Nửa đầu năm 2025, điện ảnh Việt chứng kiến một loạt “cột mốc” doanh thu ấn tượng: nhiều phim chạm mốc trăm tỷ, phòng vé sôi động, truyền thông mạnh mẽ, bài bản, khán giả quay lại rạp với sự tò mò rõ rệt. Nhưng phía sau bức màn thắng lợi ấy là một thị trường đang lên nhanh nhưng chưa kịp lớn khi những bước tiến về lượng chưa đi kèm với sự tinh lọc về chất hay định hình được một bản sắc riêng. Và điều đó khiến nửa năm 2025 đã trôi qua vừa đáng kỳ vọng, vừa để lại nhiều suy ngẫm.
Sự thành công của các bộ phim Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay củng cố mạnh mẽ cho nhận định: Khán giả Việt vẫn luôn thích phim Việt. Lần đầu tiên, điện ảnh Việt tạo ra một hiện tượng chưa từng có tiền lệ: tổng doanh thu các phim vượt mốc 1000 tỷ đồng chỉ sau ba tháng, một cột mốc mà chỉ vài năm trước còn nghĩ đó chỉ là mộng tưởng.
Cái tên mở màn cho làn sóng ấy là “Bộ tứ báo thủ” - phim Tết đại thắng của đạo diễn Trấn Thành với hơn 330 tỷ đồng, kéo theo chuỗi phim có doanh thu tốt nối đuôi nhau: “Nhà gia tiên” (242,5 tỷ), “Nụ hôn bạc tỷ” (211 tỷ đồng), “Đèn âm hồn” (106 tỷ đồng), “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” (87,3 tỷ đồng) và mới nhất là “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” và “Lật mặt 8: vòng tay nắng” vừa gia nhập danh sách này. Một vài phim không đạt trăm tỷ như “Yêu nhầm bạn thân”, “Âm dương lộ” hay “Tìm xác” vẫn có doanh thu từ trung bình đến khá, cho thấy thị trường đã mở rộng đáng kể cả về quy mô lẫn tần suất khán giả ra rạp.
Sự bùng nổ này là một dấu hiệu tích cực, cho thấy phim Việt đang tạo ra được sức cạnh tranh nhất định, không chỉ so với phim ngoại mà còn so với chính mình trong các năm trước. Các nhà sản xuất hiểu hơn về thị hiếu, tâm lý khán giả, truyền thông số, hiệu ứng viral và chiến lược phát hành. Sự lan truyền trên mạng xã hội, các chiến dịch quảng bá bài bản và thời điểm ra rạp khôn ngoan đã góp phần không nhỏ vào thành công thương mại của loạt phim vừa qua. Tuy nhiên, nếu bóc tách lớp vỏ rực rỡ ấy ra, vẫn còn đó những câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ: Chúng ta đang xây dựng một nền điện ảnh ăn khách, hay chỉ đang chạy theo thị hiếu ngắn hạn? Bởi không ít phim trong danh sách “trăm tỷ” bị đánh giá là thiếu chiều sâu, kịch bản vụng, nhân vật hời hợt, lạm dụng yếu tố giải trí để che lấp cấu trúc yếu.
Như nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng (Thất Sơn tâm linh, Đèn âm hồn…) nhận định: “Thị trường điện ảnh Việt Nam đang vào giai đoạn phát triển mạnh, mở ra cửa sổ cơ hội may mắn từ năm 2024-2025-2026, bởi phim Hollywood đang yếu, phim Hàn Quốc cũng đang có dấu hiệu chững lại, thị trường OTT (Netflix, Galaxy Play, K+...) đang thiếu phim Việt Nam. Vì thế, những bộ phim sản xuất chỉn chu và có cái để khán giả xem thì có thể phát hành, tối đa hóa nguồn thu cho các nhà sản xuất. Vì vậy phim điện ảnh Việt đang có khả năng đạt doanh thu cao dễ dàng hơn. Nhưng cũng cần phải lưu ý, doanh thu cao không đồng nghĩa với chất lượng tổng thể của phim sẽ cao”.
![]() |
Phim "Thám tử Kiên - Kỳ án không đầu". Ảnh Internet |
Hai cái tên được khen ngợi nhiều nhất nửa đầu năm 2025 vừa qua bất ngờ là hai tác phẩm vốn thuộc dòng phim được coi là kén khách ở thị trường điện ảnh Việt. Đó là “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, thuộc thể loại chiến tranh và “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của đạo diễn Victor Vũ thuộc thể loại trinh thám, bí ẩn.
