Không ai trong chúng ta lại không biết đến những nỗi bất hạnh trong cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử. Nhưng kỳ lạ thay, trong con người tưởng chừng không thể nào gượng nổi giữa cuộc đời “bệnh tật” đó lại chứa đựng một tâm hồn đầy sức sống mà những bài thơ xuân của Hàn Mặc Tử là biểu hiện sinh động nhất của lòng yêu đời, yêu người, yêu sự sống bất tận ấy. Vì thế, có thể nói, trong thơ Hàn Mặc Tử, ngoài đề tài trăng như một chuổi ngọc lấp lánh thì đề tài mùa xuân là những hạt kim cương ngời sáng trong thơ ông nên ở tập thơ nào ta cũng bắt gặp những bài thơ tràn ngập sắc xuân và chan chứa tình xuân. Đó là các bài thơ Sầu xuân ở Lệ Thanh thi tập; Nắng tươi, Nhớ nhung, Âm thầm ở Gái quê; Mùa xuân chín ở Đau thương…; Và đặc biệt Hàn Mặc Tử còn có riêng một tập thơ ngợi ca và tôn vinh mùa xuân với một cái tên chứa đầy khát vọng ấm êm: Xuân như ý, một tập thơ mà theo Trần Thanh Mại là “ca tụng cái xuân thơm tho tốt đẹp của đất trời, không phải là cái xuân tầm thường chán nản của hầu hết các thi nhân Đông phương xưa nay, mà là cái xuân mầu nhiệm, phương phi, nhưng chưa bao giờ ai từng thưởng thức”[2]
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước,
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
(Nguồn thơm)
Và, có lẽ chẳng tranh luận gì nhiều, vì không ai lại không cảm nhận mùa xuân luôn song hành với cái đẹp, cái tươi trẻ, cái non tơ… Chính vì vậy, mỗi độ xuân về, lòng người đều thấy rộn ràng, bâng khuâng, khó tả. Ở Hàn Mặc Tử, cái rộn rộn ràng, bâng khuâng ấy, nhà thơ không chỉ đón nhận bằng thị giác mà bằng cả thính giác, khi thi nhân lắng nghe từng âm thanh diệu vợi của mùa xuân reo lên trong từng chiếc lá giữa nắng xuân:
Lá xuân sột soạt trong làn nắng
Ta ngỡ em ơi, vạt áo hường
(Nắng tươi)
Và càng tinh tế hơn, thi nhân còn đón nhận hồn xuân bằng tất cả cái thiêng liêng của tình yêu cái đẹp từ một màu áo mới lấp lánh sức sống mùa xuân:
Thứ áo mùa xuân em mới mặc
Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương
(Nắng tươi)
Thế là bao nhiêu lo toan của cuộc sống đời thường, bao cái khủng khiếp của “bệnh tật” đã lùi xa, chỉ còn đó một hồn thơ chín mọng tràn trề sức sống mùa xuân, như cảm nhận của Trần Thanh Mại, khi ông xác quyết: “Hàn Mặc Tử là nhà thơ Việt Nam đầu tiên biết nghe ngóng những lời âm thầm của Tạo vật. Như nhà đại văn hào Nga Ivan Tourgueniew, Hàn Mặc Tử có một thính giác đặc biệt để nghe được cả hơi thở của một cành lá, hay tiếng chạm nhau của hai đường tơ ánh sáng”.[3]
Trong thơ Hàn Mặc Tử, ta không chỉ thấy cái hơi thở nồng ấm của đất trời mà còn thấy cả tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của thi nhân. “Mùa xuân chín”, bài thơ đặc sắc của ông đã thể hiện mối tình xuân, hồn xuân quyện hòa trong tình yêu thương nhân thế. Thi phẩm này đã thể hiện một thi tài độc đáo ở nhiều phương diện mà rõ nhất là việc sử dụng ngôn ngữ để kiến tạo hình ảnh thơ với nhiều thi ảnh sinh động giàu âm thanh, màu sắc và mỹ cảm văn chương:
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang
(Mùa xuân chín)
Bài thơ Mùa xuân chín thể hiện một trường liên tưởng thú vị, bất ngờ: Từ bóng dáng mùa xuân, thi nhân liên tưởng đến dáng xuân xanh của những cô thiếu nữ hồn nhiên yêu đời cất tiếng “hát trên đồi”… Nhưng rồi, không chỉ có “dáng xuân xanh” mà còn có cả thế giới tâm trạng ưu lo của những cô gái “theo chồng bỏ cuộc chơi” để lại sau lưng những khoảng trời đầy nuối tiếc, xót xa cho ai đó!? Câu thơ đẹp nhưng buồn, vốn là những phẩm tính văn chương trong mỹ cảm của thi ca lãng mạn Việt Nam thời tiền chiến…
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
(Mùa xuân chín)
Và cũng như ai đó, tâm hồn vốn giàu cảm xúc của thi nhân như muốn cắm rễ “trong đám xuân xanh ấy”. Nhưng rồi, chính lúc ấy tình quê hồn quê lại đánh thức tâm cảm thi nhân “lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng”, bởi, nơi đó đang có một người con gái khác từng ngày gắn bó với làng quê: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Mùa xuân vì thế cũng trôi đi trong nỗi nhớ đang xen theo dòng ý thức kết nối từ hiện tại đến tương lai và chảy về với những hoài niệm, ký ức trong quá khứ của tâm thức thi nhân. Câu thơ vừa đẹp trong hình ảnh lại vừa chất chứa một thế giới nội cảm, gợi nỗi buồn man mác, đầy xa xót tiếc thương trong lòng kẻ tha hương…
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
(Mùa xuân chín)
Mùa xuân là mùa của tình yêu, của uyên ương xây tổ, Hàn Mặc Tử đã cảm nhận điều này với tất cả sự tinh tế của một hồn thơ đã chín trái yêu thương.
Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy
Như chực xuân về thổ lộ ra.
(Cô gái đồng trinh)
Vậy đó, mùa xuân là không của riêng ai, mùa xuân là của chung nhân loại. Nhưng mùa xuân lại cũng là của riêng mỗi người. Cái qui luật ấy mới nghe tưởng như nghịch lý, song đó là một thực tế. Bởi, mỗi người đến với mùa xuân bằng sự cảm nhận của riêng mình và chính sự cảm nhận rất riêng này làm cho tình xuân phong phú hơn, giàu có hơn, ý vị hơn. Xuân đến với mọi nhà, với mọi nơi và xuân ở lại trong lòng mỗi người như một thiên thể làm sáng hơn tâm hồn chúng ta. Thơ Hàn Mặc Tử đã đem đến cho chúng ta đóa xuân lòng tươi sắc đó.
Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong
Vô số là xuân chiếm mọi lòng
Mỗi người đều có xuân riêng cả
Thiếp viết xuân trên mảnh lụa hồng
(Nhớ thương)
Ước mơ về một mùa xuân tươi đẹp, hạnh phúc đó là khát vọng chung của mọi người. Hàn Mặc Tử trong thơ mình cũng đã thể hiện khát vọng cháy lòng đó; Cái khát vọng chân thành đến hồn nhiên nhưng không kém phần dữ dội của một ý thức hiện sinh. Bởi lẽ, trong cảm nhận của thi nhân, hạnh phúc của mùa xuân nhân gian sẽ giàu có hơn cả thiên đường của Thượng Đế …
Ta chấp hai tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế
(Đêm xuân cầu nguyện)
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021
________
[1] Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Giao Điểm xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.126
[2] Vương Trí Nhàn, (sưu tầm và biên soạn), Hàn Mặc Tử - hôm qua và hôm nay, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996, tr.119
[3] Vương Trí Nhàn, (sưu tầm và biên soạn), Hàn Mặc Tử - hôm qua và hôm nay, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996, tr.153