Nhiều người có thể nhầm hoặc “gộp” phim thời đại cũ (peridot film) với dòng phim cổ trang, thường có câu chuyện diễn ra vào thời phong kiến, dưới các triều đại vua chúa. Thực tế, phim thời đại cũ (period film) là khái niệm rộng hơn, bao hàm phim cổ trang trong đó, diễn ra trong những thập niên hay thế kỷ trước. Dòng phim này thịnh hành trên thế giới, từ Hollywood đến các nền điện ảnh láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Việt Nam cũng không ngoại lệ, với nhiều phim thời đại cũ lần lượt ra mắt gần đây như Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa, Tháng năm rực rỡ, Linh miêu: Quỷ nhập tràng, Công tử Bạc Liêu…
Ở chừng mực nào đó, phim thời đại cũ có những nét hấp dẫn riêng, thậm chí hơn phim hiện đại. Bởi đời sống thuở trước gợi nhắc ký ức của khán giả; đôi khi gợi mở cho người xem trí tưởng tượng và sự tò mò về những điều họ chưa từng trải nghiệm. Trong đó, phục trang và bối cảnh luôn là yếu tố thu hút thị giác trước tiên, từ đó khơi gợi hứng thú của khán giả đối với tác phẩm. Không ít trường hợp trên thế giới, bối cảnh phim trở thành điểm tham quan đắt khách.
Nhắc đến phim trường chuyên dụng, giới yêu phim thường nhớ đến ngay phim trường cổ trang Hoành Điếm tại Chiết Giang và phim trường thời đại Dân quốc tại Thượng Hải. Đó là hai biểu tượng của điện ảnh và truyền hình xứ Trung, hiện hữu trong hàng ngàn cuốn phim trong ký ức của khán giả châu Á. Phim trường Hoành Điếm có diện tích xây dựng gần 500.000 m2, quy tụ đầy đủ không gian cung điện, đền đài, hoa viên trải dài các triều đại phong kiến Trung Hoa. Công viên phim trường Thượng Hải rộng gần 800.000 m2, trong đó diện tích dựng bối cảnh khoảng 130.000 m2. Nơi đây đủ đầy đường phố, nhà dân, vũ trường của Thượng Hải cách đây một thế kỷ. Bên cạnh đó, studio của đài truyền hình TVB với nhiều xưởng phim phù hợp từng thế kỷ hay thập niên cũng là không gian thân thuộc với cộng đồng người yêu phim Hong Kong.
Đầu tháng 11 năm nay, tại hội thảo về sản xuất phim lịch sử và phim chuyển thể văn học trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 7 (HANIFF), ông Tiền Trọng Viễn - giám đốc điều hành hãng phim As One Production của Trung Quốc - chia sẻ nhiều phúc lợi khi làm phim thời đại cũ tại quê hương ông. Theo đó, cơ quan quản lý điện ảnh - truyền hình Trung Quốc cùng các chính quyền địa phương rất tạo điều kiện cho các đoàn phim, trong việc khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử cũng như sử dụng bối cảnh. Ông nói rõ: “Các đoàn phim rất khó xin giấy phép bối cảnh ở các địa điểm có sẵn, vì liên quan vấn đề bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan địa phương, chúng tôi không thể quay được”.
Trái với nước bạn, phim trường chuyên dụng vẫn là giấc mơ dang dở của điện ảnh Việt Nam. Cũng trong cuộc hội thảo của HANIFF, nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan (Đất rừng phương Nam, Tiệc trăng máu) chỉ ra một trong những thử thách của phim lịch sử và phim thời đại cũ tại Việt Nam là bối cảnh. Không có sẵn phim trường, các dự án đều đội chi phí cao cho phương diện này.
Phim Linh miêu: Quỷ nhập tràng mới ra rạp gây ấn tượng khi phục dựng một biệt thự cổ theo phong cách Đông Dương. Căn nhà địa chỉ 49-51 Hàm Nghi, Huế bỏ trống đã lâu, được một Việt kiều thuê lại hồi tháng 5 năm nay với giá 275 triệu đồng một năm. Theo giám đốc sản xuất phim, khi ekip tiếp cận, căn nhà đã bị xâm thực mạnh, sàn gỗ và cầu thang gỗ đều dễ sập.
Giám đốc sáng tạo Võ Thanh Hòa thì cho hay đoàn phim tạo khung mới cho căn nhà; thiết kế sân vườn, phù điêu, hồ nước điều hòa, các cánh cửa... Lượng lớn nội thất, đồ cổ được đưa tới, bài trí trong bối cảnh, để tạo dựng không gian sống của một gia tộc quyền lực thập niên 1960. Kết hợp với nghệ thuật ánh sáng và kỹ xảo hậu kỳ, căn nhà 150 năm tuổi vừa phủ sinh khí của cuộc sống thường ngày, vừa nhuốm màu thần bí.
Thuê nhà cổ làm bối cảnh chính của phim, ekip Linh miêu khẳng định không sửa căn nhà theo sở thích của họ, mà phục chế theo nguyên mẫu của căn nhà. Việc này không chỉ để quay một bộ phim, họ còn muốn gìn giữ một di tích văn hóa cho xứ cố đô.
Trong khi nội cảnh thường tận dụng nhà cổ có sẵn, ngoại cảnh của các bộ phim thời xưa được khai thác ở những khung cảnh có thật như cánh đồng, đường làng, sông hồ… ở các vùng ven đô hoặc nông thôn. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, việc khai thác cảnh quan tự nhiên như vậy không dễ dàng.
Một trong những phân cảnh quan trọng nhất của phim Mắt biếc là đường phố và cổng trường đại học của đô thị Nam Trung bộ thập niên 1970. Để tạo dựng không khí thời đại, đưa khán giả ngược dòng thời gian về lại cách đây nửa thế kỷ, ekip của đạo diễn Victor Vũ khai thác trọn vẹn kiến trúc mặt tiền cổ kính của đường phố Huế, đồng thời vẽ nhiều biển hiệu, sắp xếp nhiều sạp hàng, xe cộ phong cách đương thời.
Tuy nhiên, né dây điện và phương tiện giao thông hiện đại thời nay là một thử thách với họ. Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng tại địa phương, đoàn phim chặn một đoạn đường, chuẩn bị hơn 100 bộ áo dài trắng cùng nhiều trang phục, đạo cụ phù hợp bối cảnh. Dù vậy, đại cảnh này tốn một tuần mới hoàn thành.
Là người cầu toàn, đạo diễn Phương Điền từng thực hiện một trường đoạn phim Tiếng sét trong mưa ở 5 tỉnh thuộc miền Đông và miền Tây. Nội dung đoạn phim nói về việc nhân lúc cậu ba Khải Duy (Cao Minh Đạt) đi làm xa nhà, bà hội đồng bắt giam Thị Bình (Nhật Kim Anh) và ném cô xuống giếng vì cô mang thai với cậu ba. Nhận tin báo từ anh trai, Khải Duy vội vã trở về cứu người yêu.
Phương Điền cho hay, bối cảnh tửu lầu nơi người anh đến tìm Khải Duy đặt tại Tiền Giang. Tình huống xe hơi của hai anh em chết máy giữa đường bấm máy ở Củ Chi, TP HCM. Đoạn phim dài sau đó khi Khải Duy chạy bộ về nhà, đi qua giữa các cánh đồng được ghi hình ở Bình Dương và Vĩnh Long. Miệng giếng nơi Thị Bình bị ném xuống được dựng cảnh ở Bình Dương, còn hồ bơi được dùng quay giả cảnh bên dưới giếng nước nằm ở Biên Hòa.
Một góc đường phố Huế được phủ màu hoài cổ cách đây nửa thế kỷ trong phim Mắt biếc. Ảnh: Phim Mắt biếc |
Trong bối cảnh không có sẵn phim trường chuyên dụng, một số đoàn làm phim chấp nhận dựng phim trường riêng cho dự án của mình. Nổi bật là Đào, phở và piano - một hiện tượng của màn bạc nội địa đầu năm 2024.
