Sáng tác

Bí ẩn Vasily Shukshin

Trần Hậu
Văn học nước ngoài 10:00 | 20/07/2024
Shukshin không những không đả phá chúng, mà ngược lại, còn bổ sung thêm. Hồi nhỏ Shukshin phải chịu nhiều mất mát và đôi khi bị mặc cảm thua thiệt
aa
Bí ẩn Vasily Shukshin
Vasily Shukshin

“Nghĩ ra” tiểu sử của mình

* Thời gian gần đây, các nhà khoa học vùng Altay đã có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Shukshin. Tuy nhiên, những chuyện hoang đường và bịa đặt trong tiểu sử của ông vẫn còn rất nhiều.

- Hơn nữa, Shukshin không những không đả phá chúng, mà ngược lại, còn bổ sung thêm. Hồi nhỏ Shukshin phải chịu nhiều mất mát và đôi khi bị mặc cảm thua thiệt: con trai của “kẻ thù nhân dân”, xuất thân từ nông thôn. Khi phục vụ trong lực lượng hải quân, ông viết thư về nhà nói rằng các đồng đội của ông phần lớn là người thành phố, còn ông “giấu biệt gốc gác nhà quê”. Cần nhớ rằng năm 1947, Vasily Shukshin bỏ trường trung cấp kỹ thuật, một thời gian dài học hành dang dở. Tất cả những yếu tố này, theo nhiều nhà khoa học, làm nẩy sinh nhu cầu bổ sung, “nghĩ ra” tiểu sử của mình. Ở đây có một nghịch lý. Trong các bản lý lịch chính thức do Shukshin khai khi thi vào Trường điện ảnh quốc gia toàn Nga (VGIK), đi làm, v.v... ta bắt gặp những tình tiết bịa đặt. Thế nhưng trong các tác phẩm văn học, ví dụ, trong chùm truyện ngắn “Thời thơ ấu của Ivan Popov”, lại chứa đựng những sự kiện chính xác, đích thực của tiểu sử nhà văn.

Những chuyện hoang đường của Shukshin bắt đầu xuất hiện từ thời niên thiếu của ông. Bạn thân của Shukshin, nhà quay phim Anatoly Zabolotsky, viết trong hồi ký của mình rằng năm 1933, bố của Shukshin bị bắt do một kẻ cùng làng, người đi đày gốc Ba Lan, yêu mẹ ông, tố giác. Tuy nhiên, nhà địa phương chí nổi tiếng vùng Altay Vasily Grishaev đương thời đã nghiên cứu kho lưu trữ của KGB và phục hồi hồ sơ của cái gọi là “vụ án làng Srostki”. Theo đó, trong vụ án giả mạo về âm mưu chống phá chính quyền Xô viết có 80 người, hầu hết là nông trang viên, bị bắt. Trong số đó có thợ lái máy tuốt hạt Makar Shukshin. Không rõ bằng bạo lực hay lừa dối, nhưng ông bị bắt nhận tội. Xem xét tờ khai có thể thấy ông buộc chép lại những lời do người khác đọc. Nghĩa là, trên thực tế, mọi chuyện vừa tầm thường vừa hung ác.

Cho đến nay giai thoại về việc Vasily Shukshin thi vào trường VGIK vẫn được lan truyền. Có lần, Shukshin viết rằng ông vào học trường điện ảnh một cách ngẫu nhiên, không hình dung rõ nộp đơn vào đâu. Và thế là người ta chộp lấy điều đó. Thực ra, trong hồ sơ của Shukshin ở VGIK vẫn còn lá thư của nhà văn gửi ban tuyển sinh đề nghị thông báo về những môn chuyên môn cần kiểm tra ở khoa đạo diễn. Yêu cầu này cùng với đơn và lý lịch tự thuật được gửi từ làng Srostki từ trước khi ông đến thủ đô. Nghĩa là Shukshin biết rất rõ thi vào trường nào!

Còn giai thoại về việc Shukshin nói rằng hồi trẻ ông ít học, rằng chưa đọc Lev Tolstoy cũng không phù hợp với thực tế. Thí sinh Shukshin thi tất cả các môn đều đạt điểm “khá” và “giỏi”. Nhân tiện xin nói, bài luận về Mayakovsky của chàng trai nhà quê từ vùng núi Altay đã đạt điểm 4/5, còn Andrey Tarkovsky (đạo diễn Liên Xô nổi tiếng tương lai), người cùng thi với Shukshin, chỉ đạt điểm 3/5! Trong khi đó, không ai dám nghi ngờ về trình độ hiểu biết, sức đọc và kiến văn của Tarkovsky. Đạo diễn nổi tiếng Aleksandr Gordon, con rể của Tarkovsky, kể lại rằng Tarkovsky và các bạn của ông hay chơi một trò chơi như sau: Hình dung về các phòng trưng bày của bảo tàng mỹ thuật Tretyakov và mô tả tất cả các bức tranh treo ở đấy. Trong trò chơi, này Tarkovsky không bao giờ thua.

Thông thường, những giai thoại về Shurshin được truyền tụng bởi những người không trực tiếp liên quan tới các sự kiện được nói tới. Đạo diễn Aleksandr Mitta trong hồi ký của mình tái hiện rất chi tiết cảnh Shukshin thi vào trường VGIK. Nhưng vấn đề ở chỗ Mitta không học cùng khóa với Shukshin, mà muộn hơn. Ông vào học năm thứ hai từ trường kiến trúc...

Nghe nhiều hơn nói

* Quan hệ của Shukshin với Tarkovsky và Vysotsky diễn ra như thế nào?

- Shukshin học cùng khóa với Andrey Tarkovsky, chơi thân với nhau. Shukshin hay đến thăm gia đình Tarkovsky. Tất nhiên, giữa họ, những con người sáng tạo, có yếu tố cạnh tranh. Ngay từ khi ở VGIK, Tarkovsky đã bộc lộ mầm mống của một tài năng đạo diễn đặc biệt. Còn Shukshin thì ngay từ năm thứ nhất đã tích cực tham gia các vai diễn trong luận văn tốt nghiệp của sinh viên. Trong những bức thư thời sinh viên, ông thừa nhận rằng muốn nổi tiếng và giành được vinh quang. Cả hai người là thủ lĩnh của khóa học. Về sau họ trở thành những nhà làm phim xuất sắc nhất của đất nước. Yếu tố cạnh tranh và sự quan tâm đặc biệt đối với tác phẩm của nhau có lẽ vẫn duy trì ở tuổi trưởng thành.

Shukshin ít giao du với Vysotsky. Trong những bài trả lời phỏng vấn sau này, Vysotsky khẳng định rằng Shukshin mời ông đóng phim “Từng sống một chàng trai như thế” và thậm chí hứa hẹn vai diễn trong phim về lãnh tụ nông dân Stepan Razin...Tuy nhiên, trong các bức thư, bút tích, bài báo của mình, Shukshin không lần nào nhắc tới Vysotsky.

Những người bạn thân nhất của Shukshin là nhà quay phim Zabolotsky và nhà văn Belov. Với họ ông cởi mở hơn trong những bức thư. Nói chung, Shukshin là một người khá kín đáo, ông thích lắng nghe hơn là nói. Trong khi làm phim, ông tìm cách tránh những cuộc vui đông đúc và ồn ào, từ cuối những năm 60, ông hoàn toàn bỏ rượu. Shukshin sáng tác nhiều vào ban đêm, vì vậy thức uống yêu thích nhất của ông là cà phê.

* Quan hệ của Shukshin với chính quyền Xôviết như thế nào?

- Tôi không đồng ý với những người coi Shukshin là nhân vật bất đồng chính kiến. Chính quyền Xô viết đã mang lại cho ông không ít lợi ích. Shukshin đôi khi đã lợi dụng một số đặc điểm của hệ tư tưởng lúc bấy giờ. Ông từng viết những bức thư kêu gọi các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng giúp tìm kiếm sự công bằng. Shukshin thu nhập khá cao, về vật chất ông là người dư dật, điều mà ông không giấu giếm. Trong những bức thư gửi Vasily Belov, ông phê phán bạn không biết kiếm tiền.

O ép ông không phải là chính quyền, mà chính các đồng nghiệp của mình. Tại các hội đồng nghệ thuật, các nhà biên kịch và đạo diễn nổi tiếng như Shtein, Yurenev, Yutkevich, Lioznova... hay phàn nàn về phim của Shukshin.Trong khi đó, ban lãnh đạo hãng “Mosfilm”, bất chấp ý kiến của các nhà làm phim, đã nhiều lần phê duyệt các bộ phim của ông. Ví dụ như phim “Kim ngân quả đỏ”.

Tin tưởng vào sự tiến bộ theo cách riêng của mình

* Theo ông, trong số các nhà văn đương đại ai là người kế tục truyền thống của Shukshin?

- Rất khó trả lời chính xác câu hỏi này. Những nhà văn đến dự các ngày kỷ niệm Shukshin không hiếm khi nhấn mạnh rằng họ đi theo con đường của Shukshin. Trên thực tế, nhiều người ra sức bắt chước ông một cách lộ liễu, điều này không bao giờ dẫn tới những thành tựu văn học.

Không thể xếp Shukshin vào một khuynh hướng văn học nào đó. Lúc sinh thời, ông được coi là nhà văn viết về nông thôn hay hiện nay gọi là nhà văn “chân đất”. Ở một chừng mực nào đó, Shukshin phản đối tất cả sự vọng ngoại, cảm nhận nỗi đau về những truyền thống xa xưa bị bỏ rơi. Nhưng tác phẩm của ông rộng hơn nhiều so với khuynh hướng này.

