Sáng tác

Chị Cử... Hà - Truyện ngắn của Nguyễn Giáng Tiên

Nguyễn Giáng Tiên
Truyện
08:00 | 04/08/2024
Baovannghe.vn - Nguyễn Giáng Tiên học sinh lớp 6A trường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Thanh Hóa đã gửi cho Văn nghệ ba truyện ngắn
aa
Chị Cử... Hà - Truyện ngắn của Nguyễn Giáng Tiên
Chị Cử... Hà - truyện ngắn của Nguyễn Giáng Tiên

Từ ngày có cu Hiền, hết giờ làm việc buổi chiều, chị Cử Hà thường bồng con ra cửa, ngồi đợi chồng đi làm về. Người to quá khổ, chị Cử khó khăn lắm mới ngồi lọt vào chiếc ghế xích đu, tựa lưng, ngả người về phía sau, ôm con nô đùa hoặc cho bú sữa. Mỗi lần miệng bé ngậm vào đầu vú mẹ to bằng quả nho hồng mộng căng, mút chùn chụt giống như đứa trẻ mút kem... Chị Cử lại thả tầm mắt theo dòng người tấp nập trên đường phố Liên Hoàn. Một đường phố buôn bán sầm uất, nổi tiếng nhất của thành phố cổ: Chim - Hồng - Hạc. Suốt từ mờ sáng đến tận khuya không ngớt người qua lại như dòng nước quẩn hai bên bờ sông Mã.

Chồng chị là Nghĩa Hiệp - một kiến trúc sư ngoài ba mươi tuổi rất khù khờ về môn làm kinh tế, nhưng lại tài hoa trong môn hội họa, vẽ vời những ngôi nhà tầng thấp, tầng cao siêu hạng đủ các mốt Đông - Tây - Kim - Cổ: nhà ống đứng, ống nằm xoay ngang, quay dọc trông đẹp như có thể mở toang cửa, bước hẳn vào trong đó bầy biện đủ tiện nghi cho con người ăn ở được ngay. Chính gốc tích đẹp độc đáo ấy đã quyến rũ, làm say đắm lòng chị Cử Hà với anh Nghĩa Hiệp từ thời hai người còn đang học trường cấp ba Lam Sơn. Tốt nghiệp phổ thông, Nghĩa Hiệp không làm hồ sơ thi vào đại học như các bạn cùng lớp, anh đầu đơn nhập ngũ, đóng vai một người lính Cụ Hồ rất cốt cách để người anh trai được yên bề làm nghề lái tàu khỏi bị trật đường ray. Vì nhà hai anh em trai chưa có người đi lính... Mình mẹ ở nhà tần tảo nuôi em gái út ăn học thành người. Làm được điều đó, hương hồn của bố trên cõi Tiên, cửa Phật hẳn được hả lòng, mát dạ. Lúc bố mất, mẹ Nghĩa Hiệp mới 35 tuổi, ở vậy nuôi sáu người con, bốn gái hai trai. Những ngày sống trong quân ngũ, Nghĩa Hiệp biết rèn luyện bản thân như một vận động viên bơi lội có tài. Bất chấp công việc nặng nhọc, chẳng quản thời tiết giá rét hay nắng dãi mưa dầm với phong ba bão táp... Mọi người lãnh đạo phân công việc gì, anh đều hoàn thành xuất sắc nên đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước ngày xuất ngũ anh đầu đơn thi vào trường Đại học Xây dựng, đỗ đầu bảng. Với "năm năm là chín lần thi, lần làm luận án còn gì tuổi xuân". Đúng là trai trẻ thâu đêm, suốt sáng học đến bạc đầu, trắng tóc mới cầm chắc trong tay tấm bằng cử nhân. Thấy chồng đẩy chiếc xe máy "cổ lỗ" vào cửa, mặt mày đỏ tưng bừng, sực mùi men bia, chị Cử Hà âu yếm trách khéo:

- Sao hôm nay anh về muộn thế? Ngày nào cũng say lướt khướt.

Nghĩa Hiệp không để ý đến lời nói của vợ, anh dựng xe vào nơi quy định, lật mũ cầm tay, theo thường lệ trước lúc đi làm và sau khi về bao giờ cũng thơm vào má cu Hiền, thơm luôn vào má vợ rất kêu, đúng phong cách thị trưởng mở. Đó chính là điều chứng minh tấm lòng người con trai lấy được hoa hậu nên rất yêu chiều nhớ thương. Nghĩa Hiệp nói chuyện với vợ như người vặn rau cải:

- Tan tầm, ra khỏi cổng cơ quan, gặp cánh cai dưới huyện lên, kéo vào quán... Giá biết ý dúi vào túi cho mình... về nhà. Vợ chồng con cái ăn tiêu xả láng cả tuần. Vào quán, bụng chả được quái gì, mỗi thằng đốt gọn bạc trăm.

Chị Cử ấn nhẹ đầu ngón tay vào má chồng, cười âu yếm:

- Anh bồng con để em đi chợ còn kịp về nấu cơm.

Nghĩa Hiệp đỡ con cho vợ. Chị Cử xách làn, thả vài bước chân đến cổng chợ Vườn Hoa có đủ các quầy hàng: giò lụa, chả rán, thịt quay, cá nướng... Hai vợ chồng bữa ăn một bò gạo tám không hết, mớ rau ngót nấu canh thịt nạc ăn cũng thừa. Vài lạng giò lụa chưng nước mắm ăn cơm ngon lành. Nhiều hôm chỉ bát canh cà tím bung nhừ, đĩa rau muống luộc chấm nước mắm cốt của các dì, các o ở Du Xuyên gửi ra làm quà, cũng xong bữa...

*

Bây giờ chị Cử Hà nuôi con toàn bằng chất đạm, chất đường với đủ các chất sinh tố tổng hợp, vẫn còn lo ngay ngáy con mình bị còi xương, mắc bệnh suy dinh dưỡng. Cách đây hơn ba chục năm, mẹ Nghĩa Hiệp là bà Hoàng, vắt kiệt từng giọt sữa nuôi con toàn hạt bo bo, ngô răng ngựa, sắn gạc nai, khoai lang ròng thay gạo... Thế mà bây giờ chị gái đầu đã là phó giám đốc nhà máy bia, chị thứ hai làm nghề dạy học, anh thứ ba thợ lái tàu hỏa, chị nữa bán hàng chợ Vườn Hoa giàu nhất nhì trong phố, Nghĩa Hiệp là kiến trúc sư loại ưu, cô em út kế toán phòng tài chính thành phố... Thế hệ trước đó ông bà nuôi con bằng chất củ chuối, rau má, ngọn khoai lang, gốc rau muống băm nhỏ phơi khô, luộc nhừ trộn ít muối vừng hoặc muối gạo rang giã nhỏ là sang, còn toàn muối trắng rang giã thành bột, ăn ngon miệng mà chẳng bao giờ được thấy no bụng...

Đời chị Cử Hà kể ra sướng thật, nhưng lại khổ giả. Sướng vì nhà một mẹ, một con. Mẹ làm ngành thương nghiệp, bán thực phẩm ở chợ Vườn Hoa thời bao cấp. Kế nghiệp mẹ, chị Hà thi vào trường đại học Thương nghiệp, tốt nghiệp cử nhân, thế nào chẳng xin được chân làm một nơi béo bở... Chưa kịp viết luận án tốt nghiệp, mẹ Hà đã phải nghỉ hưu non... Cầm tấm bảng cử nhân đỏ chọe trong tay về quê, chạy khắp các cửa lục tìm xin việc làm. Hết mẹ đi chán chê lại đến con cả ngày lẫn đêm đạp mòn lốp xe, thay hai ba đời xích líp, "không lại hoàn không" - Chẳng nơi nào chịu nhận Hà vào làm việc chỉ vì thiếu thủ tục đầu tiên. Tóm lại là thiếu chỉ, thiếu cây.

Suốt mấy năm ròng cầm tấm bằng cử nhân mòn tay, ngồi ru rú trong nhà ăn bám đồng lương khốn khó của mẹ, chị Cử thấy tủi nhục giận thân, trách kiếp phận mình sinh ra không gặp thời. Nhiều lúc ruột gan chị bừng bừng như lửa đốt... Không ngờ trái gió đổi chiều lại chóng vánh đến quá sức khó hiểu. Nếu biết trước thời cuộc thế này, chị Cử đâu khổ như bây giờ. Hồi nhận bằng cử nhân Ban giám hiệu trường Thương mại muốn giữ chị ở lại làm cán bộ trợ lí giảng dạy. Đời người, ai giải được chữ ngờ, chị muốn về quê hương xưng danh với bầu bạn, để tỏ công đèn sách bấy lâu. Trèo cao lắm ngã đau nhiều, bơi lội sông nước lắm có ngày chết đuối. Nghĩ lại nhiều lúc chị Cử Hà thấy tủi nhục với bạn gần, bạn xa… Mẹ đã gãi đúng nốt ngữa cho Hà, khuyên giải:

- Đời người con gái, việc gì cũng cần, nó như bông hoa nở có thì. Cầm tấm bằng cử nhân trong tay không lẽ ngồi chờ đợi… nếu không được làm vợ, không được làm mẹ, không còn phải là người phụ nữ, con ạ!

Suy đi ngẫm lại kĩ càng, chị Cử Hà lựa lời thưa chuyện với mẹ:

- Con đã nghĩ nát óc từ lâu. Muốn có việc làm xong xuôi mới tổ chức gia đình. Mình có đồng lương không ăn bám vào lưng chồng, không bị mẹ chồng và anh chị em bên nhà chồng khinh rẻ…

*

Mùa đông năm ấy, đám cưới chị Cử Hà với kiến trúc sư Nghĩa Hiệp được tổ chức thật long trọng. Bạn của Nghĩa Hiệp làm ở ngành du lịch cho một chuyến xe bốn chỗ ngồi, được chăng hoa, kết đèn trang trí lộng lẫy đi đón dâu. Họ nhà trai đi toàn xe máy chật kín đường từ Sầm Sơn vào thành phố. Đoàn xe đang chuyển động rầm rầm lại phải đi chậm hoặc dừng hẳn để chụp ảnh, quay camêra những nơi phong cảnh hữu tình. Vừa đẹp lại thơ mộng và sầm uất nhất lúc xe hoa tới đỉnh Cầu Cốc, không phải hàng trăm, tới nghìn người chen lấn ra hai bên đường đứng xem... Xe về đến cổng nhà, mẹ chồng trong bộ quần áo dài nhung nỉ màu xanh mịn, cổ quàng tấm đăng ten, chân dận đôi giày giống đôi hài cổ - quà của người con gái là phó giám đốc nhà máy bia, đưa từ cố đô Huế ra biếu mẹ. Bà Hoàng nở một nụ cười đến mãn nguyện, cúi đầu lễ phép chào quan viên hai họ, đỡ chiếc nón lá Ba Đồn, dắt tay nàng dâu đi thẳng vào buồng... Hôn lễ được cử hành nhanh gọn, trọng thị còn để mãi ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con lối phố...

Sau đêm tân hôn động phòng hoa chúc, trọn một tuần trăng mật, đôi uyên ương ấp ủ bên nhau thâu đêm suốt từ sáng đến tối, vì Nghĩa Hiệp đã hết phép phải trở lại cơ quan làm việc.

Bà Hoàng bắt tay ngay vào việc dạy nghề cho chị Cử Hà. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Nghề nấu nước mắm gia truyền bà không dạy cho lớp trẻ, vì còn nhiều gian dối trong lòng - còn nghề đóng sách là từ xã viên hợp tác xã Sao đỏ mà có. Bà Hoàng đóng sách ở hợp tác đã thi lên thợ bậc sáu, cuối cùng đành bỏ về nhà lập nghiệp mới nuôi đủ bảy miệng ăn, giữa lúc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày đêm đánh phá hủy diệt cầu Hàm Rồng và Thành Chim Hạc. Nay đã đến tuổi gần đất xa trời, con trai, con gái đều có nghề sinh cơ lập nghiệp khá giả cả, duy chị Cử Hà làm dâu chưa có công ăn việc làm, mới được vinh hạnh mẹ chồng bí truyền cho nghề đóng sách...

Suốt từ mờ sáng đến chập tối, chị Cử luôn chân luôn tay như một con rối, chả còn thì giờ để soi gương, đánh phấn, chải chuốt ngắm vuốt như những ngày còn ở với mẹ đẻ. Lúc ấy Hà vui nhộn thường đem gương đến trước mặt bắt mẹ soi để chải chuốt, làm dáng cho cả mẹ và con. Những ngày đầu bà Hoàng dạy chị Cử từ động tác nhỏ như: soạn - gấp - ép giấy, mút chỉ xâu kim nhanh như máy. Xếp giấy luồn kim, đóng từng loại sổ nhỏ như cácnê học sinh tiện ghi từ học ngoại ngữ, còn những sổ cái to đóng cho các cơ quan đặt hàng. Lúc đầu chị Cử còn lóng ngóng, đôi tay run như chân gà bị cắt tiết, vã mồ hôi trán vì sợ làm hư hỏng bị mẹ chồng rầy la. Tính thanh niên bắt ngồi từ sáng đến trưa, nghỉ ăn cơm vài tiếng lại miệt mài từ trưa đến tối. Sổ sách đóng xong kịp xén, chưa bọc bồi bìa, xếp ngổn ngang đầy nhà còn thơm mùi bột giấy... Ngồi cả ngày rù lưng, mỏi gối, toàn thân đau như rần. Thế mới biết sức dẻo dai, chịu đựng mọi nỗi nhọc nhằn, cực khổ của các cụ thật là tài giỏi. Chập tối ăn vội vài lưng cơm, buông bát đũa lên giường bắt chồng vào đấm bóp – chỉ kế ấy, vợ chồng mới cưới nhau, phải xa cách cả ngày mới có cơ hội vào buồng chốt trái cửa lại, tha hồ trò chuyện bù khú… để mâm bát mặc mẹ chồng thu dọn, cất đặt, đóng cài cửa nhà trên, nhà dưới. Rồi mình bà Hoàng ngồi xem tivi… Làm mẹ ai chẳng hiểu lòng con trẻ, cốt yếu chị Cử Hà ngày qua tháng lại chịu khó làm việc, thắt lưng buộc bụng để cùng với bà hàng tháng có thêm thu nhập dăm trăm mới đủ chi dùng… Ngày tháng trôi quá nhanh. Mới đó mà nay chị Cử đã sinh thằng cu, bà Hoàng chưa kịp đặt tên chính thức cho cháu đích tôn nên tạm gọi cháu là thằng Bầu. Nhớ lại hôm chị Cử trở dạ, mẹ con phải đưa nhau vào bệnh viện sản phụ tỉnh. Phải chích ba mũi mới đưa được cu Bầu ra nặng gần bốn kí. Ngoài ăn chính hàng ngày không kể, hôm nào cũng hai bữa phụ ăn tam thất chính hãng Cao Bằng tần với gà giò vào lúc sáng mơ và tầm chín giờ khuya. Tẩm bổ như thế để đêm dài, mẹ được khỏe, đủ sữa cho cu Bầu ăn no, ngủ yên giấc. Phục vụ bà đẻ như vậy làm sao đứa trẻ còn có thể bị suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh còi xương...

Cháu đích tôn mới được mấy tháng, bà nội đã lâm bệnh nặng... tạ thế ngày 4 - 6 âm lịch, hưởng thọ 69 tuổi. Suốt ba tháng ròng rã, con lớn con nhỏ tập trung hết về quây quần ngày đêm quanh giường mẹ nằm ở những bệnh viện tầm cỡ Hà Nội... Tiền của dốc vào con bệnh quái ác này cơ man nào là đôla và vàng... nhưng thần chết vẫn thả dây thòng lọng đưa bà về với chồng. Sự hối tiếc của sáu người con được thổ lộ trước lúc mẹ sang thế giới bên kia: Bố mất sớm, đời mẹ đã vắt kiệt từng giọt sữa, vắt kiệt cả sức lực để nuôi đàn con đến nay đều công thành danh toại. Đứa lớn, đứa nhỏ đã có bát ăn, bát để thì mẹ vội ra đi. Chị em chưa được đền ơn đáp nghĩa nhiều cho mẹ... Chính bà Hoàng cũng thừa nhận điều đó là đúng. Nghĩa Hiệp là người được sống gần mẹ nhiều nhất, đường đêm khuya khoắt, một mẹ, một con ngồi túc trực bên giường, anh rỉ tai gạn hỏi:

- Mẹ còn những mong ước gì, nói riêng cho con biết?

Bà Hoàng nở một nụ cười đầy rạng rỡ trên gương mặt suốt ba tháng ròng rã, lấy thuốc làm chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể. Dưới ánh sáng bóng đèn điện quang mát dịu căn phòng quét ve màu xanh lá mạ, giọng bà Hoàng thều thào đứt quãng:

- Các con... ai cũng đều có... hiếu thảo với... bố... mẹ... Thế là... mẹ… mãn… nguyện lắm rồi. Chỉ còn chị con… làm nghề… dạy học là chưa … có.. gia … đình… Mẹ … thương… lắm!

Nói đến đây bà Hoàng quờ quạng đôi tay ôm đầu Nghĩa Hiệp vào ngực, gạt nước mắt. Vĩnh biệt cõi đời…

*

Việc chăm sóc nuôi dưỡng một đứa con không được một phút lơ là, chị Cử Hà bận tối tăm mặt mũi cả ngày… Mọi công to việc nhỏ như: giỗ cha tết mẹ đến những ngày giỗ các ông cụ ông kị suốt mấy đời nay đều dồn hết lên vai, lên đầu người con gái hai bảy tuổi đầu. Từ ngày bà Hoàng về cửa phật việc đóng sách cũng bị mai một bởi tay nghề của chị Cử làm sao bằng kinh nghiệm cả đời bà Hoàng. Bởi vậy sổ sách cơ quan đặt mua về làm việc chưa được ba bảy hai mốt ngày đã sổ bìa, tuột chỉ... Vì thế kinh tế trong gia đình ngày một eo hẹp. Lương Nghĩa Hiệp cõng ba tàu há mồm làm sao khẳm… Việc tài trợ của các anh, các chị còn eo hẹp. Với lại lúc còn mẹ, chị lớn em nhỏ muốn gom góp đem về là để tỏ tấm lòng thành của mình hiếu thảo với cha mẹ. Từ ngày khuất bóng mẹ, ai có phận sự người ấy. Nhiều lần vợ chồng chị Cử đã nặng lời với nhau. Chị Hà lập luận với chồng:

- Tình cảm không có kinh tế là tình cảm suông - tình cảm nước bọt - kinh tế giàu có mà không có tình cảm là kinh tế đen bạc. Sống ở đời chỉ biết mình giàu có, không nghĩ đến người bần hàn là kẻ thấp hèn, ác bá...

Ngồi nghe vợ nói những lời buồn tai... Nghĩa Hiệp vớ luôn âu rượu thuốc, rót đầy cốc thủy tinh nước đen như cà phê loãng, nhấm nháp, suy ngẫm mãi, anh hỏi lại vợ:

- Theo Hà, bây giờ nhà mình nên làm thế nào để khắc phục bớt khó khăn trong lúc chưa bán được tấm bằng cử nhân cho ông chủ, bà chủ nào mua cả?

Chị Cử Hà vỗ vào chăn, ủ cho cu Hiền ngủ tiếp, trở lại ngồi nói chuyện thẳng thắn với chồng:

- Một là anh viết thư hoặc gọi điện trực tiếp đến các anh các chị hỏi vay tiền. Hai là làm đơn vay ở cơ quan rồi trừ dần vào lương hàng tháng. Ba là thế chấp nhà để vay ở ngân hàng...

- Số tiền Hà cần chừng bao nhiêu?

- Từ mười lăm triệu trở lại, mười triệu trở lên.

- Em định mở hàng sản xuất gì mà cần nhiều vốn thế?

- Ngần ấy đồng vốn mà anh nghĩ mở hàng sản xuất chỉ có nuôi kiến!

- Mua sắm những trang thiết bị gì?

- Một tủ lạnh cỡ đại để sản xuất sữa chua, bán giải khát mùa hè và cất cho nhà hàng, khách sạn... Một máy nghiền ép các loại quả để sản xuất nước giải khát.

- Ngồi bán ở đâu?

- Trong nhà này, thu dọn hết gian ngoài. Mở cửa bán từ bảy giờ tối đến mười một giờ khuya, lúc ấy anh ở nhà, ủ cho con ngủ rồi chạy bàn cho em...

Nghĩa Hiệp rung đùi, bệnh sĩ dâng lên, cười ruồi:

- Bắt kiến trúc sư làm bồi bàn, Hà to gan thế?

- Thời buổi này, không to gan chỉ xách bị đi ăn xin. Không có kiến gì bằng kiến bò bụng...!

Nước mắt chị Cử Hà giàn giụa, nghẹn đắng trong cổ họng, nghẹt thở, nói không ra tiếng:

- Trong tay có bằng cử nhân đấy ông ạ! Khối các ông, các bà kĩ sư bậc hai bậc ba phải rời bỏ cơ quan về nhà vì không có việc làm. Bây giờ em nghĩ được ra cách làm ăn, anh lại chế giễu, không đồng tình…

Hà uất ức, đứng bật dậy vừa đi vừa kết luận:

- Đã đến nông nỗi này, con anh đấy, anh nuôi lấy nó. Tôi với anh tạm thời chia tay nhau. Tôi đi tìm công việc để làm.

- Hà định đi làm ở đâu?

- Vào quán bar, ra tiệm nhảy, đến vũ trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… Nhan sắc này còn ối kẻ mê. Làm một đêm đủ mẹ con nuôi nhau cả tháng. Khối những đứa bạn của em vừa làm việc cơ quan, vừa đi làm như vậy. Bây giờ đứa nào cũng giàu có. Đi lại toàn Dream, ăn ở nhà lầu. Cổ tay đeo cả súc vàng.

Như hiểu hết tâm can của vợ, Nghĩa Hiệp nốc nốc rượu, tỏ vẻ nhún nhường, hạ giọng:

- Vậy bao giờ Hà khai trương cửa hàng sữa chua, giải khát?

Nghe giọng chồng như đã ưng thuận, chị Cử Hà hồ hởi ra mặt, nói giọng nhún nhường:

- Chủ nhật tới, thu dọn nhà cửa, quét vôi ve, trang hoàng lại tất cả. Từ nay đến thứ bảy, anh mua những thứ đồ dùng đưa về nhà như: bàn ghế, tủ, sữa hộp, sữa bột đậu nành, đường kính trắng, bia chai, các loại quả xoài, nho, táo Trung Quốc, dứa... Mỗi loại một hai kí và những hóa chất - nhất là axít chua.

- Ngày nào khai trương để anh còn rủ bạn đến?

- Tối chủ nhật.

- Có sớm quá không?

- Không sớm muộn gì cả ông ngố ạ!

Để có được bát cơm ăn, manh quần tấm áo, ngay cả tình nghĩa vợ chồng nhiều lúc như nước sôi lửa bỏng, tưởng một mất một còn mới hi vọng bảo vệ được hạnh phúc gia đình trăm năm bền vững.

*

Những năm chị Cử Hà ngồi học ở trường chỉ là một kho sách chồng chất, với những công thức hóa thực phẩm dài dàng dặc. Chị Cử Hà ngày đêm vùi đầu óc theo đuổi một mục tiêu tuyệt vời: tự cứu thoát mình khỏi cảnh nghèo đói, khốn khó, cơ cực bằng chính cái đầu của mình - cái đầu có chất xám chứ không phải giống cái lũ đầu câm bấm nốt. Chị Cử vốn là người chịu khó lao động, rất ý thức làm giàu. Nó như chất men thôi thúc chị ngày đêm nhào nặn những công thức hóa thực phẩm nhuần nhuyễn hệt một máy nghiền quả cây thành chất sinh tố... Từ những công thức trên trang giấy đến khi ra đời sản phẩm còn cả con đường đầy chông gai và nước mắt. Nhiều hôm chị Cử Hà thức trắng đêm, ngồi bên những ống nghiệm, chai lọ. Lúc thêm đường lại giảm hoạt chất... Rồi thêm hoạt chất lại giảm đường trong một đơn vị dung dịch. Tất cả đều hư hỏng... Thấy chồng ôm con say trong giấc ngủ, chị Cử Hà cảm nhận mình có lỗi với chồng, có lỗi với con trong công việc thí nghiệm hiện đại này.

Có lần chị Cử Hà nói thẳng với kiến trúc sư Nghĩa Hiệp:

- Thế mới biết các ông chủ khôn rặt nòi. Chúng trả công cho người có đầu óc biết làm giàu cho chúng không hề tiếc của.

Nghĩa Hiệp cười nhăn nhở, bổ sung:

- Kẻ nào bon chen, thiển cận, bủn xỉn, kẻ đó sẽ bị tiêu vong.

Từ dạo lao vào công việc nghiên cứu tại gia đến nay, chị Cử Hà không còn trắng ngần, béo mập như dạo mới đẻ được bồi dưỡng đầy đủ. Người chị bây giờ gầy ruộc, hai mắt thâm quầng vì mất ngủ. Nhưng gương mặt lúc nào cũng tươi vui, đẹp đẽ như hoa nở, bởi chị đã thành công trong nghiên cứu sản xuất sữa chua... Sản phẩm được gửi lên Ủy ban Kiểm tra chất lượng đo lường, và Ủy ban vệ sinh dịch tễ học, qua phân tích, xét nghiệm các cơ quan đã kết luận: "Sản phẩm sữa chua của Thái Thị Cử Hà đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc gia". Trong thời gian chờ đợi nhận bằng phát minh, sáng chế, thường ngày chị Cử cho xuất xưởng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lít sữa chua để phục vụ dân sinh... Giá lúc này bà Hoàng còn sống, hẳn bà hả lòng, mát dạ, khâm phục tài ba của người con dâu Thái Thị Cử Hà.

Nguyễn Giáng Tiên | Baovannghe.vn

Đam mê. Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam Gã cười - Truyện ngắn của nhà văn Heinrich Boll Lời hứa của thời gian - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều Ngôi đền thiêng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Hướng Lũ vịt giời - Truyện ngắn của nhà văn Tạ Duy Anh
Văn nghệ Trẻ, số 20/1996
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).