Sáng tác

Câu hát - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh

Lưu Sơn Minh
Truyện
10:00 | 04/08/2024
Baovannghe.vn - Đêm nóng. Bây giờ mà tắm thì rất thú, thế nhưng... người chèo đò bất giác rùng mình khi nghĩ đến những con giải, những con thuồng luồng
aa
Câu hát - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh
Câu hát - truyện ngắn của Lưu Sơn Minh

Người chèo đò cúi xuống buộc lại sợi dây kéo thuyền vào gốc cây ven sông. Anh với lấy câu và gói mồi trên nóc thuyền và từ từ thả sợi dây câu xuống nước. Đêm nóng. Bây giờ mà tắm thì rất thú, thế nhưng... người chèo đò bất giác rùng mình khi nghĩ đến những con giải, những con thuồng luồng dạng ẩn dưới mặt nước đen kia. Ở đất nước này, những người trai tráng không sợ loài thủy quái. Họ xăm hình giao long và cả hình thủy tổ Long Quân lên mình. Nhưng ngày bé, nỗi sợ trước sự đau đớn đã làm cho anh không dám xăm một chút gì cả. Và giờ đây anh mới thấy tiếc cho điều dại dột kia. Thôi thì... người chèo đò nâng cần lên. Vẫn chẳng có con cá nào mắc câu mà chỉ mồi là bị rỉa hết. Anh thở dài, thay mồi mới và lại thả xuống. Cắm cần câu vào bờ đất, người chèo đò dựa lưng vào gốc cây và nghêu ngao hát. Câu hát lạ lắm, không giống những lời truyền từ thời vua tổ Hùng Vương thứ nhất. Hát rằng:

"Bao giờ anh lấy được nàng

Rước dâu trăm chiếc thuyền ngang sông này

Nhà trai bưng cỗ mỏi tay

Cậy thêm nhà gái sang đây bưng cùng...

Câu hát chán ngắt. Vậy mà xem ra anh ta hát say sưa lắm. Nhưng cái giọng của anh ta thì hay thật là hay. Nó lên bổng, xuống trầm, nó làm người ta quên mất cả lời hát nhạt phèo. Quãng sông vắng xôn xao một lúc vì tiếng hát từ trong một lùm cây tối om... Trăng hạ tuần đã biến mất từ lúc nào và cả khoảng sông chỉ còn nhờ nhờ một thứ ánh sáng chẳng biết từ đâu. Đom đóm bắt đầu bay ra từ cỏ và thắp cho riêng mình một thứ ánh sáng xanh lét, chập chờn. Người chèo đò vung tay cố bắt một con nhưng không được. Khi tưởng như sắp tóm được đến nơi thì ánh sáng xanh lại biến mất con đom đóm lao vụt vào đâu không rõ. Chán nản, anh quay ra kéo cần lên và thu dây câu lại. Con đóm đang đậu ở đầu cầu bay vụt lên như một tia chớp nhỏ. Nó lao chấp chới và biến mất vào bụi cây đằng xa. Người chèo đò uể oải đứng dậy, ngáp dài và đá mấy cục đất xuống sông kêu lõm bõm. Anh từ từ trèo lên thuyền và khuất dần trong khoang tối... Dòng sông chầm chậm trôi, còn những vì sao ở lại đúng nơi chúng rơi xuống. Ngủ đi, sông ơi!

Buổi sáng. Nắng chói chang. Đám cò vạc bước những bước dài ngờ nghệch và sục cặp mỏ xuống sông. Sốt ruột, người chèo đò dập mạnh bơi chèo xuống nước. Lũ chim túa lên và bay đi sang mé sông bên kia.

Từ sớm tới giờ chẳng có ai qua sông cả. Người chèo đò bắt đầu thấy đói. Anh nướng qua loa mấy con cá lăn lóc trên sạp thuyền và xé ra ăn. Hình như anh định ném con cá đang ăn dở xuống nước. Mấy cô thôn nữ đi qua bật cười làm anh đỏ mặt. Thật là một buổi sáng đen đủi. Chỉ mới tháng trước thôi, ba ngày liền anh chở chẳng biết bao nhiêu chuyến đò. Những người khách qua sông, trở đi và trở về nườm nượp. Họ đi dự lễ kén chồng của Mỵ Nương. Tiền chở đò xếp thành từng chuỗi trong khoang thuyền rách nát của anh...

Người chèo đò mỉm cười nghĩ về bến Dâu xa mãi phía trên sông, ở đó có người thôn nữ vẫn đợi anh về. Em ơi, tiền để dành sắp đủ rồi. Anh sẽ trở về và chúng mình sẽ lấy nhau, đúng như lời ước nguyện của hai đứa. Hôm ấy chắc là vui lắm nhỉ...

Bất giác, người chèo đò cất tiếng hát. Hát rằng:

"Nàng bảo anh tìm ngọc trai

Anh xuống bể Đông mò ngọc

Nàng bảo anh kiếm sừng tê

Anh lên rừng săn tê giác

Ơ này trai ngọc - Ơ này sừng

Nàng ơi - Có đợi anh về?..."

Mỵ Nương thở dài lăn qua lăn lại trên sập. Nàng đang ốm. Và sầu muộn vì thất vọng sau một tháng trời vô vị ngồi trên lầu cao. Tất cả những anh chàng đến trổ tài đều chán ngắt. Chúng chỉ là lũ tầm thường chẳng giống như nàng mơ ước. Vậy mà cha nàng thì cứ ra ra vào vào, ngày nào cũng hỏi con thị nữ: "Thế con ta chưa ưng ai à?" Và rồi ông lại bực bội bỏ đi sau cái lắc đầu của con thị nữ. Ông đã chán đến phát ghét mặt nó từ lâu. Thế nhưng con ông lại chỉ yêu quí có mỗi mình nó. Ông đành bấm bụng im lặng...

Quan Thừa tướng cúi xuống bên con gái "Có mệt lắm không con, cha muốn cho con đi chơi xa một chuyến." Mỵ Nương khẽ quay lại, khuôn mặt dường như tươi lên một chút. Quan Thừa tướng chợt lờ mờ nghĩ rằng, thế là ông đã tìm ra thuốc chữa cho con gái.

Đám gia nhân được đốc thúc làm cho xong căn lầu ven sông trong một buổi chiều. Đàn chim trên sông bay giạt đi đâu không rõ. Và sau đó, một đám rước với đầy đủ cờ quạt, võng lọng rợp trời kéo đến. Duy chỉ có điều là không có một tiếng chiêng trống nào mà thôi.

Tất cả, người chèo đò và bầy chim nước không hề biết rằng Mỵ Nương đang ở trên căn lầu ấy. Mỗi sáng, con thị nữ khẽ hé hai cánh màn hồng cho một chút nắng sớm rọi vào rồi lại buông ngay xuống. Cứ như thế, quen dần, bầy chim lại trở về kiếm ăn ở chốn xưa.

Tiếng hát mênh mông trên dòng sông. Người chèo đò hát lại những lời anh hát từ đêm hội làng năm ngoái. Đêm ấy, chuếnh choáng say men rượu nếp, say đôi mắt người con gái bên kia chiếu rượu thỉnh thoảng lại liếc nhìn, anh đã hát cho đến khi trời sáng. Hát rằng:

"Trèo lên ngọn núi mà trông

Người đi – ta đợi – ta mong - người về..

Núi cao cách mấy cũng trèo,

Sông sâu cách mấy cũng liều qua sông...

Hát và giã từ. Bao giờ đủ tiền nộp làng, đủ tiền cưới, anh sẽ về..

Cánh màn khẽ lay động. Mỵ Nương quay lại ả thị nữ.

- Gọi người đang hát cho ta.

Ả thị nữ hấp tấp chạy ra sông. Bến vắng ngắt. Chỉ có một con thuyền rách và một gã trai xấu xí khủng khiếp. Ả định trở về, nhưng rồi nghĩ thế nào đó, ả quay lại:

- Có phải người vừa hát không? Người tên là gì?

Gã trai luống cuống kéo sụp chiếc nón rồi mới ngẩng lên:

- Vâng. Tôi tên là Trương Chi.

- Người đi theo tôi, nhanh lên!

Gã lại càng cuống:

- Đi đâu thế ạ?

- Cứ đi rồi sẽ biết, Mỵ Nương gọi người đấy!

Ngần ngừ một chút, gã trai kéo thêm chiếc nón và đứng dậy. Đằng sau lưng là dòng sông, và trước mặt là căn lầu của một thế giới khác. Gã chậm rãi bước đi..

My Nương không hỏi han gì cả. Nàng chỉ bảo gã hát cho nàng nghe. Thế là gã hát về dòng sông và những cánh chim Lạc, cánh chim mơ ước. Hát rằng:

"Ơ này chim ơi

Bay về rừng thẳm

Bay vượt trùng khơi

Nhờ đôi cánh mỏng

Nhởn nhơ giữa trời

Ơ này sông ơi

Trôi về biển cả

Mang theo những gì

Thảy là kiếp lá...”

Mỵ Nương thích lắm, nàng cố nhỏm dậy uống chén thuốc mới bưng vào. Và rồi nàng ngủ, ngon lành như chưa hề có một chút gì bệnh tật. Lũ hầu đuổi Trương Chi ra ngoài. Đến lúc ấy, con người đáng thương đó mới dám ngẩng lên một chút để liếc khẽ vào trong. Nhưng hai cánh màn gấm đã che kín tầm mắt gã. Trương Chi thở dài bước ra.

Lần đầu tiên Trương Chi được ăn bữa cơm ngon như vậy. Gã thoáng nghĩ đến con cá nướng ranh mà gã định ném xuống sông hồi sáng. Còn bây giờ là những thức mà gã chẳng thể đoán ra nổi nữa. Chỉ biết rằng chúng rất ngon.

Nhưng đến đêm, gã chợt thấy nhớ dòng sông, nhớ lắm. Nhớ cả ánh trăng suông mà có lần trong cơn tức giận, gã đã lấy cần câu cố quật cho vỡ tan cái bóng trăng ngơ ngác dưới sông. Nỗi nhớ đang dâng tràn thì ả hầu gái lại gọi gã lên hát cho Mỵ Nương nghe. Hình như nàng đã thấy khỏe người dần nhờ tiếng hát của gã. Kể cũng lạ, đã bao nhiêu năm gã hát trên sông mà có ai hỏi đến gã đâu. Thế là gã lại hát, hát về những con cá nhưng là cá bơi dưới nước chứ không phải con cá nướng hồi sáng. Hát rằng:

"Cá lượn, cá bơi

Nước trong, nước chảy

Cá lao, cá nhảy

Vượt cả ghềnh cao

Bao giờ mưa rảo mưa rào

Bay qua thác lớn về ao nhà Trời..."

Mỵ Nương hỏi gã:

- Này anh kia, sao câu hát quê thế?

Gã ngơ ngác chẳng biết trả lời làm sao. Có bao giờ gã nghĩ xem mình hát gì đâu. Chỉ có câu hát đến với gã trong phút chốc, và gã chỉ hát lại chúng thôi cơ mà... Chừng như chờ đợi lâu quá, My Nương khẽ hé màn nhìn ra. Đất đảo trời quay... Lần này không cần ai nhắc, gã lại hát, hát về sự tôn thờ và tình yêu. Lời hát cứ thế trôi đi, mênh mang đến và mênh mang từ giã. Gã chẳng kịp biết mình đang hát gì nữa. Mãi đến khi ả thị nữ lôi gã ra ngoài, gã mới hoàn hồn. Ả bảo: "Anh đừng hát nữa, Mỵ Nương ngủ rồi..."

Bấy giờ, ngồi trên sông, Trương Chi vẫn không thể nào dứt bỏ được khuôn mặt của Mỵ Nương. Cái sắc đẹp kiêu kì ấy cứ bám riết lấy chàng. Sau năm ngày chàng hát liền không nghỉ, Mỵ Nương đã khỏi bệnh. Nàng gọi người đã chữa bệnh cho mình đến bên giường và giật phắt cái mê nón sùm sụp trên đầu chàng ra. Mỵ Nương kêu lên một tiếng và kéo ngay màn xuống. Nàng hét to: "Đưa anh ta ra ngoài!" Trương Chi ngơ ngác nhận tấm sồi nâu từ tay quan Thừa tướng. Ấy là lòng biết ơn của bậc quan quyền. Chàng không giận, bởi cũng không kịp giận. Lúc đó và mãi sau này, trước mắt chàng chỉ có mỗi hình ảnh của Mỵ Nương. Bóng hình người thôn nữ bến Dâu đã tan biến đằng sau vẻ đẹp thiên thần của Mỵ Nương từ lúc nào không biết.

Trong giấc ngủ của chàng, Mỵ Nương hiện ra như mơ như thực. Nàng gần quá một vòng ôm, mà lại xa vời đâu đó. Bóng hình nàng cứ chập chờn ám ảnh Trương Chi cho tới khi ánh mặt trời chiếu lóa cả dòng sông. Chàng ngồi dậy, ngẩn ngơ nhìn quanh. Ngoài mấy con cò, con vạc, trên sông cũng chẳng còn ai. Căn lầu nhỏ bị dỡ đem đi lâu rồi. Bây giờ, cả ngày chẳng có ai qua đó. Thừa tướng đã đưa Mỵ Nương lên ngược trên kia, nghe đâu là mạn bến Dâu...

Người chèo đò nằm dài trong lòng con thuyền rách. Đã mấy bữa liền chàng chẳng ăn được gì cả. Sầu muộn, tương tư chàng ốm yếu dần.

Mãi tới đêm nay, tự nhiên Trương Chi thấy nóng ruột lạ lùng. Chàng nhớ về bến Dâu một nỗi nhớ cồn cào. Giả như mọi khi thì chàng đã hát. Nhưng không hiểu sao những câu hát lại rời bỏ chàng trong lúc này. Chỉ có nước mắt, nước mắt âm thầm chảy xuống và một đôi giọt tan biến trong miệng để lại vị chát không sao tả nổi. Có lẽ Lụa vẫn chờ chàng, người thôn nữ thủy chung vẫn chiều chiều ra bến sông ngóng theo mỗi một bóng thuyền...

Thế rồi Trương Chi thấy hồn mình nhẹ bỗng, chàng bay về bến Dâu, về với cây bạch đàn mà hai người hay ngồi năm xưa, về với nơi họ đã chia tay và hẹn ước...

Đêm ấy, Lụa mơ thấy Trương Chi trở lại với mình. Nàng chạy về phía chàng nhưng không sao tới được. Chàng ôm lấy cây bạch đàn quen thuộc và hóa thân vào đó. Lụa tỉnh dậy, nàng vùng chạy ra bến. Trong tiếng lá bạch đàn lao xao vọng về tiếng hát của người chèo đò đã chết. Lụa gục đầu vào thân cây và im lặng...

Mỵ Nương thẫn thờ nhìn ra bến sông. Bến vắng người. Chỉ có một cây bạch đàn đứng trơ trọi trong ánh chiều đang tắt. Không hiểu sao ở cái bến này lại vắng bóng một con đò, dù chỉ là con đò rách. Thốt nhiên, My Nương nhớ đến Trương Chi. Mãi cho đến giờ nàng vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao cái giọng hát tuyệt vời lại được cất lên từ một con người xấu xí đến vậy. Câu hát mà nàng cho là quê mùa dạo nọ, giờ chợt trở nên gần gũi lạ. Nó cứ ám ảnh, cứ âm vang mãi trong nàng. Lời hát ẩn chứa một điều gì tựa như là ước mơ mà nàng chỉ lờ mờ cảm nhận được. Nghĩ lại, Mỵ Nương thoáng thấy thương con người ấy. Nhưng.... tại sao khuôn mặt anh ta lại ghê gớm đến như thế cơ chứ? Chính điều ấy đã khiến Mỵ Nương thét đuổi Trương Chi ra ngoài. Nàng hiểu anh ta nghèo, còn cha nàng là quan Thừa tướng. Biết làm thế nào được, giá anh ta có vẻ ngoài đẹp đẽ hơn, nàng sẽ đi theo anh dù có phải rũ bỏ tất cả. Nhưng kể từ khi đuổi Trương Chi, Mỵ Nương bắt đầu cảm thấy một nỗi cô đơn dày đặc phủ xuống quanh nàng. Hôm qua, cha nàng đã đuổi con thị nữ mà nàng yêu quí nhất. Giờ đây, chẳng còn ai để cho nàng tâm sự nữa. Trước khi ra đi, con thị nữ đã kể cho nàng nghe những điều mà nó vẫn còn giấu kín. Nhưng lần này thì nàng không tin được nó, mà nàng cũng chẳng dám nghĩ như thế, có lẽ nào Trương Chi lại yêu nàng?...

Quan Thừa tướng khẽ đưa tay lên vuốt râu. Ông khoan khoái nghĩ về đám cưới đứa con gái yêu. Chỉ nay mai thôi, con ông sẽ lấy một Lạc tướng kiêu hùng đánh đông, dẹp bắc. Ngần ấy năm ngồi trên lưng ngựa, viên dũng tướng này đã dẹp yên những cuộc khởi loạn ở khắp nơi trên đất nước này. Đâu phải chỉ con ngựa chiến và lưỡi rìu trận làm bạn đường với người tráng sĩ, sau mỗi lần đánh dẹp, những đồ trân quí trong phủ Lạc tướng lại nhiều lên không sao đếm xuể. Quan Thừa tướng ngả đầu xuống gối, con ông sẽ được sung sướng trong gấm vóc. Từ xưa đến nay, ông có làm điều gì sai bao giờ đâu. Lần này, chọn rể ông cũng cân nhắc kĩ lắm. Ông chỉ sợ con gái ông chê Lạc tướng không được dạy dỗ cẩn thận. Nhưng mà nó cũng phải nể ông một chút chứ. Chả lẽ cái võ phu ngoài chiến trận lại đem về nhà đối xử với vợ?...

Ông trở mình, xoay mặt vào trong tường. Việc của con xong rồi thì ông cũng phải lo việc của ông. Ngần này tuổi đầu mới có một mụn con gái, mà vợ ông từ giã cõi đời đã mấy năm nay. Âu cũng là cố kiếm thằng con trai nối dõi tông đường...

Gã lính canh ngơ ngác thấy quan Thừa tướng bỗng cười ha hả một mình trong phòng. Gã vội vã quay người lại và cố đứng cho thật thẳng. Giờ này, quan Thừa tướng thường khiển trách lính vì những cái không đâu...

Đêm qua Mỵ Nương mới được biết người chồng sắp cưới của nàng. Đó là một chàng trai khôi vĩ. Chỉ thoạt nhìn, không biết bao nhiêu cô gái đã phải lòng chàng dũng tướng ấy. Hôm lên thuyền ngược sông, Mỵ Nương đã để ý thấy chàng đứng trên mũi thuyền hiên ngang như thần tướng. Trái tim thiếu nữ khẽ rung lên... Nhưng rồi nàng đã phải thất vọng quá nhanh. Con người đẹp đẽ kia quát mắng sỉ nhục những người lính chèo thuyền bằng những lời lẽ của phường mạt hạng. Mỵ Nương chợt nhận ra đây là kẻ võ biền. Lúc ấy, nàng quay về buồng riêng và thả hồn quay về với những câu hát của Trương Chi. Thế còn giờ đây... Mỵ Nương bỗng hiểu ra rằng đời nàng sẽ phải gắn bó với một kẻ võ phu thô mịch. Vậy mà cha nàng cứ khen rằng kẻ ấy vừa giàu vừa tốt. Chọn được một người chồng thật khó lắm thay...

Phủ Thừa tướng nhộn nhịp suốt đêm. Thừa tướng cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Ông nằm nghe tiếng chày giã bánh, tiếng lợn kêu mà mừng, mà lo. Ông vùng dậy, lững thững ra bến Dâu một mình. Mờ sáng, đám gia nhân chợt thấy Thừa tướng chạy về rất nhanh. Ông đã tìm ra cây gỗ quí để tiện chiếc chén giao bôi cho đám cưới con gái. Cả cây bạch đàn và cô thôn nữ giặt lụa dưới bến đều lọt vào mắt ông.

Ngay lập tức cây bạch đàn bị đốn. Từ nhát dao đầu tiên, một dòng nhựa đỏ thẫm chảy ra, thơm ngào ngạt. Nhựa cứ chảy, chảy mãi và đông lại thành một khối đỏ long lanh. Cây bạch đàn bị ném xuống sông. Sau khi đã chảy hết nhựa, cây gỗ lại trở thành tầm thường. Khối nhựa đã quá đủ để tiện thành chén quí... Chẳng ai để ý đến tiếng khóc uất ức của Lụa. Mà cũng chẳng ai nghe thấy đám gia nhân xì xào rằng dòng nhựa ấy nhớt như là máu. Cả làng còn đang mải vui một đám cưới mà từ lọt lòng mẹ đến giờ họ chưa từng thấy. Đám trẻ con nhảy múa reo hò khắp những con đường làng khấp khểnh. Chẳng hiểu vì sao Thừa tướng lại về cái làng này lập phủ để cho đám dân đen được một chút thơm lây. Âu cũng là phúc ấm của cả làng...

Kiệu hoa đã tới cổng. Pháo nổ và mọi người chúc tụng ầm một vùng xưa kia là chốn cấm. Lạc tướng và Mỵ Nương quì xuống thì thụp lễ trước bàn thờ tổ. Ngay cả đến lúc ấy, nghe cái giọng khê nồng của Lạc tướng, nàng còn ngơ ngác như thiếu một cái gì đó. Quì rồi lại đứng, Mỵ Nương đi theo người đang trở thành chồng nàng về phía quan Thừa tướng. Cha nàng vuốt râu cười và trao cho con rể cùng con gái chiếc chén giao bôi. Mãi khi nhìn vào mắt con người đang cùng nàng nâng chiếc chén, Mỵ Nương mới chợt nhận ra điều ước muốn của mình. Nàng khẽ nhắm mắt lại... Trời ơi, tại sao anh ta lại không có cái giọng ngọt ngào của Trương Chi? Những câu hỏi diễu qua óc nàng đến chóng mặt. Tại sao nàng lại nhớ đến Trương Chỉ ở cái giờ phút oái oăm này? Uớc gì khi nàng mở mắt ra, sẽ có một con người đẹp như chàng Lạc tướng cất lên giọng hát Trương Chi... Lạc tướng ngơ ngác giật tay áo vợ "Ơ này, nàng nghĩ gì thế?" Mỵ Nương giật mình, nàng không dám ngẩng lên nhìn chồng nữa. Chao ôi, vẫn cái giọng mang đầy hơi hướng thô lậu của kẻ suốt đời chỉ đem sức mạnh ra đè nén thiên hạ... Chợt Mỵ Nương rú lên, trong chén rượu giao bôi thoáng bóng một con đò rách và người chèo đò đang hát? Tiếng hát Trương Chi...

Chàng hát về bến Dâu, về Lụa và ngôi nhà trong mơ của họ. Hát rằng:

"Ơi hỡi nàng ơi, mong chờ anh đã bao năm ròng

Dốc một lòng, dốc một lòng (là lòng) đợi nhau

Sao anh nỡ nào (là nỡ nào) quên đành

Ơi mấy nàng ơi, bến Dâu nước còn xanh

Ơi mấy người ơi, giờ này còn giặt lụa hay chăng?

Anh sẽ về (là về) với nàng...!”

Mỵ Nương bật khóc, nàng bỗng hiểu ra giọng tuyệt vời của con người xấu xí ấy cất lên từ một trái tim nóng bỏng. Nó mới quí giá làm sao. Vậy mà hôm con thị nữ nói rằng anh ta chết vì tương tư nàng, Mỵ Nương đã không tin... Thế rồi, Mỵ Nương thấy tay mình nhẹ bỗng và mát lạnh. Chén rượu đã tan vào nước mắt thành một bụm nước đỏ sẫm trong lòng tay. Từng dòng nước chảy tràn qua kẽ tay, rơi xuống, loang dần và tím lại trên mặt đất...

Ngoài kia, trời đổ mưa. Lụa ngồi trên gốc bạch đàn cụt trắng muốt. Nàng cũng khóc. Mưa hòa lẫn nước mắt chảy ròng trên mặt nàng. Mẹ nàng vừa kể cho nàng nghe về lời ướm hỏi của quan Thừa tướng. Ông muốn đón nàng về làm lẽ. Nửa tuần trăng nữa, ông sẽ quay lại nhận câu trả lời của nàng.

Lụa chợt nghe thấy văng vẳng tiếng hát từ sông vọng lên, tiếng hát của chàng. Nó vọng về từ đâu đó mãi từ bên sông xa tít dưới kia. Cỏ cây và dòng nước nhập nhòa, nhập nhòa trong màn nước trắng mờ. Con sông quê trước mặt sao mà mênh mang. Câu hát xa - câu hát gần - câu hát mênh mang ôm nàng vào lòng. Lụa chợt thấy sóng nước bồng bềnh hình như trôi mãi, trôi về bể Đông...

Bà tôi kể cho tôi nghe câu chuyện này từ hồi tôi còn bé tí. Bà còn nói rằng người thị nữ của Mỵ Nương cũng yêu tiếng hát của Trương Chi. Chính nàng là người tìm thấy Trương Chi nằm chết trong con thuyền rách và nàng đã đưa xác người chèo đò về bến Dâu chôn cất. Tôi biết rằng những người dân ven sông đã giúp nàng làm điều đó. Chỉ đến khi Trương Chi chết, họ mới nhận ra tiếng hát của chàng là một quà tặng của đất trời dành cho họ. Những câu hát làm người ta quên đi mệt mỏi để sống với ước mơ. Còn về người thị nữ thì bây giờ chẳng còn ai biết thêm một chút gì cả. Đã bốn nghìn năm trôi qua trên đất Lạc Việt này rồi còn gì. Từ thuở ấy, người ta đã yêu và chết vì tiếng hát, vì ước mơ. Thế mà cũng chỉ còn lại mỗi một câu hát về người chèo đò năm nào:

"Ngày xưa có anh Trương Chi

Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay...”

Tất cả chỉ có vậy. Dù sao bốn nghìn năm cũng là bốn mươi thế kỉ. Mãi một nửa thời gian ấy, người Tây phương mới làm ra Dương lịch.

Tháng chín Quí Dậu

Lưu Sơn Minh | Báo Văn Nghệ

Miêu cầm. Truyện ngắn của tác giả Lưu Sơn Minh Tàu lớn - Truyện ngắn của tác giả Trần Thanh Hà Thung Mơ - Truyện ngắn của nhà văn Hà Nguyên Huyến Chị Cử... Hà - Truyện ngắn của Nguyễn Giáng Tiên
Văn nghệ Trẻ, số 25/1996
Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Baovannghe.vn- Luôn có cuối năm/ Luôn bề bộn cuối năm
Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Baovannghe.vn - Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu đến từ Huế, TP.HCM, Nam Bộ được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử.
Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Baovannghe.vn - Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và diễu hành chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Baovannghe.vn - Giải đấu năm nay thu hút sự tham gia của gần 200 vận động viên đến từ 40 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên khắp cả nước
Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Baovannghe.vn - Hội nghị TƯ quán triệt Nghị quyết 18, theo định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.