Văn hóa nghệ thuật

Các tác giả sách cho biết họ được trả ngày càng ít hơn

Khuất Thu Nam
Sách
09:22 | 11/04/2025
Đằng sau mỗi cuốn sách là tháng năm âm thầm của người viết, nhưng phần lớn tác giả Pháp hôm nay đang đối diện một thực tế phũ phàng: thu nhập không đủ sống, công sức không được ghi nhận xứng đáng. Viết lách không còn là giấc mơ sống được bằng đam mê. Với mức thù lao trung bình chỉ hơn 1 euro mỗi cuốn sách, đa phần nhà văn Pháp phải xoay xở bằng công việc khác để tồn tại. Một phần ba trong số họ cho biết quan hệ với nhà xuất bản đã xấu đi – một tín hiệu đáng suy ngẫm cho cả ngành xuất bản.
aa

Cứ ba năm một lần, Hiệp hội Tác giả Đa phương tiện (Scam) và Hội những người làm nghề văn chương (SGDL) tại Pháp lại công bố bản đo lường quan hệ giữa tác giả và nhà xuất bản. Trong khảo sát mới nhất, công bố ngày 9/4/2025 với gần 1.800 tác giả tham gia, một bức tranh u ám hiện lên: gần một phần ba tác giả (31%) cho rằng mối quan hệ với nhà xuất bản đã xấu đi trong ba năm qua, và chỉ có 8% cảm thấy tình hình được cải thiện.

Các tác giả sách cho biết họ được trả ngày càng ít hơn
Với mức thù lao trung bình chỉ hơn 1 euro mỗi cuốn sách, đa phần nhà văn Pháp phải xoay xở bằng công việc khác để tồn tại. Ảnh: ladepeche.

Không chỉ là những xung đột mang tính chuyên môn, 6% số người được hỏi cho biết họ đã trải qua các “khó khăn về hành vi” – một cách nói uyển chuyển cho các hiện tượng như quấy rối đạo đức, lăng mạ hay bạo lực giới. Thậm chí, hơn một nửa (52%) đang cân nhắc sử dụng một ủy ban hòa giải – sẽ được thành lập trong năm nay – để xử lý tranh chấp một cách ôn hòa.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 60% tác giả cho biết họ “nói chung hài lòng” với nhà xuất bản, đặc biệt là trong giai đoạn ký kết hợp đồng và phát triển bản thảo. Nhưng tình hình lại kém tích cực sau khi sách ra mắt, khi họ phải chờ đợi báo cáo doanh số, thanh toán bản quyền, quảng bá và phân phối.

Cái giá của nghề viết: 1.800 euro cho 18 tháng lao động

Nếu từng tin rằng nhà văn có thể sống dư dả nhờ vào ngòi bút, có lẽ đã đến lúc phải từ bỏ ảo tưởng ấy. Theo báo cáo, chỉ 20% số tác giả tham gia khảo sát cho biết nghề viết chiếm tới ba phần tư thu nhập của họ. Trong khi đó, đại đa số (60%) cho rằng viết lách chỉ mang về chưa đến một phần tư thu nhập hàng năm – một con số khiến nhiều người buộc phải tìm việc làm thêm để sinh sống. Trong nhóm có việc khác, 57% xác nhận họ không lựa chọn mà buộc phải làm vì lý do tài chính.

Tiền thù lao trung bình cho mỗi cuốn sách in tại Pháp là 8% giá bán chưa thuế – tương đương 1,53 euro cho một cuốn sách giá 20 euro – một mức gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua. Tức là một cuốn sách giá 560.000vnđ tác giả sẽ nhận được gần 43.000vnđ. Và khoản này chưa tính thuế.

Trong khi đó, lạm phát tại Pháp đã tăng hơn 27% kể từ năm 2009. Đáng nói, tới 68% tác giả cho biết họ nhận được chưa tới 3.000 euro tiền ứng trước trong hợp đồng gần nhất – và đây thường là khoản duy nhất mà họ có được.

Tiểu thuyết gia Isabelle Jarry, thành viên lãnh đạo của Scam, chia sẻ trong một cuộc thảo luận do Livres Hebdo tổ chức: “Có những thời điểm bạn làm việc trong 18 tháng, thậm chí hai năm cho một dự án học thuật – chưa nói đến tiểu thuyết – và bạn chỉ nhận được 1.800 euro (khoảng hơn 50 triệu đồng). Các nhà xuất bản có thể nói gì thì nói, điều này thật sự là một vấn đề.”

Một lời cảnh báo cho hệ sinh thái văn chương

Báo cáo cũng chỉ ra chênh lệch đáng kể về mức thù lao giữa các giới – một vấn đề tồn tại dai dẳng. Trong khi đó, 42% tác giả thừa nhận họ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài để hiểu được các điều khoản trong hợp đồng – một tỷ lệ cao phản ánh nhu cầu minh bạch hơn trong giao kết xuất bản.

Dù vậy, không phải không có những tia sáng tích cực. Tổng giám đốc Liên đoàn Xuất bản Quốc gia Pháp, ông Renaud Lefebvre, nhìn nhận một sự cải thiện “khiêm tốn nhưng nhất quán” trong cách đối xử với các tác giả mới. Theo ông, các hợp đồng đầu tay ngày nay tốt hơn nhiều so với trước đây – một tín hiệu đáng mừng nếu được nhân rộng.

Những số liệu nói trên không chỉ là tiếng thở dài của các cá nhân cầm bút, mà còn là cảnh báo cho toàn bộ hệ sinh thái văn chương. Khi người viết không thể sống được bằng nghề, khi mối quan hệ giữa họ và nhà xuất bản mang nhiều uẩn ức hơn tin tưởng, thì sự phát triển bền vững của văn hóa đọc và nền xuất bản cũng bị đặt trước dấu hỏi.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta không chỉ hỏi: “Làm sao để in ra một cuốn sách hay?”, mà còn phải hỏi: “Ai đứng sau cuốn sách ấy – và họ đang sống như thế nào?”

Khuất Thu Nam (dịch & tổng hợp)

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

Baovannghe.vn - Đài PT-TH Hà Nội vừa công bố dự án phim đặc biệt mang tên “Huyền tình Dạ Trạch”, lấy cảm hứng từ chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Baovannghe.vn - Năm 2024, trong mảng Đông dược, nhóm sản phẩm cao cấp đạt mức tăng trưởng 49%. Dòng sản phẩm nổi bật nhất là Boganic Premium tăng trưởng 36%.
Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình đặc biệt nằm trong loạt chương trình trọng điểm do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 16/4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ ba - Huế 2025.