LỤC BÁT HỒI XUÂN
|
NGUYỄN LÂM CẨN
Còn đâu thắt đáy cho giòn
Mà đuôi mắt ướt vẫn mòn lối đi
Xăm xăm hơn tuổi dậy thì
Xốn xang là cái chi chi hả giời?
Còn đâu ngọt lịm lời mời
Mà sao thắt chỉ buộc lời nỉ non
Duyên thầm trong gái một con
Chân xui vượt núi chon von đi tìm
Tình bằng xe chỉ luồn kim
Sợi thương mắt nhớ lim dim xế chiều
Môi hồng nhấp lấy bùa yêu
Chén say rót đến bao nhiêu chẳng đầy
Hồi xuân thả gió xanh cây
Thả hương vào trái, thả mây vào hồn
Thả nhau vào nụ môi hôn
Rồi ra thấp thỏm bồn chồn trăm năm.
LỜI BÌNH
Trước hết phải khẳng định tác giả thơ Nguyễn Lâm Cẩn là người đã trải qua cái tuổi hồi xuân. Thế nên những cung bậc tình cảm của tuổi hồi xuân đằm thắm, rạo rực, xốn xang, mãnh liệt… được nhà thơ trải nghiệm, dồn nén, rồi bung tỏa trong thơ, khiến người đọc, người bình thơ cũng say nghiêng ngả. Không ai nói đàn ông qua tuổi hồi xuân, mà chỉ nói phụ nữ qua tuổi hồi xuân. Nhưng người phụ nữ vốn e lệ, kín đáo, dẫu cảm nhận được sự đổi thay tuổi hồi xuân của mình, nhưng chẳng ai dám nói, dám khoe. Nói về sự yêu của người phụ nữ tuổi hồi xuân qua các cung bậc như cung tử vi nói về sự đào hoa. Theo đó, tình yêu vợ chồng là đào hoa vào giờ Tý nửa đêm, lặng thầm, kín đáo. Tuổi dậy thì con gái yêu như tử vi đào hoa vào giờ Mão, đầu buổi sáng như nụ hoa chúm chím, ấp e. Qua tuổi dậy thì, tới tuổi hồi xuân, tình yêu của người phụ nữ như tử vi đào hoa vào giờ Ngọ giữa trưa, mạnh mẽ, khát khao, như bông hoa bung nở, khoe sắc khoe hương. Tuổi tình yêu xế chiều của người phụ nữ, như tử vi đào hoa vào giờ Dậu cuối buổi chiều, tình nhạt, hương phai.
Những người đàn ông dễ cảm nhận tuổi hồi xuân của người phụ nữ, mạnh mẽ, khát khao, đằm thắm, làm sao có thể kém thua tuổi dậy thì ấp e con gái? Cái nồng nàn, say đắm của tuổi hồi xuân “Gái một con trông mòn con mắt”, như câu ca dao lưu truyền trong dân gian. Em là gái một con, đã thay đổi sâu sắc cả về thể chất, lẫn tinh thần. Gương mặt em tươi tắn, da dẻ hồng hào và tình cảm đằm thắm, khác xa tuổi dậy thì khi em chưa biết yêu, chưa say đắm vì yêu. Tuổi hồi xuân của em, khiến nhiều người đàn ông si mê nhìn ngắm. Càng ngắm lại càng ưa, em gái một con như bông hoa nở tung cánh, khoe hương sắc. Biết thì biết vậy, cảm thì cảm vậy, nhưng người phụ nữ chẳng thể nói ra cái duyên đằm thắm, cái tình khát khao, mãnh liệt, của mình tuổi hồi xuân. Thế nên "Lục bát hồi xuân" của Nguyễn Lâm Cẩn, đã nói hộ tuổi hồi xuân của người phụ nữ.
Bằng giọng thơ lục bát trữ tình, có âm điệu dân ca, ngay câu thơ đầu “Còn đâu thắt đáy cho giòn”, tác giả đã vẽ nên hình thể người phụ nữ qua thời thanh xuân thắt “đáy lưng ong”. Ừ, tuổi thanh xuân đã qua, có sao đâu, em không còn thắt đáy lưng ong, nhưng “ Mà đuôi mắt ướt vẫn mòn lối đi”. Cái duyên bây giờ lặn trong đôi mắt ướt, nói là còn nhiều duyên đấy, bởi đôi mắt là lối đi mở cửa trái tim. Nhiều người đến với tình yêu qua đôi mắt ướt của em, con đường tình yêu anh đến với em cũng mòn cả lối đi trong câu thơ anh viết. Cả bài thơ, tác giả đã dụng ý từng cặp 2 câu ý đối nhau. Câu thứ nhất tình huống mở ra là so sánh với tình yêu của tuổi dậy thì. Câu thứ hai là đối ngược với tình huống ấy, là cái duyên nồng nàn, cái tình khát khao, của tuổi hồi xuân. Tuổi dậy thì xưa e lệ, giờ đây em đã “Xăm xăm hơn tuổi dậy thì”, em mãnh liệt, nồng nàn, đằm thắm, chủ động hơn. Em cũng không biết vì sao lại “Xốn xang” như thế. Em không hỏi anh mà lại hỏi giời- cái “ Xốn xang là cái chi chi hả giời”? thế mới lạ, câu thơ mới khác thường! Cái xốn xang ấy em hỏi trời, trời lặng thinh, còn anh thì biết rõ “Còn đâu ngọt lịm lời mời” của em tuổi dậy thì, nhưng em lại có cái duyên tuổi hồi xuân để “thắt chỉ buộc lời nỉ non”. Bây giờ em không chỉ buộc chỉ tình yêu, mà em đã thắt chỉ chặt hơn, để buộc cả lời nỉ non ngày trước, cho duyên em bền chặt. Giờ thì em đã là gái một con, cái duyên thời dậy thì con gái bồng bột, nông nổi đã qua. Giờ duyên thầm đã lặn vào trong, để anh “Chân xui vượt núi chon von đi tìm”. Anh đi tìm em, vì cảm cái duyên thầm có ma lực của em, nhưng anh lại đổ tại cái “Chân xui”, lại một câu thơ hay, tài hoa ở chỗ ấy. Đã đi tìm em vượt núi chon von, giờ đến được bên em, tính sao đây “Tình bằng xe chỉ luồn kim”. Anh quyết phải xe chỉ luồn kim với người anh thương nhớ, để cho “Sợi thương mắt nhớ lim dim xế chiều”. Người ta thường nói về sự nhớ thương trong tình yêu, tác giả Nguyễn Lâm Cẩn cũng nói về thương nhớ, qua hình ảnh ví sợi thương dài theo năm tháng, ví nỗi nhớ lặn vào đôi mắt em, trong cảm giác lim dim, chìm đắm, tình yêu tuổi xế chiều hồi xuân.
Không chỉ yêu bằng mắt, anh đã say bởi “Môi hồng nhấp lấy bùa yêu”. Em thả bùa yêu trong môi hồng, anh nhấp lấy bùa yêu, để rồi anh say tình yêu, say men rượu tình, cứ nghĩ rằng rót đầy trong khát cạn tình em, nhưng “Chén say rót đến bao nhiêu chẳng đầy”. Làm sao anh có thể rót đầy tình yêu em như biển rộng không bờ? Anh ham muốn lắm, nhưng chẳng thể rót đầy rượu tình ở nơi em, cái tuổi hồi xuân, tiếc lắm thay. Tuổi hồi xuân, em đã thả tình yêu mãnh liệt cho anh, như “Thả gió xanh cây. Thả hương vào trái, thả mây vào hồn”. Em đã thả tình yêu, để anh được sống đê mê trong cảm giác “Thả nhau vào nụ môi hôn/Rồi ra thấp thỏm bồn chồn trăm năm”. Những nụ môi hôn ấy, theo anh cả cuộc đời, thấp thỏm bồn chồn đến trăm năm. Tôi người phụ nữ cũng đi qua tuổi hồi xuân với những cung bậc tình cảm ấy. Cảm ơn em - người tình tuổi hồi xuân, đã cho tác giả thơ Nguyễn Lâm Cẩn những câu thơ thăng hoa, một bài thơ lục bát hay, lắng đọng cùng bạn đọc.
--------------
Bài viết cùng chuyên mục:
Bài thơ "Buổi sớm" của Tô Thi Vân Bài thơ "Cho một người" của Anh Ngọc Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh Bài thơ "Hoa sữa" của Nguyễn Phan Hách Bài thơ "Đàn bà" của Phạm Thu Yến |