Truyện ngắn là nhân vật trung tâm, thể loại ưu trội trong đời sống văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Lật giở bất kỳ tờ báo và tạp chí văn học nào, kiểm kê danh mục xuất bản phẩm văn học bất kỳ năm nào, truyện ngắn và các tập truyện ngắn luôn hiện diện, thậm chí chiếm giữ vị thế quan trọng. Nhắc đến truyện ngắn Việt Nam sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, không thể không nhắc đến truyện ngắn trên báo Văn nghệ và trên tạp chí Văn nghệ quân đội, hai tờ báo văn học giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong đời sống văn học Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Với ưu điểm là tuần báo, lại là diễn đàn chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ thu hút được sự chú ý của đông đảo nhà văn và bạn đọc, trở thành tờ báo đăng tải được nhiều nhất các truyện ngắn cũng như dư luận bạn đọc xung quanh những truyện ngắn có tiếng vang.
|
Chuyên tâm và hết mực bền bỉ với truyện ngắn, ở bề rộng, báo Văn nghệ chủ trương các cuộc thi truyện ngắn, làm cầu nối giữa nhà văn và bạn đọc, giúp truyện ngắn được phổ biến và lan tỏa. Trong suốt 50 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, báo Văn nghệ đã tổ chức 10 cuộc thi truyện ngắn, trong các năm 1978-1979, 1983-1984, 1991, 1995, 1998-2000, 2003-2004, 2006-2007, 2011-2012, 2015-2017, 2022-2024, tuyển chọn đăng trên báo hàng nghìn tác phẩm phát hiện được hàng trăm cây bút truyện ngắn, trao giải cho hàng chục tác giả. Ở bề sâu, hơn hết các tờ báo văn học khác, báo Văn nghệ ấn hành thêm nhiều phụ trương truyện ngắn chọn lọc để khẳng định và ghi nhận giá trị của thể loại này. Có thể nhắc tới một số phụ trương nổi bật, như phụ trương tháng 8 năm 1985, nhân dịp trao giải thưởng cuộc thi truyện ngắn 1983-1984, đăng tải các truyện ngắn xuất sắc được giải, kèm lời bình của các nhà văn uy tín về các truyện ngắn cùng tâm sự của cây bút được trao giải; phụ trương tháng 2 và tháng 6 năm 1987, tuyển các truyện ngắn đặc sắc, bên cạnh lời bình về các truyện ngắn còn có cả lời tòa soạn giới thiệu chung về chủ trương mở ra các phụ trương này. Từ giao thời thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, mật độ phụ trương (có lúc còn được gọi là phụ bản) dày dặn hơn, thường đi kèm với số đặc biệt mùa Xuân hoặc các số gộp nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tuyển chọn các truyện ngắn đặc sắc được in trên báo trong năm trước, hoặc các truyện ngắn xuất sắc chọn ra từ các truyện ngắn dự thi, thậm chí từ nhiều cuộc thi do tờ báo tổ chức (chẳng hạn, phụ bản Tết Ất Dậu 2005, đăng truyện ngắn hay 5 năm 2000-2005; phụ bản số 17+18, ra ngày 28/4 và 5/5/2007, đăng 10 truyện ngắn hay từ 5 cuộc thi của báo Văn nghệ trong giai đoạn 1983-2004). Thảng hoặc báo Văn nghệ cũng tổ chức các phụ bản khá đặc biệt, như phụ bản số 17+18, ra ngày 26/4 và 3/5/2008, đăng truyện ngắn miền Nam trước năm 1975, nhân kỷ niệm 33 năm ngày hòa bình thống nhất đất nước, một hành động mang tính biểu tượng hướng tới việc ghi nhận di sản văn học dưới thể chế Việt Nam cộng hòa đồng thời cho thấy những nỗ lực cần thiết để bắc nhịp cầu hòa hợp hòa giải dân tộc thông qua văn học nghệ thuật. Với những phụ trương/ phụ bản này, bạn đọc dễ dàng đọc được và đọc lại một cách hệ thống các truyện ngắn đặc sắc, để qua đó được biết rõ hơn quan điểm của báo Văn nghệ về truyện ngắn cũng như được biết nhiều hơn về một chặng đường phát triển của thể loại này trên tờ báo nói riêng và trong đời sống văn học nước nhà nói chung, điều mà ngay cả có theo dõi báo Văn nghệ thường xuyên, bạn đọc cũng không dễ dàng tự thống kê và hình dung ra được một danh mục các truyện ngắn đặc sắc, khi đứng trước dữ liệu đồ sộ các số báo được ra hàng tuần, với thường là gần 50 ấn bản nếu tính cả các số gộp của trên 50 số báo mỗi năm. Mở thêm các phụ trương/ phụ bản truyện ngắn đặc sắc vì vậy, là một thông điệp vinh danh truyện ngắn của báo Văn nghệ, làm nổi bật đặc trưng và đóng góp rõ ràng nhất của tờ báo, và cũng là cách thức hữu hiệu gắn kết tờ báo với nhà văn và bạn đọc yêu văn nghệ.
