Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Vị Xuyên" của Chử Thu Hằng

Chử Thu Hằng
Lý luận phê bình
10:30 | 08/08/2024
Baovannghe.vn - "Vị Xuyên" Gần bốn mươi năm/ Tôi về Vị Xuyên viếng bạn/ Biên cương gập ghềnh, thâm u rừng vắng/ Đá núi Hà Giang sắc lạnh những đường gươm...
aa

VỊ XUYÊN

Gần bốn mươi năm

Tôi về Vị Xuyên viếng bạn

Biên cương gập ghềnh, thâm u rừng vắng

Đá núi Hà Giang sắc lạnh những đường gươm.

Bạn nằm đâu?

Ngút ngàn mộ chí phơi nắng sương

Ai người có tên, ai người chưa biết?

Nắm hoa nhựa vô tri

Những chân hương bạc phếch

Nỗi đau lặng lẽ rêu phong.

Núi Đất, Lò Vôi Thế Kỷ, Bốn Hầm

Cối Xay Thịt, Đồi Thịt Băm *

Nơi nào bạn tôi về đất?

Tuổi hai mươi hóa cây, nên rừng xanh ngăn ngắt

Hồn nhập đá tai mèo, nên đá dựng hiên ngang.

Chiều

Khí núi mịt mù cao nguyên đá Hà Giang

Tôi gọi bạn - những anh hùng vô danh

quên mình vì Tổ quốc

Như ông cha ta mấy nghìn năm giữ nước

Như những liệt sĩ Hoàng Sa, Gạc Ma

thế kỷ hai mươi.

Ngước nhìn lên, uy nghiêm giữa đất trời

Trấn giữ nơi địa đầu, súng vươn nòng, không nghỉ.

Vị Xuyên ơi, những anh linh chiến sĩ: Bất tử cùng thời gian.

Bài thơ
Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên là nơi an nghỉ của vô số anh hùng đã ngã xuống khi đang lấy thân mình “che” Tổ Quốc.

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

“NHỮNG ANH LINH CHIẾN SỸ

BẤT TỬ CÙNG THỜI GIAN”

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc ta, Hà Giang là địa bàn trọng điểm bị địch lấn chiếm, phá hoại. Vị Xuyên là chiến trường căng thẳng và kéo dài, diễn ra trong nhiều năm (1979-1989), ác liệt nhất là từ 1984-1989. Tinh thần chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác hay. Trong đó, tôi và nhiều bạn khác đều rất xúc động khi đọc bài “Vị Xuyên” của nhà thơ Chử Thu Hằng.

Thi phẩm viết theo thể thơ tự do, rất phóng khoáng bởi những đợt cảm xúc khi dào dạt, lúc sâu lắng, là kết quả chuyến đi thực tế của nhà thơ viếng bạn, thăm chiến trường Vị Xuyên. Bài thơ mở đầu bằng nhịp điệu chậm rãi như nỗi niềm suy tư chất chứa của chủ thể trữ tình: ”Gần bốn mươi năm/ Tôi về Vị Xuyên viếng bạn/ Biên cương gập ghềnh, thâm u rừng vắng/ Đá núi Hà Giang sắc lạnh những đường gươm”. Kể từ khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra (17/2/1979) đến ngày tác giả viếng bạn đã trải gần bốn mươi năm. Vị Xuyên, một huyện thuộc tỉnh Hà Giang, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Kinh, Nùng... Vùng biên ải này ”gập ghềnh, thâm u rừng vắng”, thưa người lại qua, địa hình phần lớn là núi đá cao hiểm trở. Dùng nghệ thuật ẩn dụ nhân hóa, nhà thơ khiến thiên nhiên ấy như mang hồn - linh hồn của bao nhiêu thế hệ chiến binh với hàng ngàn, hàng vạn “những đường gươm” tua tủa “sắc lạnh” chất chứa những căm hờn trước kẻ thù ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ, tàn phá, giết chóc người vô tội. Bộ đội chủ lực của ta sát cánh cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích chiến đấu anh dũng, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Vị Xuyên là “Lò Vôi Thế Kỷ”, nơi không khí căng thẳng, sôi sục, diễn ra hàng trăm trận đánh quyết liệt. Cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược vùng biên giới Việt Nam lần này có quy mô lớn nhất kể từ khi dân tộc ta thắng Mỹ. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ mọi miền của đất nước và đồng bào đã hy sinh trên mảnh đất này.

Trong niềm xúc động sâu xa, nữ sĩ thảng thốt, nghẹn ngào: ”Bạn nằm đâu?/ Ngút ngàn mộ chí phơi nắng sương/ Ai người có tên, ai người chưa biết/ Nắm hoa nhựa vô tri/ Những chân hương bạc phếch/ Nỗi đau lặng lẽ rêu phong”. Từ viếng thăm một người bạn, nhà thơ bàng hoàng xúc động trước trùng trùng mộ chí. Nghĩa trang Vị Xuyên hiện có tới hơn 1.700 mộ liệt sỹ, có tên và cả rất nhiều mộ chưa có tên bởi đạn bom, pháo kích tàn bạo của kẻ thù khiến nhiều thi thể chiến binh không thể xác định được danh tính… Những ngôi mộ giờ đây hàng nối hàng, nghiêm trang y như đội hình những người lính sát cánh bên nhau trong đội ngũ trước giờ vào trận. Hình ảnh hoa nhựachân nhang gợi bao lên xót xa, thương cảm… Là người từng trải, nhà thơ nhắc nhớ và liệt kê hàng loạt địa danh: ”Núi Đất, Lò Vôi Thế Kỷ, Bốn Hầm/ Cối Xay Thịt, Đồi Thịt Băm…/ Nơi nào bạn tôi về đất?”. Những địa điểm đó là nơi diễn ra các trận đánh dữ dội, tàn khốc nhất. Việc đưa địa danh vào thơ vốn không hề dễ dàng, khó nhất lại là những cái tên gắn với những trận đánh kinh hoàng lấy đi biết bao sinh mạng. Vậy mà tác giả đã liệt kê ra được tới 5 biệt danh liên tiếp chỉ trong một câu thơ. Những địa danh đất đá, núi rừng mà chỉ thoáng nghe tên cũng đã rùng mình ghê rợn về sự thảm khốc của chiến tranh và chết chóc.

Trong cuộc xâm lấn này, đối phương lấy số đông cùng với vũ khí hạng nặng để tấn công, bộ đội ta kiên quyết chống trả, chiến đấu kiên cường, giành giật với địch từng tấc đất, gốc cây, con suối… Rất nhiều chiến sĩ ta ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Những vần thơ tác giả viết về sự hy sinh của các liệt sĩ như toàn bằng nước mắt - nước mắt của tình yêu thương, lòng ngưỡng mộ, nước mắt của tấm lòng nhớ tiếc, xót xa và cảm phục: ”Tuổi hai mươi hóa cây, nên rừng xanh ngăn ngắt/ Hồn nhập đá tai mèo, nên đá dựng hiên ngang”. Sự hy sinh, tinh thần chiến đấu quên thân vì đất mẹ Tổ quốc của những anh hùng vô danh ấy không hề vô nghĩa. Anh linh, thể phách, hồn thiêng của các anh hòa nhập, tạc khắc vào đá núi, rừng cây. Các anh đã phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Các anh đã tiếp bước rất xứng đáng những bậc tiên hiền đi mở cõi, khởi dựng giang sơn trước đây và cũng”Như những liệt sĩ Hoàng Sa, Gạc Ma thế kỷ hai mươi”. Các anh đã và còn sống mãi trong trái tim những người ở lại. Tất cả những thế lực xâm lấn biên giới hay hải đảo của nước Việt nhất định phải trả giá cho hành động phi nghĩa mà chúng gây ra.

Khép lại bài thơ là những dòng suy tưởng giàu sức khái quát của tác giả: ”Ngước nhìn lên, uy nghiêm giữa đất trời/ Trấn giữ nơi địa đầu, súng vươn nòng, không nghỉ./ Vị Xuyên ơi, những anh linh chiến sĩ/ Bất tử cùng thời gian”. Đoạn thơ giàu hình ảnh làm sống dậy khu nghĩa trang Vị Xuyên cùng hàng nối hàng bia mộ uy nghiêm như đội ngũ những anh hùng thầm lặng bám đá, giữ đất kiên cường. Ý thơ ở đây có đồng điệu cảm xúc với những câu thơ của Lê Anh Xuân: “Không một tấm hình không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tác vào thế kỷ… Anh là chiến sĩ Giải phóng quân” (Dáng đứng Việt Nam). Người chiến sĩ lúc còn sống và khi ngã xuống đều một lòng kiên trung trấn giữ vùng phên giậu Tổ quốc. Hình ảnh thơ giàu sức khái quát đã bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và ngợi ca sự hy sinh cao cả của các thế hệ người Việt từ xưa đến nay trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dâng hiến cả tính mạng cho Việt Nam muôn muôn năm độc lập cho giang sơn mãi mãi được trường tồn.

Bài thơ mang dấu ấn rõ nét sự đổi mới về hình thức thể hiện nhưng vẫn có kết cấu chặt chẽ, cảm xúc chân thành, lắng đọng của thơ. Thêm một lần nữa nữ nhà thơ nói hộ người đọc tấm lòng cảm phục và niềm tri ân sâu sắc tới các liệt sĩ, và những người lính Cụ Hồ nói chung. Những con người bình dị ấy sống anh dũng, chết vẻ vang. Các anh mãi bất tử trong lòng bạn hữu, người thân và đồng bào cả nước.

* Những địa danh diễn ra các trận đánh ác liệt trong Chiến tranh biên giới 1979-1989.

Nguyễn Thị Thiện |Báo Văn nghệ

-------------------

Bài viết cùng chuyên mục

Trần Hồng Giang: ngậm "đũa thần" gõ vào thế giới Nhà thơ Tế Hanh - Người thơ mang gương mặt quê hương Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước Những ngôi sao trên cát - Thơ Nguyễn Ngọc Quế Nhà thơ Trinh Đường: Nhập thân vào đất nước để nhập thần vào thơ
Thủ tướng: Chuẩn bị sẵn sàng để vận hành bộ máy mới của chính quyền địa phương 2 cấp  từ 1/7

Thủ tướng: Chuẩn bị sẵn sàng để vận hành bộ máy mới của chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7

Baovannghe.vn - Chiều 14/4, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Baovannghe.vn - Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã có bài viết "Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc" trên Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có bài viết đăng trên Báo Nhân dân với tiêu đề “Cùng chung chí hướng, chung tay tiến lên phía trước. Kế thừa quá khứ, viết tiếp trang mới tương lai”.
Chung tay mở ra kỷ nguyên mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc

Chung tay mở ra kỷ nguyên mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ điện tử trân trọng gới thiệu bài viết "CHUNG TAY MỞ RA KỶ NGUYÊN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA QUAN HỆ HỮU NGHỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC" của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đăng trên trang mạng điện tử của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sáng 14/4.
Thị trường sách toàn cầu 2024 đạt 156 tỷ USD: Tăng trưởng ổn định trong kỷ nguyên số

Thị trường sách toàn cầu 2024 đạt 156 tỷ USD: Tăng trưởng ổn định trong kỷ nguyên số

Thị trường sách toàn cầu năm 2024 được định giá 156,43 tỷ USD, và dự báo sẽ tăng trưởng đều đặn với tốc độ 3% mỗi năm trong giai đoạn đến 2032. Những số liệu mới nhất từ Stellar Market Research cho thấy ngành công nghiệp xuất bản đang bước vào một thời kỳ năng động, nơi sách in, công nghệ số và truyền thông xã hội cùng tạo nên một “hệ sinh thái đọc” mới toàn diện và thích nghi cao.
Đối thủ. Truyện ngắn của Phan Đình Minh

Đối thủ. Truyện ngắn của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Từ Phú Thọ chuyển về quê, đất trong làng không có, xã liền chia cho nhà tôi bốn sào trước cổng làng.