Sáng tác

Búp bê đồng trinh - Truyện ngắn của Phong Điệp

Phong Điệp
Truyện
20:44 | 15/08/2024
Baovannghe.vn - "Hẳn là một đôi đẹp. Rõ khéo xe duyên nhé!" - Mấy bà già móm mém nhai trầu, khoan khoái nhìn cảnh cô dâu chú rể quì bên bàn thờ tổ tiên. Chú rể cao to vạm vỡ. Cô dâu xinh như mộng. Lũ trẻ con chạy dọc các dãy bàn nhặt bánh kẹo và tò mò nghển cổ vào xem.
aa

1.

"Hẳn là một đôi đẹp. Rõ khéo xe duyên nhé!" - Mấy bà già móm mém nhai trầu, khoan khoái nhìn cảnh cô dâu chú rể quì bên bàn thờ tổ tiên. Chú rể cao to vạm vỡ. Cô dâu xinh như mộng. Lũ trẻ con chạy dọc các dãy bàn nhặt bánh kẹo và tò mò nghển cổ vào xem.

"Cô ấy giống con búp bê tóc vàng nhà tao."

"Nhưng cô ấy tóc đen cơ mà. "

"Thì đã sao nào?"

Anh bạn thân chật vật dẹp bọn lau nhau cho các cụ ông trở ra xe ô tô đi về. Hỉ hả cười:

"Mệt thế chứ mệt nữa cũng bõ nha.”

Cô dâu quay ra quay vào tìm chú rể để chào họ hàng.

"Gì mà cuống lên thế còn khối thời gian cho anh chị bên nhau cơ mà.”

Khách khứa cười độ lượng. Lũ trẻ thôi hò hét, bám chặt gấu áo mẹ đi ra ngõ. Máy camera tắt. Ông phó nháy cố sống cố chết chụp thêm vài pô nữa. Mọi việc lại đâu vào đấy.

2.

Họ thường xuyên phải sống xa nhau sau ngày cưới. Dĩ nhiên anh đã chuẩn bị tinh thần trước cho cô về điều này. Tuy vậy cô vợ trẻ vẫn rơm rớm nước mắt ngồi xếp vali cho chồng. Họ cùng thỏa thuận là anh sẽ trở về vào cuối tuần. Song nhiều khi công việc đột nhiên quá tải và anh không thể lựa chọn khác được.

"Rồi em sẽ quen thôi" - Anh thở dài an ủi cô - Đúng thế, mọi việc sẽ sáng sủa hơn thôi. "Họ im lặng ăn cơm và tắt đèn đi ngủ sớm. Trong đêm, cô nghe rõ tiếng cánh cửa sổ bầm dập vì gió. Rèm cửa bay phần phật.

"Anh sẽ cố làm việc thật tốt. Chúng mình sẽ có tất cả những thứ cần thiết. Em cố đợi vài năm nữa thôi em nhé!"

Những lá thư tay nguệch ngoạc thay cho những chuyến trở về định kì ngày một nhiều hơn. Thỉnh thoảng có vài người tới thăm viếng nhưng chủ yếu là để cho cô vui. Nhưng ai chẳng có cuộc sống riêng tư của mình. Cô hiểu thế và thầm nhủ rồi sẽ chóng quen.

Cô nhớ, anh thường nhìn lên trần nhà loang loáng những vân nước thấm qua mái bê tông cũ kĩ, lắng nghe tiếng thạch sùng tặc lưỡi, đôi lúc anh húng hắng ho, cố kìm cơn thèm thuốc. Hai hốc mắt trũng lại nhưng vẫn ngùn ngụt ý chí. Bàn tay thô ráp để gượng nhẹ lên bụng cô như sợ sẽ làm cô bị đau…

Những vết nhơ ấy hằn rõ đến mức nhiều khi nằm một mình trên giường, người cô gần như bất động hàng tiếng đồng hồ. Để cảm nhận sức nặng từ bàn tay của anh. Để nhìn thạch sùng rượt đuổi nhau quanh bóng đèn neon. Để nhớ…

Có lần anh hối hả trở về vào buổi trưa. Cô phấp phỏng nghe tiếng cửa sổ bị gió hất tung vào tường và mùi cơm bắt đầu khen khét. Để rồi anh lại vội vã đi. Chỉ còn lại căn phòng nồng nặc mùi cơm khê. Và cô chờ những lời hứa đợi.

3.

Buổi chiều rộ lên bởi trăm ngàn âm thanh hỗn độn. Duy có tiếng nhị của ông già mù ở căn nhà đối diện thì không thể lẫn đi đâu được. Anh con trai cởi trần trùng trục, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn, đi ra đi vào gian bếp khói mù. Thỉnh thoảng còn võng đầu sang bên hàng xóm, nói chuyện oang oang:

"Bác thổi cơm chưa ạ? Gớm, mấy thanh củi bên nhà cháu ẩm quá, bác thông cảm nhé."

"Sao không ăn cơm quán cho tiện? Cho hai bố con cũng chẳng đáng là bao."

"Vâng thì hẳn. Nhưng bụng dạ bố cháu không tốt lắm. Đến cháu còn bị ông Tào Tháo hỏi thăm mấy lần nữa là."