Báo Văn nghệ giữ một vị trí quan trọng trên tiến trình truyện ngắn Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Trong những năm tháng hậu chiến khó khăn khủng hoảng, khi ý chí và mong muốn đổi mới và thành tựu nền văn học nghệ thuật ngay sau hòa bình thống nhất khiến cho người ta chú tâm và nhấn mạnh đến thực trạng văn nghệ, cảm thấy nó “chững lại” và “nghèo” như đã được chỉ ra trong Hội nghị đảng viên bàn về văn học (tháng 6/1979) hay trong dịp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ đại biểu văn nghệ sĩ trí thức trong năm đầu công cuộc Đổi Mới (tháng 10/1987), thì trên báo Văn nghệ, đã thấy xuất hiện những ươm ủ cho sự cách tân văn học nghệ thuật. Và nó đến từ truyện ngắn. Các truyện ngắn như Ý nghĩ ban mai, Cái bóng cọc của Bùi Hiển rồi các truyện ngắn và tập truyện được ấn hành cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 của Đoàn Giỏi, Nguyễn Thành Long, Xuân Thiều, Lê Minh Khuê, Lưu Quang Vũ, Lê Lựu, Thái Bá Lợi, Đặng Nhật Minh, Vi Hồng, Phạm Thị Minh Thư, với những mối quan tâm khác với thời chiến, đã đem đến những chuyển động cho truyện ngắn. Nhưng những thay đổi thực sự trong truyện ngắn thời hậu chiến, điều khiến cho truyện ngắn trở nên lạ lẫm, thôi thúc người ta phải suy nghĩ, dằn vặt, chất vấn thói quen đọc truyện ngắn hình thành từ trong chiến tranh, chỉ trở nên thực sự rõ ràng với Nguyễn Minh Châu, trong loạt truyện ngắn được ông công bố đầu những năm 1980 trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, mà về sau sẽ được tập hợp để xuất bản thành các tập truyện ngắn nổi tiếng: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Chiếc thuyền ngoài xa (1987), Cỏ lau (1989). Ở “đêm trước” của Đổi Mới, khi không khí xã hội đang hết sức bức bối ngột ngạt, những truyện ngắn phức tạp của Nguyễn Minh Châu đã làm phân hóa sâu sắc dư luận bạn đọc. Trước tình hình ấy, báo Văn nghệ đã đứng ra tổ chức buổi thảo luận vào tháng 6/1985, các ý kiến trao đổi sau đó đã được trích đăng báo Văn nghệ, các số 27, ra ngày 6/7/1985 và số 28, ra ngày 13/7/1985. Sinh hoạt chuyên môn chuyên biệt này, ở cả khía cạnh tạo diễn đàn cho các đánh giá khác nhau về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu lẫn khía cạnh khẳng định sự phức tạp trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đến từ những tìm kiếm nghệ thuật chứ không phải đến từ sự lệch lạc về quan điểm hay lập trường, trở thành một cột mốc quan trọng trên tiến trình dân chủ hóa đời sống văn học nghệ thuật. Sự công nhận và chấp thuận cho sự tồn tại, thậm chí là khuyến khích những cách tân nghệ thuật mà người ta khó nắm bắt, còn phân vân, chưa thấu hiểu như trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu - điều chẳng bao giờ được phép xảy ra trong tình thế chiến tranh khi trước - đã tiếp thêm động lực cho đổi mới truyện ngắn nói riêng và đổi mới văn học nghệ thuật nói chung.
