Theo dự thảo, nguyên tắc tích hợp chương trình giáo dục là: Bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện tại Việt Nam. Nội dung, thời lượng Chương trình giáo dục tích hợp phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội.
Chương trình giáo dục tích hợp phải có định hướng về phương pháp, hình thức giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Chương trình tích hợp không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Chương trình phải được kiểm định chất lượng
Dự thảo nêu rõ, chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục;
Chương trình giáo dục tích hợp phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượngcủa chương trình giáo dục nước ngoài; không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh, bảo đảm tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh.
Chương trình giáo dục tích hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, thi, công nhận hoàn thành chương trình giáo dục, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước sở tại nơi cung cấp chương trình giáo dục.
Tích hợp chương trình giáo dục phổ thông
Chương trình giáo dục tích hợp được xây dựng trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, bổ sung các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) của chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài mà chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam không có; tích hợp các môn học có trong cả hai chương trình để bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam và chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài.
Việc tích hợp chương trình được thực hiện theo môn học hoặc nhóm môn học trên cơ sở lấy chương trình môn học hoặc nhóm môn học của một trong hai chương trình, bổ sung những nội dung của môn học hoặc nhóm môn học của chương trình còn lại mà chương trình kia không có để bảo đảm mục tiêu của môn học hoặc nhóm môn học của cả hai chương trình.
Trước đó, cũng với nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/5/2020. Và được quy định áp dụng đối với các cơ sở giáo dục của Việt Nam, các cơ sở giáo dục của nước ngoài và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.
Theo đó, thông tư quy định cụ thể 4 nguyên tắc tích hợp chương trình giáo dục, gồm: Bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện tại Việt Nam; nội dung, thời lượng chương trình giáo dục tích hợp phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam; chương trình giáo dục tích hợp phải có định hướng về phương pháp, hình thức giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; chương trình giáo dục tích hợp phải có quy định điều kiện thực hiện, bao gồm: Tổ chức và quản lý thực hiện chương trình, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung trong thông tu đã không còn phù hợp, do đó cần có những nội dung mới phù hợp hơn. Vì vậy việc lấy ý kiến đề xuất nguyên tắc cho Chương trình giáo dục tích hợp là cần thiết và phù hợp với thực tế giảng dạy tại Việt Nam
Minh Nguyệt | Báo Văn Nghệ
-----------
Bài viết cũng chuyên mục: