Trên mặt trăng chỉ có sói.
Sói ở trong mặt trăng.
Còn trong rừng có gì?
"Aqua. Aqua. Aqua." Tiếng một ai đó thất thanh xuyên thấu bầu trời đêm. Mười lăm. Trăng rằm hay là trăng máu mùa này? Hai ngàn không trăm hai mươi mốt. Những năm tháng nhìn lên trăng chỉ thấy hơi lạnh tỏa ra buốt tận xương tủy tim gan và phổi. Phổi ư? Hơi thở, nhắc đến hơi thở, bỗng dưng tôi nhớ hơi thở của tôi. Nó có tồn tại không nhỉ? Như đã từng có. Như đã từng không. Như đã từng gấp gáp và vụt trôi đi mất trong nụ hôn đầu đời. Tôi tưởng tôi đang nói về hơi thở. Ấy thế mà thân thể tôi lại co quắp đau đớn khi nhớ mùa thu năm ấy. Chúng biến mất hết rồi. Những mùa thu của riêng tôi. Mùa thu tôi mười sáu. Mùa thu tôi mười bảy. Mùa thu tôi mười tám. Mùa thu tôi gạt nước mắt biệt ly bao nhiêu lần, sau lưng ai đó. Thế mà tôi vẫn chưa thôi, chưa ngừng tìm kiếm hơi thở của mình cho đến thời điểm này. Hai ngàn không trăm hai mươi mốt. Hơi thở mất tích. Trong rừng. Dưới đáy biển. Trên mặt trăng. Hoặc một nơi nào khác, ở một nơi nào khác, hơi thở đang chơi trò ẩn nấp. Thứ mà hơi thở muốn là một tình yêu, là một bầu trời xanh. (Nhưng, đến cả loài người còn chưa biết yêu là gì).
Tôi là một thực thể, rõ ràng là một thực thể đang tồn tại mà tôi thấy chính tôi ngay bây giờ, thật thế. Tôi chẳng có thời gian đùa giỡn hay trêu ngươi kẻ khác làm gì. Tôi biết rằng tôi, ở đó, trước mắt tôi, phía trước tôi. Hẳn nhiên phía trước tôi không phải là bóng tối hay ánh sáng gì cả. Đừng bận lòng phân biệt ánh sáng và bóng tối. Vì chúng chẳng có tác dụng gì đối với tôi lúc này. Về việc chứng minh tôi tồn tại. Chao ơi con người cũng là một thực thể. Nhưng chúng ta cứ muốn chối từ chính mình, và học đòi làm cách nào đó để mình biến mất. Sao có thể biến mất được nhỉ? Tay tôi đây, chân tôi đây, mắt mũi miệng lòng mề tim gan tôi đây. Biến mất thế quái nào được trong thời điểm này, khi tôi vừa mới chào đời, khi tôi ấu thơ, khi tôi thành thiếu nữ, khi tôi hoá ra đàn bà, và hẳn nhiên, một ngày nào khác tôi chỉ là một mụ già xấu xí nhăn nheo.
Không, tôi không muốn biến mất. Dù rằng tôi biết, thỉnh thoảng một vài sự biến mất cũng có thể xảy ra khi bạn còn trẻ tuổi. Tuổi trẻ. Tôi chưa bao giờ khát khao được nhìn thấy tuổi trẻ như lúc này, để khẳng định rằng tôi không thể nào biến mất đi được. Những người trung niên cũng đang thèm khát tuổi trẻ. Những người già nua thì chỉ mong muốn mình hãy còn trung niên, hoặc giả họ tham lam hơn là sẽ tiếp tục khát thèm tuổi trẻ, mơ mộng tuổi thơ, vặn ngược chiều kim đồng hồ, có thể cho đến khi biến mất hoàn toàn chăng?
Đấy, cuối cùng tôi vẫn thấy trò chơi biến mất diễn ra, chúng đang diễn ra trước mắt tôi, tôi cố tình không muốn nhìn, không muốn quan sát. Tôi cố tình chối bỏ sự biến mất của chính tôi, của vạn vật. Nhưng có lần, tôi đi qua công viên nằm bên cạnh bờ sông Hương, tôi thấy người ta đang cố gắng cứu chuộc một cái cây đã trăm tuổi có thể sẽ biến mất. Họ băng bó, trì níu chằng buộc, chăm chỉ tưới nước mỗi ngày. Dăm ba tháng sau mùa Xuân, tôi chạy qua công viên đó, thấy những chồi non đâm trổ. Cây cổ thụ già nua đã được hồi sinh và không bao giờ biến mất. Kỳ lạ thay sự hồi sinh vẫn tồn tại trong vũ trụ. Chết đi và sống lại. Tôi biết quy luật tuần hoàn đó, nhưng ngay lúc này tôi không muốn biến mất. Như thời ấu thơ, tôi đòi biến mất năm mươi hai tuổi, rồi sau đó một thời gian khá lâu, sau khi cưới chồng, tôi lại tiếp tục đòi biến mất năm hai mươi tám tuổi.
Mùa Xuân mười năm sau, chứng kiến một thân cây già cỗi đâm chồi nảy lộc non khi vừa trải qua cơn bão quen thuộc vào tháng chín tháng mười, tôi không còn ý nghĩ muốn biến mất nữa. Và thật tình, thời điểm này, khi mùa hè tang tóc tràn ngập khắp thế giới, mùa hè đỏ lửa lò thiêu xác chết trong cơn bĩ cực của đại dịch, mùa hè ngập ngụa những mộ phần còn tươi màu đất và xộc xệch thánh giá, tôi không còn muốn biến mất nữa. Tôi nghĩ về mùa thu ở hồ Wanaka. Tôi nghĩ về Albert Park. Tôi mơ về con đường mang tên Hoàng tử. Tôi nhớ những lối đi dọc ngang của phố Nữ Hoàng. Tôi tương tư bức tường thường xuân quyến rũ ở gần một trường đại học lớn. Tất cả những hình ảnh đó đang ở bên kia đại dương. Tất cả những thứ đó đang hồi sinh giấc mơ tôi từng ngày từng giờ. Tôi, dĩ nhiên, không bao giờ muốn chối từ sự tồn tại.
Việc biến mất thật là vô lý. Tôi nghĩ, trước kia tôi đã từng muốn biến mất vì những vùng thương tổn tối xám. Và thế giới mang tên loài người thật là vớ vẩn. Nhưng bây giờ, tôi thấy rằng, thế giới loài người thật đáng thương, bởi chúng chỉ toàn ly biệt và chết chóc. Vì vậy, tôi nên tồn tại, nên hiện hữu như một thực thể có giá trị. Tôi biết, đôi khi tôi cực kỳ ghét bỏ sự nhàm chán nhạt nhẽo của thế giới loài người, nhưng sau đó, tôi nhận ra, tôi nên học cách yêu để tồn tại. Biến mất chỉ là một khái niệm tuần hoàn của vũ trụ. Một ngày nào đó vũ trụ này cũng sẽ biến mất, và thay thế bằng một vũ trụ khác. Nhưng ngay lúc này, tôi phải cho phép tôi được tồn tại bằng chính thực thể kỳ diệu dưới hình hài một vũ trụ thu nhỏ là chính con người tôi đây, mắt mũi miệng chân tay, tim gan lòng phổi cùng hàng ngàn huyết mạch đang kết nối cơ thể sống động của mình.
2.
Không khí đang biến mất.
Thật tình, những ngày này tôi không thể nào thở được. Cánh cửa trong lỗ tai tôi hình như chúng đã bắt đầu khép dần. Tôi sẽ không còn nghe nhiều câu chuyện khổ đau của thế gian. Và, lẽ dĩ nhiên, tôi chỉ nghe giọng của tôi thì thào trong tai tôi. Chẳng thể nào nghe được tiếng của thế giới bên ngoài một cách rõ ràng, kể cả người đàn ông bên cạnh. Tôi rất muốn biết về việc biến mất của hơi thở. Nhưng bây giờ, việc mà tôi là cần phải lý giải là tại sao một vài âm thanh lạ cố gắng lên lỏi vào tai mình.
Chiếc mũi của tôi vẫn đang tồn tại, vẫn sống sờ sờ ra đó. Nhưng hơi thở thì chẳng thể nào tìm thấy. Căn phòng và những bức tường vây kín lấy tôi. Nhìn thử xem, nắng rất đầy, còn bầu trời đặc nghẹt màu xám của khói tháng năm. Khói đốt đồng. Những cánh đồng vàng cho hạt. Những cánh đồng vàng cho sự sống. Và những cánh đồng vàng đỏ lửa hệt như xứ Ấn mùa bão dịch ngợp ngụa mùi tử khí. Cái chết ẩn nấp trong những câu kinh cầu nguyện. Sông Hằng. Không tôi đang ở phía bờ Nam con sông Hương những ngày Huế phong thành.
Tôi vẫn không thể nào thở được.
Tôi tưởng rằng tôi đã khoá chặt một cánh cửa bên lỗ tai trái. Nhưng không, tôi lại nghe ai đó thì thào trong bóng tối. Aqua. Aqua. Aqua.
Tôi phải làm gì với Aqua đây nhỉ? Căn phòng chật hẹp của tôi, nhập nhoạng những tấm canvas trắng, cùng với giá vẽ, và các tuýp màu vương vãi. Tôi phải làm gì với Aqua đây nhỉ? Aqua là ai? Ai là Aqua? Tôi không biết. Hay tôi cố tình không biết? Nhưng ngay lúc này, nỗi cô đơn đang chiếm hữu lấy tôi, trống rỗng trọn vẹn. Aqua đã biến mất. Chẳng còn bất cứ một dấu vết nào của Aqua. Kể cả tiếng khóc tiếng cười là sự hiện hữu rõ rệt nhất về sự tồn tại của một đứa trẻ. Những bức canvas vẫn trắng xoá như phổi. Hơi thở cũng có màu trắng. Tôi xác nhận hình dung của tôi không thể nào sai lạc được. Hơi thở màu trắng. Tôi nghĩ ngợi về nó. Nỗi buồn mơ hồ. Nhưng, nỗi đau thì hiển hiện rất rõ. Kể cả nỗi cô đơn nữa. Có đêm tôi nằm mơ thấy Aqua ở cái khoảng giữa. Nó là một thế giới rất khác. Nó không phải là thiên đường cũng chẳng hề là mặt đất, địa ngục lại càng không. Chao ơi cái khoảng giữa mênh mông này mới cô độc làm sao. Chỉ có mỗi Aqua đang ở đó. Chỉ có những cánh đồng dài bất tận và một cái cây lớn duy nhất, hệt như bức tranh quen thuộc mà tôi bị mê hoặc, ám ảnh, Wanaka tree. Cây cô đơn. Nó nằm chĩn chện, ngạo nghễ giữa một hồ nước. Nhưng mà sự ngạo nghễ của nó mới đáng buồn làm sao. Nó khiến con mắt người tò mò, vây hãm. Thế giới loài người thật là mâu thuẫn. Đến cả nỗi cô đơn cũng bị làm phiền.
Tôi dứt khoát phải tìm ra thứ âm thanh lạ kỳ xuyên thấu tâm trí tôi những ngày hè ngột ngạt, nóng bức. Đêm qua là mùa trăng rằm. Tròn và đẹp. Sáng và trong. Như tôi năm mười lăm, mười sáu tuổi.
3.
Tôi sẽ mang Aqua đến khu rừng nhiều lá và hát ru. Rừng của tôi, lá đã rụng khắp nơi trong khu rừng của tôi hôm đó. Thế mà người ta vẫn cố tình sục sạo tìm kiếm những thân cây to cao để hạ nó xuống, để lá rời xa tôi, để tôi rời xa rừng. Những năm tháng thơ mộng của tôi ngày xưa còn đâu, rừng của tôi còn đâu?
“Aqua đừng khóc,” tôi nói. Gió rồi sẽ quay trở lại. Mưa rồi sẽ cất lên tiếng hát. Nắng sẽ vui vẻ nhảy nhót trên những tầng lá mục mùa thu. Aqua vẫn khóc ri rỉ.
Tháng ba. Tôi bế Aqua chạy qua những bầu trời đầy mây. Mây không dừng lại. Tôi vẫn chạy, và chạy. Tôi sẽ chạy cho đến khi nào mây ngừng trôi, mây không còn muốn đi chơi nữa thôi. Tháng ba rồi, Aqua ơi nín đi, đừng khóc. Tôi đưa tay vuốt dọc sống mũi. Giọt mồ hôi thấm ướt lòng bàn tay tôi. Giọt mồ hôi rớt xuống khuôn mặt non nớt, ngây thơ của Aqua. Làm cách nào để Aqua ngừng khóc? Tôi bật cười cay đắng. Tiếng cười của tôi xuyên qua rừng, xuyên qua khe suối, xuyên thủng cả bầu trời và những đám mây. Ấy vậy, vẫn chẳng thể nào át được tiếng khóc của Aqua.
