Huyện Đan Phượng vừa trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng cho chính quyền và Nhân dân địa phương. Ảnh: Báo Văn hóa |
Đình Đại Phùng thuộc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, thờ Đức Thánh Tích Lịch Hỏa Quang Thượng đẳng thần và tướng quân Vũ Hùng - người có công dẹp giặc dưới thời nhà Trần ở thế kỷ XIV.
Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên một khuôn viên rộng 2.542m2. Kiến trúc Đình Đại Phùng gồm ba hạng mục chính là tiền tế, đại bái và hậu cung; đầu hồi phía phải là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh.
Di tích đặc biệt Đình Đại Phùng độc đáo ở chỗ toàn bộ cấu kiện nguyên thủy được làm bằng gỗ xoan với mái lớn, thân thấp, phù hợp với cả không gian, khí hậu, hoàn cảnh, cho thấy đây là một sáng tạo của cư dân địa phương.
Giá trị lớn nhất của đình được thể hiện trên các đề tài trang trí kiến trúc, điêu khắc còn giữ nguyên được niên đại nghệ thuật thế kỷ XVII với trên 1.000 hoạ tiết có giá trị văn hoá nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng và Lễ hội truyền thống đình Đại Phùng được tổ chức trang trọng, sôi nổi với nhiều hoạt động đặc sắc. Lễ hội là dịp bày tỏ lòng nhớ ơn các vị tiền nhân có công với làng với nước, cầu cho “nhân khang – vật thịnh” đồng thời thỏa mãn sự giao lưu, sáng tạo làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng.
Lễ rước diễn ra tại thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm tôn vinh giá trị di sản và truyền thống lịch sử nhà Trần.
Thái Miếu (còn gọi là Đền Thái) tọa lạc trên đồi Đình, thôn Trại Lốc (xã An Sinh, thị xã Đông Triều) là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà Trần và 14 vị vua Trần.
Thái Miếu là một trong số những di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể các Di tích lịch sử văn hóa nhà Trần trên đất Đông Triều. Đây được xem là kinh đô thứ hai của triều Trần, bởi vùng đất An Sinh chính là quê gốc, nơi các bậc tiền nhân của nhà Trần sinh sống và lập nghiệp trước khi dời xuống Long Hưng (Thái Bình) và Tức Mặc (Nam Định).
Đây cũng là một trong 14 di tích thuộc Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2013.
![]() |
Lễ rước nước từ Hồ Trại Lốc về Thái Miếu. Ảnh: BTC |
Lễ hội Thái Miếu nhà Trần được duy trì tổ chức thường niên từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội mang đạm dấu ấn và bản sắc văn hóa nhà Trần với nhiều nghi lễ như: Lễ thỉnh vua, Lễ cáo yết, Lễ cầu an, Lễ rước nước, Lễ giỗ đức Thái tổ Trần Thừa, Lễ tế dâng hương, Lễ tạ…Tất cả các hoạt động nêu trên đã tạo nên một chuỗi các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc phục vụ nhân dân và du khách.
Một trong những nghi lễ đặc sắc tại Lễ hội là Lễ rước nước. Đây là nghi lễ có ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới gắn với sông nước.
Năm nay, cùng với phần lễ, phần hội diễn ra sôi động với nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, chơi cờ tướng, chọi gà, tung còn, đi cà kheo… và chương trình "Liên hoan văn nghệ làng văn hóa xã An Sinh năm 2025". Lễ hội Thái Miếu nhà Trần không chỉ là dịp tri ân công đức các bậc tiền nhân mà còn là cơ hội để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng thời, Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích nhà Trần trên địa bàn thành phố Đông Triều, tạo thêm điểm nhấn trong tuyến du lịch văn hóa tâm linh của thành phố Đông Triều nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Lễ hội Hoa ban 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 13 đến 16/3 với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, trong đó có cuộc thi Người đẹp Hoa Ban nhằm tôn vinh vẻ đẹp của thiếu nữ vùng Tây Bắc, đồng thời tìm kiếm đại diện quảng bá văn hóa, du lịch Điện Biên.
Lễ hội Hoa ban 2025 là sự kiện văn hóa tiêu biểu, thường niên của tỉnh Điện Biên nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên, gắn liền với việc bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo BTC, Lễ hội Hoa Ban 2025 sẽ có hàng loạt hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, tái hiện những nét truyền thống của các dân tộc tỉnh Điện Biên.
![]() |
Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của nhân dân các dân tộc được giới thiệu trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban năm 2025 (Ảnh tư liệu). |
Nổi bật là lễ dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ; Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật hoành tráng kết hợp với màn bắn pháo hoa rực rỡ.
Cùng với đó, là các hoạt động văn hóa đa dạng khác như: liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc; trình diễn lễ hội và nghi thức sinh hoạt truyền thống của các dân tộc; show thực cảnh "Huyền tích U Va" tôn vinh văn hóa dân tộc Thái... sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc biệt.
Trong khuôn khổ Lễ hội năm nay cũng tiếp tục diễn ra cuộc thi Người đẹp Hoa Ban nhằm tôn vinh vẻ đẹp của thiếu nữ vùng Tây Bắc, đồng thời tìm kiếm đại diện quảng bá văn hóa, du lịch Điện Biên.
Với phương châm hướng về cộng đồng, Lễ hội Hoa Ban năm nay xác định không chỉ là sân khấu nghệ thuật mà còn là không gian trải nghiệm văn hóa đa dạng, nơi du khách có thể hòa mình vào đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc.