Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Một mình khâu những lặng im" của Hoàng Việt Hằng

Trần Vũ Long
Tác phẩm và dư luận
06:00 | 17/10/2024
Baovannghe.vn -Tôi đã có ấn tưởng với bài thơ này từ rất lâu, khi đó tôi chưa biết nhà thơ Hoàng Việt Hằng. Rồi sau này được gặp và có những cuộc trò chuyện
aa

MỘT MÌNH KHÂU NHỮNG LẶNG IM

Bài thơ
Tranh "Gia đình trong vườn" của danh họa Lê Phổ

HOÀNG VIỆT HẰNG

Một mình khâu những lặng im

Áo không vá cũng không kim chỉ điều

Em khâu lá rụng như thêu

Khâu cay đắng với trớ trêu mỉm cười

Em khâu tóc trắng thay lời

Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau

Con chồng, vợ cũ, đồng sâu

Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng

Văn chương bảy sắc cầu vồng

Chuyện tình anh cũ em không biết gì

Một mai cơn gió se se

Buông xuôi anh nỡ vội về chốn quê

Thấy đông con cháu bạn bè

Mà em đơn lẻ, mà em thu vàng

Buông xuôi anh có mơ màng

Mà trăng gió với vỡ vàng đất đai

Buông anh em đọc ban mai

Tung vần thơ với vắt vai chuyện đời

Một mai góc biển chân trời

Viết nuôi con lớn nên người mới xong

Một mai trăng sáng thong dong

Mình em khâu những mùa đông đời mình.

LỜI BÌNH

Tôi đã có ấn tượng với bài thơ này từ rất lâu, khi đó tôi chưa biết nhà thơ Hoàng Việt Hằng. Rồi sau này được gặp và có những cuộc trò chuyện thân tình với chị, tôi lại càng thấm thía hơn những vần thơ trong bài Một mình khâu những lặng im. Vẫn biết rằng hữu thân hữu khổ, có tạo tác thì có duyên nghiệp, mấy ai tránh được, nhưng thân phận người phụ nữ trong bài thơ khiến người đọc phải xót xa rơi nước mắt trong sự cảm phục. Từ “khâu” xuất hiện nhiều lần cho thấy người phụ nữ này mang những nét đặc trưng của phụ nữ Á Đông. Một mình khâu những lặng im, đó là sự cô đơn nối tiếp cô đơn, và khi tiếp tục khâu lá rụng, khâu cay đắng… thì trong chuỗi cô đơn đấy đã xuất hiện sự chịu đựng với những thử thách bể dâu của kiếp người. Rồi bạn đọc như lặng đi khi đọc đến hai câu thơ: “Em khâu tóc trắng thay lời. Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau”. Mới đó mà nay tóc đã trắng. Trước im lặng nay vẫn lặng im. Sự chịu đựng trước những đắng cay cuộc đời dường như quá lớn. Cảm tưởng người phụ nữ này đang phải gồng mình một cách quá sức, bám trụ trong cuộc sống để tự vực mình và làm chỗ dựa cho người thân. Rồi không ít những phút giây chị phải giấu đi sự yếu lòng, sự mệt mỏi, rã rời, tự thương xót cho thân phận mình. Trong cuộc đời mấy ai dám hy sinh đến mức khi lấy chồng chấp nhận cả những khổ đau của chồng đang chồng chất hiện ra trước mắt: con chồng, vợ cũ của chồng, tình cũ của chồng, những khổ đau, vất vả của chồng... Và có lẽ tình yêu thương, đức hy sinh, sự can trường của người phụ nữ đã được đẩy lên đến đỉnh điểm trong một câu thơ đầy thân phận: Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng.

Câu thơ đó dường như bao quát toàn bộ ý tứ của cả bài thơ. Người ta vẫn thường bảo, hai vợ chồng không nên làm một công việc giống nhau, vậy mà hai nhân vật trữ tình trong bài thơ này lại làm một công việc không lấy gì làm suôn sẻ cho tinh thần và cả cho đời sống vật chất, đó là công việc văn chương chữ nghĩa. Một công việc dễ tạo ra sự lung linh ảo vọng: Văn chương bẩy sắc cầu vồng. Hai tâm hồn nghệ sĩ cũng rất dễ nảy sinh những xung đột bởi cái tôi thường quá lớn. Nhưng thật may sao, người phụ nữ này đã tự biết giấu biệt cái tôi của mình để đi đến sự đồng điệu với chồng và đương đầu với thử thách cuộc đời. Đến khi người chồng đó ra đi mãi mãi, người vợ cảm thấy mình thực sự cô quạnh, thực sự bị thừa ra trong cuộc đời này: Một mai cơn gió se se/ Buông xuôi anh nỡ vội về chốn quê/ Thấy đông con cháu bạn bè/ Mà em đơn lẻ, mà em thu vàng. Một cuộc sống gia đình đầy vất vả, đầy thiệt thòi là thế nhưng khi người chồng ra đi chị cảm thấy một phần lớn ý nghĩa cuộc đời mình như tan biến. Nhưng rồi, những khó khăn vẫn đang chờ đợi phía trước, chị phải tiếp tục đứng dậy, bước tới và đương đầu. Có vẻ như chặng đường phía trước còn khó khăn hơn, cô độc hơn khi người chồng của mình không còn nữa: Một mai trăng sáng thong dong/ Mình em khâu những mùa đông đời mình.

Một mình khâu những lặng im là bài thơ đầy thân phận trầm luân của người phụ nữ. Bao chùm toàn bộ bài thơ là những hình ảnh cô đơn, một cuộc đời đầy thăng trầm của chị nhưng cái đích cuối cùng không phải là muốn cho mọi người nhìn thấy những khổ đau đó mà là một tình yêu quá lớn của chị dành cho người chồng. Đọc xong bài thơ tôi thấy được đức hy sinh cao cả của người phụ nữ đối với một tình yêu lớn lao.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bài thơ "Buổi sớm" của Tô Thi Vân Bài thơ "Cho một người" của Anh Ngọc Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh Bài thơ "Hoa sữa" của Nguyễn Phan Hách Bài thơ "Đàn bà" của Phạm Thu Yến
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.