Đến khi lên đỉnh Trường Sơn, bàn chân sưng tấy dép lốp phải treo lủng lẳng sau ba lô, đầu gối như không còn xương sụn... mới hay ông ấy hỏi không thừa - đường xa dốc núi, lại là dốc đứng, lên bò bốn chân, xuống ngửa ra mà tuột. Chưa kịp đứng lên phủi bụi lại thấy núi ngay trước mũi, bèn sẵn gậy trong tay quát lẫn đánh đòn phiến đá trút cơn giận làm như nó là kẻ có tội "trời ơi! lại núi!" Ai đó nói với nhau: "Sống chung gần 30 năm, lần đầu tiên thấy Lê Đình nổi nóng..."
Hộ tống tự nguyện nghĩa là đi kèm không nỡ bỏ rơi ông già tụt hậu có anh Tấn Lực. Anh chàng này nhập ngũ chui từ lúc 12 tuổi nên vẫn còn sung sức không những chỉ "thở" để động viên mà còn kề vai gánh vác bằng sức lực, đeo ba lô giúp, khiêng cáng cho các cô gái bị sai khớp để họ không bị bỏ rơi, không theo nổi cuộc trường chinh. Lấy cái sức đang mỏi mòn giữa đỉnh Trường Sơn để đổi lấy cái tình đồng đội, hay vì tình đồng đội mà cố hết sức mỏi mòn, hiểu thế nào cũng được vì đó là thuộc tính của em bé nông dân của Kinh Tân Hoà, Đồng Tháp thuở nào không thay đổi.
Gặp suối là Lê Đình lại nhăn nhó khổ sở, bàn chân sưng tấy mưng mủ, nếu ngấm nước ướt hết bông băng, lại nước rừng biết nước lành hay nước độc.
Anh lính trẻ nói với anh già như ra lệnh: - Đứng yên đó! Đưa ba lỗ đây! Súng nữa! Rồi đeo vác lỉnh kỉnh, anh ta lội bì bõm qua bên kia suối, nước đang chảy siết.
Ném tất cả bên bờ, anh quay trở lại.
Lê Đình đứng bên đây suối chờ, ra vẻ e ngại không nỡ làm khổ em cháu, bèn bóp tay, khom khom lưng với gương mặt chẳng đặng đừng.
- Làm gì lòm khòm kì cục vậy. Bộ già ở dưới hết teo thòng dài lắm sao nên kéo còm lưng xuống? Làm bộ hoài! Lên! Từ hồi nhỏ tới lớn chưa biết trèo lên lưng cho người ta công hay sao? Lên!
Lê Đình ôm cổ bạn ngồi lên lưng. Cánh tay phải của Lực co khuỷu để nâng cái chân bông băng cao hơn mặt nước. Chân kia buông thõng. Lê Đình giấu mặt vào lưng tức cười cho cảnh ngộ mình mà ứa nước mắt.
Ra đến giữa suối, chân bước xền xàng để khỏi vấp đá ngầm, tự nhiên nghe Tân Lực pha một câu:
- Lần sau, có đi Trường Sơn nữa, nhớ sắm thêm cái địu nghe không? Như các bà sẩm ở bên Tàu địu con nít vậy.
Suối khe trên đường Trường Sơn, nhiều ai đếm nổi? Ngày đi, đêm cũng đi, một vết thương sưng tấy hỏi bao nhiêu ngày kéo được da non, vợ chồng thương nhau chưa chắc đôi nào có dịp công nhau trên lưng nhiều như anh lính công đồng đội qua suối.
Lửa bốc cao! Nảy lửa bốc cao
Sáng khu rừng! Bừng sáng khu rừng.
Dịp ấy về đóng quân ở xã Thái Bình. Bộ đội tổ chức đêm lửa trại với bà con trong xã. Liên hoan không cần kinh phí, qui định mỗi chiến sĩ đến dự xách theo một thanh củi. Bộ đội nắm tay nhau hình thành một vòng tròn lớn rồi ngồi xuống xen kẽ với dân. Lửa bùng lên, thỉnh thoảng hòn than trở mình, vô vàn những đốm sáng bay lên trông thật là đẹp.
