NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỘI NƯỚC
ĐOÀN XUÂN HOÀ
Người đàn bà đội lên đầu
Những vò đất nung
Vẹn nguyên hình hài nước
Dọc dài miền trung
Áo đất vàng cỏ cháy
Tre trơ xương vu vơ xỉa lên trời
Lầu ông Hoàng
Mộ đất xếp chơi vơi
Gió liếm sạch những dấu chân trên cát
Đi về đâu?
Người đàn bà đội nước
Lưng vồng lên đồng dạng với lưng đồi
Chỉ còn pho tượng nhìn ta đau đáu
Màu đỏ cháy đêm
Nhắc một thời đạn lửa
Biển ngoài kia tấp sóng trắng trên đầu
LỜI BÌNH
Ba khổ thơ đầu là một bức tranh hoàn chỉnh. Có màu sắc. Có bố cục. Có thân phận khiến người xem phải suy ngẫm. Dường như hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ đã thành biểu trưng cho sự đấu tranh sinh tồn của miền quê ấy từ bao đời nay. Người phụ nữ bao giờ cũng vậy, họ yếu đuối, dễ đổ vỡ, nhưng lại bền gan trong mọi hoàn cảnh.
Người đàn bà đội lên đầu
Những vò đất nung
Vẹn nguyên hình hài nước
Ảnh minh họa bài viết. Nguồn Internet |
Hình ảnh người phụ nữ đội vò đất nung, tôi đã được xem nhiều lần qua bức tranh chép, người ta vẫn bày bán trên phố. Có điều người phụ nữ trong tranh mang khuôn mặt, dáng hình của một tiên nữ. Người phụ nữ trong bài thơ Người đàn bà đội nước lại khác. Đoàn Xuân Hòa đã khắc họa nên hình ảnh người phụ nữ tảo tần trong nắng gió miền trung. Ngày qua ngày, lẫn trong nắng, in trên cát, người phụ nữ vẫn đi đi về về với vò đất nung đội trên đầu, dáng liêu xiêu ngược chiều với những cơn gió bỏng rát. Chứng giám cho công việc thầm lặng đó, là sự xơ xác, hoang lạnh, với những: tre trơ xương, lầu ông Hoàng, mộ đất xếp chơi vơi. Chỉ bằng mấy câu thơ tả, miền quê ấy hiện lên trong bức tranh của Đoàn Xuân Hòa thật ảm đạm. Dường như hình ảnh người đàn bà đội nước trong bài thơ đã vượt qua khung cảnh của vùng đất nam trung bộ đó, vượt qua hành động đội nước cụ thể. Người đàn bà xuất hiện trong bài thơ mang sức biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho gia đình và cho tổ quốc. Đó là sự hy sinh thầm lặng, không màng được ghi nhận. Để rồi có những lúc, họ như bị lãng quên. Một sự lãng quên vô tình hoặc hữu ý. Nhưng rồi, họ vẫn nhẫn nại, vẫn kiên trung với những bước chân lặng thầm trên cát, làm nên dáng hình của quê hương đất nước.
Gió liếm sạch những dấu chân trên cát
Đi về đâu?
Người đàn bà đội nước
Lưng vồng lên đồng dạng với lưng đồi
Lối đi mãi cũng thành đường, vậy mà người đàn bà đi suốt một đời vẫn không thành lối. Bước chân vừa nhấc lên đã bị gió liếm sạch. Người đàn bà vất vả đi như chạy đua với thời gian. Người đàn bà kiên nhẫn đi như một sự gồng mình chống trọi với thiên nhiên. Và, người đàn bà lặng lẽ đi như thách thức với số phận. Dẫu không có đường, người đàn bà vẫn đi. Đi theo tiềm thức. Đi vì sự sinh tồn. Đi theo bản năng của trái tim người phụ nữ Việt Nam. Đi để lẫn mình với những triền cát trắng.
Chỉ còn pho tượng nhìn ta đau đáu
Màu đỏ cháy đêm
Nhắc một thời lửa đạn
Biển ngoài kia tấp sóng trắng trên đầu.
Dường như sự liên kết giữa khổ thơ cuối với ba khổ thơ đầu có gì đó chưa được nhuyễn nhưng làm ta nhức buốt. Phải chăng sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam đã xuyên suốt thời gian, đồng hành cùng với những thăng trầm của dân tộc, để rồi trở thành một biểu tượng hóa đá. Sự đồng cảm, sự hoài niệm của tác giả với những sự hy sinh của người phụ nữ nơi mảnh đất nam trung bộ đầy nắng gió nói riêng, và người phụ nữ Việt Nam đầy gian lao nói chung, như gieo vào lòng người đọc một nỗi khắc khoải.
Đi về đâu?
Người đàn bà đội nước
----------
Bài viết cùng chuyên mục: