Tối 22/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã dự và phát biểu tại Lễ bế mạc năm du lịch Quốc gia Điện Biên năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi năm du lịch Quốc gia 2024 với chủ đề Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận tại miền đất thiêng liêng Điện Biên Phủ anh hùng đã được tổ chức thành công.
Tỉnh Điện Biên trao cờ luân phiên tổ chức "Năm du lịch Quốc gia" cho tỉnh Thừa Thiên Huế - địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề "Kinh đô xưa - Vận hội mới". |
Trước đó, ngày 16/3/2024, tại tỉnh Điện Biên đã khai mạc năm du lịch Quốc gia và lễ hội Hoa Ban tưng bừng, sôi động. Các chuỗi hoạt động du lịch đã được triển khai đồng bộ với quyết tâm và hiệu quả cao. Gắn với kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu, hoạt động năm du lịch đã thu hút rất nhiều du khách đến với Điện Biên.
Trong khuôn khổ năm du lịch quốc gia Điện Biên năm 2024, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và các Bộ ban ngành Trung ương đã chủ trì 12 chương trình sự kiện quốc gia.
Tỉnh Điện Biên đã chủ trì triển khai 26 chương trình sự kiện; các tỉnh, thành phố khác đã chủ trì 120 chương trình, sự kiện hoạt động đúng theo kế hoạch.
Các hoạt động năm du lịch 2024 và Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, gửi thông điệp về con người Điện Biên thân thiện hiếu khách, cảnh quan thiên nhiên Điện Biên hùng vĩ, nền văn hóa đa dạng, độc đáo bản sắc của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là cứ điểm Điện Biên Phủ lịch sử hào hùng.
Trong năm du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 này, tỉnh Điện Biên đã thu hút được 1,85 triệu khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 3.300 tỷ.
Cũng tại lễ bế mạc, tỉnh Điện Biên đã trao cờ luân phiên tổ chức Năm du lịch Quốc gia cho tỉnh Thừa Thiên Huế - địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề Kinh đô xưa - Vận hội mới.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng đã chúc mừng tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự lớn lao này.
Họa tình nhân gian - tác phẩm thơ múa của các nghệ sĩ quân đội, cảm tác từ tranh dân gian Đông Hồ - vừa nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật thủ đô năm 2024.
Tác phẩm thơ múa Họa tình nhân gian là sự sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội. Đại tá - NSND Lữ Thị Kiều Lê là người viết kịch bản và đạo diễn. Tác phẩm được cảm tác từ mỹ cảm tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, sự thăng hoa nghệ thuật của những nghệ nhân tài hoa và câu chuyện thăng trầm của một làng nghề truyền thống.
Tác phẩm thơ múa “Họa tình nhân gian”. Ảnh: Trường Đại học VHNT Quân đội |
Tác phẩm là sự kết hợp tinh tế giữa chất liệu dân gian dân tộc Việt Nam với múa hiện đại. Các vũ điệu truyền thống đặc trưng của dân tộc như trống bồng, guộn ngón, guộn đèn, đi lướt... được kết hợp hài hòa với những chuyển động mang tính ngẫu hứng của múa hiện đại, vừa làm nổi bật nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam vừa phản ánh được nhịp sống đương đại.
Tác phẩm không chỉ đem lại xúc cảm về thị giác mà còn thể hiện tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đồng thời, còn cho thấy khi sáng tạo, làm mới nghệ thuật cần giữ gìn hồn cốt của dân tộc.
Chiều 22/12 tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật đương đại Dấu xưa văn hiến năm thứ 3 với chủ đề Thiên Quang đã khai mạc.
Đây là mùa triển lãm thứ ba trong chuỗi dự án nghệ thuật Dấu xưa văn hiến, tiếp nối thành công của hai mùa trước là Dấu xưa văn hiến năm 2022 và Soi bóng Thăng Long năm 2023.
Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, Triển lãm là kết tinh của niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc nói chung và với Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng của các họa sĩ trẻ - những người luôn đau đáu với việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc..
Triển lãm Thiên Quang khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của Trời và Đất soi chiếu Thăng Long – nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: BTC |
Các tác phẩm tập trung tái hiện sự phát triển của các làng nghề nổi tiếng như nghề ươm tơ dệt lụa, dệt vải nhuộm vải, thêu thùa may vá; nghề đúc đồng, nghề rèn, nghề chế tác vàng bạc thiếc; nghề mộc làm giường tủ bàn ghế, giương hòm, gương lược; nghề làm sơn mài, nghề làm vàng mã , khắc con dấu, nghề đóng thuyền, bè, làm buồm, dây chão; nghề trồng hoa,… của Thăng Long xưa.
Triển lãm năm nay quy tụ các tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, gốm, giấy dó… kết hợp các kỹ thuật hiện đại như sắt, inox, mica, kính, các loại đèn hiện đại, các loại sơn dầu , acrylyc, tổng hợp...
Đặc biệt, ánh sáng được khai thác làm yếu tố trung tâm, tạo nên không gian triển lãm tự do, phóng khoáng, tương tác với mọi chiều không gian.
Đặc biệt, triển lãm năm nay giới thiệu tác phẩm chung mang tên Giếng Thiên Quang. Đây là sự kết hợp sáng tạo của 9 họa sĩ, lấy cảm hứng từ di sản Giếng Thiên Quang tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tác phẩm được thiết kế dưới dạng đèn tròn với các mảnh ghép nghệ thuật thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời.
Triển lãm diễn ra tại nhà Tiền đường, khu Thái Học từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/03/2025.