Sau bài đồng ca, quân dân cùng hát bài Ba lẻ Bảy, đặt tinh thần chiến đấu của Cách mạng lên đầu sóng ngọn gió của cuộc kháng chiến "Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy”. Nhạc lại trỗi lên bài "Dưới ánh ô vàng".
Dưới ánh ô vàng, rần rần đoàn hùng binh ta tiến
cuốn gió cả
gió câu rập rờn
Kìa rừng cờ phấp phới bay tung oai nghiêm,
Lên đường tranh đấu..
Lời bài hát đặt trên nền nhạc ngựa phi. Nên Lê Đình ra sân nhảy điệu ngựa phi. Kéo thanh niên nam nữ, cũng ra roi, gỗ cương, cũng tưng tưng theo vó ngựa, bên ngoài và tay theo nhịp.
Bác Tám bên rạch Bà Hội bơi xuống đến dự quên cả tuổi già. Bác ngồi đưa hai nắm đấm lên trời đánh nhịp. Lê Đình dẫn đầu đoàn tổng rắn đến trước bác vẫy tay mời gọi, kéo ông già đứng lên nếu lưng cho ông dẫn đầu làm kị sĩ tiên phong. Không khí nhộn nhịp hẳn lên khi xuất hiện thêm gương mặt già mà vui của ông diễn viên đột xuất hết mình nhảy múa kiểu dân dã.
Sau đêm liên hoan, người viết bài này ở lại với Lê Đình, tắt lửa và thu dọn hiện trường. Trời bắt đầu mưa, hai đứa vào tá túc nhà dân mượn cái mùng ngủ tạm qua đêm ngoài hiên. Mới hay anh chàng kị sĩ vừa hát "Ánh ô vàng” đó cũng có chút riêng tư.
- Có lẽ, cậu vẫn nghĩ rằng tôi là dân Cầu Muối từng trải lắm. Năm nay mình ba mươi hai tuổi vẫn chưa hề biết cái đó của người khác phái.
May mắn cho tôi, lúc ấy mưa làm mờ trăng, không soi tỏ mặt nhau, nên tôi che giấu được vẻ ngạc nhiên của mình, lâu lắm tôi mới tìm được lời:
- Chuyện đó anh để tôi lo! Nhưng anh phải bạo dạn như kị sĩ thúc ngựa ra sa trường mới được.
Có lẽ kí ức ngồi lên lưng cho anh lính đàn em là nông dân thuần phác tận tụy hết mình vì đồng đội, cõng qua suối, gợi nhớ lại hoàn cảnh thiệt thòi của anh ta từ thuở 9 năm đến nay, tạo nên cảm hứng sáng tác, nên vở kịch đầu tiên anh viết suốt một tháng ngay sau khi trở lại chiến trường B, đem ra thông qua để đoàn văn công xây dựng tiết mục mới là cuộc đời nhân vật Tân Lực, đề cao ý chí vượt lên trên số phận để hoàn thành nhiệm vụ.
Chuyện rằng, Tân Lực có người yêu nơi đóng quân. Nàng thọ thai nên chuyện vỡ lở, đơn vị cử đại diện đến hỏi cưới, nhưng gia đình nhất mực cự tuyệt vì đặt cái cày đi trước con trâu. Người cha đưa con gái vào đồng xa chờ ngày nở nhụy khai huê, sinh con ra lấy họ ngoại, lớn lên cô gái trở thành du kích đi phá ấp chiến lược chờ ngày cha tập kết trở về.
