Diễn đàn lý luận

Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước

Nguyễn Việt Chiến
Chân dung văn học
06:00 | 06/08/2024
Baovannghe.vn - Bài thơ trên, tôi viết tặng nhà thơ Bế Kiến Quốc, ông qua đời ngày 25-6-2002 vì ung thư phổi, thọ 53 tuổi. Bài thơ này tôi đã đọc cho ông nghe tại bệnh viện trước ngày Quốc ra đi, lúc ấy chúng tôi ôm nhau khóc, sau đó Quốc dặn tôi in bài thơ này nhé. Bài thơ Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người của tôi đã in báo Văn nghệ trong trang thơ tưởng niệm Bế Kiến Quốc, mấy câu thơ cuối tôi viết thêm vào ngày ông mất.
aa

Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người

Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước
Hai nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và Bế Kiến Quốc (phải) trong một chuyến đi công tác

Tặng Bế Kiến Quốc

Như được vẽ bằng khói thuốc lá

Gương mặt một người bạn

Mũi gồ lên dưới tròng kính trắng

Hai bàn tay lúc nào cũng ướt

Không có sự lựa chọn nào khác

Ngoài thuốc lá và thơ

Bạn chọn cả hai không bao giờ từ bỏ

Mười tám tuổi

Bạn nhìn đâu cũng thấy anh hùng

Họ nhiều hơn

Số người sống và người chết cộng lại

Nhưng nếu trừ đi tất cả

Bằng một phép tính giản đơn

Thế giới này chỉ còn lại cỏ

Và một điều gì đấy

Mơ hồ giống như thơ

Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai bên cạnh bức tranh nhà thơ Bế Kiến Quốc do họa sĩ Thành Chương vẽ.

Ngoài năm mươi tuổi

Bạn vẫn tin yêu con người

Nhưng bắt đầu hoài nghi những đám mây

không tưởng

Riêng đám mây khói thuốc bạn mang

trong ngực

Cứ mỗi ngày một âm u

Bạn mong muốn hàn gắn thế giới này

Bằng niềm tin ngây thơ

Bởi nếu không tin yêu con người

Chúng ta còn gì để mơ ước

Nhưng có nỗi đau không cách gì chữa được

Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người

Sau tất cả mọi cô đơn

Tôi tin vào điều ấy

Không phải bởi ngày qua thấy bạn trên

giường bệnh

Gương mặt tái nhợt cố nở một nụ cười

khó khăn

Như muốn nói: tôi không thể nghỉ ngơi

Khi bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn

phía trước

Nhưng bạn đã từ bỏ cõi sống này vào một

sớm mai

Nơi có những nỗi đau không cách gì

chữa được

Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người

Sau tất cả mọi cô đơn.

25-6-2002

Bài thơ trên, tôi viết tặng nhà thơ Bế Kiến Quốc, ông qua đời ngày 25-6-2002 vì ung thư phổi, thọ 53 tuổi. Bài thơ này tôi đã đọc cho ông nghe tại bệnh viện trước ngày Quốc ra đi, lúc ấy chúng tôi ôm nhau khóc, sau đó Quốc dặn tôi in bài thơ này nhé. Bài thơ Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người của tôi đã in báo Văn nghệ trong trang thơ tưởng niệm Bế Kiến Quốc, mấy câu thơ cuối tôi viết thêm vào ngày ông mất.

Ngược thời gian nhớ lại, vào những năm 69-70 của thế kỷ XX, từ phong trào học sinh, sinh viên yêu nước tại các đô thị bị tạm chiếm ở miền Nam Việt Nam, trong số các bài thơ cách mạng được các bạn trẻ chuyền tay nhau đọc có bài thơ Những dòng sông của nhà thơ Bế Kiến Quốc với những câu thơ hào sảng: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông... Bế Kiến Quốc làm bài thơ này khi ông đang còn là sinh viên khoa Ngữ văn - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với bài thơ trên, ông đã đoạt giải Nhì cuộc thi thơ năm 1969-1970 của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (giải Nhất cuộc thi là chùm thơ Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Trường Sơn đông Trường Sơn tây của nhà thơ Phạm Tiến Duật).

Một vinh dự lớn đến với các nhà thơ đoạt giải cao cuộc thi thơ này là được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời đến dự cuộc gặp mặt tại Phủ Thủ tướng. Sau cuộc gặp đó, những bài thơ đoạt giải được phát liên tục trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, và chính bởi thế thơ Những dòng sông của ông đã được học sinh, sinh viên yêu nước các đô thị miền Nam đón nhận.

Nhà thơ Bế Kiến Quốc sinh ngày 19-5-1949 tại Nam Định, quê ông gốc ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội vốn dòng dõi con cháu nhiều đời của đại thi hào Nguyễn Trãi. Quốc nói với tôi, nghe các cụ trong dòng tộc cho biết, vì liên quan án oan thảm khốc Lệ Chi Viên thời cụ tổ ngày xưa nên một số con cháu đổi từ họ Nguyễn sang họ Bế. Ra trường, anh về công tác ở Ty Văn hóa Hà Tây, rồi chuyển về Báo Văn nghệ (1977-2000) làm Trưởng ban Thơ, sau làm Tổng biên tập Báo Người Hà Nội.

Trước khi chuyển về công tác ở Báo Thanh niên, tôi có 2 năm làm việc ở Báo Văn nghệ với nhà thơ Bế Kiến Quốc và họa sĩ Thành Chương và bộ ba chúng tôi gắn bó với nhau đến sau này. Suốt một đời trằn trọc với công việc thầm lặng của người làm thơ, Bế Kiến Quốc dường như rất ít khi ngủ trước một, hai giờ sáng. Ông thường viết về đêm nhưng lại hút thuốc quá nhiều. Tôi đã từng thấy ông lục ngăn kéo bàn viết mỗi đêm, nếu chỉ còn một bao thuốc là Quốc không yên tâm, phải tìm cách bổ sung ngay cho đủ “cơ số” ni-cô-tin để đối mặt với trang viết qua từng đêm trắng. Ông hút thuốc ngay cả lúc ốm mệt và trong những cơn ho. Khi ấy, Quốc thường bôi đẫm dầu cao Sao Vàng bên ngoài điếu thuốc và tiếp tục hút. Quốc hút thuốc và làm thơ từ thời còn là học sinh cấp III, hút hối hả và viết cần mẫn cho đến cuối đời. Là người trầm tính và luôn nghiền ngẫm, ở giữa mọi người, Bế Kiến Quốc thường lắng nghe và cần mẫn làm việc nhiều hơn là nói. Chỉ có lúc nào đó ngồi tri kỷ với bạn bè thân thiết, ông mới bộc lộ hết tâm trạng và những dự định, hoài bão của mình về văn chương và thời cuộc.

Tuy thành đạt sớm về thơ, nhưng Bế Kiến Quốc vẫn luôn là người khiêm nhường, lặng lẽ. Ông không thích những “tuyên ngôn” ồn ào về thơ ca có tính khoe khoang, phô trương hình thức. Bởi thật ra, kể cả về mặt lý luận, phê bình thơ lẫn sáng tác, trong nhiều năm Bế Kiến Quốc đã có hẳn một cái nền tri thức rất cơ bản, phong phú về nhiều mặt. Ông tự bạch: “Theo tôi, thơ có giá trị là thơ phải nâng cao tâm hồn con người. Những nhà thơ thành công là những nhà thơ nói được tiếng nói của thời đại, của đất nước, chứ không phải những nhà thơ chỉ có ‘kỹ thuật cao’. Và, điều quan trọng là thơ phải luôn luôn hướng về phần sáng của cuộc đời…” Trong bài thơ Nhớ Na-dim Hik-mét, Bế Kiến Quốc viết: Tất cả cái no vô nghĩa/ Nếu chỉ đói một người/ Tất cả vô nghĩa niềm vui/ Nếu chỉ buồn đau còn một người/ Tất cả tự do cũng vô nghĩa/ Nếu chỉ một người bị nô lệ/ Tất cả công bằng cũng là không/ Nếu còn một người chịu bất công/ Nhà thơ ơi/ Thế giới vô bờ, biển khổ mênh mông/ Đừng nói mọi điều đã làm xong/ Khi anh chưa phải người sau cùng/ Thanh thản đến ngồi dưới bóng cây và khóc.

