Bố tôi có cả một kho tàng truyện ma quỷ linh thiêng. Thường ngày ông hết sức đạo mạo, đi đứng chậm rãi, nói năng từ tốn, nhưng mỗi khi rượu vào, bên ánh lửa bếp bập bùng, là bố tôi trở thành linh hoạt, nói đúng hơn là vừa cổ tính vừa linh hoạt. Bố tôi kể một câu chuyện trong không khí ấy mà tôi nhớ mãi. Chuyện rằng: "Một hôm ông nội sai bố đi mua rượu. Nhà người có rượu bán ở tít bên kia núi. Trời đã xẩm tối. Bố vác chai đi vừa phụng phịu vừa lo củ khoai vùi dưới tro bếp cháy mất, chính vì thế nên không thấy sợ. Lúc về trời đã tối hẳn. Dưới trăng lờ mờ, bố vừa đi vừa mò đường, nên mới nhìn thấy những bụi cây đen đen mờ mờ kì quái. Bố hoảng quá. Đang lúc ấy thì có tiếng trẻ con khóc "ngoa ngoa.." - Bố tôi bắt chước y như thật bằng giọng mũi làm tôi lạnh toát người, vội nhảy bổ vào lòng ông nội. Ông nội tôi ôm chặt tôi, gắt: "Mới có một chai mà đã dọa thằng bé vãi tè ra thế này. Thêm chai nữa chắc là giết tươi nó mất." Bố tôi điềm nhiên nói tiếp: "Đấy đúng là chỗ có cái bãi tha ma trẻ con làng ta, bố sợ quá..." Lúc này tôi đã hoàn hồn, từ trong lòng ông nội hỏi vọng ra: "Thế bố chạy chứ gì?" "Không." - Bố tôi bảo - "Bố hoảng lắm chứ nhưng không chạy, mà bố..." - Bố tôi lúc nhìn ông nội, tủm tỉm cười. Ông nội tôi kết thúc câu chuyện: "Thế là chai rượu của ông chỉ còn một nửa, cháu ạ!" Tôi cười lên hô hố chui ra khỏi lòng ông nội, xoè bàn tay ra, đặt ngón cái vào đầu mũi, mấy ngón kia vẫy vẫy về phía bố tôi để "lêu lêu" bố tôi trầm giọng xuống: "Thế con có biết tại sao làng mình lại có bãi tha ma trẻ con không?" Tôi nói: "Vì chúng nó bị chết!" Bố tôi nhìn tôi: "Sao lại bị chết?" rồi ông nói luôn một mạch: "Thiếu sữa, thiếu cơm, thiếu thịt, nghèo quá. Đẻ mà không nuôi được thì hỏng. Đã nghèo lại không biết ngừng đẻ. Người muốn ngừng thì lại xấu hổ, hoặc sợ con ma nhà, không đến thầy lang. Cái bát thuốc của thầy lang tuy là việc ác, nhưng là việc ác nhỏ để ngăn không cho việc ác lớn xảy ra. Cái việc ác nhỏ có thể làm cho điều thiện lớn lên. Còn cái việc thiện nhiều khi lại làm cho mầm ác được nuôi..." Hình như ông nội tôi bảo bố tôi là: "Đừng có lèm bèm chuyện ấy với trẻ con, nó còn bé tí thế này..." Bố tôi còn nói nhiều nữa, nhưng tôi đã ngủ lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy tôi đã thấy mình nằm gọn trong ổ rơm ấm, mặt trời lên quá ngọn cây. Ông nội tôi từ cõi ngàn đi vào, tay xách địu gạo. Ông bảo: "Hôm nay bố mày đi cúng giúp đám "cấp sắc"(*) làng bên, thích đi thì đi, ở nhà bà Piết ấy. Không thích thì ra nương làm cỏ ngô với anh mày." Tôi muốn chia mình ra làm hai vì đằng nào cũng khoái đi. Cuối cùng tôi quyết định ra nương với anh trai tôi. Vừa đi tôi vừa cố không nghĩ đến cái còng gà béo mẫm mỗi khi theo bố đi cúng, mà nghĩ đến những bắp ngô non thơm lừng anh trai tôi nướng cho. Tôi là út, nên có tính ăn sẵn. Đã có lần bố tôi nửa đùa nửa thật: "Muốn ăn sẵn thì chỉ làm nghề thầy cúng thôi con ạ!" Đến nương, tôi gọi to. Anh tôi xuất hiện từ đám ngô xanh mướt. Anh cười cười: "Ra đây làm cỏ với anh hả?" Nhà tôi có bốn chị em. Chị cả đi lấy chồng làm cán bộ, chị thứ hai đi học Trường Dân tộc nội trú đều ở huyện, anh trai tôi phải ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng, làm nương, chăn trâu, cắt cỏ ngựa. Hôm nào tôi cao hứng mới giúp anh một việc gì đó. Tôi lại có máu tiến quân nên hễ đi chăn trâu hay thả ngựa, lại tụ họp bọn trẻ cùng lứa chia phe đánh nhau. Lần nào phe tôi cũng thắng do dích thân tôi làm tướng đích chiến. Có mấy lần tôi đấm toé máu mũi con nhà người ta, anh tôi phải hái lá thuốc để rịt rồi đưa tên đại tướng về tận nhà, thay mặt bố tôi xin lỗi bố mẹ hắn. Cũng vì tôi "bách chiến bách thắng" nên bọn trẻ con sợ tôi, dần dần xa lánh tôi. Bây giờ chỉ còn anh với bố là bạn thân, còn ông nội ngày càng già lão, hay nói chuyện một mình. Anh tôi lúc nào cũng cười cười với tôi, không bao giờ tát hoặc béo tai, béo má như hai chị của tôi. Có lần mẹ tôi bảo bố tôi: "Sao ông không cho thằng Ba đi học ở Trường Dân tộc nội trú ấy, cho nó sáng lòng sáng dạ, có khi được làm cán bộ cũng nên." Bố tôi bảo: "Nhà mình có một tiêu chuẩn thì con Mẩy đi rồi, còn tiêu chuẩn khác để xem trong làng có nhà nào cho con đi nữa chứ. Phải nghĩ đến người khác nữa mẹ nó ạ! Lấy tất vào nhà mình thì cả cái làng này không sáng được đâu, sáng một mình là tội ác đấy." Mẹ tôi không nói gì. Thế là anh tôi ở nhà.
Tôi làm cỏ ngô với anh đến quá trưa thì về. Anh tôi bắt được một nắm châu chấu ngô đưa cho tôi cầm. Về đến nhà, thấy thịt gà, thịt lợn đã bày sẵn - đó là phần của thầy cúng ma nhà bà Piết cho người mang sang. Tôi thả ngay nắm châu chấu, sà vào mâm. Ông nội tôi rót rượu uống. Chợt anh tôi hỏi:
"Châu chấu đâu để anh đem nướng nào?" Tôi vừa cười vừa bảo: " Em thả nó bay đi rồi anh ạ!" "Nói dối!" - Anh nhìn thẳng vào tôi: "Anh đã vặt cẳng rồi mà." - Tôi đáp: "Ối mấy con châu chấu em vứt đi rồi." Anh tôi buồn hẳn, vẻ buồn tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi bỗng nhớ tới món châu chấu nướng thơm dầm muối ớt mà anh tôi thường làm mỗi khi đi nương ngô về. Rồi anh tôi lại vui vẻ ngồi vào mâm, cùng ông nội, mẹ tôi với tôi ăn cơm. Anh còn uống một chén rượu, lúc sau mặt đỏ bừng cả lên.
Hôm sau nữa bố tôi mới về. Trong lúc ngồi sưởi lửa khuya khuya, thấy anh tôi có vẻ đã ngủ say, tôi hỏi bố tôi: "Bố ơi! Vặt cánh vặt chân con châu chấu có phải là ác không bố?". Bố tôi bảo: "Nếu là con châu chấu ma thì đừng hành hạ nó, vì có thể có những linh hồn nhờ nó cõng. Còn là con châu chấu ngô thì vặt được càng nhiều càng tốt, vì nó cắn hỏng cây ngô, ngô sẽ không ra bắp, người trồng ngô sẽ chết đói." Bố tôi trầm ngâm một lúc rồi bảo tôi: "Con biết hỏi thế là sắp thành người lớn rồi đấy!"