Cười ồn ã. Vẫn không át được tiếng nhị réo rắt. Mùi hành mỡ phi thơm rực lên. Bạn bè ý ới hò hẹn nhau. Chốt cửa đập loạch xoạch.

Ngồi mãi, nằm mãi người cũng đến mọc rễ ra. Khóa cửa, dắt xe ra phố lại mau mau về sớm vì sợ đột nhiên anh chồng trở về phải đợi ngoài cửa.

4.

Những chuyến đi dài ngày của anh khiến cho cả hai đều mệt mỏi. Người anh gầy sắt lại. Nụ cười ngoặc đơn ngoặc kép trên mặt.

"Em biết không, mọi chuyện sẽ sớm kết thúc thôi. Mà khu nhà mình cũng vui đấy chứ em nhỉ? Em năng qua lại mà chơi cho có bạn có bè.”

Đèn ngủ tắt phụt và anh bắt đầu ngáy pho pho. Thậm chí anh không kịp nghe hết câu chuyện về một già kéo nhị vào buổi chiều tàn hay câu chuyện về một cô bé hàng xóm thích ngồi ở chân cầu thang.

Gió thốc tung cả rèm cửa. Hơi lạnh len lén xen vào làn chăn mỏng. Cô cố xua đi cảm giác chông chênh và nhắm mắt lại.

Văng vẳng tiếng người mẹ nạt con.

"Tại sao mày lại hôn nó?"

"Đâu, con chỉ thơm vào má bạn ấy thôi."

"Đồ trẻ con vắt mũi chưa sạch. Tao cấm chỉ nghe chưa."

"Nhưng có gì đâu hả mẹ?"

"Còn cãi hả. Về nhà ngay!"

Anh nặng nhọc thở. Những nếp nhăn bắt đầu hằn bên khóe mắt. Cô se sẽ trở dậy, đặt môi vào đó và âm thầm khóc. Tuổi ba mươi đã đợi họ ở bên thềm.

5.

Bà mẹ sốt sắng đáp ô tô xuống thăm hai vợ chồng. Nào gạo nếp, đỗ xanh, gà qué. Tất ba tất bật như đi tiếp tế người thiếu đói lâu ngày.

"Tao là tao mang bồi dưỡng cho cháu tao chứ rỗi hơi mà chăm mày đấy à?"

"Nhưng..."

"Sao? Thế hóa ra tao mừng hụt sao?"

"Con không biết mẹ ạ?" Cô im lặng, cảm thấy tủi thân vô cùng.

"Thế nào? Chúng mày lo làm giàu chứ gì? Vô phước con ạ! Hay đỏng đảnh để chồng nó bỏ đi?"

Mẹ thương con mà ác khẩu thế. Rân rấn nước mắt rồi đổ nhào vào lòng mẹ mà thổn thức. Cơn đau thúc vào bụng và đầy lên, căng cứng lồng ngực.

"Mày vẫn hay thế đấy hả con? Thôi chết rồi, bàn thờ chưa lập. Chẳng trách ông thần Thổ Địa ông ấy nổi giận. Thôi đề đấy tao."

Mẹ săm sắn đóng cửa đi. Cái dáng đi bắt đầu còng xuống và dò dẫm hơn. Già rồi mà vẫn còn phải khổ vì con vì cái.

Cánh cửa bật mở và ông thầy vẹo vọ đi vào. Hai mắt trợn trừng trừng như muốn bật khỏi tròng. Cái áo khét lẹt và rộng thùng thình.

"Ông thầy này cúng giải hạn giỏi lắm đấy con ạ." Bà mẹ ấn cô ngồi xuống chiếu và thầm thì với vẻ thành kính: "Thầy bảo gì thì nhớ mà làm theo nhé!"

Ông thầy liếc xéo cô rồi bật diêm nhoanh nhoách vào cây nhang. Đi tới đi lui chán chê mới chịu ngồi xuống, thở hồng hộc, đâm ngược bó nhang xuống đất. Khói cất lên mù mịt. Tàn hương rụng lả tả. Thầy dấp nước, phết đám bụi nhờ nhờ đó lên trán và cổ cô. Cô thấy động mạch giần giật.

Mẹ cô nín thở ngồi ở góc nhà, chờ đợi.

"Thế này là năm sau có tin vui." – Thầy nhệu nhạo nhằn ra từng chữ một. Người cô đột nhiên bải hoải, mắt hoa lên. Loáng thoáng thấy bóng thầy xệch xoạc đi ra cửa.

6.

Ngày tháng dài hơn và những lời nhắn nhủ, thưa thớt đi. Tuy vậy cô vẫn ngồi đợi anh vào cuối mỗi ngày. Tất cả đều sẵn sàng như viện bảo tàng đến giờ mở cửa. Và lại bắt đầu vào ngày hôm sau, hôm sau nữa. Công việc giấy tờ ở cơ quan đôi lúc làm cô bận lên nhưng cũng trở về mức đều đều rất nhanh.

