Truyện ngắn có lịch sử khá lâu đời, bắt nguồn từ các chuyện kể dân gian như truyện cười, giai thoại, cổ tích... Ở Vương quốc Anh, truyền thống ấy đã phát triển thành những câu chuyện chép tay vào đầu thế kỉ XIV, trong đó đáng kể nhất là tập Tales of Caunterbury (Các chuyện kể ở Caunterbury). Tập truyện này dài tới 17 nghìn dòng, gồm 24 mẩu chuyện châm biếm được kể bằng thơ và văn xuôi do Geoffrey Chaucer (1340 - 1400) viết bằng tiếng Anh trung đại vào những năm 1387 - 1400. Đây là những câu chuyện do các thành viên của đoàn hành hương kể lại khi họ cùng đi tới Nhà thờ Caunterbury. Vào khoảng năm 1483; 33 năm sau khi nghề in chính thức ra đời tại châu Âu, tập truyện ấy đã được in thành sách, phát hành rộng rãi. Về mặt ngôn ngữ, nó góp phần làm phong phú vốn từ tiếng Anh còn nghèo nàn thuở ấy.
![]() |
Jame Joyce và William Faulkner - Hai tác gia với các truyện ngắn nổi tiếng. |
Một số học giả không hoàn toàn thừa nhận điều nói trên. Họ cho rằng, những truyện ngắn đầu tiên được in ra và phát hành ở vương quốc này là các truyện gothic của Richard Cumberland (1731 - 1811) với tựa đề The Poisoner of Montremos (Kẻ đầu độc ở Montremos) năm 1791. Truyện gothic, đôi khi còn gọi là kinh dị gothic (gothic horror) là một loại hình văn học lớn, với đặc trưng kinh dị, chết chóc xen lẫn với lãng mạn; về sau, phát triển cực mạnh ở thế kỉ XIX và XX. Gần một trăm năm trước đó, các tiểu thuyết gia danh tiếng như Sir Walter Scott (1771 – 1832) và sau đó là Charles Dickens (1812 – 1870) cũng viết truyện ngắn. Ở Mỹ, một trong những truyện ngắn xuất hiện sớm nhất là Somnambulism (Mộng du) của Charles Brockden Brown năm 1805. Tiếp đó là truyện ngắn của các tên tuổi lớn khác như: Washington Irving (1783 - 1859), John Neal (1793 – 1876), và đặc biệt là Nathaniel Hawthorne với việc xuất bản rộng rãi tuyển tập Twice-Told Tales (Chuyện kể hai lần) năm 1837.
Trong văn học, sự phát triển truyện ngắn đóng vai trò hết sức quan trọng. Khoảng 1832 – 1849, Edgar Allan Poe (1809 - 1849) viết một loạt các truyện ngắn huyền bí. Trong cuốn The Philosophy of Composition (Triết luận về sáng tác, 1846), Poe cho rằng một tác phẩm văn học (truyện ngắn) phải đủ ngắn để độc giả có thể đọc xong trong một lần ngồi. Học giả Meyer Howard Abrams (1912 - 2015) cho rằng nhà văn này chính là người có công nâng truyện ngắn lên thành một thể loại văn học thực sự.
Đầu thập niên 1900, từ nguyệt san The Atlantic và tạp chí The New Yorker, cho tới Tạp chí Harper đều trả nhuận bút hẳn hoi cho các tác giả truyện ngắn, chứng tỏ truyện ngắn đã trở thành một thể loại văn học rõ nét. Theo đà ấy, đông đảo nhà văn Anh - Mỹ viết truyện ngắn. Đến nay, với sự bùng nổ thông tin và việc phát hành báo chí rộng khắp, đặc biệt là các tạp chí văn học, cả báo in, báo nói, lẫn báo mạng; đồng thời, với sự duy trì và phát triển hàng loạt giải thưởng dành cho truyện ngắn thu hút sự quan tâm của hàng vạn nhà văn và độc giả, như Giải Truyện ngắn Quốc gia do Đài BBC chủ trì tổ chức (có phối hợp với Đại học Cambridge), Giải Truyện ngắn The Sunday Times, Giải Truyện ngắn VS Pritchett của Hiệp hội Văn học Hoàng gia, Giải Truyện ngắn Tạp chí London, Giải Truyện ngắn Pin Drop Studio, và hàng trăm giải truyện ngắn danh giá khác của Mỹ, Canada và Australia, có thể nói, truyện ngắn nói chung và truyện ngắn tiếng Anh nói riêng đã trở thành thể loại văn học phát triển mạnh nhất so với tất cả các thể loại văn học còn lại.
Ở thế kỉ XXI này, trên thế giới có hàng nghìn nhà văn viết truyện ngắn. Doanh số truyện ngắn phát triển mạnh. Số bạn đọc gắn bó với thể loại này ngày càng tăng. Tại Vương quốc Anh, doanh số năm 2017 tăng lên 45% so với các năm trước đó nhờ vào việc xuất bản tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn lừng danh như Alice Munro (nhà văn Canada, sinh năm 1931, đoạt Giải Nobel văn học năm 2013) và cả Tom Hanks (nhà làm phim, sinh năm 1956; năm 2017, xuất bản tập truyện Uncommon Type, được giới phê bình văn học đưa ra những đánh giá trái chiều, thu hút lượng lớn độc giả) và sự hồi sinh của các salon truyện ngắn. Ước tính có hơn 690.000 truyện ngắn và tuyển tập đã được bán ra ở Anh trong năm 2017, tạo ra 5,88 triệu bảng Anh, doanh thu cao nhất của thể loại này kể từ năm 2010. Vào năm 2012, Pin Drop Studio đã khai trương các salon truyện ngắn tổ chức thường xuyên tại London và các thành phố lớn khác. Nhiều tác giả truyện ngắn đã góp mặt định kì tại các salon này để giao lưu và đọc truyện ngắn của mình cho khán giả nghe, bao gồm Ben Okri, Lionel Shriver, Elizabeth Day, AL Kennedy, William Boyd…
Về xu hướng sáng tác văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng, các nhà nghiên cứu cho rằng: Nếu như ở Anh, chủ nghĩa lãng mạn phát triển rực rỡ từ 1798 cho đến 1837 và văn học Victoria nổi bật trong những năm 1837 – 1901, thì tại Mỹ, phong trào lãng mạn châu Âu bắt đầu ùa sang vào khoảng đầu thế kỉ XIX. Đến khoảng giữa thế kỉ ấy, tính chất “đàn anh” của nền văn học Quần đảo Anh bắt đầu bị thách thức bởi các nhà văn xuất chúng tại các thuộc địa cũ ở Mỹ. Chủ nghĩa lãng mạn Mỹ cũng đa diện và mang màu sắc chủ nghĩa cá nhân như ở châu Âu. Các nhà văn theo chủ nghĩa lãng mạn Mỹ thể hiện một nỗ lực lớn về khía cạnh đạo đức: gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa cá nhân và sự bộc lộ cái tôi, nhấn mạnh nhận thức trực giác và cho rằng thiên nhiên vốn dĩ tốt đẹp, trong khi xã hội loài người đầy rẫy hư hỏng. Chủ nghĩa lãng mạn (romanticism) chắp cánh cho chủ nghĩa siêu nghiệm (transcendentalism) có sẵn ở các bang New England (bao gồm 6 bang ở Đông Bắc của Mỹ: Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Rhode Island và Connecticut); và việc xuất bản cuốn tiểu luận Nature (Thiên nhiên) năm 1836 của Ralph Waldo Emerson được xem là mốc son đánh dấu thời điểm chủ nghĩa siêu nghiệm trở thành trào lưu văn hóa lớn. Nhà văn Nathaniel Hawthorne (1804 - 1864) và nữ văn hào Louisa May Alcott (1832 - 1888), những người sinh trưởng ở Massachusetts, New England chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong trào văn hóa ấy. Trong khi tiểu thuyết The Scarlet Letter (1850) của Hawthorne kể về một người phụ nữ bị đuổi khỏi cộng đồng vì tội ngoại tình được xem là tiêu biểu cho trào lưu văn học lãng mạn Mỹ, thì truyện ngắn của nữ văn hào Alcott được mệnh danh là ngọn cờ đầu của trào lưu văn học viết về nữ tính và/hoặc nữ quyền – một trong các đỉnh cao của chủ nghĩa lãng mạn Mỹ - và ăm ắp tư tưởng của những người theo chủ nghĩa siêu nghiệm.
Theo một số học giả, thời kì từ giữa thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX là thời kì có sự chuyển biến ngoạn mục từ trào lưu văn học lãng mạn đang dần dần nở rộ bước sang giai đoạn đầu của chủ nghĩa hiện đại (modernism), với sự đóng góp quan trọng của hai nhà văn lớn nói trên (Hawthorne và Alcott) cùng những tên tuổi mới mẻ hơn như: Kate Chopin (1850 - 1904), sinh tại St. Louis, Missouri, Mỹ và James Joyce (1882 - 1941), quê ở Dublin, thành phố lớn nhất của Ai-len. Nhiều cây bút nghiên cứu - phê bình văn học còn cho rằng: Chopin có thể được xem là nữ văn sĩ xuất sắc nhất trong số các nhà văn viết về nữ tính và/hoặc nữ quyền; còn văn hào James Joyce là ngôi sao chói lọi nhất trong trào lưu tiên phong theo chủ nghĩa hiện đại (modernist avant-garde movement) đồng thời là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất thế kỉ XX.
Về thi pháp truyện ngắn, các nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại thường có xu hướng sử dụng độc thoại nội tâm (inner monologues) hoặc dòng ý thức (stream of consciousness) để dẫn dắt bạn đọc thấu hiểu tâm trạng nhân vật. Đó là cách mà cả James Joyce, Virginia Woolf (nhà văn Anh), William Faulkner (nhà văn Mỹ, 1897 - 1962) và đông đảo nhà văn khác thường xuyên thể hiện trên văn bản truyện ngắn của mình. Phong cách hiện thực huyền ảo (magical realism) cũng được các nhà văn ưa chuộng. Đó là lối viết gắn kết giữa hiện thực và huyền thoại. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng, trước thời kì cực thịnh của thủ pháp này trong các thập niên 1950 - 1980 ở các quốc gia Mỹ La-tinh và lan tỏa ra nhiều nước khác, bắt đầu từ các tác phẩm của nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez (1928-2014), thủ pháp ấy đã manh nha từ khi văn học dân gian còn nằm ở dạng truyền khẩu. Thú vị một điều là mãi đến nay, lối viết hiện thực huyền ảo vẫn tạo nên những ấn tượng sâu sắc. Chính Sarah Hall, nữ văn nhân duy nhất hai lần đoạt giải nhất Giải Truyện ngắn Quốc gia Anh do Đài BBC chủ trì tổ chức có phối hợp với Đại học Cambridge, một lần năm 2013 với truyện ngắn Mrs Fox (Nàng cáo), một lần năm 2020 với truyện ngắn The Grotesques (Những chuyện kì quái) cũng được đánh giá cao về văn tài của cô nhờ sử dụng khéo léo các kĩ thuật vừa nêu.
Về nội dung, truyện ngắn Anh - Mỹ có đủ loại: hành động, phiêu lưu, tiểu sử, hài, tội phạm, trinh thám, viễn tưởng, ngụ ngôn, giả tưởng, lịch sử, kinh dị, huyền bí, triết học, chính trị, lãng mạn ngôn tình, châm biếm, khoa học viễn tưởng, siêu nhiên, và bi kịch.
Trong khi truyện ngắn đương đại thường hay mở đầu bằng những pha hành động thu hút độc giả vào những cảnh tượng đầy kịch tính, thì hầu hết các truyện ngắn kinh điển thường tập trung vào một cốt truyện duy nhất, một chủ đề trung tâm (central theme) thay vì nhiều tình tiết phụ như chúng ta thường bắt gặp trong tiểu thuyết. Có thể nói, thể loại truyện ngắn là cách thích hợp nhất để các tác giả thử nghiệm về phong cách viết văn xuôi. Nó là mảnh đất màu mỡ để họ tha hồ thể hiện nét riêng biệt đầy cá tính của mình bằng cách sử dụng các công cụ văn học (literary devices) bao gồm quan niệm cá nhân về văn xuôi, những hình tượng, những ẩn dụ, kể cả giọng văn và cấu trúc câu.
Không ít học giả cho rằng, trong lịch sử phát triển thể loại truyện ngắn, có một cuộc hôn phối kì diệu giữa truyện ngắn và ngôn ngữ Anh. Họ cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ thích hợp nhất cho thể loại truyện ngắn. Tôi không mấy đồng tình với quan điểm đó. Tôi nhận định rằng, hàng trăm năm nay, do sự phát triển của hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đã ở mức phong phú và tinh tế đủ để diễn đạt hầu như mọi hành vi, ý tưởng và cảm xúc của con người, ngôn ngữ nào trên thế giới cũng thích hợp cho thể loại truyện ngắn, không cứ gì phải là tiếng Anh. Theo tôi, xem ra chỉ có một loại ngôn ngữ không thích hợp với việc sáng tác văn học, đó là quốc tế ngữ Esperanto, một loại ngôn ngữ được sáng tác ra một cách gượng gạo và đã âm thầm trở thành “tử ngữ”.