Kịch bản gói gọn câu chuyện trong một ngày đêm cuối cùng của chiến dịch Đông - Xuân cuối năm 1946, đầu năm 1947, trước khi bộ đội ta rút lên chiến khu Việt Bắc. Bối cảnh được dựng giả lập tại một khu vực đồi núi ở Cao Bằng, tái hiện khung cảnh phố phường, nhà cửa, xe điện ở thủ đô đổ nát vì bom đạn. Những bao cát, biển hiệu cửa hàng, giường, tủ, bàn ghế chất cao, mô phỏng chiến lũy Hà Nội ngày 17/2/1947.
Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, bối cảnh là yếu tố được đầu tư nhất của dự án kinh phí 20 tỷ đồng do nhà nước đặt hàng. Xem phim, khán giả cảm nhận được điều này, cũng như sự nghiêm túc và dụng công của ekip. Tuy nhiên, không gian gây cảm giác giả tạo, giống tiểu cảnh trang trí sân khấu ngoài trời hơn là bối cảnh phim, bởi thiếu tính đời sống.
Chuyện tương tự cũng từng xảy ra với series phim cung đấu Phượng khấu. Đoàn phim thuê một phim trường cổ trang chuyên phục vụ chụp ảnh và quay MV, lắp đặt thêm nội thất giả cung đình, kết hợp thêm ghép cảnh trên bàn dựng. Tuy nhiên, do kỹ xảo hạn chế, phim gây phản cảm vì lỗi hình ảnh.
Khi mới bắt đầu dự án, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và giám đốc sản xuất Nguyễn Nguyên Hoàng mong muốn quay phim tại Huế, đưa bối cảnh thực lên phim để tạo cảm giác chân thực. Nhưng sau nhiều lần khảo sát, họ nhận thấy đại nội Huế không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc triều đại nhà Nguyễn. Cho dù ghi hình tại đây, đoàn phim vẫn phải dùng kỹ xảo 3D can thiệp để hoàn thiện hình ảnh. Bên cạnh đó, việc làm phim tại Huế có khả năng tiêu tốn chi phí lớn của đoàn phim.
Là một trong những phim Việt “chốt sổ” năm 2024, Công tử Bạc Liêu cũng là một dự án “chơi liều” của nhà sản xuất khi được đầu tư bối cảnh rộng lớn, tái hiện khu phố Nam bộ những năm 1920-1930. Nơi đây, hai ngân hàng thuộc sở hữu của hai phú hộ người Việt, hí trường Nam-kin và võ đường boxing - hai nơi chốn công tử Bạc Liêu thường xuyên lui tới và đốt tiền vào những cuộc vui chơi - được xây dựng tỉ mỉ. Một số video hậu trường cho thấy ekip dựng thêm phông xanh phục vụ cho việc ghép cảnh ở giai đoạn hậu kỳ. Theo một nguồn tin riêng, do chi mạnh tay vào bối cảnh và phục trang, tác phẩm của đạo diễn Lý Minh Thắng phải đạt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng mới đủ hòa vốn.
Góp mặt trong phim, NSƯT Thành Lộc đánh giá cao sự chăm chút về bối cảnh của Công tử Bạc Liêu. Thành Lộc cảm thấy choáng váng khi đặt chân vào phim trường, mải mê ngắm nghía, thích thú đưa tay chạm thử vào từng viên gạch, quầy giao dịch trong bối cảnh ngân hàng. Tới khu nhà đấu xảo, ánh đèn vàng leo lét làm ông cảm giác như xuyên không về thuở xưa. Hình ảnh người kéo xe lôi ngang qua phố, cách thắt khăn của các cô nhân viên ngân hàng và những người khách Tây bàn chuyện làm ăn càng cho ông cảm hứng nhập thân vào câu chuyện.
Từ góc độ marketing và truyền thông, xây dựng phim trường là chất liệu hay cho chiến dịch quảng bá phim. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều về nhân lực, tiền bạc; mang nhiều rủi ro trong việc thu hồi vốn. Do đó, đối với những người làm phim nội địa, phim trường chuyên dụng vẫn là một nhu cầu thiết yếu cho ngành điện ảnh.