Lý giải cho sự thành công này, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng cho rằng hai bộ phim đều có chất lượng sản xuất (production value) rất tốt, vượt hẳn các phim khác. Thứ hai là do khán giả đang ngán ngẩm với quá nhiều phim kinh dị nên khi dòng phim chiến tranh hay trinh thám - cổ trang xuất hiện, khán giả cảm thấy thích thú và quan tâm hơn. “Tôi nghĩ làm phim là một nghệ thuật sáng tạo, muốn thành công phải đi ngược với thị trường và phải vươn lên tạo trend bằng sự khác biệt độc đáo của mình”, nhà sản xuất này đánh giá.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt bổ sung thêm: “Hiện nay, mặt bằng chung khán giả đã nâng cao rất nhiều về thị hiếu xem phim, một phần bởi sự tiếp cận nhanh chóng với các tác phẩm hay từ nền tảng phim trực tuyến của thế giới, và đó cũng là lý do khiến họ tích cực, tự tin hơn trong việc phản hồi với các phim tốt, đồng thời cũng phản ứng với các phim không tốt.
Với những phim có đề tài khác biệt với dòng chảy giải trí như “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” hay “Thám tử Kiên: kỳ án không đầu”, sự ủng hộ của khán giả rõ ràng đã tạo nên những hiệu ứng cho cả hai tác phẩm, bên cạnh chiến dịch truyền thông của team sản xuất. Còn với giới chuyên môn, đây cũng là cơ hội để tiếng nói của họ - thông qua các phim chất lượng - tạo thêm những cú hích trong việc nâng cao tay nghề ngành sản xuất phim so với mặt bằng chung điện ảnh trong khu vực”.
Tuy nhiên, cùng với đó là sự thất vọng về “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” hay “Bộ tứ báo thủ” dù đến từ những tên tuổi đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Điều này cho thấy các nhà làm phim dù giàu kinh nghiệm đến mấy cũng không thể chủ quan, lơ là. Họ cần dành thời gian nghiên cứu kịch bản, xây dựng tác phẩm với sự tính toán kỹ càng hơn thay vì chạy theo “deadline” định sẵn. Còn với những cái tên mới xuất hiện như Hoàng Nam (Đèn âm hồn) hay Thu Trang (diễn viên hài tên tuổi nhưng chỉ mới lần đầu làm đạo diễn), các tác phẩm đầu tay còn cho thấy sự non nớt và thiếu logic trong kịch bản, đòi hỏi những nỗ lực nâng cao chuyên môn từ bản thân các nhà làm phim.
Về phía các bộ phim độc lập như “Mưa trên cánh bướm” (doanh thu gần 650 triệu đồng) hay “Culi không bao giờ khóc” (rời rạp với 603 triệu đồng), doanh thu vẫn phản ánh sự khó tiếp cận của dòng phim này với khán giả đại chúng và tiếp tục là bài toán nan giải với các nhà làm phim chọn đề cao tính sáng tạo và đột phá trong ngôn ngữ điện ảnh, luôn mong muốn được trở về quê nhà sau những hành trình chu du, chinh phục các liên hoan phim ở nước ngoài.
Đánh giá về thị trường phim Việt sắp tới, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng cho rằng: “Đáy của phim Hollywood là vào năm 2025 và bắt đầu sẽ phục hồi lại vào năm 2026, cho nên phim Việt Nam có thể sẽ lên đỉnh doanh thu trong năm 2025. Tuy nhiên sau 30-4 là một loạt những phim Việt có ngân sách trung bình, trong đó có khá nhiều phim của đạo diễn đầu tay được phát hành san sát nhau - gần như 1-2 tuần một phim, chắc chắn sẽ là một mùa hè thất bát, nhất là chưa bao giờ phim Việt có được mùa phim hè thực sự. Sau đó, tôi hy vọng từ 2-9 đến cuối năm, phim Việt sẽ khởi sắc lên lại với nhiều phim có chất lượng cao như “Mưa đỏ” (Đặng Thái Huyền), “Ai thương ai mến” (Thu Trang), “Làm giàu với ma 2” (Nguyễn Nhật Trung), “Cục vàng của ngoại” (Khương Ngọc), “Khế ước bán dâu” (Lê Văn Kiệt)…”.
Về phía nhà phê bình Nguyễn Phong Việt, anh cho rằng năm nay đang chứng kiến sự bùng nổ của dòng phim kinh dị tại Việt Nam (nối tiếp năm 2024), tuy nhiên có thể sau đó cũng sẽ chứng kiến sự thoái trào của dòng phim này với thất bại của một vài phim kinh dị rất tệ trong thời gian gần đây. “Tôi tin phần còn lại của năm 2025 sẽ rất áp lực với các tác phẩm chuẩn bị được đưa ra trình chiếu khi sự đòi hỏi của khán giả càng lúc càng nhiều hơn về chất lượng. Thị trường sẽ còn hai mùa phim rất khốc liệt nữa là vào dịp lễ 2-9 và dịp Giáng sinh”, anh nói.