Ông lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng hiếu học, nhờ học giỏi, ông được nhà nước cử đi tu nghiệp ở nước ngoài. Khi về nước, Hồ Quang Lợi vào bộ đội, rồi về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Ngoài làm báo, ông còn viết văn và viết hay với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Nghề báo, nghiệp văn theo sát và chiếm trọn cuộc đời ông. Và vào dịp kỉ niệm niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025), tại Thư viện Quân đội, nhà báo - nhà văn Hồ Quang Lợi đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách thứ 11 của mình: Sự thật, lẽ phải và ngọn bút. Cây bút chính luận và bút ký, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản đều có chung nhận xét: “Hôm nay là sự kiện ra sách hiếm gặp: Đông người đến dự, rất nhiều hoa tặng tôn vinh một cây bút sắc sảo và tài hoa”.
|
Đọc Sự thật, lẽ phải và ngọn bút tôi rất cảm phục tác giả khi ông khéo léo tái hiện những điều cốt lõi về ý nghĩa, vừa căn bản vừa sâu xa một thế kỷ báo chí cách mạng Việt Nam, kể từ ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh niên, ấn phẩm của lịch sử trọng đại, mang tính mở đường, chuẩn bị về mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức, dẫn dắt việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3-2-1930. Đó là điều không phải ai cũng làm được nếu không có một lượng tri thức phong phú, khả năng bao quát và tổng hợp vấn đề một cách thấu đáo, chặt chẽ và xúc tích.
Sự thật, lẽ phải và ngọn bút với 620 trang in, chia thành 8 chương: Mạch đập thời đại; Tâm thế cầm bút; Ánh sáng nhân văn; Đạo đức báo chí; Mạnh hơn bảo kiếm; Đồng hành cùng thắng; Mạng xã hội, AI và báo chí; Ngọn lửa và trái tim. Vào sách, tác giả có bài viết mang tính luận đề xuyên suốt “Một thế kỷ chiến đấu vì đất nước và nhân dân” (trang 17). Luận đề rất chắt lọc mà ắp đầy thông tin; lập luận tươi mới, chặt chẽ, khái quát và khúc chiết trong luận bàn, sống động trong tư liệu và dẫn chứng thực tế về chuyện đời, chuyện làm nghề. Luận đề, xin tóm lược ngắn gọn: báo Thanh niên truyền bá lý luận cách mạng, mang tính mở đường. Bác Hồ dạy làm báo là làm cách mạng, phục vụ đất nước và nhân dân: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Tác phẩm báo chí đi tiên phong trở thành hiệu triệu, thúc giục đồng bào đứng lên cứu nước, cứu nhà, hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc. Trong 40 năm đổi mới, báo chí đi đầu cổ vũ nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo nên phong trào hành động cách mạng, giành được những thành tựu to lớn, xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh. Báo chí đắp xây nhịp đập ý Đảng và lòng dân; tiên phong phê phán, đập tan các luận điệu sai trái, chống phá của thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tham gia tích cực cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nêu cao tinh thần cống hiến, bảo vệ chân lý, lẽ phải. Đạo đức vừa là nền tảng, vừa là cốt lõi của hoạt động báo chí.
Người làm báo có bổn phận cung cấp thông tin cho xã hội nhưng thông tin đó phải trung thực, chính xác, tin cậy, lan truyền ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa yêu thương. Lan tỏa thông tin đòi hỏi sự chín chắn và cẩn trọng, bởi đằng sau mỗi tác phẩm báo chí là thân phận, sự mất còn của một con người, một gia đình, một cộng đồng. Trong công cuộc cách mạng thực sự về thể chế do Đảng khởi xướng và lãnh đạo theo hướng tinh - gọn – mạnh – hiệu lực – hiệu quả đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ như hiện nay cùng với công nghệ làm báo ngày một hiện đại, năng lực tác nghiệp ngày một giỏi thì tâm thế làm nghề càng phải đa năng, nhìn xa trông rộng. Tính chính trị của báo chí trong kỷ nguyên số càng phải vững vàng hơn bao giờ hết.