Công cuộc Đổi Mới được đưa ra từ Đại hội Đảng toàn quốc từ năm 1986 càng mở thêm cơ hội, càng tiếp thêm động lực cho việc đa dạng hóa tìm kiếm nghệ thuật. Khuếch trương chủ trương “cởi trói” và khuyến nghị “tự cứu lấy mình” mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đưa ra, báo Văn nghệ đã trở thành trung tâm điểm hội tụ và lan tỏa khát khao đổi mới nghệ thuật và ý thức trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ trí thức. Hưởng ứng công cuộc Đổi Mới, trên báo Văn nghệ, văn chính luận, nghị luận xã hội và văn học, các thể ký làm sâu sắc tiếng nói nhà văn trước hiện tình đất nước. Với hiện tình văn học nghệ thuật, sứ mệnh này được đặt lên vai truyện ngắn. Sự xuất hiện của truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp trên báo Văn nghệ số đặc biệt chào mừng Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (số 24+25+26, ra ngày 20/6/1987), tức ngay khởi đầu của cao trào Đổi Mới, đã làm nên một cột mốc, làm rẽ ngoặt con đường vận động của truyện ngắn Việt Nam. Cú sốc “khi ông ‘Tướng về hưu’ xuất hiện”, theo như lối chơi chữ trong bài phê bình vinh danh Nguyễn Huy Thiệp của Đặng Anh Đào, cũng được đăng trên báo Văn nghệ, số 37, ra ngày 12/9/1987, đã thực sự khiến nhiều người e dè nghi ngại, thậm chí đến mức khi giới thiệu tập truyện đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp ra đời sau đó một năm - Tướng về hưu (1988) - Hoàng Ngọc Hiến vẫn phải dè dặt nói rằng “tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Nhưng dẫu vậy mặc lòng, tình thế chuyển đổi mà công cuộc Đổi Mới mang lại đã hậu thuẫn cho những cách tân quyết liệt của nhà văn vừa mới bén duyên với văn đàn này. Trong cao trào Đổi Mới cuối những năm 1980, với liên tiếp những truyện ngắn xuất sắc đăng báo Văn nghệ, Nguyễn Huy Thiệp trở thành nhân vật hành động, hình tượng trung tâm của đổi mới văn học nghệ thuật Việt Nam. Song không chỉ có Nguyễn Huy Thiệp, trong những năm tháng Đổi Mới đầy cảm hứng ấy, báo Văn nghệ cũng phát hiện, đăng tải và trở thành diễn đàn bảo trợ cho hàng loạt các cây bút truyện ngắn xuất sắc khác như Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Y Ban, Hòa Vang, Tạ Duy Anh… Nó làm nên một khoảnh khắc hoàng kim của truyện ngắn trong đời sống sôi động của văn học và xã hội Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình trong cảm hứng và nhu yếu Đổi Mới toàn diện đất nước.
Sự lắng lại của cao trào Đổi Mới từ đầu những năm 1990 cùng việc báo Văn nghệ không còn là diễn đàn tiên phong của phong trào Đổi Mới, không vì thế làm sụt giảm vị thế của tờ báo trong tiến trình đổi mới văn nghệ. Có một mạch ngầm lặng lẽ của sự đổi mới nghệ thuật tập trung vào truyện ngắn trên báo Văn nghệ nói riêng và trong đời sống văn học Việt Nam nói chung, sau sự kiện tiểu thuyết làm nên cột mốc sáng ngời cho nỗ lực đổi mới văn học khởi đi từ Đổi Mới, với bộ ba tiểu thuyết lừng danh được chọn trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh). Trên báo Văn nghệ, trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, có nhiều thế hệ nhà văn chuyên tâm với truyện ngắn đã tiếp tục hiện diện trên tờ báo này, với những tác phẩm cho thấy ý thức và nỗ lực thường trực của việc đổi mới nghệ thuật truyện ngắn. Với các nhà văn trưởng thành thời tiền chiến, đó là Bùi Hiển, Tô Hoài. Với các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh, đó là Lê Đạt, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Xuân Thiều, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Trang Thế Hy, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng… Với các nhà văn trưởng thành sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, đặc biệt là trong cao trào Đổi Mới, là Phạm Thị Minh Thư, Thùy Linh, Trần Thùy Mai, Lý Lan, Đoàn Lê, Y Ban, Dạ Ngân, Khuất Quang Thụy, Nhật Tuấn, Cao Duy Thảo, Trần Văn Tuấn, Chu Lai, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Văn Chinh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Bảo Ninh, Hòa Vang, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến, Trần Đức Tiến, Cao Duy Sơn… Báo Văn nghệ cũng ghi nhận hàng loạt những cây bút truyện ngắn trưởng thành trong những năm 1990, mang tâm thế “khi người ta trẻ” vào trang viết, trong đó đặc biệt có sự nổi lên của một thế hệ các nhà văn nữ như Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyên Hương, Quế Hương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hiền Phương, Nguyễn Thị Anh Thư, Trần Thanh Hà… Sự hiện diện đông đảo này của các thế hệ nhà văn cùng các tác phẩm xuất sắc của họ, khiến cho truyện ngắn vẫn hiện diện với tư cách như một thể loại năng động nhất trong bối cảnh trầm lắng của đời sống văn học những năm này.
