Dịch bệnh là cơn bão cuốn tung và như những biến động xã hội, đột biến thiên nhiên khác, nó cuộn xoáy, làm phơi sáng nhiều thứ trong đời sống. Bao nhiêu điều, không phải đợi đến lúc này mới bộc lộ, mà trong nhiều khoảnh khắc đời thường, lẽ tốt, cái xấu, sự tệ hại và những giá trị cao cả vốn đã cùng hiện diện. Nhưng ở những thời khắc dữ dội, những quãng tháng ngày mà cảm xúc, tâm trạng đông đảo các cá nhân người đơn lẻ rung động theo thời cuộc, sẽ có rất nhiều khuôn mặt, trạng thái, sự việc đồng hiện, một cách ngổn ngang, chen chúc, tới tấp… Nhiều khi đến độ căng thẳng, bung vỡ.
Cả xã hội đang dõi theo gần như hằng ngày những biểu hiện mạnh mẽ của tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm, tính cộng đồng, sự lan tỏa nhiều hình vẻ của truyền thống đùm bọc, cùng khả năng kết nối và sáng tạo linh hoạt trong đời sống hiện đại. Liên tiếp những đoàn lương y từ Hà Nội, từ các tỉnh, thành phố ven biển, trung du, trên vùng núi cao… lên đường vào phương Nam, cùng các lực lượng tại chỗ bảo vệ sức khỏe và giành giật mạng sống người khỏi móng vuốt dịch bệnh. Trước đó, cũng đã có các chuyến công tác của y bác sĩ phía Nam và nhiều địa phương khác, ra sẻ chia với tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, cho chúng ta cảm nhận rõ ràng về những biểu hiện đó.
Rồi những lán trại bật tung vì gió biên cương, những bếp cơm nhỏ nấu vội trong nắng gắt của các chốt biên phòng. Những bếp cơm từ thiện mọc lên khắp nơi trong phố, trong chùa, trao từng suất cơm đến người lao động nghèo, người vô gia cư đã kiệt quệ vì dịch bệnh. Cả những đoàn xe tình nguyện chở gạo, rau, bí, măng ớt… gửi về vùng dịch miền Nam từ những bản làng cao nguyên, miền trung mà nơi đó nhiều gia đình còn chưa vực dậy nổi sau đợt bão lũ khủng khiếp gần cuối năm 2020…
Tất cả, đang kể những câu chuyện sinh động và nồng nhiệt, có cả đau buồn, về cách mà chúng ta chống dịch, sống chung với dịch bệnh, đối mặt và dần thích ứng với trạng thái bình thường mới. Một bình thường nhiều biến động trong bối cảnh đời sống chung sẽ không dễ trở lại sự yên ấm cũ, sau rất nhiều những đòn đánh ác liệt của giông tố, bão lũ, ô nhiễm nước, đất đai, không khí lên đời sống con người. Thậm chí, của chính cả bàn tay con người lên đời sống tự nhiên, đời sống xã hội, và từ đó mà lên chính cuộc đời của mình.
Trong những biến động đó, bao vẻ đẹp của nỗi xót thương, niềm trắc ẩn, lòng khâm phục và tự trọng, niềm tin và sự kiên trì đã được thắp lên, như chiếc cọc sống cho tâm hồn người bám víu lấy. Để cho đôi vai sờn bạc, để những đời sống lam lũ, và cả những cuộc đời sung túc nhưng cũng mệt mỏi vì dịch bệnh gặm nhấm, có thể chịu đựng, tiếp tục chịu đựng và từng bước, từng ngày vượt qua gian truân.
Dịch bệnh, biến động, như là cơ hội để đến gần nhau từ khoảng cách xa, để cùng chia những khổ sở, thiếu thốn, đau yếu, khiến cho con người mạnh lên, làm cho con người trong mắt nhau đẹp hơn, quý hơn, nhân bản hơn. Và từ những góc độ khác, trong mỗi người đến cả cộng đồng, vùng đất, cũng cảnh giác hơn, tự cảnh tỉnh nhiều hơn, nhận rõ hơn về vết thương mà bất kỳ ai cũng có thể gây ra cho người khác, cho số đông một cách dễ dàng, dù cố tình hay vô tình.
Đó cũng chính là cơ hội của văn học nghệ thuật!
Thực tế dữ dội đang là những dữ liệu đa dạng, rộng ngợp cho những đợt sóng ban đầu của chuyển động văn nghệ nhập cuộc, đồng hành với mạch đập nhân sinh.
Loạt thơ đưa lên mạng xã hội của nhiều người viết, xót xa về những đoàn người hồi hương tránh bão dịch, gọi lên những thương cảm với phận người, giấc mơ bình ổn đã trở nên không dễ dàng trong xu thế mà những va đập thế giới, khu vực có thể truyền sóng ngầm đến những cộng đồng nhỏ, khuất lấp. Những tản văn, tùy bút trấn an mình, trấn an người trong cơn dịch. Hàng loạt bài ca về những người lính áo trắng, áo xanh giành giật mạng sống cho bệnh nhân Covid, chưa tính được ngày về. Những bức ảnh nhọc mệt và kiên cường về họ - các “siêu nhân” trong đời sống nhiều bất trắc hôm nay, những yếu tố có thể làm suy yếu sức khỏe lẫn tinh thần của bất cứ ai. Những bức tranh tôn vinh y bác sĩ, bộ đội, tình nguyện viên, cảnh báo nguy cơ phá hoại tàn khốc của virus Corona…
Đó là một số cuộc “xuất kích” của những văn nghệ sĩ đang đông hơn lên, trên sóng phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, qua các sự kiện trực tuyến, và cả trực tiếp khi nghệ sĩ đến tận bệnh viện dã chiến, khu cách ly để biểu diễn phục vụ người bị cách ly, nhân viên y tế.
Thực tế đó đang chờ tiếp những tiếng vỗ tay mạnh mẽ hơn nhiều của những suy tư với dân với nước, khi những tôn vinh, ngợi ca, niềm cảm phục bước đầu còn tiếp tục nhưng cũng có sự dần lắng theo những đồng cảm sâu xa với buồn đau, lo lắng, và cả những kiệt sức không cần phải giấu diếm. Những kiên cường vượt tới, những bền bỉ cầm cự, những bức xúc, sợ hãi, những cám cảnh thân phận mỏng manh, dạt trôi…, bao nhiêu điều chờ đợi tiếng nói bảo bọc, đỡ đần của văn nghệ sĩ, bằng cả niềm thân thương lẫn những tiếng nói phản biện xây dựng.
Chính là thời điểm này, khi quyết sách của Chính phủ, bộ ngành, lực lượng của y tế, quốc phòng, an ninh… và những lớp sóng thiện nguyện từ khắp các vùng miền cuộn về vùng dịch, thì đan xen, hòa nhịp, cuộn trào trong đó, cần văn học nghệ thuật cất tiếng.
Trong những tháng năm bình ổn, phát triển, văn học nghệ thuật từng bước cảnh tỉnh, chống lại những biểu hiện thoái hóa, suy đồi, thì trong hiện tại khi dịch bệnh ghìm nén con người, làm đảo lộn, tạo nên những đoạn đời cách ly, những thành phố giãn cách, những vùng đất bịt mặt; gieo cả những hoang mang về nguy cơ bị bỏ rơi, không bảo toàn mạng sống; lan truyền cả những kỳ thị đã không còn hiếm…, thì nghệ thuật, văn học cần nhập cuộc để nâng đỡ những tâm hồn đau ốm.
Đấy là cơ hội của văn nghệ sĩ, là cơ hội khởi xướng, gợi mở của cả các cấp ngành văn hóa, thông tin truyền thông, chính quyền các cấp… vốn vẫn động viên, khích lệ văn nghệ sĩ bám sát, truyền tải hơi thở đời sống sôi động của đổi mới, hội nhập. Khi dòng trôi rộng lớn đó có những khúc đoạn nhất thời va đập với đá ngầm của thiên tai, dịch bệnh, các vấn nạn ô nhiễm môi trường, mai một văn hóa, suy thoái đạo đức và cả những nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền lãnh thổ…, thì sự cổ vũ ấy càng làm tăng thêm can đảm, lòng trắc ẩn.
Chính là những lúc này, ngoài vận động tự thân, bền bỉ của những người sáng tác, trình diễn mẫn cảm với thời cuộc, thì tiếng nói thúc giục của ngành văn hóa, khối liên hiệp văn học nghệ thuật, các hội chuyên ngành, các hội văn học nghệ thuật địa phương hãy mạnh mẽ hơn. Cần sớm, nên có ngay những chương trình, hoạt động quy mô nhỏ, vừa phải, ngắn hạn để mời gọi văn nghệ sĩ sáng tác, lan tỏa tác phẩm bằng nhiều hình thức, và cũng chính bằng thực tế quyết liệt hôm nay mà phát huy sáng tạo, đổi mới sáng tác, tạo nên sự đa giọng điệu hướng về công chúng đông đảo và đa dạng.
Những nốt nhạc, chùm hợp âm đó nhấn nhá trên nền một dàn nhạc đang mạnh hơn về âm lượng và chờ đón tiếp nhiều cung bậc, âm thanh. Chúng ta đã mong mỏi và đề xuất về sự phát triển đồng hành, làm nền tảng của văn hóa, văn học nghệ thuật cho kinh tế - xã hội. Chính ở giai đoạn sẽ được nhớ mãi này trong cuộc đời mỗi con người, trong lịch sử đất nước đầu thế kỷ XXI, thật đáng ngóng chờ, tạo dựng những nhịp đập văn nghệ cuộn trào, xuyên sâu, thấm đượm và lắng đọng cùng nỗi niềm nhân sinh, nỗi trở trăn thời cuộc.
Để văn học nghệ thuật không ngừng đồng hành, không ngừng vực dậy và cùng những đời người vươn dậy.
Nguồn Văn nghệ số 33/2021