"Em chịu khó đợi vài năm nữa thôi." Anh lộ rõ vẻ hài lòng khi nhìn quanh gian phòng chật hẹp ngồn ngộn đồ đạc. Anh không còn nằm thẳng đuột trên giường, đếm tiếng thạch sùng tặc lưỡi hay thở dài sườn sượt như trước đây cô hằng day dứt.

"Chúng mình sắp tới đích rồi em ạ."

Cô ép mình xuống giường, tránh cái nhìn tính toán của anh, lãng đãng hỏi: "Đích gì hả anh?"

Hình như anh không nghe thấy. Hoặc không để ý lắm. Cô quay mặt ra cửa sổ, đợi nghe tiếng cánh cửa đập vào tường. Cơn đau thoáng nhói lên ở bụng dưới và nằm lại rất lâu. Tận đến khi cô mở mắt thức dậy và anh đã ra đi.

7.

"Cô cứ phát gọn cái ban công đi rồi tôi cho mấy cây cảnh trồng cho vui mắt. Chứ không cũng buồn nhỉ?"

Ông già tì cầm lên tay đàn, đưa cặp mắt mù lòa về phía cô đứng.

"Ấy như thằng con tôi cũng đi suốt ngày ấy."

Anh con trai cởi trần trùng trục hồ hởi cười: "Thanh niên mà bố. Phải vui vẻ chứ. Thế chị thích cây gì để bố em chọn cho? À mà cái cửa sổ bên ấy tập thể dục ghê quá. Có hôm hai đứa em ngồi với nhau mà giật bắn cả người!"

Cô đỏ mặt giải thích:

"Vâng, có cái chốt bị bung mà tôi chưa đóng lại được."

"Mày sang xem thế nào còn giúp chị ấy một tay. Đàn bà ở nhà một mình là khổ lắm đấy."

Anh con trai hùng hục chạy sang. Cái áo cài vội nên vẫn còn xốc xếch. Lúi húi dùi dùi gõ gõ một hồi lâu. Mồ hôi rỏ tong tong trên đầu mũi. Cái tay quơ quơ tìm móc chạm phải người cô đang đứng cạnh đấy. Tự nhiên cô có mặc cảm tội lỗi, người nóng bừng, chân tay luống cuống bèn vội vã bỏ vào trong.

"Cái khóm quỳnh ngoài ban công cằn quá chị ạ. Mà lại thiếu cây kim giao thì không kết hoa được đâu. Hay chị để em dọn cho luôn thể. Thôi chết, bạn em đến tìm. Để mai vậy chị nhé. Chị tự làm ấy ạ? Vâng, thế thì mai em mang cây sang."

Đóng cửa lại rồi cô vẫn còn phải đang thở dốc. Tim đập thình thịch.

Lôi được cái dao ứ đầy rỉ sắt, nhè vào đám cây quỳnh còi cọc. Chưa dứt nhát mà đám cây đã ngả rạp xuống như bị bão quét. Nhựa ứa ra tràn trề và thơm thơm mùi sữa. Hai ngực cô bỗng nhiên cương lên, nhức nhối.

8.

Quyết định ra đi làm cho cô cảm thấy kiệt sức. Thu vén đồ đạc hóa ra cũng không có gì nhiều nhặn lắm ngoài một sự chờ đợi đã bị ăn mòn và những khát khao hạnh phúc đã dần mai một.

Cô gặp đứa trẻ co ro ngồi nép vào chân cầu thang. Cặp môi xám ngoét lại vì lạnh. Hai tay nó giữ khư khư một vật gì đó trong lòng. Nó ngước mắt nhìn cái va li của cô nhưng không nói gì. Gương mặt nó có vẻ âu lo và hơi căng thẳng. Cô muốn nói lời từ biệt trước lúc ra đi.

"Cô chào cháu nhé!"

Đứa trẻ im lặng giây lát rồi tần ngần đáp lại:

"Cháu chào cô."

"Cô muốn cháu đi với cô một đoạn."

Cô dừng lại trước mặt nó, phấp phỏng đề nghị.

"Không đâu cô ạ. Con búp bê của cháu sắp sinh em bé rồi."

Nó vụng về giơ cái bọc trong lòng ra cho cô xem. Đó là một con búp bê được quấn rất kĩ.

"Đây là con búp bê Tóc Vàng của cháu đấy" - Nó giải thích – “Cháu muốn ngồi đợi."

Sự ngạc nhiên kéo cô ngồi xuống. Khuôn mặt đứa trẻ hết sức nghiêm túc. Cô cảm thấy lòng mình nghẹn lại. Cổ họng đắng nghét.

"Nào cháu. Chúng mình lên phòng của cô đi. Em bé sinh ra ở đấy thì tốt hơn."

Đứa trẻ tò mò nhìn sâu vào mắt cô. Rồi nó gật đầu quả quyết và vẫn khư khư ôm cái bọc trong tay.

9.

Thỉnh thoảng trong những bữa cơm chiều, người ta ngửi thấy có mùi cơm khét bất thường từ một căn nhà nào đó. Cùng với nó là tiếng khóc của một đứa trẻ sơ sinh.

Phong Điệp | Báo Văn nghệ

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Văn nghệ Trẻ, số 2/1997
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.