Cuộc họp thông qua đồng ý với nội dung của màn đầu có mâu thuẫn, có tình tiết nhất là đoạn nói về anh lính bị kỉ luật khai trừ vì tội chạy xe không đèn nhưng vẫn vượt lên số phận làm tròn nhiệm vụ suốt mấy mươi năm. Nhưng anh em cho rằng màn kết hơi yếu, cần đặt ra nhiều phương án hạ màn chọn một để hư cấu không bỏ mất hút nửa chừng nhân vật chính. Còn có ý kiến bảo phải cho anh lính trở về đi tìm con. Cha con gặp nhau nội dung mới cảm động.
Ngờ đâu, cái phương án chọn nội dung hạ màn lại không chiếu vào nhân vật trong kịch bản mà chiếu ngược vào chính ông tác giả. Có ông khách không mời mà ngẫu nhiên đến, ông ta lù lù xuất hiện, to mập, tiếng nói ồm ồm, bụng đeo súng lục, cúi mình để bước qua khung cửa ngôi nhà lợp lá trung quân.
- Anh Lê Đình. Nhớ em không? - Thằng Lư đây! Thằng Lư nhóc liên lạc 933 đây! - Ờ! Mầy hả Lư?
Bốn bàn tay nắm hết với nhau vặt vặt một lúc lâu để Lê Đình ngắm Đặng Trọng Lư tức Dương Tử từ đầu đến chân.
- Sao mày to lớn, bệ vệ, đồ sộ như vậy, gặp ngoài đường làm sao nhận ra mày.
- Mười lăm năm rồi có ít đâu anh!
- Bây giờ mày ở đâu?
- Em làm phó tư lệnh mặt trận 979 Quân khu 9, lên trên này họp miền, nghe nói anh ở đây.
- Phó Tư lệnh? Đánh đấm thế nào mà bây giờ làm to vậy? Thằng Lư nhóc liên lạc bây giờ Sư đoàn trưởng.
- Có gì đâu anh, đánh kiểu ba lẻ bảy thôi! Kĩ, chiến thuật của ông Tiên, ông Tỷ, ông Chốn, ông Nhỏ, ông Nơi, thằng nhóc liên lạc như em nghe lỏm mấy ổng bàn bạc tác chiến đủ kiểu, đu tình huống còn chính trị thì ông Từ, ông Dương Anh... em được ở lại nằm vùng đến khi Đảng bảo đánh, mình đánh! Bài bản cũ đem ra xài thôi mà... chỉ khác là hồi đó đánh với Tây, bây giờ chơi với Mỹ... Nhưng thôi không bàn chuyện đó, tôi ra ngoài, chờ họp xong anh ra rừng, có chuyện riêng của anh.
Khi hai anh em đã ngồi đối diện nhau trên rễ cây rừng:
- Anh có biết anh có một thằng con trai không?
- Tao? Có một đứa con trai?
- Chối hả? Chém chay rồi chối hả? Có nhớ Rạch Bà Hội không? Có bơi xuồng về ngoại ăn đám giỗ dưới Khánh Lâm, Khánh Bình không? Có trở về trên sông cái Thới Bình giữa đường mắc mưa chui xuồng vào đám lá tối trời phủ chung một chiếc che mưa không? Có không mà cái mặt từ đen thành xám vậy?
- Ôi! Chỉ có một lần cho tới bây giờ!
- Một lần mà cả đời con gái người ta đấy ông ạ! Còn bằng chứng sống hẳn hoi, con anh là thằng Ánh Ô Vàng bây giờ 18 tuổi rồi, là lính của đơn vị tôi. Tôi lên đây còn lĩnh sứ mạng của nó là tìm anh về để tạ tội.
- Sao lại là thằng Ánh Ô Vàng?
- Ông ngoại nó có biết tía nó họ gì đâu mà đặt tên, nên lấy hình ảnh kỉ niệm của anh làm tên để sau này lớn lên, con nó hình dung biết cha nó là ai vậy mà!
Trong tình yêu, ai dám bảo tao ngộ chiến không có chiến lợi phẩm và thương vong. Thôi tìm cách xin về khu 9 với tôi đi. Về đi! Đừng để món nợ 18 năm thành món nợ khó đòi không trả được. Về đi để tạ tội với gia đình Ông già Rạch Bà Hội, với cô út Thảo vẫn mòn mỏi đợi chờ và để thằng Ánh Ô Vàng biết mặt ba nó. Cho dùm nó cái họ Lê - Lê Ánh Ô Vàng.
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
Sau khi bộ đội rời xã Thới Bình đánh giải phóng huyện An Biên, Rạch Giá, lại vượt hai tỉnh qua lộ Cái Sắn lên Long Châu Hà đánh trận Mặc Càn Dưng, trận cuối cùng trước hiệp định Genève, buộc chân người lính như cánh chim bay mãi chuyển vùng theo chiến sự. Chuyện ở hậu phương chỉ viết lại đôi dòng hẹn ngày tái ngộ, gửi xuống ghe đưa thư về Rạch Bà Hội rồi xuống tàu tập kết. Màu trời mùa đông mùa sương qua bao nhiêu năm tháng nơi phương trời xa, tình riêng lâu lâu có nắng ấm chói lên day dứt tạm nén lại chôn chặt trong lòng chớ biết làm sao? Để theo đuổi mối tình nghệ sĩ với nghệ thuật. Anh theo Đoàn Nghệ thuật biểu diễn khắp các đơn vị, nông thôn, thành phố, đi tận Bắc Kinh để quay phim, bây giờ lại vượt Trường Sơn về đây thành lập đoàn Văn công tiền tuyến.
Biết đâu ngày ấy, chờ đến đêm lúc ông già Rạch Bà Hội tĩnh tâm ngồi vấn thuốc bên ngọn đèn dầu, bà lão mới lân la đến ngồi bên bộ ván: "Ông ơi! Lớn chuyện rồi, làm sao đây ông? Con Thảo nó có nghén..." Bà ôm mặt khóc.
Ông đứng phắt dậy ngó quanh ngó quẩn vào bóng tối xó xỉnh như để tìm giải pháp trong đầu.
- Bà có im đi không? Tôi cấm không được tru tréo lên dậy xóm dậy làng! Nhớ hồi bà cũng trốn theo tôi vào cái đất Bà Hội này, ai tru tréo cho mình. Thôi thì, gọi con Thảo vô đây tôi hỏi!
Cô Thảo vào ngồi thụp xuống chân cột, tránh ánh đèn, cắn môi không dám khóc.
- Nó là đưa nào? Nói!
- Dạ con chưa biết tên ảnh!
- Hứ! Ăn nói ngang như cua! Thè lè ra đó là của đứa nào? Không được giấu!
- Dạ! Là của cái anh nhảy ngựa ấy.
- Ngựa đâu ở cái xứ Cà Mau này mà nhảy?
- Không phải vậy đâu tía! Là cái anh hát Ánh Ô Vàng trong đêm lửa trại nắm lưng nhảy với tía ấy!
- Ánh Ô Vàng? Ông lão ngồi xuống, trầm ngâm rất lâu. - Thôi thì (lại thôi thì! Hình như hai tiếng ấy buộc miệng thốt ra khi gặp hoàn cảnh là phương châm xử thế của người dân xứ này). Thôi thì! Ngày mai bà thu xếp đưa nó vào trong trại ruộng ở trỏng không được về. Có buồn thì đặt trúm cắm câu, trông nom gà vịt, đợi mấy ảnh trở về sẽ tính. Sinh nở tao nuôi.
Hai ông bà già, mỗi người một đầu cưa, cưa củi trâm bầu cho con gái nằm lửa. Người qua lại hỏi: "Cưa củi làm gì vậy bác Tám?" Ông chỉ ầm ừ lẩm bẩm một mình: "Thằng nhảy ngựa ơi! Bao giờ mày mới về?"
Cái mầm sống, manh nha từ thuở chiến tranh 9 năm, nay người cha không biết họ xuống tàu ra tập kết rồi, mới tu oa chào đời. Ông bà nông dân được một đứa cháu ngoại, lại giữ được con gái tại gia, được cả đôi đường. Cho hay được mất ở đời, tính đếm làm sao đúng được?
- Khai sinh, đặt tên cho cháu là gì đây ông?
- Biết đặt tên gì khi không biết họ cha nó. Không lẽ lấy họ ngoại để lớn lên nó oán mình. Còn khai sinh cho nó miễn đi. Chính quyền mới truy hỏi cha nó là ai, không lẽ nói là Việt cộng cho họ làm khổ con mình. Bà để tôi suy nghĩ đã.
Đêm ấy, ông Tám nằm mơ, thấy lửa cháy bập bùng, nhạc dàn trỗi lên, hình ảnh thằng con rể chưa thừa nhận níu lưng ông nhảy ngựa bài Ánh Ô Vàng. Nó lùn lùn, mập mập, đen đen, vẻ ngoài xấu xí nhưng rất có duyên, nó nắm tay ông, ông nắm tay nó cười hê hả trong điệu nhạc tưng bừng. Không hiểu bây giờ nơi chốn xa xăm, nó có được mạnh giỏi không về đây mà bế con nó?
Ông giật mình thức giấc, bật quẹt châm đèn.
- Bà ơi! Tôi đặt tên cho cháu rồi. Tên nó là Ánh Ô Vàng.
Kí ức một khi trỗi dậy, thụi vào lòng ta đòn choáng váng. Hai mươi năm rồi nó sờ sờ sống lại, năm mươi năm chỉ được một lần trong đời thôi, nó bất ngờ tái hiện đấm vào giữa tim một quả vừa êm vừa đau điếng với ba tiếng "Ánh Ô Vàng".
Trái tim lúc nào cũng phải sẵn thuốc phòng đột quỵ, trong túi áo làm sao chịu đựng nổi đây?
Ông Sáu Lăng lãnh đạo văn nghệ R; theo ra tận bìa rừng tìm Lê Đình.
- Sao? Con người đã từng có thể xốc dậy cả nghìn hào hứng theo vó câu của bài Ánh Ô Vàng lại không tự xốc dậy nổi một chút tinh thần cho bản thân ư? Xa nhau tận hai đầu đất nước, cái khổ bao nhiêu mới thu ngắn được khoảng cách lại chỉ còn từ miền Đông về miền Tây thôi mà chịu ư?
- Làm sao đây anh Sáu?
- Đảng uỷ đã hội ý rồi, thống nhất trăm phần trăm, anh sẽ về phụ trách Văn nghệ Quân khu 9 miền Tây để cho thằng Ánh Ô Vàng biết mặt tía nó.
- Thật vậy sao anh Sáu? Vừa hỏi vừa vội trút lọ lấy hai viên trợ tim cho vào miệng.
Đường chim bay từ thượng nguồn Đông Nai đến Cà Mau xe hơi phóng sáng đến chiều đã tới nhưng đi theo đường liên lạc, bọc vòng lên biên giới Campuchia, qua đồng, qua sông, trên một tháng mới đặt chân đến bờ kênh Vĩnh Tế.
Sáng sớm đã nghe tiếng súng của Quân Mặt trận 979 đánh nhau với quân Mỹ bên kia bờ rõ mồn một. Lê Đình nóng ruột gặp con, đội ba lô vượt sông. Hai ngày sau, Bộ Tư Lệnh Mặt trận được tin báo: "Ông ấy bị nhồi máu cơ tim khi đang bơi ở giữa dòng."
Phó Tư lệnh Dương Tử đấm tay kêu lên: "Trời ơi! Hai cha con họ chỉ cách nhau không hơn 1 cây số. Thằng Ánh Ô Vàng vẫn đóng quân ở đó..."
Mặt trời trên biển đông ngày ngày vẫn rực rỡ lên Ánh Ô Vàng.
Thời gian vẫn trôi theo năm tháng, nay mới viết lại chuyện người con mang cái tên có hình ảnh người cha trong ấy.
(Viết theo lời kể của nhà văn Võ Trần Nhã)