Diễn đàn lý luận

Báo Văn nghệ giải phóng

Lê Quang Trang
Lý luận phê bình
11:22 | 15/04/2025
Baovannghe.vn - Như nhiều người đã biết, báo Văn nghệ hiện nay gồm hai nhánh hợp thành: tờ Văn nghệ, ra đời năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, và tờ Văn nghệ giải phóng, ra đời năm 1961, tại khu căn cứ Trung ương Cục ở chiến trường miền Nam.
aa

*

Cao trào Đồng khởi từ Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến Bến Tre cuối năm 1959 đầu 1960 tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam Việt Nam. Đó là cơ sở cho việc ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào 20/12/1960, tạo sức mới trong tập hợp lực lượng, đánh đuổi xâm lược, lật đổ chính quyền tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Các tầng lớp nhân dân, gần như ngay lập tức có các tổ chức tham gia Mặt trận như Công nhân giải phóng, Nông dân giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên giải phóng…

Đảng ta, trong hoạt động của mình, luôn luôn coi “văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Tinh thần đó được nhuần thấm khi tập hợp lực lượng trong bước chuyển của cách mạng miền Nam. Kết quả là Hội văn nghệ giải phóng ra đời, với vị Chủ tịch là Soạn giả Trần Hữu Trang và Tổng thư ký là nhà văn Lý Văn Sâm, hai phó tổng thư ký là kịch tác gia Bùi Kinh Lăng và nhà thơ Giang Nam. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo Văn nghệ giải phóng.

Người được giao làm số Văn nghệ giải phóng đầu tiên là nhà văn Lý Văn Sâm. Ông sinh năm 1921, tham gia cách mạng từ sớm và viết văn cũng nổi tiếng sớm khi tuổi mới chớm đôi mươi. Sức viết của ông đặc biệt sung sức vào cuối những năm 1940. Sau Giơne 1954, ông được phân công ở lại miền Nam hoạt động, thời Ngô Đình Diệm, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa. Năm 1956, ông cùng bạn tù nổi dậy phá ngục, ra chiến khu hoạt động, khi Hội văn nghệ giải phóng ra đời, được cử giữ chức Tổng thư ký. Là nhà văn, nhà báo nổi tiếng trong đô thị, nhưng làm một tờ báo ở chiến khu là công việc không hề dễ. Cộng tác với ông là Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, một trí thức tham gia Mặt trận, cũng là nhà báo từng hoạt động trong làng báo Sài Gòn. Lý Văn Sâm chủ biên, vừa là chủ bút và Thư ký tòa soạn. Ông kể lại “Báo Văn nghệ giải phóng số đầu tiên khổ 22x16cm, dày 28 trang, in rô-nê-ô, phát hành một trăm bản. Báo đề ngày 15 tháng Giêng dương lịch năm 1961. Phải đợi sau Tết Tân Sửu mới ra được. Giấy thiếu. Mực in thiếu” nhưng đó là thành quả mà “chúng tôi từng ấp ủ gần hai tháng trời mới cho nó khai hoa, nở nhụy được. Cảm động quá, tôi ứa nước mắt”(1). Cũng theo lời thuật lại của ông, thì bài vở đăng số này gồm nhiều thể loại, có truyện ngắn, bút ký của anh em các địa phương miền Nam, đồng thời có cả một vài cây bút miền Bắc. Thơ có của các anh Tố Hữu, Hưởng Triều, Lý Thuận Khanh, Trường Thắng, Huỳnh Anh Tuyên. Những số sau có thêm bài của những người bám trụ với phong trào như Giang Nam, Thanh Hải, Văn Công… viết trong thời kỳ đen tối, trong hồi vùng dậy. Người được đọc những số đầu tiên ấy, là nhà văn Anh Đức, thì thấy “Không màu mè, không có nhiều kỹ thuật, kỹ xảo nhưng có đầy đủ ý chí và tinh thần quật khởi”, và qua đây “vừa mừng, vừa thương, lòng dấy lên một nỗi xót xa cùng niềm hy vọng”.

Tờ Văn nghệ giải phóng số 1, thật đơn sơ, nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Đó không chỉ là tiếng nói của văn nghệ cách mạng hiện diện nơi chiến khu, còn được Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu mang theo trong lần đoàn trí thức văn nghệ sĩ, có nhà thơ Thanh Hải, ra thăm miền Bắc và đến với nhiều nước trên thế giới. “Đứa con đầu lòng văn nghệ giải phóng” ấy khi ra quốc tế tặng bè bạn thiết cốt, đã để lại xúc động mạnh và cảm tình sâu sắc.

*

Liền sau đó, nhà văn Lý Văn Sâm được điều đi làm chính ủy đoàn văn công. Vừa dịp đoàn hai nhà văn đầu tiên từ miền Bắc chi viện cho Nam Bộ vào đến nơi. Anh Đức đi công tác Cà Mau, còn Nguyễn Văn Bổng, Trưởng tiểu ban văn nghệ kiêm Phó chủ tịch Hội văn nghệ giải phóng, được chỉ định làm báo tiếp. Từng lãnh đạo văn nghệ và làm báo, Nguyễn Văn Bổng thực hiện cải tiến tờ báo khá mạnh, mở khổ lên 18x26cm, tăng lên 54 trang, nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức. Đến số 4, báo đưa in ty-pô tại nhà in tổng hợp của Ban Tuyên huấn đặt ở B1 Tuyên truyền. Lúc này cộng tác viên viết cho Văn nghệ giải phóng cũng đông thêm, trưởng thành từ phong trào hoặc từ nhiều nguồn khác.

Báo Văn nghệ giải phóng
Một số nhà văn, nhà báo gặp nhau sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 2-1973). Ảnh TL

Khi Nguyễn Văn Bổng đi công tác Bến Tre rồi về U Minh thâm nhập thực tế sáng tác, anh Giang Nam thay Nguyễn Văn Bổng tiếp tục lãnh đạo báo. Lực lượng chi viện từ miền Bắc vào cũng tham gia làm báo như Từ Sơn, Lê Anh Xuân (đi B, năm 1965), Trần Thị Mộng Loan (đi B, 1966), Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Chí Hiếu (đi B, 1968)…

Khoảng cuối 1965, đầu 1966, Anh Đức được “phân công làm tờ Văn nghệ giải phóng” và ông nhớ là “cáng đáng một giai đoạn hơi dài”. Nhà văn kể lại vì “chưa ưng với cái măng-sét cũ và cả với khuôn khổ cũ, tôi đã thay đổi khổ, đưa tờ báo khổ hơi rộng thành khổ hẹp hơn. Tự tôi ngồi hì hục kẻ măng-sét mới, kẻ hư cái này liền xé bỏ, kẻ cái khác, cuối cùng đạt tới một cái ưng ý, cho làm bản kẽm để in lâu dài. Cái măng-sét đó tồn tại mãi cho đến khi tôi thôi làm, ra Bắc dưỡng bệnh, lúc cuộc chiến gần kết thúc. Tòa soạn chúng tôi chỉ có vài người. Bài vở do tôi chọn, biên tập luôn, sau đó cho đánh máy và chuyến đến các họa sĩ và minh họa và khắc bản gỗ. Phụ tiếp với tôi và thực hiện in ấn đầu tiên có anh Phan Thế Hy, về sau có vợ tôi và cả Lê Anh Xuân từ ngoài Bắc về. Làm tờ Tạp chí này vừa cực lại vừa vui. Cực là mình phải vừa đi tải gạo, đào hầm, chằm lá trung quân lợp nhà, chọn bài in, viết bài, rồi khi đưa xuống nhà in ở cách xa hàng buổi đường. Mình phải bám nhà in, cò sửa bài, tận cho đến khi in ra. Được cái làm báo lúc ấy khỏi lo gì về giấy in, về phát hành, nghĩa là khỏi lo gì về sự hạch toán lời lỗ, đến cả tiền nhuận bút cũng khỏi phát ra. Một khi tờ báo in xong, ngoài vài trăm số đưa về Hội văn nghệ giải phóng để gởi các cơ quan ở R, thì nhà in lãnh phần phát hành tới các địa phương, các đơn vị bộ đội. Tạp chí Văn nghệ giải phóng lần lần trở thành tờ tạp chí được phổ biến khá rộng rãi ngày càng tập hợp được nhiều cây bút cộng tác viên khắp các chiến trường miền Nam. Chúng tôi đã vui mừng và xúc động nhận được bài tận ngoài miền Trung và cực Nam Trung Bộ. Như truyện Bức thư làng Mực của anh Nguyễn Chí Trung, như Gió vịnh Cam Ranh của Nam Hà. Từ khu Tây Nam Bộ, chúng tôi nhận được truyện ngắn, bút ký của anh Lê Vĩnh Hòa, thơ của Nguyễn Bá… Hồi đó, bản thảo phải đi theo đường dây giao liên. Đến được tòa soạn ở rừng miền Đông của chúng tôi bản thảo đã đi qua các cuộc phục kích, đi qua lửa đạn, qua sông, qua lộ. Cho nên khi đến tay, chúng tôi rất quý trọng, đọc kỹ, sửa kỹ, o bế để đăng cho được

Đang lúc xuôi chèo mát mái thì đầu năm 1967, Mỹ mở trận càn Junction City, trực thăng Mỹ đổ xuống một cái trảng rừng sát nhà in Trần Phú. Chúng xông vô cứ, lấy được máy in, cho trực thăng cẩu đem đi. Do sự cố ấy khi tan trận càn, một số báo và Tạp chí Văn nghệ giải phóng bị ngưng lại không in được. Để ra được báo, chúng tôi phải cử anh Phan Thế Hy đem bài vở xuống in nhờ ở Long An, in được vài số thì trong một trận càn ở Long An, anh Hy hy sinh

Hai Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam vào tháng 5/1965 và tháng 10/1967 là những sự kiện sôi động của Báo Văn nghệ giải phóng. Tề tựu về đây nhiều gương anh hùng của phong trào đánh Mỹ, cũng là nguyên mẫu cho những trang viết. Các nhà văn của Hội văn nghệ giải phóng và Phòng văn nghệ quân giải phóng như Nguyễn Thi, Anh Đức, Giang Nam, Trần Đình Vân, Võ Trần Nhã, Lê Anh Xuân, Từ Sơn, Lê Văn Thảo và nhiều nhà văn khác đã đến khai thác tư liệu và viết. Một số tác phẩm có giá trị đã được xuất bản và trao giải thưởng.

Đầu năm 1966, văn nghệ giải phóng thương tiếc tiễn đưa soạn giả Trần Hữu Trang, vị Chủ tịch của Hội, bị bom B.52 hy sinh ngay tại căn cứ, nay lại thêm những cán bộ trẻ ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ, như anh Phan Thế Hy, như nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà phê bình Hồng Tân. Nhà văn Từ Sơn kể lại: “Buổi sáng 5/5/1968, Hiến (tức Lê Anh Xuân) bắt tay tôi để đi xuống đường. Vậy mà ngày 30/5, khi tôi đang trông nom số báo ở nhà in thì được tin Hiến và Hồng Tân đã hy sinh hôm 25/5 tại Long An”. Sau Mậu Thân, địch tập trung phản kích, đàn áp khốc liệt, tình hình trở nên hết sức khó khăn, Văn nghệ giải phóng ra thất thường, có năm chỉ được một số. Phải từ sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, báo mới dần hồi phục.

*

Lớp bồi dưỡng viết văn khóa 4 do Hội nhà văn và Ban thống nhất phối hợp tổ chức vào cuối 1970 nhằm tăng cường lực lượng cho báo chí văn nghệ miền Nam chứng tỏ tầm nhìn xa của Đảng trong công tác văn nghệ. Có đoàn đi Trị Thiên Huế, đoàn vào Khu 5. Đoàn đi Nam Bộ tập kết ở B.9 (Văn phòng Ban Tuyên huấn). Hơn mười người xuống I.4 khu Sài Gòn - Gia Định, còn lại hơn hai chục người về Phòng nghiên cứu của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và các Tiểu ban như Văn nghệ, Giáo dục, Đài phát thanh Giải phóng, Tuyên truyền… Nhóm chúng tôi thường sang B.2 văn nghệ thăm, trao đổi công việc, giao lưu thể thao. Lúc đầu, tôi làm công tác nghiên cứu văn nghệ, báo chí trong các đô thị, năm sau được điều sang làm báo Văn nghệ giải phóng.

Tạp chí Văn nghệ giải phóng, đóng tại cứ ngành văn. Thời kỳ này báo cũng ít người. Nhà văn Anh Đức phụ trách chung kiêm biên tập văn xuôi. Nhà thơ Diệp Minh Tuyền biên tập phần thơ. Tôi biên tập phần lý luận phê bình. Họa sĩ Nguyễn Chí Hiếu trình bày, tham gia minh họa có Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Thanh Châu, Phạm Đỗ Đồng. Chị Trần Mộng Loan, vợ Anh Đức, cùng tôi giám sát khâu in. Nhà viết kịch Bùi Kinh Lăng, phó trưởng tiểu ban thường trực, nhiều khi cũng tham gia trao đổi bài vở. Ông có nhiều ý kiến rất sắc sảo và tinh tế, nhất là văn xuôi.

Giai đoạn này, báo có xảy ra một “tai nạn nghề nghiệp”. Ấy là số Tạp chí đầu năm 1974, có đăng bài thơ của Thanh Thảo. Là con một gia đình cách mạng ở Quảng Ngãi, học xong Khoa Văn Đại học Tổng hợp, Thanh Thảo tình nguyện đi B, vào Nam Bộ và được phân công về Đài phát thanh Giải phóng. Dù trẻ, nhưng thơ anh có chất, vừa được đặc cách giới thiệu chùm thơ mười ba bài trên tạp chí của Hội nhà văn. Anh lại là cộng tác viên tích cực của Văn nghệ giải phóng. Lần ấy tạp chí chọn đăng bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình của anh. Bài thơ bày tỏ tâm sự và khẳng định cái nhìn mới mẻ, tích cực của người lính trẻ trong cuộc chiến đấu. Là người biên tập thơ, Diệp Minh Tuyền khi đọc đến đoạn:

Lũ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm. Không sống bằng những hào quang có sẵn Lòng vô tư như gió chướng trong lành Như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh

Anh cảm thấy chút gợn gợn: “Tại sao lại không sống bằng kỷ niệm? Tại sao lại không sống với những hào quang có sẵn? Quá khứ của chúng ta, lịch sử của chúng ta có nhiều trang ký ức hào hùng, cần trân trọng và phát huy trong hiện tại quá đi chứ? Có cực đoan quá không nhỉ?”. Anh đem băn khoăn trao đổi với tôi. Tôi cũng nghĩ gần giống anh, đề nghị anh trao đổi với tác giả, có thể thêm chữ “chỉ” vào sau chữ “không” ở câu 1 cho an toàn. Không biết anh có trao đổi với tác giả không, nhưng khi báo ra, câu thơ vẫn nguyên như bản thảo. Báo in xong, mang từ nhà in về, chuẩn bị chuyển văn thư gửi các nơi. Bất ngờ, Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục có điện khẩn mời Tổng biên tập Anh Đức sang gặp Thường trực Ban. Không rõ cuộc họp bàn những gì, chỉ biết là ý kiến phản bác và phê bình khá mạnh. Sau khi anh họp về, tòa soạn được triệu tập họp gấp, phổ biến ý kiến chỉ đạo về lệch lạc của bài báo, cần bóc ra, in lại. Xong mới phát hành. Báo phải kiểm điểm nghiêm khắc. Cũng cần thông tin và nhắc nhở tác giả. Sự thể thật phức tạp. Nhưng lệnh là lệnh, phải thực hiện nghiêm. Tòa soạn huy động tổng lực bóc bài, tìm cách lấp chỗ trống và cho phát hành. Sau đó họp phê bình rút kinh nghiệm, nhất là các nhân sự liên quan. Việc rồi cũng qua, nhưng còn dư âm nhiều năm sau. Gần đây vẫn có người nhắc, cho là không có vấn đề gì, nhưng đấy là nhìn từ hôm nay, chứ trong thời điểm lịch sử đó, như vậy là “có vấn đề” và việc phê bình nhắc nhở là có lý do của nó.

Giai đoạn cuối 1974, đầu 1975, nhân sự Báo Văn nghệ giải phóng có nhiều chuyển biến. Một số nhà văn bám chiến trường lâu năm được đưa ra Bắc dưỡng bệnh. Lúc này, việc vào Nam ra Bắc đã đỡ nhiều, phần lớn đi bằng cơ giới. Trong số ra hậu phương đợt này, ngành văn có vợ chồng Anh Đức, Lê Văn Thảo, Đinh Quang Nhã, Nguyễn Chí Hiếu. Bên sân khấu, điện ảnh, hội họa, văn công cũng có một số văn nghệ sĩ nữa. Lãnh đạo tiểu ban thiếu, anh Bùi Kinh Lăng gánh thêm nhiều việc, anh Lý Văn Sâm sức khỏe lại không được tốt.

Trước tình hình ấy, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục điều nhà thơ Giang Nam biệt phái ở Khu Sài Gòn - Gia Định về R phụ trách báo Văn nghệ giải phóng. Cùng về từ I.4 còn có nhà thơ Hoài Vũ, nhà văn Thạch Cương và một số nhà văn trẻ như Trần Thị Thắng, Hà Phương, Hà Công Tài… Ban cũng điều động một số cây bút đang công tác xung quanh Ban về văn nghệ như Dương Trọng Dật, Trần Đức Cường, Phùng Đức Thắng, Nguyễn Quốc Cự.

Sau nhiều bàn bạc, Báo quyết định đổi khổ, từ Tạp chí thành tuần báo, ra bộ mới, 16 trang, khổ 29x41cm, bắt đầu từ số 43, ra 1/1/1975. Thời kỳ này, anh Giang Nam phụ trách chung, anh Hoài Vũ như một “Tổng tham mưu trưởng” năng động, đề xuất ý tưởng, cấu trúc trang mục, sắp số và lo in. Anh chị em khác, tùy theo khả năng, phân nhóm thể loại, viết và tổ chức bài, biên tập. Cuối tháng 2 năm 1975, anh Giang Nam được cử làm Trưởng đoàn đi dự Hội nghị thơ quốc tế nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng phát xít. Nhà thơ Hoài Vũ phải gánh thêm việc.

Sau chiến thắng Tây Nguyên mở màn bằng Buôn Mê Thuột, tình hình càng khẩn trương hơn. Ngày chiến thắng đang đến gần. Phóng viên tỏa đi các mặt trận. Đoàn do Diệp Minh Tuyền từ mặt trận Núi Bà Đen vừa về, thì Đoàn của tôi đi mấy huyện của Tây Ninh. Trần Đức Cường đi Bình Long Phước Long. Đoàn của Trần Thị Thắng, Hà Phương, Phùng Đức Thắng xuống Long An, Mỹ Tho viết về mặt trận Trung và Tây Nam Bộ… Rồi Huế, Đà Nẵng, và suốt dải miền trung giải phóng. Chúng tôi liên lạc các mặt trận lấy tin bài. Đồng thời chuẩn bị mọi mặt để làm báo khi Sài Gòn giải phóng. Cơ quan báo chia làm hai thê đội. Thê đội 1 gọn nhẹ, có thể lên đường làm báo ngay. Thê đội 2 gồm các gia đình có trẻ nhỏ, người gìa yếu, bộ phận hậu cần.

Sài Gòn giải phóng, báo có mặt ngay và ra báo kịp thời. Rất nhiều việc phải triển khai. Tìm trụ sở cơ quan, nơi ở cho cán bộ. Tìm nơi in và lo phát hành. Cánh phóng viên, biên tập lo viết bài, liên hệ cộng tác viên. Những số báo làm trong Thành phố thật hào hứng, tập hợp được đông đảo các nhà văn đi cùng các cánh quân, từ chiến khu về, cùng nhiều văn nghệ sĩ lớn trong thành phố. Công chúng đón nhận rất nhiệt tình, in tới mấy trăm nghìn bản vẫn không đủ nhu cầu. Chưa có thời kỳ nào sôi động vậy. Ban biên tập bổ sung thêm anh Lý Bích Quang. Các phòng ban hoàn chỉnh dần. Ban văn do anh Thạch Cương làm Trưởng ban; ban Thơ chị Lê Giang là Trưởng ban; Tôi phụ trách Ban lý luận phê bình - thời sự; anh Khuynh Diệp phụ trách ban Trị sự. Nhân sự cũng tăng. Thêm Trần Ninh Hồ, Trần Mạnh Hảo, Văn Lê từ Văn nghệ quân giải phóng chuyển sang. Các anh Trang Nghị, Mai Quốc Liên, Nguyễn Duy, chị Lê Thị Bi từ Bắc chuyển vào. Bộ phận trình bày có các họa sĩ Minh Chánh, Phạm Hữu Trí, Nguyên Đào. Bộ phận văn phòng, phát hành có thêm chị Trần Thị Nhiễu, anh Ngô Tịnh Hà (em ruột nhà thơ Xuân Diệu), và một số các em Kim Anh, Trần Thị Định, Thân Thị Thanh, Phùng Thu Thủy, Nguyễn Bích Hà, Hồ Hạnh Lan, Phạm Mỹ Lang…

Bộ biên tập đó tiếp tục làm thêm gần một trăm số báo nữa, đến số 135, ra ngày 20/1/1977 thì Báo Văn nghệ giải phóng và báo Văn nghệ hợp nhất thành tờ Văn nghệ chung của cả nước.

--------

1. Xem thêm các bài của Trần Quang (Trần Bạch Đằng), Lý Văn Sâm, Phượng Nguyễn (Nguyễn Văn Bổng), Anh Đức, Từ Sơn… trong Nửa thế kỷ Báo Văn nghệ, NXB Hội nhà văn, H. 1998

Tháng Tư Kinh Bắc - Thơ Mai Hoàng Hanh

Tháng Tư Kinh Bắc - Thơ Mai Hoàng Hanh

Baovannghe.vn- Mây kéo tháng Tư về Kinh Bắc/ Gió sông Cầu phương ấy giận hờn chăng?
Thời tiết ngày 22/4/2025: Bắc Bộ nắng nóng. Chiều tối có mưa giông vài nơi

Thời tiết ngày 22/4/2025: Bắc Bộ nắng nóng. Chiều tối có mưa giông vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/4/2025: Bắc Bộ nắng nóng. Chiều tối có mưa giông vài nơi.
Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời

Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng tiên phong của Dòng Tên, qua đời ở tuổi 88.
Thủ tướng: “thần tốc, táo bạo, không có giới hạn trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”

Thủ tướng: “thần tốc, táo bạo, không có giới hạn trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ dự lễ khai mạc "Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP) lần thứ 7 năm 2025
Cơ chế, chính sách trong phát triển công nghiệp văn hóa lĩnh vực âm nhạc

Cơ chế, chính sách trong phát triển công nghiệp văn hóa lĩnh vực âm nhạc

Baovannghe.vn - Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc là nội dung cuộc đối thoại diễn ra trong khuôn khổ chuỗi hoạt động tuyên truyền Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025