Diễn đàn lý luận

Bảo vệ tiếng Việt mới là điều cấp thiết

Tác phẩm và dư luận
08:30 | 12/05/2023
Chuyên mục Tiếng nói nhà văn của báo Văn nghệ số 14/2023 và số 15/2023 có 2 bài viết của 2 nhà văn Nguyễn Hữu Sơn và Hữu Đạt, trao đổi về một số ý kiến gần đây đề xuất nên dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông, từ bậc tiểu học trở lên, để khắc phục sự “đứt gãy văn hóa” do chữ Quốc ngữ gây nên
aa

Chuyên mục Tiếng nói nhà văn của báo Văn nghệ số 14/2023 và số 15/2023 có 2 bài viết của 2 nhà văn Nguyễn Hữu Sơn và Hữu Đạt, trao đổi về một số ý kiến gần đây đề xuất nên dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông, từ bậc tiểu học trở lên, để khắc phục sự “đứt gãy văn hóa” do chữ Quốc ngữ gây nên.

Trong bài viết Cần thiết nhưng không cấp thiết, nhà văn Nguyễn Hữu Sơn khẳng định: Học sinh phổ thông ngày nay cần thiết phải biết chữ Hán để tiếp thu đầy đủ và thuận tiện di sản văn hóa Hán Nôm của cha ông; nhưng điều đó chưa cấp thiết bằng việc trang bị cho các em những kỹ năng sống và kỹ năng làm việc “thời 4.0” cùng nhiều kiến thức thiết thực khác. Trong bài viết Một sự nhầm lẫn tai hại, nhà văn Hữu Đạt lưu ý: Ở Việt Nam hiện nay có một số người còn đang mắc một nhầm lẫn vô cùng tai hại là coi việc dạy chữ Hán cho học sinh là mục đích bảo tồn “quốc hồn quốc túy” và giúp cho việc nói đúng và viết đúng tiếng Việt... Đó là một nhận thức không xuất phát từ căn cứ khoa học.

Nhà văn Nguyễn Hữu Sơn và nhà văn Hữu Đạt đều là những chuyên gia ngữ văn và ngôn ngữ (PGS, TS văn học) thêm một lần khẳng định những cái “được” to lớn của chữ quốc ngữ, một vấn đề đã được bàn luận và minh định từ đầu thế kỷ trước, nhưng gần đây một số người đã “đào xới” lại và gây ồn ào trên mạng xã hội. Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của 2 tác giả trên đây và muốn nói thêm rằng: Hiện nay, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mới thực sự là một trong những vấn đề cấp thiết của các ngành văn hóa, giáo dục và toàn thể nhân dân Việt Nam.

Thật vậy, bảo vệ và phổ biến tiếng Việt có ý nghĩa lớn lao trong thế giới hiện đại, nhất là với một đất nước có nhiều dân tộc và nhiều người sống ở nước ngoài. Muốn làm tốt điều này, các nhà khoa học, các nhà văn hóa và chính khách cần thống nhất nỗ lực. Tiếng Việt hiện nay là ngôn ngữ quốc gia chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người (đứng thứ 15 trên thế giới). Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam cùng với gần 5 triệu Việt kiều đang sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới đã thay đổi chữ viết, từ chữ tượng hình sang chữ Latin. Sự thay đổi rất lớn lao này diễn ra hàng trăm năm trước và đã góp phần làm nên tiềm lực và vị thế của nước Việt Nam hôm nay. Tiếng Việt hiện nay đã trải qua hàng ngàn năm phát triển, hiện có khả năng miêu tả, phản ánh, chuyển tải tất cả các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tất cả tri thức của loài người. Tiếng Việt là tài sản vô giá của người Việt Nam! Hiểu được vị trí, vai trò quan trọng của tiếng Việt trong sự phát triển của dân tộc, từ hàng trăm năm trước, giới trí thức Việt Nam đã có ý thức bảo vệ và phát triển cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Họ dựa vào những tác phẩm văn học kiệt xuất để làm điều này. Chắc không ai nói hay hơn, súc tích hơn, lay động hơn ông Phạm Quỳnh khi ông cho rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn!”. Ông Phạm Quỳnh nói điều này ngay bên Hồ Gươm 99 năm trước. Sau này, Nhà phê bình Hoài Thanh viết rằng, các thế hệ văn chương đã tìm thấy ở câu nói của ông Phạm Quỳnh một điểm tựa để vững lòng. Và Nhà phê bình Hoài Thanh còn cho rằng, đó là những lời can đảm của ông Phạm Quỳnh. Theo đó, yêu và bảo vệ tiếng Việt cũng chính là yêu và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải làm điều này không ngừng, không nghỉ và phải vận dụng nhận thức và trí tuệ ở mức cao nhất.

Hoạt động bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt đã diễn ra cách đây lâu rồi. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều chính khách, nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học là những người có đóng góp quan trọng vào việc này. Và ngày nay, chúng ta hiểu việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở khắp mọi nơi. Để bảo vệ và phát triển tiếng Việt, ngoài nỗ lực trong lĩnh vực khoa học, chúng ta cần có công cụ pháp lý. Đó là cần có Luật tiếng Việt! Khi có Luật tiếng Việt là chúng ta có thêm một công cụ có sức mạnh để xóa tan mọi tham vọng của những người muốn thay đổi chữ viết của người Việt Nam một lần nữa.

Hiện tại, chúng ta đã có đủ cơ sở để xây dựng Luật tiếng Việt. Những năm gần đây, Quốc hội thông qua được nhiều luật, nghĩa là việc xây dựng luật diễn ra khá tốt đẹp. Một điều dễ thấy là luật về vấn đề gì thì bộ, ngành liên quan đến vấn đề đó soạn dự thảo. Tiếng Việt liên quan đến hầu hết mọi bộ, ngành nhưng chính vì thế mà không bộ, ngành nào có trách nhiệm (hay là vinh dự) đứng ra chuẩn bị dự thảo? Có lẽ đây chính là nguyên nhân cơ bản để đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có Luật tiếng Việt? Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên đảm nhiệm việc này và thành lập Tổ soạn thảo. Tổ này chỉ cần có khoảng 15 người, có đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam (Viện Ngôn ngữ), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và khoảng 5 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Với lực lượng như thiển ý trên đây, chắc chắn sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc soạn thảo nội dung. Trước hết, Luật tiếng Việt phải khẳng định được là trải qua hàng ngàn năm phát triển, tiếng Việt đã có công tạo dựng cho dân tộc Việt Nam một vị thế đáng tự hào trong lịch sử. Việt Nam giữ được độc lập tự do, thống nhất đất nước là có công lớn của tiếng Việt. Thứ hai, tiếng Việt vẫn tiếp tục được hoàn thiện trong cuộc sống thông qua hoạt động của tất cả người dân, từ các giáo sư đến các em bé mới biết nói; từ các nhà văn, nhà báo, nhà giáo đến những người nội trợ, người bán hàng rong… Thứ ba, tiếng Việt tiếp tục mở rộng, làm giàu thông qua việc hội nhập và lĩnh hội (không phải vay mượn) những cái mới, cái hay, cái đẹp của những ngôn ngữ khác trên thế giới…

Cũng cần nói thêm rằng: hiện nay có gần 5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài. Đây là một lực lượng đông đảo và quý báu vì họ sống ở nước ngoài nhưng luôn luôn có những đóng góp có ý nghĩa cho Việt Nam. Số người này không ngừng tăng lên và những đóng góp của họ cho đất nước ngày càng lớn. Có một thực tế băn khoăn là làm thế nào để những người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài vẫn nói và viết được tiếng Việt? Biết tiếng Việt là điều kiện tiên quyết để các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài vẫn tiếp tục là người Việt Nam và có những đóng góp có ý nghĩa cho Tổ quốc. Theo tôi, có hai việc chính phải làm để những người Việt ở nước ngoài vẫn biết tiếng Việt. Một là: Các gia đình người Việt có ý thức và chủ động dùng tiếng Việt trong sinh hoạt hàng ngày ở gia đình. Hai là: Thông qua con đường ngoại giao (kể cả ngoại giao nhân dân) mở trường Việt Nam ở nước ngoài. Ở một số nước trên thế giới, chúng ta đã làm tốt được những điều này. Tôi có quen một gia đình sinh sống lâu năm ở Moskva. Khi con đến tuổi đi học, đôi vợ chồng ấy đã gửi con về Hà Nội với ông bà và học hết lớp 1 (biết đọc, biết viết) rồi mới trở lại Moskva sống với bố mẹ. Việc cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn dùng tiếng Việt trong sinh hoạt thì chính quyền sở tại rất tôn trọng. Tại nước Nga rộng lớn, người Việt được công nhận là cộng đồng dân tộc thiểu số lớn thứ 72 của nước này. Trung Quốc cũng công nhận người Việt là một trong 56 dân tộc tại đất nước hơn 1,4 tỷ dân. Cộng hòa Séc cũng đã công nhận người Việt là dân tộc thứ 14 của đất nước này. Chắc chắn sẽ còn nhiều quốc gia khác công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số của họ. Đặc biệt, cộng đồng người Việt ở Mỹ hiện nay đã lên tới 1,7 triệu người, họ có đầy đủ mọi phương tiện để duy trì và phát triển tiếng Việt, trong đó có trường học, nhà hát, nhà xuất bản, báo in, đài phát thanh, đài truyền hình… Có một lần, tôi đến chơi nhà một Việt kiều tại bang Washington. Ông mang cho tôi một chồng báo tiếng Việt. Chờ cho tôi xem khá kỹ rồi ông mới hỏi: “Anh thấy thế nào?”. Tôi trả lời ngắn ngọn: “Tốt!”. Ông hỏi lại “Tốt thế nào? Có nhiều bài báo nói xấu Việt Nam thậm tệ mà?”. Tôi trả lời: “Tốt ở chỗ họ vẫn quan tâm tới Việt Nam, dùng tiếng Việt để viết báo trên đất Mỹ…”.

Tiếng Việt hiện nay được nhiều người nước ngoài quan tâm, có hàng chục ngàn người nước ngoài đang học tiếng Việt ở Việt Nam. Trên thế giới cũng đang có hàng chục quốc gia dạy tiếng Việt trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Tiếng Việt cần được yêu thích, được bảo vệ, được phổ biến bằng nhận thức và trí tuệ.

Hồ Bất Khuất

Nguồn Văn nghệ số 19/2023


Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.