Theo tôi, vị trí của ông nằm giữa văn xuôi thành thị và nông thôn, ông đi bằng con đường của mình. Một mặt, ông hiểu rất rõ đời sống nông thôn, mặt khác, ông đã sống rất lâu ở Moskva.

* Shukshin đã đặt ra một câu hỏi nổi tiếng: “Điều gì đang xảy ra với chúng ta?”. Nhà văn có trả lời câu hỏi đó trong các tác phẩm của mình không?

- Tôi không biết câu trả lời được tìm thấy có hoàn toàn làm nhà văn thỏa mãn hay không, nhưng Shukshin rút ra kết luận rằng con người quan tâm quá nhiều tới những vấn đề vật chất. Ông chỉ ra sự khác biệt ngày càng lớn giữa những điều mà các nhà tư tưởng chuyên nghiệp nói với mọi người và những gì diễn ra trong cuộc sống thực tế. Đối với ông, một nông dân nhà nòi, đó là một trong những hậu quả của sự suy đồi của lối sống cổ truyền và thay thế nó bằng những chuẩn mực phương Tây. Ông không phải là người lạc hậu, ông hiểu sự cần thiết phải thay đổi, ông tin tưởng vào sự tiến bộ theo cách riêng của mình.

Nhưng Shukshin gắn sự đánh mất lối sống cổ truyền với sự đánh mất bản sắc dân tộc và cảm nhận điều đó một cách sâu sắc, đau đớn.Thực ra, trong thời đại chúng ta, những xu thế này đã trở nên nhãn tiền – đó là sự suy yếu và tính ước lệ của quan hệ gia đình, sự từ bỏ những giá trị truyền thống. Trong những năm 90, chúng ta suy đồi đến mức coi việc bảo vệ đất nước mình là đáng hổ thẹn, chỉ thừa nhận quyền áp đặt chân lý của phương Tây. Không phải ngẫu nhiên mà Shukshin quan tâm tới đề tài lối sống người Côdắc, những truyền thống đã hình thành nên con người ông. Ông có ý định áp dụng nguyên mẫu Côdắc vào cuộc đời ông. Nhưng về cơ bản, ông đã không thực hiện được điều này cả trong gia đình lẫn nghệ thuật.

* Theo ông, tác phẩm nào của Shukshin hiện nay có ý nghĩa cấp thiết nhất? Mới đây tôi đã đọc lại “Trước canh ba” và có cảm giác truyện ngắn này vừa mới được viết hôm qua.

- Giá trị của văn học đích thực là ở chỗ tác giả khắc họa được những tính cách của con người mà qua hàng trăm năm và hàng ngàn năm vẫn còn mang tính cấp thiết. Con người thay đổi trang phục, phương tiện giao thông và công cụ lao động, nhưng bản thân con người không thay đổi. Còn lối sống vẫn như cũ. Con người vẫn yêu như thế, căm thù như thế, đau khổ và hy vọng như thế. Tài năng của Shukshin là ở chỗ ông nhìn thấy ở các nhân vật của mình những đặc điểm phổ quát nào đấy đã, đang và sẽ tồn tại chừng nào nhân loại còn tồn tại. Chỉ một số ít nhà văn được trời phú tài năng đó.n

Trần Hậu (Theo AIF)

Báo Văn nghệ

Việt Nam sẽ đón 24 đoàn nghệ thuật nước ngoài trong năm 2020 Việt Nam hậu Covid-19: Rà soát đầu tư nước ngoài và xem xét “bộ tứ mở rộng” Văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài: Một ví dụ nhìn từ Ba Lan Điểm mới trong Hoạt động nhiếp ảnh và cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam Sửa quy định đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan

Bình luận

avatar-comment
Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Baovannghe.vn - Sáng 25/7, tại tỉnh Ninh Bình, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức khai mạc Lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH).
Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Baovannghe.vn - Ông bà ngoại tôi là người Hungary, nhưng ông ngoại lại học hành ở Đức. Mặc dù Hungary là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, ông vẫn thích tiếng Đức hơn tất cả các ngôn ngữ khác mà ông nói được.
Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Baovannghe.vn - Lần đầu tại Việt Nam, một ca động kinh kháng trị ở trẻ em được điều trị thành công bằng công nghệ robot định vị AutoGuide. Ca phẫu thuật do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP.HCM) thực hiện đánh dấu bước đột phá trong điều trị bệnh lý thần kinh phức tạp, mở ra hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân động kinh tại Việt Nam.
Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Baovannghe.vn - “Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn 2025” sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong 2 ngày 26 & 27/7 với nhiều hoạt động phong phú nhằm lan tỏa những giá trị truyền thống
Hoa hồng nở trước ngõ - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Hoa hồng nở trước ngõ - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Baovannghe.vn- Dù giá rét, dù mưa dầm, nắng cháy/ Em vẫn cười rạng rỡ đến kiêu sa