Sự kiện & Bình luận

Bước ngoặt của báo chí

Minh Trung
Chính trị xã hội 07:00 | 20/06/2025
Baovannghe.vn- 9h, bước vào một quán cà phê gần trung tâm Hà Nội, người trẻ nhộn nhịp ra vào. Đi qua một bàn nơi có hai cô gái ăn mặc thời thượng, mỗi người một chiếc điện thoại thông minh trên tay, màn hình ánh lên màu xanh của mạng xã hội xuất xứ từ Mỹ Facebook.
aa

Đâu đó, tiếng một TikToker cất lên qua ứng dụng của công ty Trung Quốc ByteDance, đang “buôn chuyện” không ngưng về một thông tin nóng. Báo giấy, xưa kia thường xuất hiện bên ly cà phê như một biểu tượng cho buổi sáng của giới trí thức, nay đã “tuyệt không dấu vết” nơi đây.

Những ngày tháng 6 năm 2025 này là cột mốc quan trọng, đánh dấu nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi. Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang một thế kỷ qua, báo chí luôn đồng hành cùng sự nghiệp phát triển đất nước. Giờ đây, ở kỷ nguyên số, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), báo chí đứng trước ngưỡng của sự biến đổi sâu sắc.

Bước ngoặt của báo chí
Tại lễ trao giải báo chí Búa liềm vàng, tháng 1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự hòa mình vào dòng chảy của thực tiễn cuộc sống, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt tư tưởng và đồng hành với những bước đi lớn”. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Báo chí trong dòng chảy số

Trên thực tế, hoạt động báo chí đã có những thay đổi lớn trong hơn một thập niên qua. Theo số liệu từ Cục Báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số phát hành báo in năm 2013 đạt 1,1 tỷ bản; đến năm 2022, con số này chỉ còn 250 triệu bản. Trong vòng 10 năm, lượng báo in phát hành theo bản đã sụt giảm 77%. Ngược lại, báo điện tử có sự bùng nổ về lượt truy cập và phát triển vượt bậc. Người đọc dịch chuyển từ hình thức báo in sang báo chí trên nền tảng số đã trở thành hiện thực không thể đảo ngược.

Thông tin số, nội dung số trên các nền tảng cũng phong phú, phản ánh nhịp đập của đời sống hiện đại. Theo báo cáo DataReportal, tính đến tháng 1/2025, Việt Nam ghi nhận 76,2 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 75,2% tổng dân số. Hơn 95% người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội. Các trang thông tin tổng hợp cũng hoạt động mạnh. Theo thống kê từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 2.012 trang tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoạt động. Dữ liệu trên cho thấy báo chí trên môi trường số, các loại hình truyền thông trên Internet đang có sự bùng nổ và lan tỏa mạnh mẽ.

Ghi nhận mặt tích cực, song ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - đánh giá sự phát triển của các loại hình truyền thông Internet là “con dao hai lưỡi”, có tác động tiêu cực tới báo chí nói riêng và nhiều lĩnh vực xã hội nói chung. “Không gian số đã trở thành môi trường, công cụ thuận lợi để một số đối tượng, thế lực thù địch thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc đường lối chính sách, bịa đặt thông tin gây hoang mang dư luận; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”, ông Lê Quang Tự Do nhận định.

Mạng xã hội là môi trường cho tin giả, nội dung do AI tạo chưa được kiểm chứng phát tán. Điều này khiến công chúng suy giảm niềm tin, độc giả hoang mang, đặt câu hỏi về các nền tảng cung cấp thông tin nói chung. Trong khi báo chí luôn hoạt động với quy chuẩn nghiệp vụ nghiêm ngặt, ràng buộc bởi các quy chuẩn đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục… thì mạng xã hội có thể tức thì truyền tải thông tin mà không cần kiểm chứng. Điều này khiến nhân sự báo chí đang lao động dưới áp lực kép, vừa phải chạy đua tốc độ, vừa giữ chuẩn mực nghề nghiệp.

Bên cạnh cạnh tranh về nội dung, hình thức, phương thức truyền tải, kinh tế báo chí cũng đang trong cuộc đua sống còn. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2024 cho thấy doanh thu báo in và điện tử ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm 6,1% so với năm 2023. Quảng cáo báo in và báo điện tử giảm 5,6%. Ngay từ năm 2020, ông Lê Quốc Minh (khi đó là Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) đã chỉ ra rằng quảng cáo số của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với Google, Facebook khi một nửa chi phí quảng cáo số chạy sang túi của hai “gã khổng lồ” này. Hiện nay, nhiều nền tảng, ứng dụng xuất hiện đi kèm quảng cáo số khiến doanh thu quảng cáo của báo chí ngày càng thu hẹp.

Ngọn cờ dẫn dắt tư tưởng, lan tỏa niềm tin bước vào kỷ nguyên mới

Giữa giao lộ của đổi thay, báo chí luôn nhận được sự quan tâm, định hướng của Đảng, Nhà nước. Tại lễ trao giải Búa liềm vàng vào tháng 1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự hòa mình vào dòng chảy của thực tiễn cuộc sống, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt tư tưởng và đồng hành với những bước đi lớn của Đảng, tạo sự lan tỏa niềm tin, trách nhiệm, khát vọng phát triển trong mọi tầng lớp nhân dân. Những đóng góp ấy không chỉ là thành quả lao động sáng tạo mà còn là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, và trách nhiệm xã hội của đội ngũ báo chí trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình”.

Trong kỷ nguyên số, báo chí cần tiếp tục dẫn dắt và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong tiếp nhận thông tin. Qua bài viết Báo chí cách mạng Việt Nam: Ngọn cờ tư tưởng, động lực to lớn góp phần đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Thế kỷ tới, báo chí cần tiếp tục là lực lượng dẫn dắt dư luận, kiến tạo niềm tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Để thực hiện được điều đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng trước hết, báo chí cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn, toàn diện về những thách thức to lớn mà công nghệ số, AI đang tác động. Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cũng chủ trương sửa đổi Luật Báo chí để tháo gỡ điểm nghẽn, kiến tạo không gian phát triển rộng lớn. Trong bối cảnh báo chí, truyền thông đã vượt khỏi biên giới truyền thống, lan rộng trên nền tảng số toàn cầu, tư duy “Quản lý hành chính thụ động” cần chuyển sang “Quản trị phục vụ gắn với truyền thông số và kết nối dữ liệu”.

Bàn về giải pháp ứng dụng AI trong hoạt động báo chí ở Việt Nam thời gian tới, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, hiện là Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật - cho rằng cần xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi mô hình hoạt động báo chí truyền thông trên nền tảng đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trong đó công nghệ trí tuệ nhân tạo là nòng cốt, góp phần làm tốt hơn nữa công tác thông tin - tư tưởng. Khuyến khích sáng kiến và thúc đẩy ứng dụng sâu rộng công nghệ mới trong hoạt động báo chí, bồi dưỡng nhân lực báo chí đa phương tiện… là những giải pháp mà PGS.TS Vũ Trọng Lâm đề xuất.

Về kinh tế báo chí trong kỷ nguyên số, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân, nêu xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang thực hiện là đa dạng hóa nguồn thu. Đó là tạo nguồn thu từ quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu… PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, cho rằng cần thay đổi nhận thức về kinh tế báo chí: “Đã đến lúc phải coi báo chí là một ngành kinh tế, các sản phẩm báo chí là hàng hóa đặc thù, cơ quan báo chí có cơ chế hoạt động như doanh nghiệp. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải tư duy theo hướng tờ báo của mình là một công ty trong ngành công nghiệp tin tức, và phải tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả cho tòa soạn mới có thể giải quyết triệt để và tạo ra nguồn sinh khí mới cho kinh tế báo chí Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới”.

Báo chí đang đứng trước thách thức đổi mới để phát triển ở kỷ nguyên thông tin số bùng nổ; ở đó, vũ khí để cạnh tranh chính là mang tới sự thật - giá trị cốt lõi của mình. “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu phấn đấu của báo chí.

Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Baovannghe.vn - Sáng 25/7, tại tỉnh Ninh Bình, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức khai mạc Lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH).
Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Baovannghe.vn - Ông bà ngoại tôi là người Hungary, nhưng ông ngoại lại học hành ở Đức. Mặc dù Hungary là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, ông vẫn thích tiếng Đức hơn tất cả các ngôn ngữ khác mà ông nói được.
Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Baovannghe.vn - Lần đầu tại Việt Nam, một ca động kinh kháng trị ở trẻ em được điều trị thành công bằng công nghệ robot định vị AutoGuide. Ca phẫu thuật do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP.HCM) thực hiện đánh dấu bước đột phá trong điều trị bệnh lý thần kinh phức tạp, mở ra hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân động kinh tại Việt Nam.
Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Baovannghe.vn - “Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn 2025” sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong 2 ngày 26 & 27/7 với nhiều hoạt động phong phú nhằm lan tỏa những giá trị truyền thống
Hoa hồng nở trước ngõ - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Hoa hồng nở trước ngõ - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Baovannghe.vn- Dù giá rét, dù mưa dầm, nắng cháy/ Em vẫn cười rạng rỡ đến kiêu sa