Sáng tác

Buổi ấy, bầu trời chiều hạ. Truyện ngắn của Hữu Phương

Hữu Phương
Truyện
08:15 | 16/11/2024
Baovannghe.vn - Trong bộ đồ pizama nâu tươm tất, thường mặc kể từ ngày nghỉ hưu, ông Sáu nức nủm chuẩn bị đón khách quý từ bên kia đại dương.
aa

Hôm qua được trên báo về, rằng hôm nay có khách quý. Ông phải dậy sớm, tranh thủ ra phóng xe đồng, dặn dò bà vợ mấy điều về chăm sóc đám ruộng gieo giống nếp mới lại tạo được, rồi mới yên tâm về đón khách.

Ngày xưa, lõm bõm được mấy câu giao tiếp bằng tiếng Nga, giờ khách đến từ Mỹ, ông phải lẩm nhẩm mấy câu tiếng Anh. Chưa đến chín giờ trưa, nghĩa là còn buổi sáng, ông phải dùng câu chào buổi sáng. Bất giác, ông vuốt bộ râu chăm tỉa của ông già Việt, tủm tỉa cười. Nụ cười hiền khô của ông già miền Trung, khuôn mặt rám nắng còn lưu những nét dễ thương. Lạ, không biết nguyên cớ từ đâu, cách răng, mỗi vùng đất trên mặt địa cầu, có một ngôn ngữ riêng, học phát âm đến sái quai hàm...

Kia rồi! Tiếng lao xao cùng bước chân rộn rập của một nhóm người ngoài đường xóm. Ông thấy ngốt ngát, muốn ngộp thở khi hiện ra trước ngõ, lênh khênh một ông già người Mỹ, nom như một thương gia. Mũ phớt rộng vành, áo xanh kẽ sọc đóng phăng, quần âu trắng, cùng vài ba người Việt đi theo. Có lẽ họ là cánh phóng viên được dịp tháp tùng lấy tin. Tất nhiên, ráo rức bu quanh họ, lũ trẻ con xóm này hớn hở lao nhao chỉ trỏ. Helo! Good morning! Mr Benton!... Môi ông Sáu tức thì bật ra mấy từ tiếng Anh đã nhẩm thuộc làu. Ốô... Xin chào! Chào ông Sáu Việt Nam anh hùng!... Hả? Ông Sáu mở to mắt kinh ngạc. Rổn rức. Sao cái tay Benton người Mỹ già này, nói tiếng Việt sõi thế nớ? Lại toàn âm sắc thổ ngữ miền Trung quê ông?

Tuồng như hiểu cái nhìn lạ lùng ấy của ông Sáu, lão Benton rỏn rẻn, có chi mô, tui học tiếng Việt từ ông láng giềng người Huế di tản sang. Bốn mươi năm đó, ông nờ! Hây zà!.. Ông Sáu hiểu ra, nắc nỏm, nếu có một người Mỹ ở bên cạnh bốn mươi năm, chắc tui cũng thạo tiếng Anh như ông thôi, hỉ? Phải, phải!... Mr Benton cười, gật đầu liền mấy cái, ra chiều tâm đắc.

Ông Sáu nắm tay ông già người Mỹ, dắt vào dưới giàn bầu giữa sân, nơi đặt sẵn bàn trà tiếp khách. Trên đầu, lá bầu đan kín một vòm xanh. Đôi ba hạt nắng rơi xuống nền đất, như những quả trứng vịt. Ông Benton, dù được người Việt láng giềng trang bị kỹ về ngôn ngữ Việt miền Trung, vẫn há hốc miệng trước giàn bầu. Giàn toàn bằng tre. Các cột chống bằng tre gốc già. Các thanh ngang dọc bằng thân tre như những đòn tay. Mặt giàn bằng phên tre đan thưa, dọn chỗ cho những trái bầu thõng xuống. Lá bầu to như lá sen, kết một vòm trời màu lục trên đầu, thoáng và mát hết nỗi.

Những quả bầu to nhỏ các cỡ, các hình thù, treo lủng lẳng đó đây dưới giàn. Có loại trái thẳng đuột, dài cả mét. Có loại to tròn, hao hao quả bí rợ. Có loại trái eo thắt giữa lưng. Ông Sáu hiểu cái nhìn lạ lẫm ấy của ông Benton, đến gần mấy trái. Chỉ tay vào trái tròn to bằng cái thúng, nom như quả bí rợ, đây là giống bầu chèng. Này xưa quê tôi là vùng mía mật, chuyên sản xuất đường thủ công. Người ta để quả bầu chèng già sụm, ngâm nước súc sạch ruột, rồi đan cái lưới mây bọc ngoài cho khỏi vỡ. Dùng đựng mật mía đang sôi múc từ chảo ra, trước khi rót vào khuôn. Còn đây là giống bầu cặc voi, năng suất cao. Đây nữa, là giống bầu eo, hay gọi bầu nậm. Á a!... Ông Benton reo lên, có phải dùng làm nậm rượu? Phải, phải! Chính nó! Ông Sáu gật đầu, nhưng phải để thật già, khô khén, ngâm nước súc rỗng ruột. Nói xong, ông Sáu đi nhanh vào nhà, cầm ra một nậm rượu rất đẹp, nút lá chuối khô. Khách và chủ xúm lại, mỗi người nâng một ly mắt trâu, uống cạn. Óa!... Khách cùng lúc thốt lên. Mr Benton chưa thôi nhấp lưỡi, Việt Nam có thứ rượu ngon thế ni, a răng? Ông Sáu cười rỉ rủng, rượu cuốc lủi đựng bầu nậm, nút lá chuối khô, là ngon nhất hạng đấy!..

Bị giàn bầu cuốn hút, hay ly rượu ngon sai khiến, Mr Benton chắp tay sau lưng, đi bách bộ một vòng dưới giàn bầu. Lại ngạc nhiên thấy rải rác treo lỏng dỏng dưới giàn, mấy chùm hoa sim đã khô, mấy bông lúa tươi đã héo, mấy vỏ cua biển đỏ au gió thổi phất phơ. Ông Sáu theo sau giảng giải, để bầu sai trái đó! Ông Benton cười, hiểu đó là phong tục dân gian. Chưa hết, lại một phong tục gì nữa đây, khi một quả cặc voi, bị cắt một phần phía dưới, phần còn lại phía trên vẫn treo thân cây, nhựa ứ quanh vòng tròn vết cắt. Ông Sáu khẽ khàng phân bua, nhà ít người, ăn một lúc không hết, cắt vào để bầu héo trong nhà mất ngon. Nên để trên cây, cắt ăn dần... Mr Benton trố mắt, ra chiều tâm đắc, đi một ngày đàng, học một sàng khôn!... Mr Sáu ta bật lời khen, ông rứa là giỏi, vận dụng thành ngữ Việt khá nhuyễn. Như cởi tấm lòng, Benton rổn rảng, tiếng Việt độc và hay. Hay đáo để. Độc nhờ sáu thanh âm liến láu, sinh ra thơ lục bát, song thất lục bát, ca dao, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, hay vô song! Rứa mà, xin lỗi, có ông giáo sư chi đó, bày đặt cải tiến tiếng Việt, bỏ dấu đi, rồi phát âm xí xố như tiếng Tàu, thật phí phạm văn hóa, không thể hiểu! Cám ơn ông đã chia sẻ, ông Sáu rắc rủm thích thú trong lòng...

Có lẽ hai ông già, từ hai nửa địa cầu xa ngái, hơn bốn mươi năm qua không ngừng nghĩ về nhau, giờ gặp nhau thì như quen thân từ lâu lắm. Họ kéo nhau lại bàn trà giữa sân. Ở đó, nước chè xanh và rượu ngon chờ tuổi họ. Cuộc gặp gỡ dù biết trước, hẹn trước, cả hai vẫn bàng hoàng, như vừa tỉnh giấc mơ. Cả hai bỗng ôm choàng lấy nhau, như thể xa nhau bao năm giờ gặp lại. Ông Benton cao lớn, đầu hói quá đỉnh, làn da trắng hồng nổi lên giữa những người Việt da ải vàng. Ít tuổi hơn, nhưng gương mặt ông nhiều nếp nhăn chảy xệ. Ngược lại, ông Sáu cao chỉ đến tai ông Benton, nhưng rắn rỏi quắc thước. Dáng vẻ đặc trưng ông già Việt thuần túy. Gương mặt chữ điền hơi dài. Râu ba chòm muối tiêu. Mái tóc bạc quá nửa hói thưa. Đôi mắt còn khá tinh nhanh, nom trẻ trung và nhẹ nhõm hơn ông Benton chút ít.

Buổi ấy, bầu trời chiều hạ. Truyện ngắn của Hữu Phương
Ảnh: pixabay

Rượu cuốc lủi và nước chè xanh miền Trung, cho ông Benton một khoái cảm rất lạ. Bùi ngùi và rổn rức. Ông Benton chưa thôi ngước nhìn giàn bầu trên đầu, thốt thắc, ông có một bầu trời xanh rất lạ, khác với bầu trời ta chạm nhau buổi ấy. Tức thì, như chạm trúng mạch, môi ông Sáu bật ra, buổi ấy... bầu trời chiều hạ, ông hỉ? Phải, phải! Ông Benton gật đầu lia lịa, chúng tôi quyết định đánh du kích. Hì hì... Ông Benton dừng lại, cười cười, đánh du kích là chiến thuật người Mỹ học từ người Việt đấy. Lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, người Việt có từ thời Nguyễn Trãi, phải không ông? Đúng thế, để bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lăng của các quốc gia cường bạo, cha ông chúng tôi đã sáng tạo cách đánh ấy. Đến thời chúng tôi, chiến tranh du kích được nâng lên, thành nghệ thuật chiến tranh nhân dân...

Tôi hiểu! Tôi hiểu!... Ông Benton thỏn thẻn, nhưng người Mỹ không thuộc bài, ông nạ. Đó là năm 1972, Thủ đô Hà Nội nước Việt sau một ngày quần nhau tơi tả với đủ loại máy bay Mỹ, trong đó có pháo đài bay B52 chết chóc, đã tạm lắng. Cánh không quân Mỹ giãn ra nghỉ ngơi, không quân Việt chắc cũng thế, trả bầu trời lại cho những cánh chim chiều. Chúng tôi được lệnh bí mật thực hiện đánh du kích. Từ một hạm tàu ngoài khơi Vịnh Bắc bộ, chúng tôi bay khá thấp trong biên đội hai chiếc F.4J tối tân của Hải quân Mỹ bấy giờ, lẻn vào đánh trộm sân bay Nội Bài. Một đòn đánh du kích, hiểm và độc, trên bầu trời. Chắc mẩm, bỏ túi một chiến công sáng chói. Mường tượng hôm sau, rần rật các trang báo, các đài phát thanh trên thế giới, bội thu mùa tin. Một tin tức nóng rực, vào hàng động trời. Rằng sân bay Nội Bài, cùng nhiều chiến cơ nước Việt, bị hai máy bay Mỹ thiêu rụi tan tành...

Ông Benton dừng lại mấy giây. Gương mặt ngang dọc nếp thời gian, nửa đăm chiêu như hồi tưởng, nửa thảng thốt vì điều không tưởng. Đoạn khẽ khàng nói tiếp, nhưng không ngờ, chúng tôi đã gặp phải một phi công Việt vào bậc lão luyện. Ấy là ông Sáu đây, trên chiếc MiG-21U...

Hì hì!... Chừ tôi vẫn còn nhớ! Ông già Sáu vuốt râu cằm theo thói quen, cười hóm hỉnh, lấp lánh đôi mắt có tuổi, khi chạm đến kỷ niệm rói tươi. Lúc đó, tôi và anh bạn ngồi lái phía sau, cũng có phần bị bất ngờ... Ông già Benton kinh ngạc, rứa mà chúng tôi nghĩ ông phục kích chúng tôi đấy. Quả thật, với thế chủ động của kẻ đi cắn trộm, lại ở tình huống hai đánh một không chột cũng què, chúng tôi vây đánh ngay. Quyết nướng giòn cái MiG-21U đối phương đơn độc giữa bầu trời. Miếng mồi ngon đang nằm gọn trong vòng vây biên đội thiện chiến. Nhanh chóng thực hiện các thao tác ưa thích, đưa đối phương vào tâm ngắm, vào điểm chết. Không thể khác. Và ấn nút phóng tên lửa...

Ông già người Mỹ Benton dừng lại, nhìn sâu vào đôi mắt ông già người Việt đối diện, như muốn hỏi, cái gì đã xảy ra hôm đó? Ông Sáu không hay biết, vẫn theo mạch trí nhớ của mình. Ông và người đồng đội, thoạt đầu không biết gì. Sau khi hoàn thành các thao tác phục kồi kỹ thuật, hai người đang cơ động nhẹ nhàng, đưa chiếc MiG-21U về vòng ba, thảnh thơi chuẩn bị hạ cánh. Anh bạn người Nga ngồi sau, chắc đang thầm tiếc, cuộc dạo chơi bầu trời hiếm hoi kết thúc. Thốt nhiên, ông linh tính có điều gì đó bất thường. Liếc ống kính quan sát, ông giật mình. Có hai làn khói vừa phụt ra từ hai chấm đen phía sau, cách vài cây số. Khoảng cách ấy với các máy bay phản lực trên trời, chỉ là cái gang tay. Tắp lự, ông kéo giật cần lái, chiếc MiG-21U vèo như cánh én, bay chéo xuống đất, tránh hai tên lửa vụt qua trên lưng. Đồng thời tức khắc, kéo vọt lên, vòng chiến đấu gắt, tạo ngay thế đối đầu kẻ thù...

Viên phi công già người Mỹ rổn rển lắc đầu, sau cú cắt chéo xuống đất, tránh hai quả tên lửa chết chóc, rồi tức thì quay ngoắt vút lên đối đầu, tôi rụng rời chân tay. Mất cả hồn vía! Hiểu rằng, mình gặp một đối phương không vừa, cực kỳ khó chơi trên bầu trời. Quả thật, sau mấy cú ngoặt gấp đáo để đó, chiếc MiG-21U của ông từ thế bị động, giành được thế chủ động. Biên đội tôi bao vây, ba bốn lần nữa bắn thêm mấy quả tên lửa. Nhưng chiếc MiG-21U của ông, vẫn nhảy múa giữa bầy sói...

Ông già Sáu tỏn tẻn cười, mỗi lần thấy một trong hai máy bay đối phương giãn ra vòng ngoài, biết các ông tạo thế chuẩn bị bắn tên lửa, tôi lại nghiến răng nghiến lợi kéo cần lái, xoay chiếc MiG-21U vào thế đối đầu. Vòng lượn gấp. Quyết không cho đối phương có điều kiện bắn trúng. Vì thế, những chiếc F.4J của các ông, thêm mấy lần phóng tên lửa, đều trượt vèo gang tấc...

Cả hai chợt im lặng một lúc, như thể thấm thía những năm tháng quăng quật trên bầu trời. Cuối cùng, ông Benton trầm ngâm nói, tôi bái phục lối đánh du kích trên bầu trời của phi công nước Việt. Không quân Mỹ hùng hậu cả một binh chủng có tự thế chiến thứ hai. Trong khi không quân nước Việt quá non trẻ, lại trang bị phần lớn MiG-17 thô sơ nhỏ bé. Nhưng chiến đấu mưu mẹo, ngoan cường và già giặn. Mỗi chiến cơ nước Việt trên trời, như có linh hồn. Cả chiếc MiG-21U lúc đó cũng thế, nó hệt một người lính cảm tử. Khi thấy hai ông nhảy dù rồi, mà nó một mình cứ nhằm vào chiếc F.4J của chúng tôi, quyết lao tới...

Viên phi công già người Việt cảm kích thốt lên, quả có như thế! Chúng như những con tuấn mã bầu trời của chúng tôi. Sau mỗi trận đánh, chúng tôi chăm sóc, bảo dưỡng, lau chùi, ôm ấp vuốt ve chúng như người đồng đội thân thiết. Chúng hiểu được tình cảm chúng tôi, tình yêu chúng tôi. Và thấm nhiễm tinh thần chiến đấu ngoan cường, quyết xả thân bảo vệ cõi đất, vùng trời, mặt biển Tổ quốc của người lính Việt. Và khi lâm trận ngặt nghèo, không thể khác, thì tìm cách cưa đôi cái chết với kẻ thù...

Hèn chi! Ông Benton như ngộ ra cái gì đó. Khi thấy hai ông đã rời buồng lái trên hai chiếc dù, chiếc MiG-21U vẫn một mực nhắm chiếc F.4J của tôi lao tới. Như thể nó đã được cài đặt, cho hành động cảm tử. Quá gần, tích tắc hai chúng tôi hoảng hốt, không kịp xử lý tình huống, cũng vội kéo cần nhảy dù...

Tình tiết bất ngờ ấy giờ mới biết, khiến ông Sáu bổi hổi xúc động. Nước mắt ứa ra. Hóa ra, có chuyện lạ lùng đó sao? Lúc đó, thoáng thấy đèn tín hiệu chuyển đỏ, sáng lập lòe trong buồng lái, báo sắp hết dầu. Ông nhẩm tính, với chế độ tăng lực khủng khiếp như thế này, chỉ còn trên dưới một phút. Phải thoát khỏi máy bay trước khi nó phát nổ. Giờ nghe viên phi công Mỹ kể, ông Sáu thấy cũng lạ lùng, chiếc MiG-21U trước khi hy sinh vì hết dầu, hình như nó không chịu chết một mình, muốn mạng đổi mạng với kẻ địch. Ông nhớ, bằng một động tác kỹ thuật tuyệt đỉnh có một không hai, chiếc MiG-21U dựng thẳng lên, ngay đó, lộn vòng xuống, làm động tác nửa vòng chiến đấu thật gấp. Ông và người đồng đội ngồi sau hiểu ý, kéo chốt nhảy dù. Chiếc máy bay không người lái một mình lao đi. Sém nửa giây sau, một tiếng nổ dữ dội như sét đánh, kèm một khối lửa đỏ rực, bung lên như hỏa diệm sơn giữa bầu trời. Ông thầm thương chiếc MiG-21U không dầu, không người lái, bị tên lửa đối phương bắn cháy trên trời. Không ngờ, đó là khối lửa chung, của hai máy bay phản lực không còn người lái, của hai chiến tuyến, giáp chiến đâm nhau trên không...

Ông Sáu còn nhớ, khi ông và người đồng đội cầm lái số hai chạm chân mặt đất, ngoái nhìn bầu trời, đã thấy hai chiếc dù phi công Mỹ, như hai con sứa đỏ, dập dềnh trôi trên bầu trời, chếch chỗ ông một quãng. Ông vẫn không hiểu, chuyện gì đã xảy ra với hai viên phi công Mỹ trên chiếc F.4J kia.

Ông Benton ngậm ngùi, chiến hữu của tôi không may, rơi xuống đúng cái hồ sâu, chiếc dù trùm lấy người, ngạt nước chết. Là sau này ở trại giam, tôi có hỏi vị giám thị, được viết như thế. Tôi may mắn được người dân ở đấy, nén cơn giận dữ bạo tợn, giật phăng chiếc mũ phi công trên đầu. Lúc đó, tôi hiểu rằng, người dân ở đây cảnh giác rất cao. Họ đã được biết cấu tạo lợi hại của chiếc mũ bay. Bên trong mũ tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ phi công, trong đó có micro và tai nghe, cho phép liên lạc với đội hình bay và mặt đất. Chậm trễ, phút sau bầu trời đã vòng trong vòng ngoài các loại máy bay đối phương đến ứng cứu. Vòng tiêm kích, đánh chặn tiêm kích đối phương. Vòng cường kích đánh phá tơi bời mặt đất, không cho đối phương đến gần viên phi công nhảy dù. Vòng trong cùng, máy bay trực thăng rà thấp, dòng thang xuống cho phi công leo lên. Họ giật phăng chiếc mũ bay trên đầu tôi, trói gô lại dẫn đi. Tôi an toàn thoát chết, là ơn chúa lắm rồi...

Trước khi bị bịt mắt, đẩy vào chiếc Wat nhà binh, người ta dẫn bộ tôi qua một khu làng tan hoang, những hố bom sâu hoắm. Về sau vào trại giam tù binh, người ta chiếu cho chúng tôi xem những thước phim, mới thấy sự tàn bạo khủng khiếp bom đạn Mỹ gây nên trên miền Bắc nước Việt. Cơ man cầu cống, thành phố làng mạc, nhà thương trường học, có cả nhà thờ... đổ nát tan tành. Cảnh mảnh bom xuyên qua những chiếc nôi trong một nhà trẻ, cảnh bom đánh trúng một căn hầm, những mảnh xác người vô tội vung lên dính trên cành cây. Quả thật, lúc đó, những gian khổ của tôi trong trại tù binh chiến tranh, bay biến đâu mất. Chúng tôi sống được là may!..

Nói xong, ông Benton rơi vào một tâm trạng khó tả, vừa ơn chúa thoát nạn, vừa giận hờn những năm tháng tham chiến tàn khốc, vừa tủi mừng ngày trở lại đất Việt, trùng phùng với người bên kia chiến tuyến trên bầu trời. Ông tự tay rót ra hai ly rượu đầy, đưa cho ông Sáu một chén, thổn thỉ nói, để xẩy ra cuộc chiến, là của các đấng ngôi cao. Còn tôi với ông, là hai người lính, có bổn phận thực thi mệnh lệnh thượng cấp!.. Ông Sáu vuốt râu cằm, khẽ gật gật mái đầu tóc bạc quá nửa, đúng thế, chỉ khác là, tôi chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc tôi!..

Hình như chạm đến vùng trời, là chạm đến một cái gì sâu thẳm và thiêng liêng tận đáy tâm hồn, của những người lính không chiến. Họ dốc cạn ly rượu, cùng những xúc cảm máu thịt ấy. Ông Benton khà ra một hơi dài thành tiếng, như trút bỏ mọi ưu phiền lầm lỗi, nhưng đôi mắt trở nên sáng rực. Ông nhìn chăm chắm vào mắt ông Sáu, tha thiết nể phục, ông quá giỏi! Tôi vẫn không thoát ra khỏi ký ức trận không chiến ấy. Quả thật, sau khi ông tránh thoát gang tấc hai quả tên lửa chết chóc, mà chúng tôi tin chắc chiếc MiG-21U của đối phương thành ngọn đuốc giữa bầu trời, biên đội tôi rơi vào thế bị động...

Tôi biết!.. Ông Sáu rỏn rẻn nói. Khi lách tránh được hai quả tên lửa của các ông, tôi kéo cần vọt lên, thực hiện vòng chiến đấu gắt, tạo ngay thế đối đầu. Và từ thời điểm đó, tôi biết hai chiếc F.4J của các ông có phần thất thế, còn chiếc MiG-21U của chúng tôi chuyển thế chủ động, cơ động biến hóa khôn lường. Không hiểu sao, con tuấn mã MiG-21U của tôi hôm đó, tả xung hữu đột như lên đồng!... Đúng thế, ông Benton gật đầu nức nủm đồng cảm và thán phục với ông Sáu. Chúng tôi gò chiếc MiG-21U vào được thế tiêu diệt, và ấn nút phóng tên lửa, nó lại lộn vòng như con cá quẩy, biến ngay khỏi tâm chết...

Hì hì... Ông Sáu cười tỏn tẻn. Lại đưa tay vuốt bộ râu cằm theo thói quen. Lúc lâm trận, thần kinh nó điều khiển đầu óc, cánh tay, tôi chẳng thể giải thích được. Nghe thế, ông Banton cũng cười rổn rảng sẻ chia. Nhưng tức khắc, ông nhướng đôi mắt xanh lơ màu nước biển, sang gần ông Sáu, tôi vẫn không hiểu nổi. Nói đúng hơn, là tôi rất lấy làm lạ, mấy lần ông thoát được chúng tôi, quay ngoắt lại bám được vào phía sau chiếc F.4J của tôi. Đó là thế tử thần với một phi công trên trời. Tích tắc, tôi rùng mình, hình dung ngay một quả tên lửa phụt tức khắc từ chiếc MiG-21U, biến chiếc F.4J của tôi thành ngọn đuốc. Rứa mà, ông không hề ấn nút phóng tên lửa…?

Ông Sáu ngay tức thì đỏ mặt, bẽn lẽn như bị bắt quả tang việc vụng trộm. Ông đưa tay vuốt khuôn mặt rám nắng cùng bộ râu cằm chăm chút mấy lâu, như cốt để có thời gian nhớ lại. Trong khi ông Benton mặt nghệt ra, tớc hớc mỏ con đùng đềng, hệt đứa trẻ háo hức hóng tiếp chuyện cổ tích hấp dẫn. Sự ráo rức bên này, với sự dềnh dàng bên kia, giữa hai ông gìà từng ở hai chiến tuyến trên bầu trời, kéo dài hàng phút. Có thể ký ức họ xếp dày chồng lớp, thành tầng thành vỉa, giờ buộc phải lần giỡ sao cho có thứ tự.

Cuối cùng, hình như không đừng được, ông già Sáu cũng hạ giọng, thẩm thỉ nói cái điều bí mật bốn mươi năm. Rằng, chiếc MiG-21U của chúng tôi... không mang theo tên lửa!... Hả ả…? Viên phi công già người Mỹ há hốc miệng. Xưa nay trên thế giới, không có trận không chiến nào, người phi công lái máy bay tiêm kích không mang theo tên lửa! Có ai đi cày quên trâu, như cách nói người Việt? Chưa hết bàng hoàng, ông Benton lại nghe ông Sáu rủ rỉ, cả khẩu pháo 23ly trên chiếc MiG-21U, cũng không nạp đạn...

Choáng váng, ông Benton muốn đổ khuỵu xuống, hai tay vội níu lấy mặt bàn. Hóa ra, một trận không chiến, mà đối phương ra trận tay không! Thế này thì không hiểu nổi. Quá quắt lắm! Hai chiếc F.4J của hải quân Mỹ, ra tay vây đánh một chiếc MiG-21U của không quân Bắc Việt không mang theo vũ khí. Quần nhau hàng tiếng đồng hồ, mà không sao tiêu diệt được? Thậm chí, tốn hơn nửa cơ số tên lửa mang theo, cuối cùng phải mạng đổi mạng!...

Ông Benton cũng biết, từ cổ đại, người Á Đông đã đề cao phẩm chất nghĩa hiệp của đấng quân tử. Những tráng sĩ xung trận, gần như mang theo trong tim một quy ước, không đánh giết khi đối phương không còn vũ khí. Có lẽ vì thế, viên phi công già người Việt thấy cấn cái, không muốn kể điều này chăng? Quả thật, ông Sáu không muốn ông Benton biết điều đó. Đã xảy ra tình huống éo le có một không hai trong lịch sử chiến tranh trên trời của thế giới. Không ai biết, đó là một cuộc không chiến không cân sức, không bình đẳng, và không hòa hoãn. Một mất một còn! Chiếc MiG-21U của ông đơn độc, bất ngờ lâm trận không mang theo vũ khí. Rơi vào vòng vây đối phương, một biên đội tiêm kích hai chiếc F.4J, trên mình mang đầy đủ cơ số đạn dược, trong đó bốn tên lửa mỗi chiếc. Sát khí đằng đằng. Hùng hổ vây đánh!

Nhưng đó là một trận không chiến thực sự!...

Ông Sáu nhớ lại, chiều hôm đó, sau khi tập trung đánh phá tan tác vùng trời Hà Nội, các tốp máy bay Mỹ giãn ra, về nghỉ ngơi. Bầu trời miền Bắc chiều hạ trở lại yên ả, xanh trong. Tranh thủ trời tốt, đội bay MiG-21U hai chỗ ngồi, chuyên dùng huấn luyện, không mang theo vũ khí, thực hiện chuyến bay phục hồi kỹ thuật. Cất cánh từ sân bay Gia Lâm. Bay cùng ông Sáu, là một chuyên gia Liên Xô, ngồi ở ghế sau...

Đã mấy tuần liền, ông Sáu được phân trực chỉ huy mặt đất, không bay đánh trận lần nào, nên việc bay phục hồi kỹ thuật của một phi công chiến đấu, là vô cùng cần thiết. Như cái anh bác sĩ ngoại khoa, không cầm dao mổ thường xuyên, sẽ cóng tay khi thực hiện phẫu thuật. Hay cái anh chơi đàn dương cầm, ngày phải luyện ngón mấy tiếng đồng hồ, mới mong hòa hợp giàn nhạc. Còn vị chuyên gia Liên Xô kia, vốn là một phi công, giờ chuyển qua công tác huấn luyện, suốt tháng suốt năm ở dưới mặt đất, nhớ bầu trời khôn nguôi. Chỉ huy cấp trên đồng ý, cho hai người thực hiện chuyến bay phục hồi kỹ thuật này, với chiếc may bay MiG-21U chuyên huấn luyện bấy nay.

Khi bay qua sân bay Nội Bài, đội bay phục hồi kỹ thuật của hai ông, bất ngờ gặp biên đội hai chiếc F.4J của Hải quân Mỹ, đang lẻn vào. Hai chiếc tiêm kích Mỹ phát hiện chiếc MiG-21U bay đơn độc, thì như hai con hổ đói gặp con nai lạc, giương móng vuốt định vồ tức thì. Lúc đó, chiếc MiG-21U sau khi đã hoàn tất các thao tác phục hồi kỹ thuật cần thiết, với thời gian cho phép, và số nhiên liệu vừa đủ, hai phi công thư thả cơ động nhẹ nhàng, đưa con tuấn mã bầu trời của mình về vòng ba, chuẩn bị hạ cánh. Bất ngờ gặp địch. Hai bóng đen lẻn bám ngay sau đuôi...

Cùng chiếc máy bay huấn luyện MiG-21U không mang vũ khí, ông Sáu tả xung hữu đột giữa vòng vây biên đội hai chiếc F.4J của hải quân Mỹ. Thực ra là ông chỉ tìm cách tránh tên lửa địch, và tìm thế đối đầu, không cho chúng bắn trúng. Đúng là trần trụi giữa bầy sói, cho đến khi chiếc MiG-21U báo hết dầu...

Vị chuyên gia Liên Xô ngồi ghế lại sau, mãi vi vu bầu trời, không hay biết chuyện gì xảy ra. Khi thấy chiếc máy bay MiG-21U đột ngột vòng gấp, tránh hai quả tên lửa phụt qua, ông mới hiểu đang bị tiêm kích không lực Hoa Kỳ bám đuôi. Và ông thả cần lái hoàn toàn, để ông Sáu chủ động cơ động, thực hiện các thao tác không chiến biến hóa, của một phi công tài giỏi...

Cả ông già Sáu, cả những người Việt tháp tùng ông già Benton, và cả bọn trẻ nít đang vác mỏ chày đạp say sưa nghe đoạn cuối câu chuyện, bất ngờ hết nỗi. Ông già Benton, thỏ thẻ nói, quả thật, ngay khi nhảy ra khỏi buồng lái, tôi đã có ý hỏi tìm ông. Nhưng ở trại tù binh phi công, họ còn bí mật, vì hai bên còn đánh nhau. Ngày về Mỹ, tôi có nhờ ông hàng xóm người Việt tìm giúp, vẫn còn khó. Mãi sau này, ơn Chúa, hai nước lập quan hệ bang giao, tôi mới tìm được ông. Có lẽ đọc nhiều sách kiếm hiệp xưa xứ Á Đông, ông Benton liền bước ra giữa sân, hướng về phía ông Sáu, gập người đưa tay ngang mày, thi lễ. Đấy là cử chỉ của người bại trận, thể hiện lòng cảm phục sự tài giỏi đối phương, và mong được kết nghĩa tình huynh đệ. Không thể khác, ông Sáu vội cúi xuống, hai tay nâng ông Benton đứng dậy. Họ lại ôm ghì lấy nhau, cái ôm ghì của tình anh em sau cuộc chiến lạ lùng trên bầu trời, bốn mươi năm trước.

Có lẽ ông Benton vẫn chưa thôi cơn cảm động trào dâng sau cái ôm ghì của hai người, thầm thĩ nói, cuộc đời lạ thế. Sau đánh nhau sứt đầu mẻ trán, mới nhận ra anh em. Điều kỳ diệu này, quả thật, chỉ có chúa mới làm được!... Ông Sáu khẽ gật đầu đồng tình. Và hình như không muốn bùi ngùi thêm chuyện cũ, ông già Sáu kéo tay ông già Benton, thủng thỉnh đi ra phía vườn sau. Ngôi nhà vườn hai tầng làm chưa lâu, xinh xắn ẩn dưới tán cây. Mỗi bước, ông già Benton mắt sáng lên khi đi vào khu vườn nông quê xứ Việt. Đặc trưng của cuộc sống tự cung tự cấp ngàn đời còn duy trì. Không nhiều, nhưng cây gì cũng có, con gì cũng có. Vài gốc mít trái như chiếc vồ treo quanh. Vài bụi cam ra quả bói bằng trái bóng tenis. Vài cây chanh lác đác hoa trắng. Một hàng chè xanh, một luống cà, một vạt rau. Một mẹ gà tục tục dẫn đàn con tìm giun dưới bóng râm...

Bước chân ông Benton bỗng khựng lại. Mắt ông hoa lên. Xâm xoàng cả người. Ông Sáu vội đỡ người ông Benton. Hóa ra, cuối góc vườn, một hố bom cũ đã thành cái ao sâu. Qua mặt nước lăn tăn bèo tấm, một khoảng trời xanh còn đọng lại. Quanh bờ đất bị bom vun cao, bụi lồ ô lán ra vây tròn, những ngọn măng vô tư đâm lên về phía mép nước. Có thể, ông Benton hình dung có người nhà ông Sáu đã mất, vì hố bom này?

Ông Sáu tất nhiên tế nhị không nhắc lại, chuyện dưới đáy hố bom kia là một cái hầm trú ẩn gia đình. Cha mẹ ông đã bị quả bom này giết hại. Cuộc chiến tranh nào chẳng đau thương mất mát? Lịch sử đã phán xét. Chân lý thuộc về những người thực hiện cuộc chiến tranh chính nghĩa, đánh dẹp cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa kia! Bài học máu xương đã ngấm ngấu mỗi trái tim người. Lửa chiến tranh đã tắt lụi từ bốn mươi năm trước. Vết thương đã liền da. Dù vô tình chạm đến, vẫn còn buốt nhức, từ cả hai phía. Ông Sáu hơn ai hết, thấm thía điều này từ lâu, và chủ động dìu ông Benton qua cơn sốc ký ức, đi vào sân nhà. Hai ông già thủng thẳng khoác tay nhau như đôi tình nhân, bước vào giữa những người tháp tùng và bọn trẻ con, đang lặng yên theo dõi cuộc hội ngộ kỳ lạ của hai kỵ sĩ bầu trời một thuở...

Như chưa có chuyện gì xảy ra ở sau vườn, ông Sáu tiếp tục bầu không khí an hòa nhộn vui ban đầu, nói, này ông bạn Benton, ông từ giã bầu trời lúc nào? Ông Benton đang ngùi ngùi chuyện xưa, hơi giật mình vì sự chuyển gam mau lẹ của ông Sáu. Lát sau rổn rức nói, tôi từ giã bầu trời, từ cú nhảy dù bất đắc dĩ ấy, trên bầu trời miền Bắc nước Việt này. Thế còn ông? Đến lượt ông Sáu, tuồng như cũng giật mình vì câu hỏi này. Lại khẽ vuốt bộ râu ba chòm, nhỏ nhẻ, tôi còn ở lại bầu trời thêm mấy năm, cho đến khi đất nước thống nhất...

Ông Sáu dừng lại một lúc, khẽ cười rồi chợt nói thêm, vẫn chưa hết ông à. Tôi còn lên bầu trời, giúp nhân dân Campuchia đánh dẹp quân Khơme đỏ Pôn Pốt diệt chủng khốn kiếp kia! Xong, mới rời bầu trời...

Ông Benton gật gù, theo dõi báo chí tôi có biết được chuyện đó. Tôi được về Mỹ sau Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết đầu. Ký ức về đất này vẫn tươi rói. Dù có gặp đôi chút khó khăn thiếu thốn, trong những tháng ở trại tù binh phi công, nhưng tôi hiểu được. Không thể khác. Một nước Mỹ binh hùng tướng mạnh, đem quân đánh phá tơi bời một nước đang phát triển, vừa kết thúc chiến tranh với Pháp chưa được mười năm, lấy đâu ra tiềm lực thết đãi tù binh, những gã mang bom đến gieo rắc chết chóc đất này? Họ đã lấy nhân nghĩa nhân văn bù đắp vật chất, là quý lắm rồi! Tôi rất cảm phục Việt Nam. Vừa thoát khỏi chiến tranh tàn khốc với Mỹ, đã lao vào cứu cả một dân tộc Campuchia sắp bị diệt chủng. Nước Việt quả là bậc anh hùng trên địa cầu này. Và ông nữa, đúng là một trang hiệp sĩ của bầu trời!..

Chưa thôi, ông Benton dừng lại, ghé sát tai ông Sáu, thầm thĩ, ông hiểu không, lúc đó tôi còn khá trẻ, sau những gì trải qua trên bầu trời, đã thầm ước, mình là một phi công nước Việt! Để làm gì? Để oánh vỡ mõm cái bọn phi nhân tính ấy, và cả quan thầy của chúng! Hì hì... Ông Sáu siết chặt tay ông Benton, cười rỉ rả, này, ông làm sống mũi tôi cay cay rồi nì!...

Hai ông già vẫn tay trong tay, rủng rải bước vô sân. Chợt thấy cái xe máy hiệu Dream cũ kỹ, vương đôi vệt bùn khô se, dựng bên gốc cau dưới bóng cây nhãn, ông Benton háo hức nói, ông ra đồng bằng cái này, phải không? Ông Sáu cả thẹn, lại vuốt râu cằm, rỉ rủm, đồng ruộng ông ạ, nhiều bùn nước...

Rồi như để khách hiểu thêm, ông thỉ thỏn nói, nước Việt tôi có nền nông nghiệp lúa nước ngàn đời. Ở đâu ruộng có nước, là ở đấy có cây lúa. Làng tôi bán sơn địa, có ruộng sâu trồng lúa, có đồi nương sắn khoai tương đỗ, có ven sông bãi biền trồng dâu chăn tằm dệt tơ. Tôi mê nghề canh nông lắm. Rời bầu trời, là cầm ngay cái cuốc. Nói ông hay, làng có giống nếp dẻo hoa vàng cực thơm ngon, vào loại nhất nhì giống nếp thế giới đấy. Hạt to, tròn mẩy, dẻo thơm hết chê. Mỗi lần đồ xôi, mùi thơm lừng vang ngõ xóm. Nhưng vòng sinh trưởng dài, phải mất năm, sáu tháng mới gặt. Trong khi các giống lúa bây giờ, chỉ ba tháng là thu. Khi đó, trên đồng chỉ còn mỗi những thửa ruộng nếp dẻo hoa vàng, không giấu được mùi thơm, lũ chim chuột từ đâu kéo về đàn đàn, trên trời dưới đất, xúm nhau ăn hết!...

Ông Benton mở to mắt, rứa có cách chi bảo vệ được không? Hay đưa vào trồng trong nhà lưới? Ông Sáu ra chiều đã suy nghĩ kỹ điều này, thủ thỉ nói, trồng trong nhà lưới, cũng chỉ để ăn chơi thôi, không thành mặt hàng xuất khẩu được. Không xuất khẩu được, thì chi phí nhà lưới tốn kém, không khả thi. Các nhà khoa học canh nông ở đây, đang tìm cách lai tạo giữa nếp dẻo hoa vàng với một giống nếp cùng chất lượng, của một nước trong khu vực, có cùng khí hậu và nhiệt độ môi trường. Nhưng vòng sinh trưởng ngắn như các giống lúa đại trà kia. Nếu thành công, tôi sẽ gửi biếu ông dăm ba cân ăn cho biết. À không, tôi sẽ mời ông sang chơi ít hôm, ăn món xôi đặc sắc quê xưa. Đó là món xôi nếp dẻo hoa vàng đồ với nhộng ong, hay nhộng tằm. Thơm điếc mũi, và dẻo ngon béo bùi thôi rồi! Ông chỉ biết ngậm mà nghe. Thêm chén rượu cuốc lủi cất từ giống nếp dẻo hoa vàng, đựng trong nậm bầu nút lá chuối khô, ông sẽ ngủ quên tên...

Óa a!... Ông Benton nắc nỏm, nghe đã rọ nước miếng rồi đây nì! Tôi sẽ sang, tôi sẽ bay sang! Hì hì... Chưa ăn được món xôi nếp dẻo hoa vàng đồ với nhộng ong nhộng tằm xứ ni, tôi chưa chịu chết già đâu! Phải, phải! Ông già Sáu đỡ lời ông già Benton, còn ghe lúc mà! Trông ông tráng kiện lắm, chúa sẽ phù hộ cho ước muốn của các ông già chúng mình. Ông Bneton tỏn tẻn, tôi có khỏe, nhưng trông ông còn khỏe hơn. Ông khỏe tợn! Hà hà!... Cả hai cùng bật cười, ra chiều thú vị. Ông Sáu rổn rảng, chắc nhờ giữ thói ham mê lao động, ông ạ. Đúng thế, ông Benton nói, lao động là thuốc tiên lúc về già! Rứa... ở bên nớ không có ruộng, ông lao động cách chi?

À à!... Chẳng giấu gì ông, tôi thừa kế một đồn điền trồng nho, hàng ngàn hecta, có quản lý trông coi, có chuyên gia kỹ thuật. Tôi chỉ đi kiểm tra, xem xét việc thực hiện. Nho được ký kết bao tiêu, của các công ty sản xuất rượu vang... Ông Sáu lặng nghe, gật đầu tắc tỏm, ông đúng là nhà tư bản lớn, làm ăn to. Chưa mô, so với bên ấy, mức nớ cũng chỉ cò con thôi! Ông Benton rủ rỉ. Đồn điền rộng thế nớ, ông đi lại bằng cách chi? Ông Sáu chợt hỏi, hình dung đồn điền nho bao la chim bay mỏi cánh. Ông Bneton khẽ cười, bằng ô tô riêng của tôi, ông ạ. Thế còn ông…? Ông Sáu nghe hỏi, cắc củm cưởi, chỉ chiếc xe máy nồi đồng cối đá, tôi ra đồng bằng con tuấn mã cưng này đây...

Không rõ vì hiếu kỳ, hay vì muốn quan sát kỹ “con tuấn mã” già của ông Sáu, ông Benton đến bên chiếc Dream tróc trầy lấm láp. Ông ta cầm nó trong tay, ấn nút khởi động, tiếng máy nổ giòn và đằm. Đoạn, gật đầu nói khẽ, cái ni lái khó hơn cái bốn bánh của tôi, ông dùng được, là quá giỏi đấy! Ông Sáu thỏn thẻn, tôi chỉ queng quých vài ba cây số trong làng ngoài đồng đây thôi, đi xa bị tuýt còi!... Há ả…? Răng lại rứa? Ông Benton chợt bật hỏi, vì thấy là lạ...

Ông Sáu cười, ron rẻn kể. Năm ngoái có việc vội, tôi đánh xe lên thị trấn. Đang đi giữa đường phố, bỗng tiếng còi cảnh sát rít lên gắt gỏng. Và viên cảnh sát giao thông trẻ măng, cùng cây gậy vạch đen vạch trắng thị uy trước mặt. Tôi thảng thốt phanh xe tắp lự, rê nó vào bên lề đường. Viên cảnh sát ra hiệu cho anh ta xem bằng lái. Tôi liền nắn túi áo ngực, móc chiếc bằng lái ra đưa cho anh ta. Thoáng lật xem, anh ta cười tủm tỉa, thưa cụ, đây là bằng lái máy bay phản lực MiG-23, không phải bằng lái xe máy Dream 100 phân khối ạ! Tôi châng hẩng, ngượng nghịu như cậu học trò bị thầy giáo gọi lên bảng mà không thuộc bài, chỉ còn biết vuốt râu cằm cười trừ, nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhưng lạ thay, viên cảnh sát trẻ còn cười to hơn, vẻ hả hê thích thú nữa. Tôi thầm lo, phen này chắc bị phạt nặng, hoặc bị giữ mất xe. Ớn áy cả người. Cảnh sát giao thông xứ tôi, là gắt khiếp lắm!.. .

Rồi răng, nầu? Ông Benton thốt hỏi, lo lắng thay cho ông bạn già. Nhưng ông Sáu tủm tỉm nói, ai ngờ, sau khi ngắm kỹ từ đầu đến chân, như nhận ra tôi là ai, và cười ngặt nghẽo một cách khoái chí, viên cảnh sát trẻ vẫy tay, ra hiệu cho đi. Đoạn, còn nói với theo, đi chầm chậm thôi, cụ ơi!...

Đến lượt, hai viên phi công già ở hai nửa bán cầu, từng lái máy bay tiêm kích phản lực chinh chiến bầu trời, lại thở phào. Và ôm nhau cười ngặt nghẽo, hồn nhiên như hai trẻ chăn bò nhà quê...

Đồng Hới, 05.8.2020

Văn nghệ, số 10/2022
Nhà văn của quê hương Đồng Khởi

Nhà văn của quê hương Đồng Khởi

Baovannghe.vn - Thanh Giang, nhỏ nhẹ, thong dong, mà cũng mênh mông da diết lắm. Ông không chỉ là một nhà văn - chiến sĩ, mà còn là một người con của đất cù lao
Đất mẹ. Truyện ngắn dự thi của Vương Đình Khang

Đất mẹ. Truyện ngắn dự thi của Vương Đình Khang

Baovannghe.vn - Chùa Long Ấn… Đó là một cái chùa nhỏ nằm trên núi Dài. Sao thằng nhỏ người Mỹ này biết chỗ heo hút đó? Hình như đâu phải danh lam thắng cảnh?
Đọc truyện: Như những cái cây… Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

Đọc truyện: Như những cái cây… Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đỗ họa: Thùy Dương
Bản tin Văn nghệ: Bộ VHTT&DL phản hồi về trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Bản tin Văn nghệ: Bộ VHTT&DL phản hồi về trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Baovannghe.vn - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết: "Chúng tôi đã nắm bắt thông tin và đang trong quá trình xử lý.
Ước vọng sông quê. Tùy bút của Nguyễn Thanh Truyền

Ước vọng sông quê. Tùy bút của Nguyễn Thanh Truyền

Baovannghe.vn - Ước mong đôi bờ La Giang có thể phát triển kiểu như sông Hương, sông Hoài có lẽ không phải là mong ước hão huyền hay xa xôi gì lắm!