Nhật ký gió cuốn là hành trình kiến tạo và giải mã cái tôi mang căn cước Thu Bồn. Mảnh đất Thu Bồn - Điện Bàn tự thân đã là một biểu tượng của một vùng văn hóa, nơi phù sa đắp bồi, nơi hội tụ giao lưu, vùng đất của những tiếp biến văn hóa, của những yếu tố yêu thích cái mới, những làng nghề truyền thống.
Đó là vùng dinh trấn Thanh Chiêm, với sự ra đời của chữ quốc ngữ, là kinh đô thứ hai của xứ đàng trong thời nhà Nguyễn. Phạm Tấn Dũng phóng khoáng và gai góc để xác tín một chân dung thi ca trên dòng sông Thu Bồn – dòng sông di sản của mảnh đất chưa mưa đà thấm, mảnh đất người Quảng dáng nâu xiết bao ấn tượng và cuốn hút.
Cái lạ của dòng sông trong Nhật ký gió cuốn là dòng sông được nhìn từ tâm thức đầy nam tính. Thi ảnh những chàng trai Thu Bồn xuất hiện với tần số dày trong nhiều bài thơ như một cách đề minh định cội nguồn quê hương xứ sở:
Những đứa trẻ Thu Bồn
Chân dừng trên đá
Ngủ mê hòn kẽm đốt lửa tuổi thơ
Uống no tinh khí đất trời
Hát vang bài ca mưa nguồn chớp bề
Cùng rủ nhau ngâm mình bốn phía lũ tám phía lụt
Trăm trận bão dông có hề chi
Những đứa con là thi nhân với tình yêu thi ca bỏng cháy luôn xác lập một thế đứng với vẻ đẹp khác biệt của dáng nâu:
Những đứa trẻ
Bấm chân vào đất nền áo nâu
Những đứa trẻ Thu Bồn
Dừng chân nơi đầu ghềnh cuối bãi
Mùa của mùa hoa lau nở
Những bàn chân bấm vào đất nẻ vào cát bỏng
Khói bụi mịt mùng sững phố đau quê
Những đứa trẻ Thu Bồn ngâm chân cửa bể
Trân trân con mắt thuyền quên ngủ
(Nhật ký gió cuốn)
Tạc bằng thơ và bằng cả nét riêng chỉ có ở những gã trai Thu Bồn ngang tàng, kiêu bạc:
Những đứa con Thu Bồn vác núi lên vai
Cõng gió cõng nắng cõng thân phận lục bình
Dọc ngang bãi bờ lau xanh rêu cỏ
Xô rớt những câu thơ
Nhịp nhịp vui buồn
Khép mở
Cánh thời gian
Những đứa con Thu Bồn
Mệt nhoài bốn phương gió bão
rưng rức khóc thầm núi cháy sông khô
Thương kiểng nhớ quê ngày đi tháng ở
(Thu Bồn)
Căn cước Thu Bồn là vẻ đẹp của vùng đất với bề dày của trầm tích văn hóa đền xưa tháp cũ, tiếng dệt lụa ươm tơ, những bãi dâu xanh mướt. Mảnh đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra biết bao thi nhân, những con người tài hoa:
Thằng Thu Bồn gã Vu Gia
Sóng tóc ngang chiều
(Thu Bồn)
Những chàng trai sông Thu
Đã ra đi
Đã quay về và không quay về
Đã quay cuồng trong gió lốc
(Quê hương)
Xứ sở của thi nhân, của những cá tính với sự dấn thân và thắp lửa cho thi ca, cho những tiếng nói mới. Phạm Tấn Dũng tự kiến tạo một chân dung đầy tính hiện sinh:
Tôi lê lết trong tôi
Bản năng lạc đường hoang dại
(Như thể tìm thấy)
Tôi nhặt tôi từ phía không em
Tôi nhặt tôi từ phía không
(Phía không em)
Thơ anh là tiếng nói bên trong, tiếng nói của vô thức, của trực giác, của giấc mơ, của những mơ hồ. Người thơ kiến tạo hiện thực như là sự trộn lẫn của ký ức và hiện tại, mơ và thực: Tôi kẻ đi tìm trong thế giới xa xôi/ Như giấc mơ viễn du/Trách chi tôi kẻ mê mải thung ngàn/Trách chi tôi thằng đãng trí không lời/Tôi-em ngồi nhai kí ức/Con sông buồn chết lặng tiễn chiều đi (mưa).
Thi ảnh người đàn ông ngồi nhai ký ức đầy sức ám gợi. Bất kỳ nhà thơ nào cũng đều mang trong mình ám ảnh về thời gian. Định vị được mình trong sự chảy trôi của thời gian là một nỗ lực khôn cùng. Cả tập thơ là cảm thức về thời gian. Người ăn ký ức và thời gian trong bài thơ này là một sự sáng tạo của Phạm Tấn Dũng. Vẻ đẹp trong thơ anh là cái tôi với nỗi buồn đầy suy tư: Tôi đính bóng tôi vào dốc đá/ không nói gì/ Chỉ bóng thầm thì hôn hương đất/ hôn suối ngàn cây cỏ hoang vu/ Tôi với tôi lạ với bóng mình, Sợi nắng đổ xuống mái hiên/ mái hiên đổ bóng chỗ tôi ngồi/ bóng tôi đổ xuống nền gạch cũ/ nền gạch rêu ăn bóng tôi… Hình tượng cái bóng là một biểu tượng của sự phân thân và phản thân. Bóng một mặt là cái đối lập với ánh sáng, mặt khác nó chính là hình ảnh của những sự vật hiện tượng, hư ảo và bất thường, là mặt âm đối lập với mặt dương… Câu thơ “Tôi với tôi lạ với bóng mình” mang tính triết lí sâu sắc.
Trong tình yêu, cái tôi ấy vẫn luôn suy nghiệm:
Và tìm đâu tiếng gọi
Khi em không là em
Trước em tôi vô hình
Để ngóng về tôi cũ
(Mưa bong bóng)
Những câu thơ trên hé lộ chân dung của một người tình, một triết gia. Tìm đến tình yêu như một cách để hiểu được mình là ai: Khi tiếng cười em vặn vẹo nỗi buồn/ Tôi tương tư như ngọn bút/Nghiêng ngửa một ngày như trăm năm/dù cho chiếc bóng dưới chân/vọng lên tiếng hú.
Hành trình kiến tạo và giải mã cái tôi thật quá đỗi nhọc nhằn. Từ cái tôi trong quá khứ đến cái tôi trong hiện tại là hành trình vừa kiến tạo, xác lập vừa phủ định mạnh mẽ…
Phạm Tấn Dũng đã chọn cho mình một giọng điệu riêng. Giọng thơ anh đầy chất suy nghiệm và triết lí, tự vấn: “Còn tôi với ngày tháng không sinh nở/ nhiều khi hình dung những lần thấy mặt/ nghiêng về phía tây chếch về phía đông/mặt trời đầy cát/mặt mình cũng hoang sơ hoang vu hoang dại”. Giọng điệu ấy tự thân chọn cách diễn đạt thơ thự do mang tính tự sự, thơ văn xuôi không ràng buộc vần điệu. Thơ anh ám ảnh vì những nhạc điệu của tiếng nói bên trong chứ không ở ngôn từ hình thức, đòi hỏi người đọc đồng sáng tạo. Đọc thơ anh là để cùng tỉnh thức và tự vấn.
Nguồn Văn nghệ số 27/2019