Văn hóa nghệ thuật

Bản tin Văn nghệ ngày 13/3/2025

Việt Thắng (tổng hợp)
Điện ảnh
15:00 | 13/03/2025
Baovannghe.vn - Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2025 là hoạt động thiết thực quảng bá hình ảnh biển Việt Nam tươi đẹp, nhiều tiềm năng về kinh tế...
aa

Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2025 diễn ra tại Quảng Ninh

Vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2025 mùa hai sẽ diễn ra từ ngày 23/5 đến ngày 7/6/2025 tại Quảng Ninh. Đây là thông tin vừa được công bố tại buổi họp báo về Cuộc thi diễn ra chiều 12/3 tại Hà Nội.

Vòng chung kết Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2025 mùa hai do Công ty cổ phần Queen Zone và Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Nam Ánh Dương phối hợp tổ chức. Cuộc thi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh chấp thuận tổ chức và nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2025.

Đại diện Ban tổ chức chia sẻ các thông tin về Cuộc thi. Ảnh: BTC
Đại diện Ban tổ chức chia sẻ các thông tin về Cuộc thi. Ảnh: BTC

Phát biểu tại họp báo, ông Lý Minh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi khẳng định: Phụ nữ Việt Nam ngày càng tự tin, tỏa sáng và đảm nhận nhiều vai trò quan trọng, khẳng định được vị thế vững chắc trong xã hội, góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng. Đó là lý do ngày càng có nhiều sân chơi sắc đẹp ra đời nhằm tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của người phụ nữ Việt.

Không chỉ hướng đến tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam gắn với hình ảnh biển quê hương trong thời đại hội nhập quốc tế, Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2025 còn là hoạt động thiết thực quảng bá hình ảnh biển Việt Nam tươi đẹp, nhiều tiềm năng về kinh tế, du lịch, góp phần thúc đẩy các hoạt động cộng đồng vì một Việt Nam hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững.

Đồng thời, Cuộc thi cũng thể hiện tiếng nói của phụ nữ Việt Nam trước những vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường biển và kêu gọi cộng đồng, các nhà chức trách cũng như các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên và môi trường biển nước nhà.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, sau vòng sơ tuyển tại khu vực phía Nam và phía Bắc, Ban tổ chức sẽ lựa chọn 36 thí sinh xuất sắc nhất cùng tranh tài trong Vòng chung kết Cuộc thi.

Điểm mới của Cuộc thi năm nay là bên cạnh các phần thi sắc đẹp, còn có các hoạt động đồng hành phong phú, mang tính tương tác cao, chung tay làm công tác thiện nguyện, đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Qua đó, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển tiềm năng về kinh tế, du lịch biển, vì một Việt Nam hội nhập toàn cầu, cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhiều chương trình, hoạt động tôn vinh tại Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế

Để triển khai đề án Huế - Kinh đô Áo dài và Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 22/01/2025 của UBND Thành phố Huế về việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế, UBND TP Huế ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2025.

Đồng diễn dân vũ trong trang phục áo dài tại Bia Quốc học Huế năm 2025. Ảnh: BTC
Đồng diễn dân vũ trong trang phục áo dài tại Bia Quốc học Huế năm 2025. Ảnh: BTC

Theo đó, Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6/6 – 15/6 với chuỗi hoạt động hội thảo, trình diễn Áo dài và truyền thông quảng bá, tôn vinh hình ảnh Áo dài Huế gồm Chương trình nghệ thuật đặc biệt Áo dài Huế trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2025 tại Huế, Hoạt động đạp xe vì môi trường với chủ đề “Áo dài qua phố”, Hành trình “Áo dài về nguồn”, Chương trình nghệ thuật “Áo dài - Sắc thắm cố đô”, Diễu hành Việt phục “Bách hoa bộ hành”, Đêm hội “Sắc màu Áo dài - Niềm vui của em”, Nhảy Flash mob “Áo dài xuống phố”. Ngoài ra, còn có các hoạt động như Hội thảo/tọa đàm “Áo dài trong trường học”, Triển lãm sản phẩm Hội thi Thiếu nhi vẽ tranh theo sách năm 2025 với chủ đề “Áo dài và Tuổi thơ”, Chương trình “Vũ điệu Áo dài”, Triển lãm tranh và trình diễn bộ sưu tập Áo dài “Ứng dụng nghệ thuật Điềm Phùng Thị”, Trình diễn “Áo dài với sản phẩm gốm Phước Tích” và Phiên chợ quê kết hợp diễu hành “Áo dài về với di sản”, Chương trình nghệ thuật Áo dài kết tinh hồn dân tộc…

Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế nhằm khai thác thế mạnh, thương hiệu và giá trị văn hóa độc đáo của Áo dài Huế, xây dựng hình ảnh du lịch Huế gắn với Áo dài, kích cầu du lịch phát triển. Đồng thời, tôn vinh Áo dài Huế, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, góp phần tuyên truyền quảng bá văn hóa Huế gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch địa phương.

Đắk Lắk: Công bố nghề làm gốm của người M’nông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Quyết định số 3991/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/12/2024, Bộ VHTTDL đã công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm gốm của người M’nông, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào M’nông mà còn là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch địa phương.

Nghề làm gốm của người M’nông xã Yang Tao có lịch sử hàng trăm năm, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Không giống như gốm của người Chăm hay người Kinh, gốm M’nông được làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng bàn xoay mà được nặn bằng tay theo phương pháp cổ truyền.

Đất sét sau khi khai thác được nhào nặn kỹ lưỡng, tạo hình từng chiếc chum, vại, nồi, bình… với những hoa văn độc đáo, thể hiện dấu ấn văn hóa đặc trưng của đồng bào.

Bản tin Văn nghệ ngày 13/3/2025
Các nghệ nhân làm gốm thủ công Yang Tao. Ảnh: Báo Văn hóa

Một trong những điểm đặc biệt của gốm M’nông là kỹ thuật nung lộ thiên. Các sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được phơi khô rồi nung trực tiếp trên nền đất với củi, rơm, và lá cây rừng trong nhiều giờ.

Phương pháp này tạo ra những sản phẩm gốm có màu sắc tự nhiên, độ bền cao, mang vẻ đẹp mộc mạc nhưng tinh tế. Đặc biệt, những hoa văn trang trí trên gốm thường là biểu tượng của núi rừng, sông suối, thể hiện sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên.

Việc công nhận nghề làm gốm của người M’nông ở xã Yang Tao là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia là một sự ghi nhận xứng đáng đối với những giá trị lịch sử, nghệ thuật và văn hóa mà nghề truyền thống này mang lại.

Với những tiềm năng sẵn có, hy vọng rằng trong tương lai, Yang Tao sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần đưa di sản văn hóa truyền thống của người M’nông đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.

Đây cũng là cơ hội để nghề làm gốm M’nông có điều kiện phát triển bền vững hơn trong thời đại mới.

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim