Sáng tác

Bông hồng đỏ. Truyện ngắn của Stefano Benni (Ý)

Stefano Benni (Ý)
Văn học nước ngoài
13:00 | 27/09/2024
Baovannghe.vn- Stefano Benni sinh năm 1947 tại Thành phố Bolonho, Italia, ông là bậc thầy về xử lý ngôn từ, chơi chữ, sáng tạo từ ngữ mới... từng giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá Italia.
aa

Phòng họp có mặt độ hai mươi người. Bầu không khí yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng bong bóng nước vỡ trong những chai nước khoáng. Nét mặt nghiêm nghị của những người dự họp toát lên tính quan trọng của thời điểm câu chuyện. Chủ trì phòng họp là một ông già có bộ dạng khắc khổ. Cái cằm nhọn và cặp mày bạc rậm rạp khiến ông giống như con ác điểu đang ở đỉnh cao quyền lực, thống trị muôn loài trong tay mình. Và, mặc dù đôi tay khi cử động thi thoảng thoáng run, tố cáo tuổi già quái ác, nhưng mỗi cử chỉ, ánh mắt của ông vẫn ẩn chứa vị thế cao sang mà ông đang nắm giữ.

Bông hồng đỏ. Truyện ngắn của Stefano Benni (Ý)
Ảnh minh hoạ.

- Năm tôi 16, cái tuổi khủng hoảng hay phá phách, nhưng cũng dễ buồn vui bất thường ấy - ông già mở đầu câu chuyện - niềm khát khao cháy bỏng nhất trên đời của tôi là tình yêu đôi lứa.

Nhưng ở ngôi trường thuộc diện tốt nhất trong thành phố yên bình nơi tôi ở lúc đó, một chàng trai 16 tuổi muốn “kiếm” được một cô gái, phải có hai tiêu chí: hoặc là đại gia, hoặc là rất đẹp trai. Tôi thì giầu có gì: cái lớn như mô tô không có đã đành, đến bộ cánh cho ra hồn hay cái áo săng-đay, áo phông hợp mốt cũng không có nốt. Quanh năm suốt tháng tôi “đeo” cái áo len đan tay sợi thô thoang thoảng mùi băng phiến. Tôi cũng không đẹp trai: mặt đầy mụn trứng cá, tóc tai bờm xờm, tơi tả. Như bây giờ đây, dưới miệng tôi là một vết nhăn dài báo hại vắt ngang. Người tôi cao, lưng hơi gù, bởi thường xuyên ngồi bàn thấp. Móng tay chân lúc nào cũng đen đúa, dù tôi có cố chăm sóc đến đâu chăng nữa. Những khiếm khuyết có thật hoặc tự nghĩ ra đó đều làm tôi đau khổ, khiến tôi thường rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm. Vào những ngày chủ nhật tôi thường tìm cách rời xa trung tâm thành phố càng xa càng tốt. Tôi cuốc bộ lang thang hàng giờ đồng hồ, mỗi khi gặp các cặp uyên ương trên đường sóng đôi, lòng tôi lại trào lên nỗi ganh tị thầm kín. Đêm về, trước lúc thiếp đi, tôi thường mơ tưởng đến những nụ hôn, những dục vọng xác thịt cháy bỏng, mãnh liệt của tình yêu đôi lứa bị kìm nén trong lòng.

Tôi còn tưởng tượng ra đủ các tình huống, từ trò chuyện cưa kéo bình thường, đến việc nghĩ ra các chiêu trò hài hước hoặc bi lụy, mà kết cục tôi đều chinh phục được đối tượng hoặc bị đối tượng chinh phục.

Nhưng thực tế thì tôi vẫn cô đơn. Tôi cô đơn một cách phi lý đến mức không chịu đựng nổi ở lứa tuổi này.

Có người hỏi, phải chăng tôi không có gì hấp dẫn đối với các cô gái à? Không hẳn thế! Tôi thuộc lòng rất nhiều thơ, đi kèm với giọng ngâm phải nói là đẹp, còn nữa, tôi thích hay làm ra vẻ một gã trai tuyệt vọng. Đôi ba lần sau khi uống đã đời, khi đến trường tôi khoe, hồi hôm mình qua đêm ngoài phố, hoặc dính đến chuyện choảng nhau tại quán rượu đêm. Đôi khi có cô nào đó tin là thật, để ý đến tôi, nhưng sau đó lại đổi hướng sang gặp gỡ với gã khác, bịa chuyện như thật giỏi hơn.

Chuyện tình của tôi cứ như thế trôi qua, cho đến khi tôi gặp Fiorenxa. Vào học kỳ hai, cô ấy chuyển về nhập học lớp tôi từ một thành phố khác. Tất thảy lũ nam sinh chúng tôi cũng như các thày giáo ai cũng mến cô ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cô ấy người cao dong dỏng, thân hình cân đối, cặp mắt nâu đằm thắm, bộ tóc dày, đẹp với mớ bờm ngang bướng trước trán. Mỗi lần nàng lấy tay nhẹ nhàng sửa lại món tóc “khó bảo” này, là tôi lại liên tưởng tới hình ảnh nàng đang lật những trang tổng phổ của một bản nhạc nào đó.

Trên má nàng có một nốt ruồi xinh xinh, duyên dáng. Nàng có giọng nói nhẹ nhàng, êm ái, nhưng không thuộc tuýp nói nhiều. Fiorenxa học khá, cởi mở với mọi người, nhưng đồng thời cũng rất chừng mực trong giao tiếp. Chính cái sự “khó gần” ấy lại càng làm cho nàng thêm lôi cuốn. Các bạn nam lớp tôi có cảm tưởng nàng làm bộ làm tịch, còn các bạn nữ người thì cho rằng kênh kiệu, người thì bảo tính nó rụt rè, ít nói. Các thầy cho rằng, cô nàng hơi kiêu. Nhưng tựu trung tất cả những dị nghị đó đều xuất phát từ chỗ tình yêu của họ bị nàng khước từ.

Tôi là người duy nhất cho rằng Fiorenxa là một cô gái đặc biệt, hiếm có. Nàng là một bông hoa ít gặp bị đánh trồng sang vùng đất lạ.

Với ý nghĩ như vậy tôi bắt chuyện với nàng, nhưng tự nhủ, chẳng có hy vọng gì đâu. Các nam sinh lớp trên của cả trường bị vẻ đẹp của Fiorenxa quyến rũ, theo đuổi tán tỉnh, đều sẵn sàng cúi rạp dưới chân cô. Họ sẵn sàng “thủ” đủ các vai diễn khác nhau để gây sự chú ý trước nàng: người ra vẻ thượng lưu quý phái, kẻ hành tung bí ẩn, rồi lại có cả những gã bông phèng, hài hước... Tất cả đều vô ích. Đáp lại các “màn diễn” đa sắc mầu ấy, Fiorenxa chỉ nở nụ cười hiền dịu, ẩn chứa sự thương hại gai ngạnh bên trong. Nàng luôn giữ một khoảng cách nhất định với họ. Ngược lại, với tôi nàng luôn sẵn lòng trò chuyện, về văn học, về tuổi thơ. Cũng như tôi, nàng sinh ra ở nông thôn, khác nhau là nàng con nhà giầu, còn gia cảnh nhà tôi thì nghèo. Giống như tôi, vào mùa hè ban ngày nàng cũng hay trèo cây tìm kiếm tổ chim, hay vặt hoa quả, ban đêm dạo chơi dưới bầu trời yên ả đầy những vì sao lung linh chiếu rọi, đâu đó vọng về tiếng gầu kéo nước va đập vào thành giếng, xa xa bếp lò nhà ai ngọn lửa bập bùng ma quái...

Giống như các chàng trai khác, tôi cũng đem lòng yêu Fiorenxa, nhưng hoàn toàn khác là, tôi thật thà ngây thơ nghĩ rằng nàng thích tôi. Trong khi đó tôi đâu có biết một “địch thủ” vô cùng “nặng ký” đã xuất hiện. Rõ thật rủi ro cho tôi. Đó là gã sinh viên tóc vàng gốc Đức. Mỗi ngày anh ta thay một áo sơ mi và áo săng-đay mới đến trường. Anh ta có một chiếc xuồng đua một chỗ mầu sáng. Hàng ngày gã đi chiếc vespa mạ vàng lấp lánh đến chờ Fiorenxa ở cổng trường, đợi cho đến khi nào nàng ra, ngồi lên xe cùng đi mới thôi. Nàng ngồi sau ôm eo gã, miệng cười tươi, mớ tóc bờm phất phơ theo chiều gió.