Khi nhắc đến Bế Kiến Quốc người ta thường nói đến người bạn tri âm, tri kỷ nhất của nhà thơ là họa sĩ Thành Chương. Chơi thân thiết và gắn bó với nhau như bóng với hình suốt hơn hai mươi năm làm báo ở Văn nghệ, tình bạn đặc biệt của họ còn ảnh hưởng tới một số quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhau. Hoạ sĩ Thành Chương bùi ngùi cảm động nhớ lại: “Có một số người chỉ đánh giá cao thơ Bế Kiến Quốc trên những tập thơ in sau lúc nhà thơ qua đời. Riêng tôi thì tôi đánh giá cao phẩm chất tài năng thơ của Quốc ngay khi ông còn sống. Chính vì thế góc độ bạn bè, tôi thường tâm sự với Quốc: “Ông chỉ nên làm thơ thôi - đừng nên làm lãnh đạo vì cái ông để lại cho đời là thơ ca, đấy mới là sự nghiệp chính của đời ông, cho nên tôi muốn ông chuyên tâm về việc đó.” Thành Chương cho biết thêm: “Trong cuộc đời tôi, điều may mắn nhất là có được một người bạn thân thiết và tâm giao như Bế Kiến Quốc. Ít người biết rằng trong một số giai đoạn sáng tác hội hoạ của tôi, Bế Kiến Quốc lại có những ‘cú hích’ mở đầu quyết định. Cho đến nay, nhiều người không hiểu vì sao tôi lại vẽ tự hoạ nhiều đến thế. Nhưng mọi việc bắt đầu từ một lần Bế Kiến Quốc tặng một bức chân dung gương mặt tôi do chính anh vẽ, với những đường nét giản đơn, rất hay mà lại hiện đại. Tôi thao thức mãi về bức chân dung này và phát hiện ra gương mặt con người có rất nhiều nét biểu cảm đầy tính suy tư của hội hoạ. Từ đấy, tôi vẽ tự hoạ rất nhiều bằng các thể loại: sơn dầu, sơn mài, bột màu… và tạo nên một phong cách tự hoạ riêng. Thật ra, tự hoạ là mảnh đất mà mình được phép tự do sáng tạo nhiều nhất, vì không ngại ngần va chạm đến ai cả, vì mình chỉ vẽ chính mình chứ có vẽ gương mặt ai đâu. Nhưng cái bước ngoặt và động lực chính khiến tôi vẽ tự hoạ nhiều lại là từ Bế Kiến Quốc đấy! Cũng như, một bài thơ của Bế Kiến Quốc cũng chính xuất phát từ một câu chuyện do tôi kể lại về một lần một có một đám khách nước ngoài (người Mỹ) đến mua tranh của tôi, họ hỏi chuyện và tôi cũng kể về cuộc đời của tôi trong những năm tháng chiến tranh khi xung phong vào bộ đội ra chiến trường chống Mỹ, thì lúc ấy một cậu phiên dịch có khuyên tôi: “Nếu anh nói về chuyện ấy thì có thể họ sẽ ngại anh và không mua tranh của anh nữa đâu”, nhưng tôi nói với cậu ta rằng: “ Tôi sẽ vẫn nói tất cả những chuyện ấy, tôi là tôi và tôi đã lựa chọn con đường ấy và không bao giờ chối bỏ cả, còn chuyện họ có mua tranh của tôi hay không lại là chuyện khác.” Khi tôi kể chuyện này cho Bế Kiến Quốc nghe, ông rất xúc động và sau đó có làm một bài thơ có những câu sau: Chúng ta không thể không thuộc về đâu/ Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ/ Đừng ai hỏi vì sao/ Đã như thế, vẫn đang như thế/ Từ những tháng năm nào/ Không chọn lựa, nhưng không chối bỏ/ Mảnh đất nơi mình cắt rốn chôn rau/ Như người mẹ, ai có quyền chọn lựa?/ Xin cảm ơn buồng trứng, bầu sữa và lời ru của mẹ/ Chúng ta không thể không thuộc về đâu cả/ Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ/ Ta yêu thương, ta dại khờ, lầm lỡ/ Trong một đời đầy thử thách ta qua?/ Xin cảm ơn đồng đội đã cùng ta/ Chung cơn đói, chia niềm vui nỗi khổ/ Người con gái ta yêu và cũng yêu ta/ Xin cảm ơn mái tóc, làn môi, đôi tay, cặp vú/ Ta chọn lựa và ta không chối bỏ…

Trao đổi với bạn bè đồng nghiệp, Bế Kiến Quốc thường tâm niệm: “Đối với văn học, để sáng tác hay và có ích, cần phải sống hết mình - sống với mọi người, với thế giới, với truyền thống văn hóa của dân tộc và của nhân loại, sống với quá khứ, với hiện tại và tương lai. Sáng tác văn học cũng là một loại công việc, mà người ta làm, nhằm mang lại cho thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, và trong cái thế giới đó, mọi người đều được thương yêu, trân trọng và cũng thương yêu trân trọng người khác. Và bởi vậy những sáng tác của tôi luôn hướng về cái thiện và cái đẹp.” Trong bài Tự nhủ Bế Kiến Quốc đã viết thế này: Bàn chân ơi, ta đưa ngươi đi/ Mọi nẻo đường - dù có khi ngươi vấp/ Có khi giẫm vào gai, và biết đâu, có khi.../ Ta phải đi vì ta yêu mục đích/ Vành tai ơi, ta đưa ngươi đi/ Đến miệng đời dù nghe lời đắng chát/ Lời thô bỉ, và biết đâu, có khi.../ Ta phải nghe, vì ta yêu tiếng hát/ Cặp mắt ơi, ta đưa ngươi đi/ Đến mọi nơi, thấy mọi điều đích thực/ Dù thấy điều xấu xa, và biết đâu, có khi.../ Ta phải nhìn vì ta yêu cái đẹp/ Trái tim ơi, ta đưa ngươi ra/ Khỏi lồng ngực của ta/ Hiến dâng người trái đất/ Dù có buồn, dù có xót xa/ Dù có lúc nỗi đau ngừng nhịp đập/ Ta phải yêu, vì ta tin hạnh phúc.

Con người Bế Kiến Quốc cũng giống như thơ ông, luôn yêu tin cuộc đời, luôn hướng về phần tốt đẹp của con người. Tình yêu ấy hồn nhiên đến ngây thơ và đấy là phẩm chất của đức tin nơi anh. Thơ Bế Kiến Quốc những năm cuối đời, có mảng thơ thấm tháp nỗi buồn nhân sinh và canh cánh nỗi lo âu, thương cảm đồng loại. Viết về họa sĩ Nguyễn Sáng, ông ngậm ngùi: Những năm tháng ông khó khăn đơn độc/ Sống và vẽ - tài năng lớn lao đến như thế/ Nhân cách đẹp đẽ đến như thế/ Mà nghèo, mà khổ, mà không được mến yêu. Đắm mình trong sự ngưỡng mộ, xót xa một tài năng lớn của hội họa đương đại Việt Nam, nhà thơ cảm thấy chỉ vì mình đã sống cùng thời với Nguyễn Sáng, nên có thể đã góp một phần làm cho hoạ sĩ khó khăn, đơn độc và nghèo khổ hơn... Và vì thế, Bế Kiến Quốc nuối tiếc: Lẽ ra đã có một buổi chiều/ Được kính cẩn nhường đường cho ông trên hè phố/ Hoặc hơn nữa, được mời ông một ly rượu nhỏ/ Để tỏ lòng ngưỡng mộ/ Hoặc hơn nữa, được nói với ông/ Dù thế nào, ông Sáng ơi, ông sẽ sống mãi/ Như những thiên tài bất tử của non sông.

Bài thơ Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người tôi viết chỉ mới phác họa một phần nào đó chân dung Bế Kiến Quốc, một nhà thơ tài năng trong số những nhà thơ đích thực của văn học Việt Nam đương đại đã đi xa.

Nguyễn Việt Chiến | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục

Bế Kiến Quốc- Những ẩn ức về cái đẹp Hướng tới kỷ niệm 70 thành lập báo Văn nghệ: Bế Kiến Quốc trong ngôi đền đã 70 xuân Trang thơ của nhà thơ Bế Kiến Quốc Nhà thơ Trúc Thông: Thi sĩ của dịu dàng, tinh tế… Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.