Tôi nghe tiếng Aqua khóc mãi.
Bởi thế nên, tôi bắt đầu nghiện nghe tiếng Aqua khóc. Tôi không dỗ Aqua nữa. Tôi để cho Aqua khóc tràn bến bờ, khóc tràn mây núi bạt ngàn. Tiếng khóc buồn lang thang như những giọt nước tình tang, như những cuộc tình của tôi đã lùi lại phía sau lưng một ngọn đồi đầy nắng vàng tươi.
Hãy cứ khóc đi Aqua. Tiếng khóc của Aqua rồi sẽ như một dòng nước mát chảy khắp mọi nơi, mọi lau lách núi rừng, sông suối. Hoặc là, chảy thẳng ra biển lớn. “Đại dương hẳn đang rất cô đơn đấy Aqua ơi,” tôi nói. Thằng bé bất giác ngưng bặt tiếng khóc và cười sằng sặc như chú cuội ngồi gốc cây đa. Thật tình khó mà tin được, tôi đã mất biết bao công sức dỗ dành nó, vậy mà nó vẫn khóc lớn tiếng như kiểu ẩn ức nhiều lắm. Thế nhưng, khi tôi nói, thôi hãy cứ khóc đi, đại dương cô đơn lắm thì nó lại cười như thác đổ ầm ầm. Hoá ra, tiếng cười và tiếng khóc là những thứ tôi không thể nào cầm nắm điều khiển trong lòng bàn tay mình được. Phải chăng chúng là một món quà, là hai mảnh đối lập song song? Phải chăng chúng cũng chỉ là một thứ kì quái đến từ nơi nào đó xa thẳm. Từ trong rừng, từ trong núi. Từ dưới suối khe, từ đại dương cô đơn của vũ trụ.
Đêm tối xuống dần. Tôi không còn nghe Aqua khóc. Tôi cũng chẳng nghe Aqua cười. Lòng tôi buồn. Lòng tôi sầu thảm. Lòng tôi nặng trĩu. Lòng tôi chông chênh một nỗi cô độc tận cùng. Tôi co rúm hình hài của tôi lại trong bóng tối. Tôi lấy hết can đảm thở dài một lần. Bóng tối buốt lạnh. Bóng tối đưa tay ra ve vuốt tôi. Bóng tối thấy nghe tiếng khóc tiếng cười của Aqua, thủ thỉ kể về những cái chết. Trời ơi, tôi phải thu người lại thêm nữa. Bóng tối không biết tôi sợ hãi thế nào khi nhắc về những cái chết. Đau đớn. Kinh khủng. Những khu rừng bị cháy. Rừng phía nam. Rừng phía bắc. Những xác chết trong lửa. Những cơn đau trong lửa. Quằn quại cùng với trí tưởng tượng của tôi. Bóng tối vẫn tiếp tục mô tả về những cái chết của đứa trẻ sơ sinh mới hai tháng tuổi ở khu rừng phía nam, hình hài ba tháng tuổi chưa kịp lớn lên ở khu rừng phía bắc. Và ở chính giữa những khu rừng, ngay tối hôm qua bóng tối đã hét lên với tôi về một cái chết của người đàn bà quét lá cô độc.
Tôi muốn ôm Aqua thật chặt lúc này. Tôi sợ Aqua sẽ biến mất trong vòng tay tôi. Tôi sợ Aqua không còn hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt tôi nữa. Lòng tôi trào dâng niềm yêu thương vô hạn với Aqua, và chỉ với Aqua trong khu rừng mùa thu. Tôi muốn cất giọng sông suối, giai điệu của non ngàn hát ru cho Aqua yên giấc. Nhưng có khi, thật sự tôi đã nghĩ rằng, tôi từng muốn hoá thành mặt trăng, trôi qua những cánh rừng, trôi qua những đại dương. Nhưng hoá ra, tôi chưa từng biến thành mặt trăng bao giờ để trôi qua miền thời gian luôn chơi trò sấp ngửa như đồng tiền hai mặt chỉ để giết chết hết bóng tối, đem ánh sáng trở về, đem sự sống trở về bằng tiếng hót của những chú chim sâu nhỏ bé.
Aqua đã say giấc. Tôi thì lững thững mơ mộng về ký ức. Cha Aqua là ai tôi đâu có biết. Chàng ấy chắc hẳn có thể là người tình đầu tiên của tôi năm tôi tròn trăng? Không. Không phải đâu. Khi đó tôi đã nào biết gì. Hay chàng ấy có thể là người đàn ông đi ngang cuộc đời tôi năm tôi quá tuổi trăng rằm? Không. Không phải đâu. Khi đó tôi vẫn còn hãi sợ việc trở thành một người mẹ. Chàng ấy liệu có phải là kẻ lang thang cùng tôi trên những chân đồi xanh mượt cỏ? Không. Không phải đâu.
Có khi cha Aqua là sói. Trong rừng thì chỉ có sói thôi. Hoặc có khi sói cũng chỉ còn là một huyền thoại. Tôi sẽ hướng mắt lên mặt trăng để tìm sói, không phải chú cuội ngồi gốc cây đa nữa. Trên mặt trăng chỉ có sói và chị Hằng, hoặc là nữ thần lạnh lùng Artemis. Tôi chẳng muốn nhớ đến cha của Aqua nữa. Tôi cũng không muốn hình dung ra đôi mắt và khuôn miệng ít cười đã làm tôi nhớ những đau khổ tột cùng của người đàn ông ấy. Tôi sẽ mang Aqua rời đi. Tôi có ý nghĩ rời đi để tìm kiếm một khu rừng khác, nơi đó chỉ có tôi, chỉ có Aqua và sự mê hoặc của những cung đường trải dài mùa vàng bởi nắng, hoặc các vòm cây rớt xuống theo chiều thăm thẳm trong một cơn đau quặn thắt đâu đó.
4.
Tôi quyết định cho phép mình đi lạc bằng trí tưởng tượng đôi chút, bằng việc rời bỏ thực tại bên cạnh sự im ắng của một không gian trống, một không gian không có tiếng khóc, tiếng cười trẻ con lúc này. Tôi mơ về một căn phòng mùa hè những năm tôi mười bảy mười tám, nơi luôn bị đám ve sầu gây phiền nhiễu từ lúc sáng sớm, mà tôi không biết làm cách nào để đóng cánh cửa trong lỗ tai mình lại. Thật đáng kinh ngạc thay, đám ve sầu từ những mùa hè ến tôi mơ mộng hát ca đầy hào hứng. Rồi cho đến khi chúng cùng lũ sâu bọ thay nhau đẻ trứng vào tháng tư tháng năm, tôi chỉ muốn nhốt hết chúng trong các hũ thủy tinh để bầu trời bình yên trở lại. May mắn thay tháng tư, tháng năm ở một nơi nào đó trong tâm tưởng tôi đã cứu rỗi lấy tôi. Tôi biết, thể nào thì khu rừng đầy sắc màu xanh, vàng, cam, phơn phớt nghệ và đỏ ấy cũng chiếm hữu mọi ngóc ngách khi tôi nghĩ về nó, nhớ về nó, gào thét câm lặng một mong ước nằm trên đám lá khô ở Pin on Jan’s của thị trấn mũi tên chẳng hạn. Khi tháng ba chưa dứt, mùa quả feijoa hoa đỏ từng chùm kia mới bắt đầu nhú trái non còn bám phấn trắng, tôi đã hình dung ra bức tường đầy lá thường xuân hẳn đang đổi màu chờ đón mùa thu rồi.
Tôi đang mơ, trong bóng tối tôi đang chơi đùa với một sợi dây mà cả hai đầu đều là ký ức của tháng tư, tháng năm. Mùa hè ở khu rừng này và mùa thu ở một thị trấn khác. Aqua của tôi vẫn đang ngoan ngoãn say giấc. Tôi bất giác giật mình, rờ rẫm đôi mắt Aqua, có khi nào Aqua không thức dậy với tôi nữa? Sáng nay, Aqua vẫn cười vẫn nói, vẫn chơi đùa, và xế trưa dĩ nhiên Aqua vẫn còn khóc lóc kiểu trẻ con, tôi phải dỗ dành mãi mà tiếng Aqua không ngớt vang vọng khắp núi - rừng - sông - suối. Nhưng, lúc này thì không có bất cứ âm thanh sống động nào của Aqua. Chiều tối, Aqua đã khóc thét một lần cuối cùng ngoài sân. Nước mắt Aqua lẫn với máu. Máu chảy không ngừng. Trời ơi, nó, “nữ hoàng bóng đêm”, chính nó đã làm Aqua khóc lớn, không dứt; chính nó đã khiến Aqua của tôi im bặt lúc này trong bóng tối. Cha Aqua ở đâu? Tiếng tôi khóc nghẹn. Tiếng tôi xuyên qua rừng, qua núi, qua suối, qua khe. Tiếng tôi xuyên qua cả bờ đại dương bên kia. Cha Aqua không về. Cha Aqua sẽ không bao giờ về, kể cả khi Aqua đã ngừng khóc và cười.
Tôi nào dám mơ tiếp về một mùa thu lá rơi.
Aqua. Aqua. Aqua ơi. Trong rừng có sói. Trong rừng có trăng. Và trong rừng còn có cả một loài quái vật cổ đỏ mang tên Rhabdophis subminiatus.
5.
Đêm qua, tôi không thể nào chợp mắt được. Tôi rời khỏi giường, xuống bếp, tìm con dao nhỏ cán đen, đặt bên cạnh chai rượu màu vàng chanh cùng với một quả táo đỏ. Tôi không gọt táo, tôi cắt vào ngón tay của mình. Một giọt máu rời khỏi tôi, một giọt máu biết khóc và biết cười. Người đàn ông của tôi vẫn ngủ say trong giấc mơ mùa thu thứ n. Tôi mang giọt máu chảy ra từ ngón tay quẹt lên tấm canvas trắng vẫn trống rỗng từ đêm trăng năm trước, năm trước nữa khi tôi chẳng thể nào vẽ nổi một âm thanh, một tiếng gọi. Trước mặt tôi là một giọt nước màu đỏ, không có thêm bất kỳ thứ gì khác ngoài một giọt nước màu đỏ, tôi đặt tên bức tranh là Aqua. Nơi đó có hơi thở của tôi, hơi thở cả loài người. Và cả hơi thở của Aqua. Aqua của tôi không ở trong khu rừng ấy nữa.
Một buổi sáng mùa đông, khi tôi rời khỏi căn phòng bóng tối, bước chân ra ngoài cánh cửa, tôi chạy về phía con sông wairoa hít hà mùi thơm và lạnh của bờ cỏ. Tôi mường tượng về cái khoảng giữa cô độc của những linh thể lơ lửng, chưa chịu rời khỏi mặt đất cũng chẳng muốn đi về phía thiên đường. Giá như tôi được nhìn thấy Aqua bằng xương bằng thịt một lần sau cuối. Giá như tôi không yêu cha của Aqua ở nơi chốn rừng sâu núi thẳm, sau đó để hắn rời bỏ tôi và Aqua hồn nhiên như vậy. Một mảnh băng tuyết từ trên cành cây rớt xuống sượt qua tay tôi. Một vệt máu đỏ tươi. Aqua đấy ư? Aqua là nước hay lửa, hay chỉ là một giọt nước vừa làm tràn ly?
Tôi nói, “Aqua bây giờ là băng, bây giờ là tuyết trắng, bây giờ là hơi thở”.
Ánh sáng và bóng tối nhập nhoạng trong trí não tôi. Chỉ một mảnh băng tuyết cũng có thể giết người. Tôi nhìn thấy hình bóng của Aqua trong hơi thở của mình. Nhưng bỗng chốc hơi thở có chứa hình hài của Aqua biến thành con virus quái đản kỳ dị có rất nhiều gai nhọn sắc. Chắc chắn không phải Aqua. Đứa bé của tôi ngây thơ lắm, trong trẻo lắm. Tôi nhìn đồng hồ. Tôi nhìn vết xước đỏ đã khô trên cánh tay. Chỉ một lát nữa thôi, người ta sẽ mở phiên toà xét xử kẻ đã cướp Aqua của tôi trong một đêm trăng say máu. Giá tôi có thể giữ mảnh băng nhọn. Chúng có thể là thứ vũ khí hoàn hảo nhất.
Trong rừng có gì? (Trong rừng có Aqua)
Trên mặt trăng có gì? (Trên mặt trăng chỉ có sói)
Dưới đất có gì? (Dưới đất chỉ có xác người)
Ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com |