Mới đây, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã khai mạc Sáng tác tranh với chủ đề Chúng con vẽ về nơi Bác Hồ ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Đây là những tác phẩm hội họa được sáng tác với tình yêu và lòng kính trọng, biết ơn của các em học sinh với Bác Hồ kính yêu.
Hoạt động do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với nhiều trường học, CLB Mỹ thuật các tỉnh phía Bắc.
Diễn ra tại một không gian đặc biệt, nơi mà từng góc nhỏ vẫn vẹn nguyên hơi ấm và hình ảnh của vị Cha già dân tộc, nơi Người đã sống và làm việc 15 năm cuối của cuộc đời, hoạt động sáng tác tranh dành cho các em học sinh đã mang đến nhiều cảm xúc sâu sắc.
Nơi đây, là địa chỉ đỏ, là trường học chính trị thực tiễn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhà sàn Bác Hồ đã mang tính biểu tượng quốc gia, dân tộc; biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế. Và nơi đây, cũng là điểm đến ấn tượng trong quan hệ ngoại giao cấp cao của Đảng, Nhà nước.
![]() |
Lãnh đạo Khu di tích trao quà lưu niệm cho đại diện các thầy cô, phụ huynh và các em học sinh tham gia sự kiện. Ảnh: BTC |
Chính vì vậy, hoạt động sáng tác tranh với chủ đề Chúng con vẽ về nơi Bác Hồ ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch là một hoạt động rất ý nghĩa, trước hết, tạo cơ hội để các em học sinh tham gia trải nghiệm hoạt động trong không gian di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Đồng thời, tạo cơ hội để các em được thực tế ngắm nhìn ngôi nhà Bác đã ở, nơi Bác đã làm việc, Ao cá Bác nuôi, vườn cây Bác trồng và chăm sóc…
Hoạt động cũng tạo cơ hội cho các em học sinh được giao lưu, học hỏi, cùng nhau thể hiện sáng tạo, năng khiếu trong lĩnh vực hội họa. Càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn khi hoạt động được diễn ra bắt nguồn từ chính những mơ ước, mong muốn, nguyện vọng của các em với tình cảm hướng về Bác.
Những tác phẩm của các em học sinh tham gia tại hoạt động này sẽ được lưu giữ làm tư liệu tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2025.
Ngày 30/3, tại Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát Thành phố, Sở VHTT TP.HCM tổ chức Lễ Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc đưa nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa ở TP.HCM vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia; công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Thành phố.
![]() |
Lãnh đạo TP.HCM trao Quyết định và Giấy chứng nhận Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa ở TP.HCM vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: BTC |
Nghệ thuật lân, sư, rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM, phản ánh hiện thực đời sống của cộng đồng người Hoa.
Ba linh vật: Lân, Sư, Rồng đều mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu, thường được biểu diễn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết trung thu, ngày khai trương, động thổ,...
Nghệ thuật trình diễn lân, sư, rồng thể hiện giá trị tinh thần, nghệ thuật, giá trị giáo dục, bảo lưu, trao truyền văn hóa truyền thống cùng với đó là các giá trị độc đáo khác.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa ở TP.HCM vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến thời điểm này, TP.HCM đã có 2 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Ca trù và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Thành phố có 5 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Nghinh Ông -Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, Vovinam - Việt Võ đạo và Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa ở TP.HCM.
Nhân dịp này, UBND TP.HCM trao Bằng khen cho 7 tập thể và 2 cá nhân có thành tích đóng góp tích cực trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa ở TP.HCM.
Open Feelings, triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Hòa khai mạc mới đây tại không gian nghệ thuật Mong Art (04 Galaxy 1, số 69 Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội) trưng bày 50 tác phẩm hội họa theo trường phái trừu tượng biểu hiện, phản ánh thế giới nội tâm sâu sắc của họa sĩ Nguyễn Hòa. Trưng bày sẽ kéo dài đến ngày 12/4/2025.
![]() |
Họa sĩ Nguyễn Hòa, anh Phạm Ngọc Tuấn- thành viên sáng lập Mong Art tại buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: BTC |
Với những mảng màu táo bạo, những đường nét mạnh mẽ và cảm xúc phóng khoáng, loạt tác phẩm đánh dấu một giai đoạn mới trong sáng tác của anh – nơi cảm xúc không chỉ được thể hiện, mà còn được giải phóng một cách tự nhiên, trực diện.
Họa sĩ Nguyễn Hòa cho biết, thông qua ngôn ngữ hội họa, nét bút, mảng màu và bút pháp, anh mong muốn diễn tả nội tâm, với những cảm xúc vui buồn, hân hoan, đau đớn hay hạnh phúc, thăng hoa, kể cả sự giằng xé và kịch tính. Feelings chính là những tầng lớp cảm xúc khác nhau.
Là một họa sĩ trẻ đang khẳng định tên tuổi trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam, Nguyễn Hòa mang đến một góc nhìn độc đáo về hội họa trừu tượng. Anh không bó hẹp bản thân trong những quy tắc, mà chọn cách thể hiện tự do, mạnh mẽ, đưa người xem vào một hành trình khám phá cảm xúc không biên giới.
Với sứ mệnh hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật thị giác, đây là địa chỉ hứa hẹn hình thành một điểm đến uy tín cho các trưng bày, triển lãm chất lượng cao và các hoạt động giao lưu nghệ thuật.