Linh tính mách bảo tôi, gã này có lẽ sẽ “cướp trắng” nàng khỏi tay tôi. Nỗi tuyệt vọng cận kề khiến tôi can đảm lên, thôi thúc tôi tiến tới một hành động làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi sau đó.

Qua trò chuyện tôi biết Fiorenxa muốn đi chơi thành phố Venice. Sớm hôm đó, gặp nàng ngoài hành lang, không hề chuẩn bị rào đón gì trước, tôi đánh liều nói: “Chủ nhật tới em có đi chơi Venice với anh không? Đi cả ngày, anh bao trọn gói”.

“Được đấy!”- nàng đồng ý.

Được lời như cởi tấm lòng, các bạn có tưởng tượng được niềm vui sướng dạt dào xen lẫn sự lo âu sôi sục trong tôi lúc đó không? Tôi chỉ có 3 ngày trời để chuẩn bị cho chuyến đi. Và từ đó tâm trạng tôi cứ mỗi phút qua đi lại mỗi khác. Lúc đầu ngập tràn trong hạnh phúc, khiến tôi liền tưởng tượng ra cảnh Fiorenxa nằm trọn trong vòng tay ôm chặt của tôi và tiếp đó là chạy đi báo tin cho mọi người biết về “chiến tích” đến bất chợt của mình. Nhưng chỉ một phút sau, tôi lại bỗng thấy mình đang ở trên bờ vực sâu thảm bại. Tôi sợ bóng sợ gió, sợ bất thình lình một việc gì đó có thể xảy ra làm hỏng mọi chuyện, tôi sợ cô nàng nổi danh như Fiorenxa có thể coi mình không xứng tầm, tôi sợ cô nàng nhận lời vì thương hại, hoặc chỉ để trêu chọc tôi với các bạn gái.

Nhưng cái chính làm tôi lo ngại nhất, ấy là vấn đề tiền nong, đào đâu ra bây giờ.

Tôi phải có đủ tiền đi đường, ăn trưa và một khoản dự phòng nhất định. Nhẩm tính tất cả các khoản, tôi hiểu tối thiểu cần có 5000 lia, trong khi đó tôi chỉ mới tích cóp được có 3000 lia.

Tôi đi rửa xe, rửa bát ở các nhà hàng, bốc vác ngoài chợ. Nhưng do trẻ người non dạ, chưa có kinh nghiệm, bị người ta lừa, tính thiếu nên chỉ cầm về được 1800 lia. Vé cho hai người khứ hồi hết 2400 lia. Còn lại 1600 tiền ăn và 800 dự phòng phát sinh.

Chúng tôi đến Venice vào buổi sớm trời lạnh sương mù giăng phủ. Fiorenxa trông như nữ diễn viên điện ảnh: nàng mặc chiếc áo khoác mầu cam, trên đầu vắt vẻo cái mũ bê rê nhỏ xinh xinh. Còn tôi thì đi mượn chiếc áo khoác mầu xanh biển giống các thủy thủ vẫn mặc, tóc và lông mày xức nhẹ briolin. Nói chung tôi tự thấy mình không xấu và cũng chẳng đẹp đẽ gì. Ngoài ra khi sóng đôi với nàng, mọi người nhìn tôi với một ánh mắt khác hẳn.

Chúng tôi dạo chơi trên những chiếc cầu và các con phố nhỏ, chật hẹp. Ở những chỗ đông người đôi lúc hai chúng tôi đi sát đụng chạm vào nhau, khiến người tôi khẽ run lên. Trong một quầy hàng nhỏ, thấy Fiorenxa chăm chú nhìn con thiên nga nhỏ thủy tinh mầu hồng xinh xắn, tôi đánh bạo hỏi người bán hàng, biết giá là 650 lia, tôi quyết định mua tặng nàng. Chúng tôi vai kề vai đi sát bên nhau. Nàng cười xinh xinh, nhìn tôi với ánh mắt thân thiện. Có lẽ nàng coi tôi là một chàng trai thú vị, nhưng mộc mạc. Tôi có cảm giác nàng không thích tôi giữ kẽ quá, chẳng dám hé ra những lời tán tỉnh trai gái thường tình.

Tranh thủ lúc nàng dùng chiếc máy ảnh nhỏ hiệu Leika (về sau tôi mới biết, vào thời điếm đó đây là loại máy ảnh cao cấp) chụp phong cảnh phố phường, tôi rẽ vào một nhà hàng trong hẻm nhỏ liền cạnh, liếc nhìn nhanh thực đơn treo trước cửa, “nghiên cứu” trước món nào mình “kham” nổi.

Và khi nàng nói: “Em đói bụng”, thì tôi đã biết mình phải đi đâu. Tôi chọn những món không quá đắt, nhưng cũng không quá rẻ.

Đó là một quán rượu nhỏ ngoài trời trên quảng trường Can Dzakomo. Giá tiền các món tôi thuộc hầu như toàn bộ.

Nàng dự định đặt món hết 1000 lia. Tôi nhẩm tính trong đầu mình chỉ còn đủ chi 700 lia, nên thay bằng các món khác. Thấy thế nàng cười, bảo: “Món quà quê”, và lần đầu tiên nàng nhìn tôi với ánh mắt đặc biệt, vẻ trìu mến thực sự. Tôi thanh toán hóa đơn với độ chính xác của một nhà giải phẫu. Trong túi tôi lúc đó chỉ còn đúng 50 lia.

Sau đó chúng tôi đến một chiếc ghế dài trên bờ một vụng nhỏ ngồi chơi. Mặt trời ấm áp chiếu rọi nơi nơi, đàn chim sẻ ríu rít ra chiều hóng đợi những vụn bánh mì khách đi dạo vẫn thường cho chúng ăn. Chúng tôi ngồi đây khá lâu, nói đủ chuyện không biết chán. Nàng kể tôi nghe về tuổi thơ của mình trải qua ở một vila lớn lạnh lẽo tại một vùng quê, về người cha lúc nào cũng tỏ ra nghiêm khắc, về người mẹ suốt đời vắng bóng. Chuyện trò cởi mở, Fiorenxa thổ lộ, ở trường cũng như ngoài phố nơi chúng tôi sống, mọi người cư xử với cô quá câu nệ hình thức, xã giao. Nàng chuyển về đây học để nhận ra chân cuộc sống, bởi mọi người trước đó cư xử với nàng y như với ông hoàng bà chúa, mà nàng đâu có phải. Gia cảnh nàng giờ đã khánh kiệt, nàng cần phải đi làm. Nàng muốn nghiên cứu nông học, hiểu biết về các loại thực vật, về các loài hoa và phương pháp gieo trồng, chăm sóc chúng.

Tôi cũng trải lòng với nàng về tuổi thơ của mình, có chỗ thật tình, có chỗ hư cấu.

Đương nhiên tôi không đả động gì tới “thì” hiện tại, về những ngày chủ nhật hàng tuần đi làm thêm kiếm tiền và nỗi cô đơn trầm kha trong lòng.

“Thế anh cảm nhận thế nào về cuộc sống ở thành phố này?”– nàng vừa “lật” trang tổng phổ vừa hỏi tôi.

“Ồ, tôi có khá nhiều bạn”- tôi đáp.

“Thế hả? Vậy mà em cứ nghĩ anh là người ưa thích đơn độc ...”– nàng nói.

“Anh không đơn độc”- tôi phản ứng và vớt vát thêm- “tôi một thân một mình, khác xa với đơn độc”.

Đúng vào lúc này trước mắt chúng tôi nhẹ nhàng lướt qua một con thuyền cổ, mũi sơn mầu vàng, lái thuyền là những tay chèo mình mặc sơ mi đỏ. Họ vừa tập bơi vừa hò reo vui vẻ. Chúng tôi nhìn hút theo bóng họ cho đến khi con thuyền chìm trong màn sương phía xa xa.

Trước mắt chúng tôi hình dáng các tiền sảnh của các tòa nhà phía xa xa đang chìm dần, chìm dần vào bóng hoàng hôn lan tỏa.

“Chúng mình về thôi”- nàng nói, khẽ rùng mình vì lạnh.

Tôi cứ như người vừa sực tỉnh giữa đêm khuya. Nhìn mặt nàng mờ ảo trong ánh hoàng hôn, nghe nàng thốt ra những thanh âm trong trẻo này trong lòng tôi dạt dào cảm xúc. Lúc này tôi hiểu ra mình đã yêu nàng, vậy, ngay ở đây trước nàng, tôi phải làm điều gì đó, phải thốt ra được điều mình đang nung nấu trong lòng, nếu không sẽ hối tiếc cả đời. Nghĩ vậy, nhưng không hiểu sao tôi lại đớ người ra, im như thóc, không mở nổi miệng, cứ để trống ngực đập thình thịch trong lồng ngực, rồi vô thức gật đầu đồng ý ra về.

Trên đường về, lại phải đi qua những nút giao của các con phố chật hẹp, đông đúc. Thân thể chúng tôi đụng chạm sát nhau, khiến tôi mạnh bạo hẳn lên, đã định liều nói câu gì đó thật mãnh liệt, thật tha thiết dù thất thế, dù lỡ lời cũng mặc, nhưng đúng lúc đó nàng nhìn thấy một sạp hàng hoa nhỏ. Những đóa hồng mầu vàng, mầu đỏ đua nhau khoe sắc phản chiếu trên dòng nước mờ xám.

“Ô kìa, những bông hồng thắm! Em thích chúng biết bao!”– nàng thốt lên như reo.

Tay sờ đồng tiền tội nghiệp còn sót lại trong túi, cái mặt tôi bỗng tái mét. Lúc này tự nhiên tôi hận Fiorenxa làm sao. Lẽ nào nàng không hay biết tôi nghèo xác và không thể chiều theo mọi ý thích đỏng đảnh của nàng?

Hay là nàng đoán biết điều tôi đang định nói nên cố ý xử sự như vậy?

Thời khắc nặng nề như đá đeo ấy có cảm giác như neo lại vĩnh cửu trong lòng tôi. Thấy tôi bối rối ngượng ngùng nàng bảo: “Em nói là nói thế thôi, chứ không có ý muốn anh tặng em đâu. Anh cư xử như vậy là rất lịch sự rồi”.

Trên đường về trong tầu hỏa chúng tôi ngồi lặng thinh. Nàng tỏ ra rất dịu dàng, thi thoảng lại ngả cái đầu duyên dáng vào vai tôi. Còn tôi hơi bị hoảng, sợ mùi kem briolin rẻ tiền phả vào mặt nàng. Lẽ ra lúc đó tôi có thể hôn nàng, nhưng lòng dạ tôi như ngọn lửa đã cháy rụi hết, lụi tàn hết cả tình yêu, cả niềm tự hào và cơn tức giận. Tôi không thể quên được thời khắc này và bông hồng mà mình không đủ tiền mua tặng nàng.

Lẽ ra... lẽ ra... phải bằng mọi cách để có bông hoa... kể cả... lấy trộm, hoặc tìm cách nào đó chứ? Nhưng tôi đã chịu thua, không làm gì. Nàng dường như thiu thiu ngủ, có lẽ không cảm nhận được nỗi đau của tôi nên mới quên nhanh như thế. Có thể nàng cho rằng, chẳng có gì quan trọng cả? Còn tôi thì sao quên được nỗi đau này . Mặc cho toa tầu gõ nhip, rung lắc trên đường ray, mặc cho hơi ấm đượm hương con gái của cơ thể nàng thầm kín lan tỏa sang tôi, vết thương không gì chữa nổi âm ỉ cắn rứt bỏng rát trong lòng tôi từ đó cho đến tận hôm nay.

Ông già ngừng kể, lấy tay vuốt cặp mắt, vẻ như xóa một cảnh phim trong câu chuyện kể.

- Đó là câu chuyện của tôi- ông buông tiếng thở dài, kết thúc– Các bạn hẳn muốn biết đoạn kết ra sao phải không? Cô bạn gái xinh đẹp của tôi sau đó lấy chồng là anh sinh viên gốc Đức. Từ ngày tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi không gặp lại nàng nữa. Nhưng trong lòng thì không giây phút nào quên.

Không khí trong phòng lặng trầm vẻ nể trọng khác thường. Có ai đó khẽ húng hắng ho.

- Giờ thì có lẽ các bạn- ông già đưa mắt nhìn mọi người khắp lượt- đã hiểu lý do tại sao tôi thành người trồng hoa giầu có nổi tiếng thế giới và tại sao mỗi loại hoa hồng giống mới tôi lai tạo thành công, lại có tên mang chữ cái đầu tiên là chữ F: Frantrine , Federinka, Fanhi... và Fiorenxa.

Đương nhiên, sau đó tôi đã học được cách chinh phục phụ nữ và đã thành công khá nhiều, trong đó có cả một số “mối” “chiếm được” bằng cách mua chuộc họ. Tuy vậy, không có một cuôc tình nào sau đó lại si mê mụ mẫm đến thế, “sét đánh” đến thế và trong suốt đời tôi đến tận bây giờ không có ký ức nào lại quý giá và đớn đau hơn thế.

Thưa các bạn khách hàng, vì lẽ đó hôm nay tôi xin nhượng lại công ty của tôi cho các bạn. Có người bảo tôi, sự kiện này quá đỗi bất ngờ và không tài nào hiểu nổi. Sở dĩ có sự vội vàng như vậy, bởi tôi muốn kết thúc mọi chuyện trong ngày hôm nay.

Ông già nhắn mắt trong giây lát vẻ như cố kìm nén xúc động, rồi tiếp tục:

- Suốt năm mươi năm nay, ngày nào tôi cũng gửi cho Fiorenxa một bông hồng đỏ. Tôi không tìm gặp nàng, không thư từ đính kèm theo hoa. Tôi chỉ gửi mỗi lần một đóa hồng giống mới lai tạo đẹp nhất, không ghi tên người gửi. Giờ thì tôi không gửi một bông nào nữa. Cách đây ba hôm, tôi được tin nàng không còn nữa. Mọi thứ trong thế gian này chẳng còn nghĩa lý gì đối với tôi nữa. Những đóa hồng thắm tôi lai tạo ra, toàn bộ công ty của tôi, tài sản của tôi chỉ tồn tại với mục đích duy nhất là để hàn gắn vết thương lòng kia. Giờ thì các bạn đã biết sự thật. Xin mọi người thứ lỗi, nếu như câu chuyện buồn của ông già lẩm cẩm này làm các bạn chán ngấy.

Một phút im lặng trôi qua. Sau đó có tiếng ghế bành bọc da kêu cọt kẹt hòa lẫn tiếng ai đó nói lao xao và một người dự họp đứng dậy. Đó là người đàn ông có mái tóc dày bạc trắng, giám đốc một công ty lớn. Với cặp mắt ngấn lệ, không chút ngượng ngùng, ông lên tiếng:

Thưa huân tước, câu chuyện quá tuyệt vời. Chúng tôi lấy làm vinh hạnh được mua lại công ty của Ngài và sẽ kế tục sự nghiệp của Ngài, vốn chất chứa biết bao nhiêu là bất hạnh, nhưng cũng trầm lắng biết bao nhiêu là tao nhã, cao thượng. Ngay hôm nay chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng.

- Xin cảm ơn và chúc ngài thành công- ông già đáp, rồi chống ba toong bước ra ngoài cùng viên thư ký đi theo hộ tống. Ông cảm nhận được những ánh mắt cảm phục, xúc động của khán phòng tiễn chân ông phía sau.

Về đến văn phòng, ông khép cửa lại. Nhấp ngụm trà do viên thư ký mang lại, ông phá ra cười.

- Cá đã cắn câu...

- Vâng, đúng thế- viên thư ký đáp.

- Khi nào phát hiện ra những vấn đề nan giải về tài chính chuyển sang phía người mua, hẳn lúc ấy họ sẽ khóc thét- ông già cười mỉm.

- Đúng vậy, thưa huân tước. Xin ngài thứ lỗi, chân thành mà nói, đời tôi từng chứng kiến biết bao vụ áp phe to nhỏ, nhưng không có vụ nào lại thực sự “tuyệt tác” như vụ của ngài.

- Nào là những đóa hồng đỏ thắm, nào là Venice, nào là bạn gái thời phổ thông xinh đẹp- đưa mắt nhìn ra phía cửa sổ, ông già lẩm bẩm. – Sao lại có những người ngây thơ đến vậy nhỉ?

Thay lời đáp, viên thư ký đưa cho ông già chiếc khăn tay.

- Thưa huân tước, ngài dùng khăn lau nước mắt đi ạ!

- Cười ra nước mắt- ông già đáp rất nhỏ trong cổ họng.

- Đương nhiên! – Viên thư ký nói xong, bước ra khỏi văn phòng, đưa tay kéo cửa, khép lại.

Còn lại một mình ông già ngồi im ắng trong cô đơn.

Đỗ Quyên | Báo Văn nghệ

Dịch theo bản tiếng Nga của IL.RU

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Người ở lại. Truyện ngắn dự thi của Thu Loan Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.