Đêm ngủ tôi thương anh tôi lắm. Sáng ra, tôi một mình mang cào bướm ra nương ngô, dãy nốt mảng cỏ còn lại. Đang làm thì anh tôi đến, cười cười bảo tôi: "Em lớn bằng anh rồi còn gì!" Lúc về, tôi cố bắt một nắm châu chấu. Những con châu chấu ngô khôn lắm, nó có màu như màu lá ngô, lẫn vào lá ngô. Tôi buột miệng: "Những con châu chấu này mới đáng gọi là châu chấu ma, còn châu chấu ma phải đổi tên là châu chấu thần." Tôi nói thế vì tôi rất ghét ma, mặc dù trong tôi, cái khái niệm đó rất mơ hồ. Anh tôi bật cười: "Em thành người lớn rồi đấy!" Tức là đêm qua lúc tôi nói chuyện với bố, anh chưa ngủ, tôi định đấm một quả vào ngực anh cho đỡ ngượng, thì chợt nghĩ: "Ờ, cũng có khi mình là người lớn thật, người lớn có ai đấm nhau đâu?" Thế là thôi, không đấm anh nữa.
![]() |
Ảnh pixabay |
Rồi cũng đến lúc bố tôi làm lễ "cấp sắc" cho tôi. Bố tôi "cấp sắc" cho cả làng, bây giờ khi làm cho người nhà mình lần thứ hai (sau anh tôi), thì bố tôi phải mời ông thầy cúng làng bên. Vì là người có uy tín, được trọng nể, nên bố tôi có bao nhiêu là khách. Khách từ tấn xã bên sang, khách từ nhiều làng khuất sau những quả núi đến. Sân nhà tôi chật những gà, vịt bị trói, lợn nằm trong rọ to. Ông nội tôi rất vui, ngồi tiếp chuyện các cụ già. Mẹ tôi tất tả nhờ mấy bà bạn cùng làng đến, lắp thêm ba bốn cái bếp, nồi niêu xoong chảo inh om cả lên. Anh tôi đi khênh rượu về, rồi ra sàn nước xắn tay áo lên mổ lợn, mổ gà, lúc nào cũng cười cười. Các chị ở quanh làng rất hay liếc trộm anh tôi, bởi vì anh tôi rất đẹp trai. Còn tôi, không biết tôi có đẹp trai không(?). Lễ cúng linh đình suốt mấy ngày. Tôi được mặc cái áo có dấu chiến vuông ở lưng. Mọi người rất vui vẻ. Các bác, các chú uống rượu, chúc nhau bằng bát, chưa xong bữa đã chạy ra đầu nhà để nôn. Mấy con chó của tôi ăn những đống nôn ấy song bước đi xiêu vẹo. Một lúc, chúng nằm vật ngáy khò khò. Các bác, các chú uống rượu liên miên từ sáng đến tối, rồi lại từ tối đến sáng.
Sau lễ "cấp sắc" cho tôi, mẹ tôi ngồi tính ra nếu không làm linh đình mấy ngày như thế này thì giá trị chỗ rượu thịt có thể mua được ba con trâu loại béo khỏe. Bố tôi gạt đi. "Phong tục thế rồi, không làm người ta cười vào mặt, quên đi."
Chị cả tôi về nhà được mấy ngày, anh rể cả không về được vì làm cán bộ phải đi họp. Chị thứ hai nhà trường không cho nghỉ. Chị viết thư về: "Bố mẹ a! Con xin phép nhà trường cho nghỉ ba ngày về nhà giúp bố mẹ làm lễ "cấp sắc" cho em. Thầy giáo bảo: "Bây giờ chỉ có cấp nước, cấp điện, cấp phát, cấp trên với cấp dưới chứ làm gì có cấp sắc, cô định lừa tôi phỏng?" Con không dám trốn học, bố mẹ bảo em là con nhớ em lắm, em lớn rồi con không béo má nữa đâu...” Thư này anh tôi đọc cho tôi nghe, vì anh đã được học lớp xoá mù chữ, chứ tôi thì chưa biết chữ. Hôm chuẩn bị đi, chị cả tôi nói với bố mẹ tôi bên bếp lửa, tưởng là tôi đã ngủ say: "Bố mẹ ạ! Để con đưa thằng út lên huyện cho nó đi học, con đã nói chuyện với nhà con rồi." Bố tôi trầm ngâm rồi nói: "Thằng út mà đi học thì ai là người kế cái nghiệp này. - Thôi để nó ở nhà, chưa học rồi sẽ được học. Trường lớp, thầy cô giáo sắp về làng ta rồi. Nó học ở trường làng thì sẽ học được việc luôn, có chí thì nên. Tính khí nó thế ra huyện ở với anh chị, nó lại nổi máu tướng quân thì ai đi xin lỗi cho nó?" Tôi ức không chịu được, vì đã "cấp sắc" rồi mà bố vẫn coi tôi là thằng trẻ con hám đánh nhau. Mẹ tôi cũng muốn cho tôi đi học lắm, nhìn vào mắt mẹ qua tấm phên liếp, tôi biết, nhưng ý của bố tôi thì ai cũng tâm phục, khẩu phục (tất nhiên là trừ tôi), nên mẹ tôi im lặng. Thế là chị cả xin đưa anh tôi đi. Anh tôi bảo không đi vì ở nhà ai làm nương, làm ruộng. Tôi bật dậy đi ra, ngồi xuống cạnh bố, bắt chước kiểu của bố, nhìn anh tôi một lúc rồi mới nói: "Anh cứ đi, ở nhà em làm được!" Cả nhà im lặng, rồi bỗng mẹ tôi xoa đầu tôi, vừa cười vừa khóc: "Ôi thằng cu của mẹ!...
Anh tôi theo chị cả lên huyện học từ đó. Ở nhà đêm về, bên bếp lửa hồng, bố tôi dạy tôi những bài hát cúng. Những bài hát này nếu tôi biết chữ, tôi sẽ chép ra dài bằng mấy quyển sách của ông kiểm lâm. Tôi được học tung đồng xèng muốn sấp được sấp, muốn ngửa được ngửa. Tôi được học vẽ bùa, niệm chú, cách thức làm đám tang, cách thức cúng "cấp sắc", cả bài cúng xua đuổi tà ma có múa kiếm. Riêng môn múa kiếm thì tôi là một học trò xuất sắc, được bố tôi khen là đầy dũng khí, nhanh và đẹp. Tôi biết là bố tôi không muốn nhắc đến hai chữ "tướng quân" nữa. Tôi được đi học chữ. Trường mở ngay chân núi làng tôi, có lá cờ tung bay phấp phới nhà nào cũng nhìn thấy. Tôi là học sinh trong đám học sinh, nhưng không bắt nạt ai vì nhớ bao chuyện bố tôi dạy đừng làm điều quái ác. Ông nội tôi đã yếu lắm. Bố mẹ tôi cũng đã già. Anh tôi đi học về làm cán bộ xã, chị Mẩy được đi học đại học ở tận Trung ương.
Bây giờ, tôi lại đi cúng cho mọi nhà, nhưng tôi không cho phép nhà ai mổ nhiều lợn gà, uống nhiều rượu. Tôi bảo rằng thần linh thấy ăn uống linh đình thừa mứa là thần phạt, vì bao nhiêu công sức lao động đem phung phí đi như vậy là tội ác. Bao nhiêu người vẫn đang lo nghèo đói, giáp hạt, bao nhiêu người còn không đủ ăn. Khi làm lễ cúng ma người chết cũng vậy, chỉ cần 1 con gà, nếu đông anh em họ hàng thì một con lợn nữa là đủ. Những bài hát cúng bố tôi truyền lại tôi vẫn thuộc, vẫn hát, nhưng tôi không làm ma thuật để dọa nhà chủ nữa, chỉ làm đủ lễ cúng cổ truyền, đưa hồn người về với tiên tổ cho thoả lòng người sống là được rồi.
Một đêm nằm mãi không ngủ được, tôi tự hỏi sao chưa bao giờ thấy ma quỷ gì cả. Sau khi bò dậy uống hết nửa chai, tôi nghĩ ra: "Chỉ có con ma nghèo đói với con ma dốt nát mà thôi..."
Biết chữ rồi, tôi sẽ ghi chuyện của tôi thành sách, để nhiều người cùng biết chuyện của thầy cúng người Dao ở núi My Tỷ này.
-------------
* Cấp sắc: Lễ cúng của người Dao công nhận một người nam trở thành đàn ông - người lớn.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet |