Bài 7
Cuối cùng thì như ý kiến của đại diện các đơn vị xuất bản, vấn đề mấu chốt vẫn là câu chuyện chất lượng tác phẩm. Làm gì để có những bản thảo fantasy, sci-fi đáp ứng và bắt kịp, đón đầu nhu cầu của thị trường, để bạn đọc sẵn lòng móc túi cho các đầu sách kì ảo, giả tưởng Việt? Chúng tôi đã gõ cửa một số nhà văn có thành tựu trong sáng tác cũng như từng trải nghiệm ở dòng fantasy để tìm kiếm một vài phương án trả lời.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên là người được rất nhiều những ý kiến nhắc đến khi chúng tôi khảo sát để thực hiện loạt bài về văn học fantasy Việt, được đánh giá cao về việc tác phẩm bám sát tiêu chí thể loại cũng như chất lượng chuyên môn, sự hấp dẫn... Chị cũng là nhà văn đã có lượng bạn đọc của riêng mình. Theo chị, văn học fantasy có rất nhiều thể loại (genre) khác nhau như du hành thời gian, hậu tận thế, khoa học viễn tưởng v.v... Nhưng người viết ở ta chưa khai thác sâu các lãnh địa này mà mới chỉ dừng ở mức tạo dựng nên các câu chuyện có yếu tố kì ảo. Nhà văn Phan Hồn nhiên cũng dành nhiều kì vọng ở lứa tác giả Z của Việt Nam.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Kĩ thuật fantasy mở ra hướng đi khá hay cho trang viết
- Chào chị Phan Hồn Nhiên! Cho đến nay thì tên tuổi và những tác phẩm của chị đã được khẳng định trong bạn đọc, đặc biệt là với các tác phẩm dòng fantasy. Nhìn lại thời điểm chục năm trước, điều gì đã khiến chị hào hứng nhập cuộc với văn học kì ảo, giả tưởng?
+ Những năm đầu tiên của nghề văn, như hầu hết các bạn đồng nghiệp cùng thế hệ, tôi rèn luyện ngòi bút thông qua truyện ngắn và sau đó là một số truyện dài. Khoảng năm 2008, tôi muốn bước vào thể loại khó hơn là tiểu thuyết. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, nhìn lại những gì trải qua, tôi hiểu mình chưa đủ lực. Một số yếu tố quan trọng của tiểu thuyết mình có thể biết, nhưng có thể viết lại là câu chuyện khác. Vì thế, tôi thả lỏng và tạm hoãn không nghĩ đến việc viết nữa.
Cũng trong thời gian này, một người bạn của tôi học mĩ thuật ở Mĩ và sáng tác loạt tranh đề tài fantasy. Chúng tôi vô cùng thích thú trước khả năng tạo ra một thế giới hoàn toàn khác với thế giới hiện thực mà chúng tôi đang sống bằng nghệ thuật của chính mình, vẽ và viết. Trong ba năm, chúng tôi cùng nhau thực hiện bộ ba tác phẩm fantasy đầu tiên Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm. Sau đó, tôi chuyển sang một nhánh khác của fantasy là sci-fi với bộ ba Máu hiếm, Luật chơi, Hiện thân. Và sau cùng là hai quyển thriller mang yếu tố kỳ ảo Thử nghiệm hoang dại và Hợp điểm.
Tiếp cận văn học fantasy thông qua hội họa, khi bắt tay vào viết, vô số câu hỏi đặt ra cho tôi, là vấn đề của công việc viết nói chung, của thể loại kì ảo nói riêng. Tìm thấy cơ hội thử nghiệm và rèn luyện cho bản thân là động lực mạnh nhất giúp tôi có được gần mười năm làm việc trong thể loại văn học đặc biệt này.
- Việc tham gia khóa học viết văn tại Đại học Iowa, Mĩ đã khiến chị nhận ra điều gì ở việc viết thời điểm ấy? Nó có tác động nhiều đến việc sáng tác của chị sau này?
+ Khá nhiều vấn đề của người viết được các nhà văn từ khắp thế giới chia sẻ trong chương trình học tại Iowa. Có vấn đề thực tế, hữu ích với tôi ngay tại thời điểm ấy, chẳng hạn nên lựa chọn viết hư cấu hay phi hư cấu, mối liên hệ giữa nhà văn và văn hóa đại chúng như thế nào... Nhưng có các vấn đề mà qua từng thời kì, có thêm thời gian chứng nghiệm, tôi lại nhận ra tầm mức ảnh hưởng riêng, tác động sâu đến thái độ và lựa chọn viết của mình.
- Theo chị, kĩ thuật viết ở dòng fantasy có quan trọng hơn các dòng văn học khác hay không? Và đó có là thử thách với các nhà văn trong nước, những người cơ bản là tự học chứ không được đào tạo một cách chuyên nghiệp?
+ Không riêng fantasy, tất cả các thể loại đều đòi hỏi kĩ thuật riêng biệt. Để bắt đầu viết, dĩ nhiên ai cũng có chút năng khiếu và kĩ năng. Nhưng để đi đường dài, không thể không học hỏi và mài giũa. Theo góc nhìn riêng tôi, nghệ thuật là khổ luyện. Viết cũng không là ngoại lệ.
Kĩ thuật ít hay nhiều, nông hay sâu là đòi hỏi do chính người viết đặt ra chứ không hẳn đến từ thể loại. Tuy nhiên, bản thân thể loại fantasy có một số quy ước/quy tắc riêng mà nếu muốn tác phẩm được chấp nhận, người viết nên nắm vững và triển khai ngay từ bước sáng tạo đầu tiên.
Phần lớn các nhà văn trên thế giới đều tự đào tạo là chính. Nhưng tự học, tự đào luyện đến mức độ nào, đi sâu vào thể loại nào, đề tài nào mới quan trọng. Như vậy, vấn đề ở đây đặt ra, với fantasy nói riêng và các thể loại văn chương nói chung, đó là người viết có đặt câu hỏi “viết thế nào?” hay không mà thôi. Đã có câu hỏi, tự khắc có rất nhiều lời đáp và hướng đi khác nhau, nhất là trong môi trường rộng mở như hiện nay.
- Từng là giám khảo cuộc thi Văn học Tuổi hai mươi, nơi có khá nhiều tác giả trẻ được ghi nhận bởi tác phẩm fantasy, và làm việc tại Nxb Kim Đồng, nơi cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho văn học kì ảo, giả tưởng, chị có nhận xét gì về các tác giả trẻ viết dòng fantasy, sci-fi hiện nay?
+ Văn học fantasy có rất nhiều thể loại (genre) khác nhau như du hành thời gian, hậu tận thế, khoa học viễn tưởng v.v... Ngoài một số bạn viết có ý thức sắc bén về thể loại và tạo được dấu ấn như Phạm Bá Diệp, Maik Cây, phần nhiều chưa khai thác sâu từng lãnh địa mà mới chỉ dừng ở mức tạo dựng nên các câu chuyện có yếu tố kì ảo. Tìm một lãnh địa riêng, một đề tài khác lạ để khai thác cũng chưa được chú trọng. Có lẽ khái niệm “viết sáng tạo” vẫn còn xa lạ với nhiều người, trong khi đó sáng tác fantasy đặt ra những yêu cầu kĩ thuật khá cụ thể, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Các bạn viết thế hệ càng về sau, trong tác động chung của môi trường, thời đại và xã hội, những vấn đề trên dần được tháo gỡ nhẹ nhàng.
- Các tác giả trẻ dòng fantasy, sci-fi hôm nay dường như theo sát kĩ thuật viết hơn, dù tác phẩm của họ có thể còn những yếu tố cần bàn? Có lẽ chị cũng nhận ra điều này?
+ Kĩ thuật viết có lẽ nên hiểu không hoàn toàn là những công thức máy móc, mà là phương pháp tư duy, cách nhìn nhận và xây dựng thế giới trong tác phẩm. Điều này đôi khi không thể dạy hay học một cách cố gắng, mà được nuôi dưỡng và hình thành từ môi trường sống, từ những tiếp nhận văn hóa, bồi dưỡng nghệ thuật của từng cá nhân. Chính vì vậy, trong điều kiện phát triển của xã hội hiện nay, tôi luôn tin rằng, những tác giả viết fantasy xuất sắc của chúng ta sẽ xuất hiện ở thế hệ đang bắt đầu thử sức.
- Kĩ thuật có thể học được, nhưng còn nội dung, đề tài thì sao thưa chị? Có cần chú ý đến các yếu tố để bạn đọc Việt Nam thấy gần gũi hay chỉ cần một câu chuyện hấp dẫn là đủ?
+ Đây là câu hỏi rất hay. Cá nhân tôi luôn hứng thú với nhóm tác giả thế hệ mới có rất nhiều ý tưởng độc đáo, hợp thời và mang tính gợi mở. Thực tế, cuộc sống của con người hôm nay thiết lập trong nhiều môi trường song song, cùng tồn tại và tương tác qua lại. Ý niệm về không gian và thời gian giờ đây thay đổi rất nhiều. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhân loại tự đặt mình vào những vấn đề mới, những thách thức mới. Đối diện và giải quyết chúng không ai khác chính là thế hệ Z (thế hệ các tác giả sinh từ năm 2000 - PV) và thế hệ tiếp sau. Thực tế này được phản ánh trong tâm thế, góc nhìn và mong muốn sáng tạo của các bạn viết trẻ thông qua dòng văn học fantasy. Dù ngày hôm nay chúng ta chưa có các tác phẩm đủ hay và hoàn chỉnh, nhưng đã xuất hiện một số tín hiệu để hi vọng.
Từ góc nhìn của người trong cuộc, cả người viết và người đọc, tôi hiểu bạn đọc luôn đòi hỏi một câu chuyện có lớp nền vững chắc, thông điệp đủ mạnh. Giỏi hơn nữa là khai thác được các không gian văn hóa Việt Nam, đặt ra những vấn đề mà người Việt đang đối diện và suy tư (như môi trường, lịch sử, khoa học, trí tuệ nhân tạo). Có lẽ đây là cách tạo nên những tác phẩm fantasy có đề tài mới mẻ nhưng vẫn gần gũi và hấp dẫn với độc giả Việt Nam.
![]() |
- Độc giả của fantasy hôm nay cũng rất khác, với những tiêu chí khá rõ ràng về thể loại, có vẻ như họ tiếp nhận tác phẩm trong tâm thế đồng hành cùng quá trình sáng tạo của tác giả. Liệu đây có phải là một áp lực với người viết, nhất là với những tác giả trẻ thưa chị?
+ Độc giả fantasy không hoàn toàn giống với độc giả của các dòng sách khác, nhất là nhóm tuổi mới lớn và tuổi trưởng thành. Họ đặt ra các yêu cầu đặc trưng cho từng thể loại trong dòng fantasy mà người viết nên nắm vững nếu muốn chinh phục bạn đọc. Một ví dụ dễ thấy nhất, khi bắt tay vào một tác phẩm fantasy, người viết phải có hình dung khá chắc chắn về nhóm đối tượng: Các đề tài thám hiểm vũ trụ, hậu tận thế thường được độc giả nam ưa chuộng hơn là độc giả nữ, đề tài du hành thời gian phức tạp phù hợp với tuổi trưởng thành hơn là thiếu nhi... Tuy nhiên, mối liên kết giữa phân nhóm độc giả và thể loại chỉ là tương đối. Không có một đường biên hay rào cản cố định nào trong lựa chọn và sáng tạo.
- Văn học kì ảo, giả tưởng hiện nay cũng không còn quá sôi nổi trên thế giới, cái gì rồi cũng sẽ đến lúc bão hòa. Chị nghĩ gì về tương lai của các tác phẩm fantasy, sci-fi nói chung và tại Việt Nam nói riêng?
+ Văn học fantasy luôn là một mảng trong bức tranh sáng tác và xuất bản. Tùy thời điểm, với sự tương tác của các loại hình nghệ thuật và giải trí khác, dòng văn học này được chú ý nhiều hơn hay ít hơn. Nhưng fantasy sẽ luôn ở đấy, đáp ứng nhu cầu đọc của mỗi cá nhân ở một thời đoạn nào đó trong cuộc đời, hoặc trở thành một niềm hứng thú hay đam mê dài lâu.
Một khi bạn thực sự yêu thích, có ý tưởng mạnh, có kĩ năng, thì cứ viết và theo đuổi fantasy, không cần phân vân hay lo âu. Còn từ góc độ cá nhân, tôi nhận ra, một số vấn đề của con người hiện đại, để đạt hiệu quả trong thể hiện, kĩ thuật fantasy mở ra hướng đi khá hay cho trang viết.
- Vâng! Như chị từng chia sẻ rằng, đến với fantasy để rèn một số kĩ thuật viết cũng như có những trải nghiệm mới. Vậy chị sẽ vẫn tiếp tục với văn học kì ảo, giả tưởng chứ?
+ Ngoài việc viết là vấn đề cá nhân, quan sát và cập nhật kiến thức về thể loại fantasy khá hữu ích cho tôi trong công việc làm sách. Có thể nói, những chuyển dịch lớn trong xuất bản thế giới trong các thập niên qua ít nhiều đều có liên quan đến dòng văn học này.
- Xin cám ơn chị!
Về yếu tố "thuần Việt" trong fantasy, không thể không nhắc đến nhà văn Nguyễn Đình Tú cùng bộ sách Bãi săn với hai tập Giếng cổ và Phản đồ. Anh cũng được cho là nhà văn thường xuyên nỗ lực làm mới ngòi bút, lắng nghe nhu cầu của độc giả. Sẵn sàng gạt lại những gì đã viết để rẽ một lối mới ít người đi.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Giải trí là "phương tiện" chuyên chở các giá trị khác
- Điều gì khiến anh quyết định thử bút ở dòng fantasy khi mà nó có một thị trường tốt nhưng cơ hội dành cho tác giả Việt có vẻ như không nhiều?
+ Trước hết là tôi muốn nhận thức lại công việc viết lách mà mình theo đuổi nhiều năm qua, ấy là viết để làm gì, viết cho ai, và văn chương liệu có còn là văn chương khi nó không chịu giành giật bạn đọc về với mình? Các nhà văn của chúng ta đa phần viết văn là vì hướng tới giải Nobel, giải thưởng Nhà nước, hoặc chí ít cũng là giải thưởng của một Hội đoàn nào đó. Ở Việt Nam không có tổ chức hay cá nhân nào trao giải thưởng cho các tác phẩm ngôn tình, trinh thám, kiếm hiệp, kinh dị hay fantasy. Nghĩa là, ở tầng lí luận cao siêu mà phán xét, thì những thứ văn chương ấy không có giá trị gì cho đời sống xã hội cả. Nhưng nó lại có bạn đọc, không phải hàng trăm, hàng ngàn, mà là hàng vạn, hàng triệu bạn đọc. Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ có thể nói là đã sống được và trở nên lớn mạnh nhờ in loạt truyện Doraemon và bộ truyện Harry Potter. Cả hai bộ truyện đó đều là huyễn tưởng, là fantasy cả đấy thôi. Vậy thì chúng ta có hàng trăm nhà văn có thẻ mà ai cũng chỉ muốn viết văn để lấy giải thưởng của một Hội đồng danh giá nào đó, ai sẽ viết văn cho hàng triệu độc giả đang phải ngóng thứ văn chương thị trường nhập khẩu kia?
Một điều nữa khiến tôi suy nghĩ là, văn chương xứ mình dường như đang phát triển bất đối xứng, chủ yếu chỉ có một dòng văn chương chất chứa những nội hàm như hiện thực, nghiêm túc, ngay ngắn, tải đạo, chính thống, hàn lâm, đỉnh cao… Nói một cách trang trọng hơn là chỉ chạy theo văn chương đỉnh cao mà không cần đền thứ văn chương nền. Nghe thì hay ho nhưng thực chất đó là một nền văn chương còi cọc, suy dinh dưỡng, đơn điệu và tẻ nhạt. Một nền văn chương phát triển bình thường phải là nền văn chương trăm hoa đua nở, đa dòng, đa dạng, đa tầng, có vậy mới tạo nên các lớp nền vững chắc cho đỉnh cao xuất hiện. Vậy ai sẽ chịu làm nền?
Từ suy nghĩ đó, tôi muốn đến với thứ văn chương mà đa số các nhà văn có thẻ bỏ qua, ấy là fantasy. Thú vị thay là tại đây tôi đã gặp rất nhiều cây bút trẻ cũng đang đắm say với dòng văn chương này.
- Đọc 2 tập “Bãi săn” thấy rõ sự quyết liệt của anh trong việc “Việt hóa” fantasy với các yếu tố thuần Việt, câu chuyện Việt, dựa trên những nguồn tư liệu cũng như cảm hứng từ chính sử và dã sử. Anh nhìn nhận thế nào về yếu tố Việt trong các tác phẩm fantasy của các tác giả Việt?
+ Nói đến “yếu tố Việt” thì rất rộng, nó bao gồm cả văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, địa lí, truyền thuyết, tín ngưỡng, tính cách, tâm lí con người Việt Nam… Ở đây chỉ xin nói đến một khía cạnh nhỏ của “yếu tố Việt” thôi, ấy là khai thác những chuyện thần thông, biến ảo trong tâm thức người Việt xưa và nay để đưa vào tác phẩm fantasy. Điều này phải nói ngay là không nhiều. Các tác giả trẻ phần đa để cho trí tưởng tượng bay bổng, thích viết về chuyện của các hành tinh, của con người toàn cầu, cũng thú vị nhưng khó tạo nên sự khác biệt so với dòng văn chương này của thế giới. Tuy nhiên cũng có những tác giả chú tâm đến chất liệu Việt nhưng chủ yếu là khai thác những yếu tố dị truyện trong lịch sử Việt Nam. Đại diện cho những tác giả này có thể nhắc đến một cái tên, đó là tác giả Phan Cuồng với loạt truyện kinh dị huyễn tưởng Đại Nam dị truyện, Lý triều dị truyện… Tuy nhiên cùng với mảng trinh thám, tôi thấy các cây bút trẻ đang có nhiều nỗ lực cho việc đặt nền móng xây dựng mảng fantasy ở Việt Nam. Tôi muốn cùng họ mở rộng nền móng này để trong tương lai bạn đọc “nội” có thể đọc nhiều hơn các dòng văn học “nội”, trong đó có fantasy.
- Từng có những thành công nhất định ở những đề tài chính thống, viết fantasy anh có sợ bị ảnh hưởng hay bị “gắn mác” nhà văn viết dòng giải trí?
+ Nếu “sợ” bị gắn mác này nọ thì tôi đã không viết. Như đã nói, tôi muốn thay đổi, và tôi muốn đến với thứ văn chương có vẻ như chỉ có bạn đọc ngóng chờ chứ các Hội đoàn không hoan nghênh và các nhà văn có thẻ khá thờ ơ. Tôi cũng nghĩ nhiều đến hai từ “giải trí”. Nghệ thuật khởi thủy phải có tính giải trí. Và mãi mãi phải giữ trong nó tính giải trí. Giải trí chính là sự lạ, sự mua vui, sự hấp dẫn của nghệ thuật. Giải trí là “phương tiện” chuyên chở các giá trị khác đến với bạn đọc. Bỏ đi “phương tiện” đó thì người đọc sẽ rất mệt mỏi khi phải tìm đến các giá trị sâu xa, tiềm ẩn trong văn chương, thậm sẽ bỏ cuộc giữa chừng để những thứ nhà văn viết ra nằm phủ bụi ngay khi còn thơm mùi mực in.
- Kĩ thuật viết cũng như bám sát đặc trưng thể loại rất quan trọng với một tác phẩm fantasy, nhưng tính hấp dẫn cũng quan trọng không kém để nó có sức lan tỏa rộng rãi. Khi viết “Bãi săn” anh có định hướng tới đối tượng độc giả nào?
+ Độc giả của tôi trước nay cũng khá đa dạng, từ hàn lâm đến bình dân, từ nghiên cứu sinh trong các giảng đường đại học đến phạm nhân đang cải tạo trong các trại giam, từ người lính cho đến các em thiếu nhi. Phải thú nhận là bạn đọc cũ của tôi nhiều người không đọc được Bãi săn. Họ quen đọc thứ văn chương hiện thực nghiệt ngã trước đó của tôi rồi. Nhưng lại có những lớp độc giả mới tìm đến Bãi săn. Với tôi, đó là một thể nghiệm và kết quả có như thế nào thì tôi cũng thấy thú vị.
- Fantasy vào Việt Nam, đã nở rộ và tạo ra một trào lưu viết, đặc biệt là trong những người trẻ những năm qua. Bằng kinh nghiệm, quan sát và cả những trải nghiệm của anh khi viết nó, anh thấy những gì là thuận lợi và khó khăn với một người muốn thử sức ở dòng văn học này?
+ Thuận lợi là được thỏa trí tưởng tượng, không phải đặt mình vào tâm thế “tải đạo”, không bị hiện thực trói buộc, rất phù hợp với người trẻ. Lại có công chúng và thị trường chờ đợi, chào đón. Chỉ cần say mê và yêu thích là có thể viết, có thể ra sách, và có bạn đọc. Tuy nhiên khó khăn muôn thủa vẫn là viết sao cho hay, cho độc đáo, chinh phục được nhiều thành phần độc giả vốn đã quen đọc những tác phẩm đỉnh cao của dòng văn học này trên thế giới.
- Một khác biệt giữa người viết fantasy ở các nước có nền văn học phát triển và Việt Nam đó là họ được đào tạo khá bài bản cũng như chủ động tiếp cận kĩ thuật viết có hệ thống, còn ở Việt Nam chủ yếu là quá trình tự học, tự tìm hiểu khám phá ở mỗi cá nhân. Trong sự nở rộ những tác phẩm fantasy Việt về phía mặt bằng, để có tác phẩm fantasy Việt đỉnh cao theo anh chúng ta nên làm gì?
+ Một dòng văn chương được định hình bởi các yếu tố: Đội ngũ tác giả, số lượng tác phẩm và thành tựu đạt được. Hiện chúng ta mới đang manh nha xuất hiện các dòng văn chương như trinh thám, fantasy… Phải chờ đợi mới có thể có được đội ngũ tác giả đông đảo, số lượng tác phẩm dồi dào, và hi vọng có tác phẩm hay. Bất cứ dòng văn chương nào khi phát triển đến một giai đoạn nhất định cũng sẽ để lại thành tựu. Khi có thành tựu (tức đỉnh cao như anh nói) thì người ta chỉ còn nhắc đến tác phẩm ấy như một niềm kiêu hãnh của văn học sử chứ không quan tâm nó thuộc dòng nào nữa. Lúc ấy, dù là viết về cái gì thì cũng là “tài sản chung” của bạn đọc, nói rộng ra là của dân tộc, của nhân loại. Cứ thử tưởng tượng xem, đến nước Anh bây giờ, người yêu nhân vật thám tử Sherlock Holmes của nhà văn trinh thám lừng danh Conan Doyle đều muốn ghé thăm ngôi nhà số 221B đường Baker, thành phố Luân Đôn để đắm chìm trong thế giới hư cấu của ông. Tượng tự như thế, nước Anh không chỉ tự hào về nhà văn hiện thực vĩ đại Charles Dickens, mà còn được nhắc đến là đất nước đã sinh ra người sáng tạo dòng văn học giả tưởng J.R.R. Tolkien, cha đẻ của Anh chàng Hobbit và Chúa tể những chiếc nhẫn. Quay lại câu hỏi, muốn có tác phẩm đỉnh cao, chúng ta phải làm gì? Không làm gì cả. Chỉ cần lặng lẽ đọc sách của những tác giả trẻ với một thái độ trân trọng thôi. Bởi dù thế nào đi nữa thì không ai khác, chính họ sẽ là những người làm nên diện mạo văn chương tương lai của nước nhà.
- Xin cám ơn anh!
![]() |
(Bài 8: Nhìn nhận đúng để có hướng đi đúng)
Nguồn VNQĐ