Tám chương sách gồm 63 bài bình luận, bút ký, ghi chép, phỏng vấn, hầu hết viết năm 2025; một ít bài đặc sắc tác giả chọn in đã có độ lùi thời gian, chủ yếu là mảng bài về thời cuộc và chuyện nghề báo.
Trải qua nhiều cương vị khác nhau (phóng viên, biên tập viên, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Biên tập, Thư ký tòa soạn, Phó và Tổng biên tập) trong hai tờ báo lớn là Quân đội nhân dân và Hà Nội mới nên Hồ Quang Lợi có cái nhìn vừa bao quát, vừa chi tiết cùng sự am tường sâu sắc về nghề báo. Những năm làm báo, viết văn cũng giúp ông tích lũy được vốn sống, vốn tri thức – văn hóa dồi dào. Nhờ đó, những bài viết của ông (nhất là những bài chính luận, xã luận về tình hình thời sự trong nước và thế giới) đều có kiến giải độc đáo, thâm thúy, giàu sức thuyết phục, gợi những góc nhìn, suy ngẫm đa chiều, đa diện về vấn đề bàn luận. Mỗi tác phẩm của ông đều hừng hực ngọn lửa bút sắc – lòng trong, ngọn lửa chiến đấu và tình yêu thương.
Trong bài trả lời phỏng vấn của báo Nhà báo & Công luận với nhan đề “Sự thật, lẽ phải đang chờ ta lên tiếng” (chương 2, Tâm thế cầm bút – trang 150), Hồ Quang Lợi thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình về một trong những vị trí nhạy cảm nhất của nghề báo - Tổng biên tập: “Tôi nghĩ trong nghề báo có nghề Tổng biên tập. Tổng biên tập nào, tờ báo đó. Tổng biên tập là “sếp nhất”, lại còn có chuyện “sếp của sếp nhất” can thiệp vào bài viết, chặn bài… cho nhóm lợi ích. Áp lực lắm, nhưng Tổng biên tập bản lĩnh, có nghề và trong sạch thì hãy cứ làm theo bản lĩnh, giữ trọn trái tim nóng và cái đầu lạnh...”.
Trong một tâm sự nghề nghiệp ở bài “Có những điểm dừng báo bão” (chương II, Tâm thế cầm bút, trang 120), Hồ Quang Lợi bày tỏ với đồng nghiệp về tình yêu và sự đam mê yêu nghề nghiệp: “Hỏi: Lúc nào thì anh… là anh nhất? Trả lời: Hình dung rõ tôi nhất là trong công việc. Và cả một lúc bất chợt nào đó, khi tôi đang viết bài, chợt ý nghĩ hướng về một người bạn thuở thiếu thời, về những người nông dân quê mình, khi chính mình còn là một cậu bé trong một ngày gió rét… đến nỗi thấy hơi lạnh còn đọng trên da thịt. Nghĩa là những bài viết tự dưng có một điểm dừng rồi sau đó viết tiếp và dường như, đôi lúc vì thế lại có cảm xúc hơn”.
Tôi xin mượn tứ của chương VIII “Sự thật, lẽ phải và ngọn bút” để nói thêm vài lời cùng bạn đọc, cảm nhận thêm một Hồ Quang Lợi yêu nghề, người bạn - đồng nghiệp sống tử tế, thủy chung. Hồ Quang Lợi dành chương cuối để viết về 7 đồng nghiệp trân quý, trong đó có nhà báo đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (người vừa qua đời trước ngày ra mắt sách) qua bài viết “Một thư ký thời đại, kiên cường và xuất sắc” (trang 603). Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp vốn là Phó phòng Thời sự quốc tế, một trong những người đầu tiên dìu dắt Hồ Quang Lợi làm báo, viết bình luận thời cuộc - thời ông vừa chân ướt chân ráo gia bước chân về báo Quân đội nhân dân. Tấm lòng biết ơn, kính trọng các bậc nhà báo lão thành của Hồ Quang Lợi thật trân quý biết bao.
Với tất cả ý nghĩa đó, Sự thật, lẽ phải và ngọn bút không chỉ là những phút trải lòng về nghề của Hồ Quang Lợi mà còn là một “tài liệu học tập” bổ ích, sinh động cho những ai muốn dấn thân vào báo chí.