Bước sang thế kỷ 21, văn học phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác. Sách báo giấy truyền thống cũng gặp không ít khó khăn trước sự ra đời và phát triển cực kỳ mau lẹ của internet và mạng xã hội, những tác nhân kỹ thuật không chỉ làm nảy sinh loại hình văn học mới - văn học mạng, không gian công bố và tương tác mới - không gian mạng, mà còn gây sức ép làm biến đổi văn học truyền thống. Trong cuộc thương thảo giữa động lực kinh tế và động lực ý thức hệ, với thực tế ngày càng rõ ràng của việc thâm hụt doanh thu, không thể “sống” nhờ vào độc giả mua báo, những tờ báo văn học như báo Văn nghệ, đã nhân đó làm sinh động hơn các mục tiêu ý thức hệ. Một lần nữa, trong tình thế này, báo Văn nghệ lại lựa chọn truyện ngắn như một nỗ lực khẳng định tiếng nói nghệ thuật. Thứ nhất, trong hoàn cảnh mới, báo Văn nghệ đã tiếp tục tập trung vào việc phát hiện và tài bồi cho những cây bút truyện ngắn mới. Nguyễn Lập Em, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa, Ngô Phan Lưu, Chu Thùy Anh, Đinh Phương… là những tác giả truyện ngắn đương đại có được thành công nhờ sự phát hiện và bảo trợ của báo Văn nghệ thông qua các cuộc thi hay thông qua việc chọn đăng các truyện ngắn đặc sắc trên tờ báo. Bên cạnh đó, vừa chọn in trên báo vừa tuyển chọn vào các phụ trương/ phụ san, báo Văn nghệ cũng tiếp tục đem đến cho độc giả những truyện ngắn xuất sắc của các tác giả thành danh. Nó làm cho tờ báo ngày càng gắn bó mật thiết với truyện ngắn, lấy truyện ngắn như một phương diện, một cách thức để cạnh tranh với các loại hình giải trí khác, đồng thời làm sâu sắc thêm vai trò và vị trí của truyện ngắn trong việc định hình diện mạo tờ báo trong hoàn cảnh mới. Thứ hai, báo Văn nghệ chủ động xây dựng tờ báo trở thành diễn đàn công bố truyện ngắn của các tác giả Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, để cùng với các diễn đàn báo chí và xuất bản khác, góp phần kết nối người Việt năm châu. Nhờ các nỗ lực này mà một bộ phận văn học viết bằng tiếng Việt của người Việt hoặc người gốc Việt ở nước ngoài đã xóa nhòa ranh giới đường biên hòa nhập làm một với đời sống văn học ở trong nước, để người Việt Nam có thêm các cơ hội giao lưu và hiểu biết, từ đó mà xóa bỏ dần những định kiến ngờ vực, kéo gần những xa cách địa lý, tìm lấy tiếng nói chung, sự thông hiểu, để kết nối và gây dựng cộng đồng người Việt Nam toàn cầu. Sự xuất hiện của những Nam Dao, Mai Ninh, Miêng, Trịnh Y Thư, Lê Ngọc Mai, Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, McAmmond Nguyen Thi Tu, Trần Mộng Tú, Đỗ Kh… thực sự đã đem đến những trải nghiệm nhân sinh và nghệ thuật mới mẻ cho văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, khi thông qua tác phẩm, họ chia sẻ với bạn đọc trong nước những nổi chìm của đời sống và thân phận di dân, những trải nghiệm và tương tác với các nền văn học khác trên thế giới, nơi họ học tập, làm việc, sinh sống. Cũng trong nỗ lực hòa giải hòa hợp dân tộc như thế, từ năm 2007, báo Văn nghệ mở chuyên mục “Văn học miền Nam trước 1975”, tập trung trước nhất vào việc giới thiệu trở lại di sản truyện ngắn. Trên Văn nghệ số 28, ra ngày 14/7/2007, mở đầu cho chuyên mục này, tòa soạn báo Văn nghệ cho rằng: “Sau ngày giải phóng (30/4/1975), bạn