Công bố trước, mang tiếng sau
Festival Huế từ lâu đã là thương hiệu văn hoá không chỉ của riêng thành phố Huế mà còn là của Việt Nam, tạo dấu ấn trong lòng khán giả trong nước lẫn du khách quốc tế. Sự kiện năm nay càng được đón chờ, không chỉ bởi chất lượng nghệ thuật mà còn ở những hoạt động khác nhằm thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Chính UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kỳ vọng du lịch của địa phương sẽ lấy lại phong độ như trước dịch Covid-19 nhờ sự kiện văn hóa, nghệ thuật trọng điểm này.
Một chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ Festival Huế. Ảnh: BTC |
Trên thực tế, Festival Huế đã diễn ra khá thành công với nhiều chương trình văn hoá, nghệ thuật - giải trí và ẩm thực đặc sắc. Nhiều đoàn và nhóm nghệ thuật của các nước như Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada đã tham dự. Bên cạnh đó, sự tham gia của Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế cũng như Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhà hát Cao Văn Lầu - Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum… cũng tạo nên sự muôn màu của sự kiện năm nay.
Tuy nhiên, điều khiến khán giả bối rối và ít nhiều thất vọng khi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật - giải trí không có sự xuất hiện của các nghệ sĩ đại chúng như rapper Đen, Suboi, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn như công bố trước đó. Với đại chúng, đây là những tên tuổi đang thịnh hành, thu hút đông đảo khán giả quan tâm theo dõi. Sự tiếc nuối không chỉ đến từ sự vắng mặt của những nghệ sĩ này mà còn nằm ở việc những công bố trước thềm sự kiện không chính xác so với thực tế diễn ra, làm giảm uy tín của Festival Huế.
Giải thích cho sự “lỡ hẹn” này, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị được giao tổ chức Tuần lễ Festival Huế 2024 - giải thích, đành chấp nhận mang tiếng với khán giả vì Luật Đấu thầu 2023. Theo báo Tuổi trẻ, ông Trung cũng cho biết Luật Đấu thầu không cho phép việc chỉ đích danh công ty, nghệ sĩ nào tham gia. Năm nay cũng lần đầu tiên các chương trình nghệ thuật thuộc Festival Huế áp dụng hình thức đấu thầu công khai. Tuy nhiên, khi kết quả đấu thầu được công bố, nhiều thành viên của ban tổ chức bất ngờ bởi khi họp báo diễn ra lại chưa có kết quả đấu thầu.
Cái khó khi “áp” Luật Đấu thầu
Trường hợp của Festival Huế 2024 là khó tránh khỏi bởi đây là một trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật đầu tiên thực hiện kể từ Luật Đấu thầu được Quốc hội ban hành tháng 11/2023, chính thức áp dụng từ 1/1/2024. Những thay đổi, bổ sung quy định mới nhằm tạo hành lang thông thoáng để việc tổ chức đấu thầu được thuận lợi, tránh lãng phí và thất thoát ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, văn hoá - nghệ thuật có nét đặc thù và “độ vênh” nhất định so với các lĩnh vực khác.
Câu chuyện Festival Huế 2024 đã thu hút những người trong nghề trăn trở. Trong đó, bà Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, các chương trình biểu diễn nghệ thuật áp dụng Luật Đấu thầu vẫn cần những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn ở các địa phương. Bà Trần Ly Ly với kinh nghiệm làm nghệ thuật lâu năm cũng như là lãnh đạo Cục cho rằng, Luật Đấu thầu khi áp dụng vào những lĩnh vực đặc thù như biểu diễn, cần ứng xử khoa học, hợp lý hơn.
Trong khi đó, một số đạo diễn, nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho rằng Luật Đấu thầu 2023 khi áp dụng vào mảng văn hoá - nghệ thuật chưa phù hợp với thực tiễn và đặc thù của lĩnh vực này. Yếu tố rẻ (giá thầu thấp nhất) không phải lúc nào cũng đi kèm với chất lượng tổ chức, sản xuất. Chưa kể, có nhiều yếu tố về mặt “chất xám”, chuyên môn rất khó để định lượng và quy ra bằng tiền.
Một số nhà tổ chức cũng cho rằng để tạo ra một chương trình nghệ thuật đặc sắc còn nằm ở chỗ làm việc trong thời gian dài, với những bàn thảo trong cả các khâu tiền kỳ, thực hiện... Bên cạnh đó, thời gian mở thầu một sự kiện biểu diễn nghệ thuật thường quá gấp rút, khiến cho các đơn vị tổ chức sự kiện gặp khó khăn trong việc lên ý tưởng, thực hiện để đáp ứng được hết yêu cầu của nhà thầu.
Gỡ rối trong đấu thầu nghệ thuật
Sự vắng mặt của những ngôi sao thu hút công chúng như rapper Đen, Suboi, Soobin Hoàng Sơn... tại Festival Huế 2024 chỉ là một trong những bề nổi khi áp Luật Đấu thầu trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Nhìn sâu hơn, Luật Đấu thầu biểu diễn nghệ thuật chỉ tỏ ra hiệu quả khi không chỉ bớt “quân xanh, quân đỏ”, tham nhũng mà còn ở chất lượng của các chương trình nghệ thuật. Nói một cách dân dã là, Luật Đấu thầu chỉ đạt hiệu quả khi các chương trình này “đáng đồng tiền bát gạo” nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Từ đây, một số nhà tổ chức biểu diễn cũng đã ra được một số giải pháp đến từ góc độ làm nghề của họ. Các yếu tố cân nhắc được tập trung vào các điểm chính như tiêu chí giá, phương thức đấu thầu và thời gian đấu thầu.
Ở điểm đầu tiên, giá thầu là yếu tố quan trọng nhất để một đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, điều này có thể vô tình gạt bỏ đi yếu tố nội dung chương trình bởi giá thầu thấp không phải là yếu tố đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nên tham khảo giá thị trường từ nhiều đơn vị, khu vực, các sự kiện ở nhiều thời điểm khác nhau để có thể dự toán chính xác cũng như sát với mức giá sàn thực tế. Như vậy, giá thầu lúc này sẽ đảm bảo được với điều kiện thực tế của thị trường và phù hợp với lượng chất xám được chuyển hoá vào trong sản phẩm.
Về phương thức đấu thầu, có nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho rằng chỉ nên chào cạnh tranh, đấu thầu hạn chế. Điều này không phải không có lý nếu như chủ đầu tư đã thực sự khảo sát giá thị trường cũng như lên dự toán chính xác, sát với thực tế sẽ biết được các nhà thầu nào có năng lực phù hợp với chương trình. Thay vì chào thầu công khai thì việc sàng lọc các nhà thầu tương xứng với quy mô, chất lượng chương trình mà chủ đầu tư mong muốn sẽ hợp lý hơn.
Và cuối cùng, đa số thời gian chào thầu của các chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện nay diễn ra khá gấp rút, thường trước sự kiện khoảng 15 - 20 ngày. Sự việc các ngôi sao lỡ hẹn tại Festival Huế là minh chứng rõ nhất không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu mà còn tác động trực tiếp đến nội dung và chất lượng của chương trình. Ngoài ra, vì thời gian mở thầu gấp rút nên chủ đầu tư cũng khó trở tay nếu muốn thực hiện quảng bá chương trình, khi chưa có công bố đơn vị trúng thầu.
Báo Văn Nghệ số 27/2024
* Tên bài viết do Vannghe online đặt
NFT sẽ biến đổi thế giới nghệ thuật? Đâu là sức mạnh của nghệ thuật? Giới hạn nào cho sáng tạo văn học nghệ thuật? |