Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Kỷ niệm màu ghi" của Thi Hoàng

Tô Ngọc Thạch
Tác phẩm và dư luận
10:00 | 12/01/2025
Baovannghe.vn - Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Thi Hoàng rất ít khi làm thơ về tình yêu, nhưng Kỷ niệm màu ghi là bài thơ tình với những hoài niệm đang ngủ im, lại đột nhiên bừng thức.
aa

KỶ NIỆM MÀU GHI

Bài thơ
Tranh Lilli

THI HOÀNG

Cuối năm

Đường ray buốt thót

Nhà em nép lạnh

Con tàu chuồi qua chiều đông nôn nao ruột gan

Ngờ ngẫn hoa bờ rào

Nước khép nép trong ao

Khói bếp vương thui thủi

Tường đất quanh nhà tựa thịt da

nếu bấm vào là ai ái kêu đau

Dè sẻn hân hoan thỉnh thoảng

gọi thầm tên em cho ấm bụng

Cái ngôi nhà ven đường tàu thật thùy mị nết na

Hồi ấy nỗi sợ hãi mơ hồ

làm ngọt miệng chúng ta

Mỗi lần tàu đi qua đồ đạc

lại ôm nhau run lên cằm cặp

Đứa em em đang dùng kéo

cắt ngôi sao trề môi tứa nước dãi

Miệng thùng miệng chậu ngoài sân

nói với anh tha thiết nhiều điều

(Mấy chục năm em đã thành Kiều

anh dẫu cố vẫn không thành Kim Trọng

Ngài Tổng thống trên đồng ngoại tệ

em gửi về trông cũng rất phiêu diêu)

Chỉ lặn về phía Tây thôi

mà mặt trời trông cứ lóng nga lóng ngóng

Cố làm ra giống buổi chiều xưa

mà chẳng giống bao nhiêu.

LỜI BÌNH

Tôi và Thi Hoàng khá thân nhau. Mỗi khi nhắc đến bút danh Thi Hoàng, thì hầu hết các độc giả đều cho là “vua thơ”, nhưng theo Hán tự, thì chữ “Hoàng” còn khá nhiều từ đồng âm khác như: Màu vàng; Loài ngựa quý; Vè đồng; Người mẹ; Cái ao; Viên ngọc đeo; Cây tre; Lưu huỳnh; Thuyền lướt nhanh... Nhưng khi gặp Thi Hoàng, bạn đọc được giải thích khá tỉ mỉ về cái mạch ngầm liên tưởng giàu nội tâm này lại hoàn toàn khác, nôm na là “người làm thơ họ Hoàng” mà thôi.

Hầu như cả cuộc đời của nhà thơ Thi Hoàng gắn liền với một công việc duy nhất là sáng tác và biên tập thơ với những mùa vàng bội thu. Mặc dù khả năng bình luận văn học, hay viết văn xuôi của anh cũng chẳng kém cạnh bất kỳ tác gia lớn nào. Vì thế cái tên Thi Hoàng đã gắn liền với số phận, cũng như cuộc đời của người thi sỹ tài hoa này từ lúc ấu thơ tới lúc “nhắm mắt xuôi tay”.

Thi Hoàng quan niệm “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nên số lượng tác phẩm xuất bản của anh không thật đồ sộ, nhưng mỗi “đứa con tinh thần” ra đời đều gây được tiếng vang lớn và để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng. Anh luôn có khái niệm “Văn chương nói chung và thơ nói riêng phải quyến rũ người đọc, chứ không nên đuổi bắt độc giả”, nên các bài thơ của anh đều mang một giọng điệu riêng và tạo nên một thương hiệu Thi Hoàng. Ở bất cứ bài thơ nào trong thi phẩm của anh, ta cũng có thể tìm được câu thơ tâm đắc, một sắc thái tình cảm mới mẻ run rẩy, một thi tứ mới lạ, một thi liệu đậm đặc với những gam màu độc đáo, bởi con chữ như được lột xác.

Mấy chục năm qua, Thi Hoàng được đánh giá là một trong số ít những nhà cách tân thành công của thơ ca nước ta. Với những ngôn từ độc đáo, ý tứ táo bạo trong cách sáng tạo diễn đạt, được gợi mở ở nhiều kênh cảm xúc. Những câu thơ đã “đóng đinh” vào lòng độc giả như: Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/Cây thì biếc như vặn mình mà biếc (Ở giữa cây và nền trời). Đất để chôn người chết, còn trái tim để chôn người sống (Bổn phận). Một đầu đường chẳng có ai trông ngóng/Một buổi chiều không biết cất vào đâu (Thành phố nơi tôi sinh trưởng). Có rất nhiều cơn bão đã đi qua/Trời xanh lặng như đang điềm tĩnh lại/ Hoa phượng đỏ cứ như là máu nói/ Hay chính là trái tim mình từ đó nở bừng ra (Thành phố những cánh buồm). Có nghìn năm trong khoảng không động đậy/ Em hay chuông đền Ngọc Sơn vừa đội nón đi qua (Hà Nội mưa phùn). Và rất nhiều câu thơ khác nữa như có ma lực lôi kéo người đọc về với con chữ mang chiều sâu trí tuệ.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Thi Hoàng rất ít khi làm thơ về tình yêu, nhưng Kỷ niệm màu ghi là bài thơ tình với những hoài niệm đang ngủ im, lại đột nhiên bừng thức. Đây là một kết quả của sự dồn nén, tích tụ cảm xúc của thi nhân với một cô gái ở vùng ven đô nghèo khó sống bên đường ray tàu hỏa. Hoạt cảnh diễn ra vào thời điểm năm cùng tháng tận, phải chăng những gian truân vất vả chất chồng đối với thường dân thời bao cấp cùng những toan lo càng trở lên gấp bội: Cuối năm/ Đường ray buốt thót/ Nhà em nép lạnh.

Không gian thơ khá mở với một góc nhìn được cắt nghĩa gây ấn tượng mạnh ở từng con chữ. Thời ấy những người sinh sống ở khu vực sát đường xe lửa thường rơi vào những gia đình neo đơn, bần khó hay “bụi bặm”. Và tác giả đã cày xới hồn mình với những từ ngữ được sử dụng khá trí tuệ như buốt thót, nép lạnh… đã gieo vào lòng độc giả một xúc cảm bảng lảng lạ thường.

Tiếp theo là những âm hưởng buồn thương được ngân vang một cách hồn nhiên Con tàu chuồi qua chiều đông nôn nao ruột gan. Động từ chuồi ở câu này được dùng khá đắc địa. Những vật vô tri vô giác qua ngòi bút của tác giả đã tạo ra tứ thơ mới lạ, cách diễn đạt táo bạo làm câu thơ cựa quậy: Ngờ ngẫn hoa bờ rào/ Nước khép nép trong ao/ Khói bếp vương thui thủi/ Tường đất quanh nhà tựa thịt da nếu bấm vào là ai ái kêu đau.

Tình tiết thơ được tăng dần, từ ngờ ngẫn đến khép nép, rồi vương thui thủi và cuối cùng là ai ái kêu đau… Bao cảm xúc nhạy cảm trước thế giới bên ngoài bởi những đồ vật rất bình thường nhưng vào thơ khá thanh thoát với cá tính mạnh mẽ đã bồi đắp nên chất hiện đại của tâm thi và hình thi. Nhiều lúc ta thấy tác giả tãi hết cảm xúc của mình ra để thơ được phóng túng hơn thẩm thấu đến từng ngõ ngách tâm hồn: Cái ngôi nhà ven đường tàu thật thùy mị nết na/ Hồi ấy nỗi sợ hãi mơ hồ làm ngọt miệng chúng ta/ Mỗi lần tàu đi qua đồ đạc lại ôm nhau run lên cằm cặp.

Câu thơ hàm súc cô đọng, có sức mời gọi và quyến rũ. Giọng thơ khoáng đạt, sảng khoái, chất giọng đầy ngẫu hứng. Không cần gia công mài dũa, nhưng mỗi con chữ như một ma thuật được xoáy xiết vào lòng độc giả: Đứa em em đang dùng kéo cắt ngôi sao trề môi tứa nước dãi/ Miệng thùng miệng chậu ngoài sân nói với anh tha thiết nhiều điều.

Cảm hứng sáng tạo của tác giả đã tạo ra một lối đi riêng và khám phá ở những cảm xúc khác nhau để biên độ thơ văng xa hơn. Đôi khi con chữ cứ nhẩn nha, dồn nén tuôn trào rồi bất ngờ cất cánh: Mấy chục năm em đã thành Kiều, anh dẫu cố vẫn không thành Kim Trọng/ Ngài Tổng thống trên đồng ngoại tệ em gửi về trông cũng rất phiêu diêu. Câu thơ đa tầng đa nghĩa, có thể hiểu theo nghĩa nào cũng được. Cách dùng từ hết sức độc đáo bởi hình ảnh em đã thành Kiều còn anh thành Kim Trọng, hay ngài Tổng thống trên đồng ngoại tệ thì lại phiêu diêu… như vậy mới thể hiện đúng phong cách Thi Hoàng. Nó ôm chứa những sáng tạo, suy tư, ám ảnh được lật soi day trở bởi câu giả định chất vấn nội tâm mang những thông tin tiềm ẩn bất ngờ: Chỉ lặn về phía Tây thôi mà mặt trời trông cứ lóng nga lóng ngóng/ Cố làm ra giống buổi chiều xưa mà chẳng giống bao nhiêu.

Câu kết đầy mỹ cảm, giàu ngẫm ngợi, gieo vào lòng độc giả một tâm trạng ngẫu hứng. Mỗi một con chữ như một nốt nhạc tài hoa được ngân lên trong lòng độc giả một tư duy trừu tượng của bản tình ca bất hủ. Không gian thơ ở Kỷ niệm màu ghi này là khoảng sáng lung linh của sự phát hiện, ngẫm suy và đối thoại. Nó được kết cấu chặt chẽ bởi chất thơ hiện đại, hồn thơ đôn hậu, tứ thơ độc đáo, cảm hứng được dồn căng đã chắp cánh cho thơ anh bay cao hơn.

Bản tin Văn nghệ ngày 12/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 12/1/2025

Baovannghe,vn - Tuyển tập “50 năm rạng ngời trang sử” là một trong những ấn phẩm đặc biệt được phát hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Buổi về xum họp - Thơ Phan Duy

Buổi về xum họp - Thơ Phan Duy

Baovannghe.vn- Ai đi xa nếu một lần nhớ ruộng/ theo dấu chân về tìm lại lối xưa
Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính

Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính

Baovannghe.vn - Nhà thơ Lê Anh Xuân và “dáng đứng Việt Nam”, Thu Bồn và “bài ca chim chơ-rao”, Nguyễn Mỹ và “cuộc chia ly màu đỏ” là ba nhà thơ mặc áo lính
Bộ Y tế: Sẽ đề xuất lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Bộ Y tế: Sẽ đề xuất lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Baovannghe.vn- Bộ Y tế cho biết đã có nhiều ý kiến cử tri đề nghị Bộ không tăng viện phí; sớm xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân

Nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.