đọc cả hai miền Nam - Bắc, nhất là bạn đọc trẻ, ít có điều kiện tiếp cận với văn học đô thị miền Nam - một dòng văn học không thể thiếu trong lịch sử văn học nước nhà”; vì thế, “báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, sưu tầm, chọn đăng lại một số truyện ngắn đã được xuất bản ở miền Nam trước 1975 để bạn đọc cũng như những cây bút trẻ hôm nay hiểu thêm về một mảng đề tài, về phong cách truyện ngắn… của một thời”. Khẳng định vị trí tất yếu của văn học đô thị miền Nam dưới thể chế cộng hòa, ngỏ lời trân trọng mời các nhà văn cũng như thân nhân nhà văn có truyện ngắn in trên các báo và tạp chí công khai ở miền Nam trước 1975 chọn những truyện ngắn tâm đắc nhất gửi đến cộng tác để tờ báo giới thiệu trở lại với bạn đọc, báo Văn nghệ đã thực hiện một công việc có ý nghĩa tốt đẹp, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, vì mục tiêu hòa hợp hòa giải dân tộc, hướng tới sự thống nhất đầy đủ nhất, từ thống nhất về địa lý tới thống nhất về văn hóa và nhân tâm. Với chủ trương này, báo Văn nghệ đã giới thiệu trở lại truyện ngắn đặc sắc của một số tác giả văn học quan trọng hoạt động trong khu vực văn học công khai ở các đô thị miền Nam trước 1975, như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Văn Xuân, Mường Mán, Thế Vũ, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Duy Phiên, Nguyễn Hoàng Thu, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đức Sơn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Mộng Giác, Ngụy Ngữ, Mang Viên Long, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền… Dù chuyên mục này không duy trì được lâu dài, nhưng chỉ với những gì đã có, với công việc này, báo Văn nghệ đã không chỉ giới thiệu trở lại những truyện ngắn độc đáo của một thời đã qua mà còn làm được việc luôn cần làm ngay của ngày hôm nay, để thực sự tiến tới hình dung đầy đủ về một nền văn học Việt Nam hòa bình thống nhất trọn vẹn.
Chiến tranh chia cắt đã qua đi 50 năm, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng từ ngày hòa bình thống nhất. Văn học nghệ thuật đóng góp vai trò không nhỏ vào thành công ấy. Thay thế ý thức tranh đấu thời chiến bằng ý thức kiến thiết thời bình, văn học Việt Nam nửa thế kỷ qua đã tìm thấy cả thách thức và cơ hội để hiện diện, khẳng định và duy trì sự vận động, phát triển. Trong bức tranh chung ấy của văn học, truyện ngắn - trong đó có bộ phận quan trọng là truyện ngắn trên báo Văn nghệ - là mảng màu sặc sỡ nhất. Dù có dung lượng đồ sộ bởi sự trải dài của nửa thế kỷ truyện ngắn được đăng tải trên một tờ tuần báo là diễn đàn trung tâm của đời sống văn học phức tạp và sôi động, ở một đất nước nỗ lực vượt lên chấn thương chiến tranh để xây dựng cuộc sống thời bình, hàn gắn chia cắt, hòa hợp hòa giải dân tộc và chủ động tích cực hòa đồng với thế giới rộng mở, truyện ngắn trên báo Văn nghệ tất yếu nó không trình hiện đầy đủ được sự phong phú và đa dạng của bức tranh truyện ngắn Việt Nam nửa thế kỷ qua. Tuy vậy, hình dung về truyện ngắn trong văn học Việt Nam 50 năm qua thông qua những gì được hiện diện trên báo Văn nghệ, vẫn là một công việc thực sự hữu ích, giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc hiểu biết về truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại.