Sáng tác

Tàu lớn - Truyện ngắn của tác giả Trần Thanh Hà

Trần Thanh Hà
Truyện
08:00 | 02/08/2024
Baovannghe.vn - Mẹ bảo: "Con gái tuổi Hợi, sướng lắm nhé! Mà cái lòng bàn tay, dày thế kia..." Anh Tân bảo: "Nhìn chữ - biết người trọn vẹn".
aa
Tàu lớn - Truyện ngắn của tác giả Trần Thanh Hà
Tàu lớn - truyện ngắn của Trần Thanh Hà

Mẹ bảo: "Con gái tuổi Hợi, sướng lắm nhé! Mà cái lòng bàn tay, dày thế kia..." Anh Tân bảo: "Nhìn chữ - biết người trọn vẹn". Anh Tân là anh cái Hiệp, sinh viên khoa Sử, kèm hai đứa tôi học thi đại học. Mẹ lại bảo: "Lập cái lá tử vi". Bà thầy ghếch kính: "Số đẹp!". Mẹ hỏi: "Thế cháu nó phải duyên năm nào?" Bà thầy khoanh ngón tay trên lá số: "Thứ nhất: Ất Dậu, cuối năm; Thứ hai: Bính Tý, Cử trúng hai năm đó, đại phúc...". Rõ ràng mạch lạc đến thế ư! Tôi cầm lá số, thở nhẹ.

Tôi vào đại học, cả bố và mẹ đều yên tâm lắm. Từ nhỏ tôi vốn là đứa ngoan, ai nói gì cũng dạ. Bốn năm trời, tôi chúi mũi trên sách vở, năm nào cũng sinh viên tiên tiến, xuất sắc. Bọn bạn cùng phòng cười: "Mày định chết già trên sách vở à?" Kệ, đến chạnh lòng tôi cũng không. Mãi sắp ra trường tôi mới kịp quen Bình. Bình học giỏi, hát hay, chừng mực. Lí tưởng theo kiểu tôi. Tôi sắp lịch, thì giờ học, thì giờ yêu, ngăn nắp đâu ra đấy. Tuần một buổi gặp nhau, đúng thứ bảy, đẹp quá còn gì. Đi chơi, chỉ chạm tay, đã xốn xang cả lên. Thiêng liêng như sách, như mơ. Bình đòi hôn. Tôi lắc đầu, quyết không. Một lần, đến ba lần Bình bảo: "Nhảm!", rồi khuya ấy về, không thấy tới nữa. Tôi mở sách, chữ nghĩa mù mờ, mắt ướt mèm. Còn tin chỉ giận dỗi vu vơ, cái cốt ở trái tim. Nhưng Bình ra trường, đi tuốt vào Nam, không cả chào từ biệt. Chị Sương cùng phòng nhếch môi: "Mày tưởng ghê gớm lắm sao? Mở mắt nhìn bọn đàn ông xếp hàng ngoài cửa kìa!" Tôi tự ái, nhưng ích gì, thế nào Bình cũng đã đi. Mỗi tối chị Sương đi cùng một người, khuya về thở dài: "Chán chết được!", rồi tối sau lại đánh mắt kẻ môi đi. Đàn bà kiểu đó không xứng nhìn nửa con mắt. Mà lạ, tối tối những chàng đàn ông đến tìm không thấy vẫn thất thểu. "Rởm đời !" - Tôi tự nhủ, quay mặt, không muốn nghĩ.

Tôi về một mình. Mẹ hỏi: "Thằng Bình thế nào?" "Đi rồi!" - Tôi uể oải. "Ừ, thằng đó không xứng đáng.” - Mẹ nói. “Không xứng thật." - tôi nghĩ, rồi ngủ vùi, quên mất.

Tôi đi làm, trước bọn bạn ra trường cùng khóa. Lợi thế của cái bằng tốt nghiệp, một cớ để hãnh diện. Công việc không đúng chuyên môn, thu nhập chẳng cao lắm, chỉ đủ sống tiệm tùng nhưng bù lại là nhàn hạ, và quan trọng hơn là được ở thị xã, trung tâm tỉnh. "Nhất mày. Mai mốt tha hồ các vệ tinh quay chung quanh, đến rối mắt chọn..."- Bọn bạn bảo. Mẹ bảo: "Đã bảo là cái số mày tốt mà." Tôi cười, chẳng biết có nên dạ không.

Tiếp tục cuộc sống ngăn nắp, đến công sở, về nhà, học thêm ngoại ngữ, tin học. Bố bảo: "Nghe dư luận cơ quan đánh giá rất tốt về con." Tôi lại dạ, nhưng mà buồn. Cái Minh nhà tôi vắng nhà suốt ngày suốt đêm. Bao nhiêu khách khứa đến nhà xoắn xuýt hỏi nó, như chỉ có nó trên đời, còn tôi không tồn tại. Bọn bạn gái hối hả lên xe hoa, hối hả sinh con đẻ cái, hối hả cơm nước, giặt giũ, chúng chẳng còn thì giờ đứng gẫu chuyện với tôi năm phút nếu lỡ gặp ngoài đường. Vậy là lúc rảnh rang tôi chỉ nghĩ đến Bình, coi như một kí ức thiêng liêng, thiêng cả cái cười trầm: thế nào cũng vấp chân.

Hai con giáp. Mẹ bắt đầu lo lắng. Mẹ đon đả chào anh kĩ sư hóa cùng xí nghiệp với bố, nhưng anh kĩ sư mải tranh luận với bố về tình hình Bôxnia và khả năng con người thế kỉ hai mốt. Mẹ giở lá số, dò ngón trỏ: "Rõ còn năm nay, tuổi mụ hăm sáu..." Tôi cười mẹ lẩn thẩn, nhưng giật mình. Năm nay, có thể. Đầu năm Quang bảo: "Cưới nhau, nhất định." Tôi giấu nhẹm cả nhà, vì Quang bé hơn cả tôi, lại mới ra trường, đi chơi cũng bằng xe đạp của tôi, uống càphê bằng lương tôi nốt. Quang dẫn tôi về phòng, giới thiệu rõ kêu. Chú Tấn trưởng phòng Quang bắt tay chúc mừng. Thế thì tin quá đi chứ, sao lại phải lo. Tôi đợi Quang đi phép, đúng mười lăm ngày. Quang trở lại, vừa cười vừa kể: "Bố bảo vui chơi thì được nhưng lấy vợ chưa phải lúc…" Tôi tự ái, định hỏi: Thế thu xếp ra sao, nhưng chưa mở miệng Quang đã áp môi hôn, mãi lâu sau mới bảo: "Mặc kệ, chả cần nghĩ."

Quang hẹn ở công viên. "Ở đây nhé, đừng về." Tôi gật. Tôi đâu phải trẻ con, dù tin hay không.

Mẹ vò đầu bứt tai: "Con ơi là con! Cho ăn cho học, lắm chữ lắm nghĩa vào, mà dại dột lắm thế..." Bố ngồi yên rít thuốc, ra chiều suy nghĩ. Hôm sau hết giờ làm bố về ngay, không nán lại như mọi bận: "Bố đã xin cho con nghỉ phép. Một tháng. Con ra bác Thuấn. Bố đã gọi điện để chị Hiền đi đón...".

Tôi đến cơ quan. Cả phòng rối rít hỏi thăm. "Ghép thận, hả? Hèn gì lâu nay trông mày gầy gò. Ừ, đi đi, nghỉ ngơi cho khỏe." "Xuống tài vụ ứng ít lương. Bác bảo tài vụ rồi." - Ông Giám đốc bảo. "Có gì mà phải giao. Hồi mày chưa về tao vẫn làm một mình, chết ai." - Chị Thắm cùng tua kế hoạch bảo. Tôi chậc lưỡi, xếp mấy cuốn tài liệu vào hộc bàn, tính sau.

Mẹ xếp hành lí vào ba lô: mấy cái váy này mặc mùa hè, hai bộ áo tắm, cặp bánh, trái cây để ăn vặt trên tàu. "Gắng ăn gắng ngủ kẻo xuống sức." - Mẹ dặn. Bố đèo ra ga, dặn lui dặn tới: "Yên tâm tĩnh dưỡng, con ạ! Đừng lo công việc, về lại làm thôi." Tôi quay mặt, không dám nhìn lâu dáng bố bồn chồn dưới sân ga. Tàu kéo còi tu tu, rồi rầm rập lao đi trên hai vệt ray kẻ sẵn phía trước, dưới bánh sắt. Phố xá, làng mạc hun hút chạy qua ngoài cửa sổ tàu. Một sự xê dịch về mặt không gian, hiển nhiên, đi khỏi một thị xã ùng ục gió Lào, khỏi công sở, xếp lại việc làm để đến một nơi yên tĩnh hơn, ăn, ngủ, làm gì, tùy thích. Quan trọng là khỏi gặp Quang, chỉ thế. Nhưng có thay đổi được gì, cuộc sống này, tình yêu kiểu kia, cấu trúc đầu óc và tâm hồn, cả lá số tử vi lập từ năm nảo năm nào mẹ vẫn hay giở ra mỗi lần lo lắng...

*

Chị Hiền dẫn tôi đến bệnh viện, giới thiệu: "Chị Nhâm, bạn chị, bác sĩ." Tôi gật đầu chào, kèm một nụ cười xã giao. Hai người dẫn tôi dọc theo một hành lang dài hun hút. Một căn phòng, những bức rèm màu trắng phủ kín, những hộp dụng cụ, những chiếc khay, một cái bàn kì lạ, tất cả đều sạch sẽ tinh tươm, sự tinh tươm đến không sinh khí. Chị bác sĩ cho tay vào một thứ găng mỏng màu da. "Em nằm lên đây, thế! Kéo váy lên! Đặt hai chân vào đấy! - Chị bác sĩ mỉm cười, nhỏ nhẹ. Tôi cay đắng, cảm thấy lần đầu tiên trong đời có một sự sỉ nhục quá đáng như vậy. Thật ngốc, tại sao lại không thể hiểu chuyện này ngay từ đầu. Tồi tệ hơn nữa là bấy giờ thậm chí chẳng biết mở miệng để nói một điều gì. Có tiếng xịch cửa. Hình như chị Hiền ló đầu vào: "Thế nào?" "Chóng thôi. Mày đợi một lúc."

"Sao, em sợ à? Nhẹ nhàng thôi. Em sẽ thoải mái ngay tức thì." - Vẫn giọng chị bác sĩ ân cần. Im lặng. "Em tin chị đi!" - Chị lại nói và vuốt vai tôi. Một khối băng lạnh trườn dọc theo cái vuốt vai hiện thân của sự thông cảm! Tôi nhắm mắt, nước mắt trào ra, nóng hổi. "Nín đi em! Mà thôi, hay để mai vậy, chừng nào em bình tĩnh lại." Tôi cắn môi, lưỡi chạm vào thứ chất lỏng nhòe trên mặt, mặn đắng. Cửa lại mở. Lần này chị Hiền bước vào thật: "Thôi, để tao ở đây với nó, thế nó đỡ sợ hơn." - Nói với chị bác sĩ. Với tôi: "Nghe chị, cưng, chỉ một lúc!" Thêm một cái nắm tay, thật chặt.

Một con gián hôi thì đúng hơn, đang thò râu ngửi, và bắt đầu gặm nhấm. Khi cái khối gặm đang từ từ sứt mẻ nham nhở đi, phía sau bụng nó, là những vệt nhãi nhớt nhờn nhợt. Bây giờ nó đang gặm tôi, gặm một cách khoái chí, chậm chạp, vừa gặm vừa cười, vừa lách cách răng. Bây giờ, đến không cả một nỗi sợ hãi, không một đau khổ hay ghê tởm. Mọi cảm giác đã đông cứng, lì trơn...

Tiếng một thứ gì đó rơi xoảng. Chị Hiền hốt hoảng: "Sao?" Rồi yên lặng. Một lúc chị bác sĩ cất giọng khàn đặc:

"Nó còn trinh!" "Hả?" - chị Hiền bật dậy. Tôi cựa mình, úp mặt xuống, lại khóc. Không phải vì đớn đau, không phải vì vui sướng, tôi khóc cho niềm tin của mọi người.

*

"Thế là tốt rồi." - chị Hiền nói và cụp mắt xuống. "Vâng." - Tôi đáp, cố nở một nụ cười, nụ cười có thể sẽ hàm nghĩa với chị Hiền. Như thế dễ an lòng hơn. "Cháu nhớ lấy trái cây trong tủ lạnh mà ăn nhé! Chiều bác lại mua." - Bác Thuấn gái dặn trước lúc ra khỏi nhà. "Báo đấy, bác để trên đầu bàn." - Bác Thuấn trai chỉ đống báo đủ các loại. "Hay là chị nhờ anh Tùng bạn chị đến đưa em đi chơi..." - Chị Hiền gợi ý. Tôi chớp mắt, ra vẻ cảm động. Vậy là tương đối đầy đủ, vậy là để khỏi áy náy cho chuyến nghỉ ngơi của tôi, cả để khỏi bẽ bàng về chuyện hôm nọ. Tất phải thế thôi. Tôi không có quyền trách.

Vũng biển phía trước mặt tôi vẫn từng giờ lặng tờ, không có sóng, nước đục ngầu khẽ khàng vỗ óc ách, tấp vào vô số rác rêu, xác cá. Thông trên đồi im phắc, uể oải sống, uể oải xanh. Những con thuyền về bến vào lúc sáng sớm, tấp nập giao cá, rồi ngày ngủ yên dưới nắng, chiều hối hả ra đi, sáng sớm mai lại về. Xa hơn một chút, phía mỏm đá nhô ra khỏi vịnh, một người đàn ông đang câu cá. Việc anh ta cứ loi choi hết tảng đá này sang tảng đá khác dăm bữa đầu làm tôi thích thú nhưng về sau chẳng có gì để nhìn nữa. Ngay bản thân cuộc sống từng ngày diễn ra đến lúc cũng tưởng như nó không hề tồn tại, huống hồ một hình ảnh vui mắt.

"Cháu không ra bờ biển à?" - Đấy là bà cụ thân sinh bác Thuấn. Bà ngồi trên chiếc xe lăn, sát cửa sổ, mải mê nhìn ra phía xa. Bác Thuấn kể, bà yếu đã mấy năm nay, không đi lại được, chỉ ngồi thế...

"Cháu có nhìn ra mặt biển không?" Bà cụ hỏi. "Dạ, có. Phía ấy biển rộng và xanh." - Tôi đáp khẽ. "Cháu có thấy con tàu lớn có cột buồm trắng không?" Tôi giật mình nhìn mắt bà cụ. Mắt bà phủ dày thứ màng màu trắng đục, vô cảm. "Dạ có!" "Bà biết mà. Cháu có thấy nó đang quay mũi vào đây không? Nó chuẩn bị cập bến đấy. Bến trước mặt nhà ta, cháu ạ!" - Bà nói và trên nét mặt dường như da kéo lại, biểu thị một nụ cười. "Cánh buồm lớn lắm, phải không cháu?" "Dạ!" - Tôi lặp lại. Nhưng phía ngoài xa, không phải chỉ có một con tàu, mà có rất nhiều tàu, những con tàu lớn, tất cả đều có cột buồm màu trắng, tất cả những cánh buồm đều lớn, và tất cả chúng, chỉ đi ngang qua trước tầm mắt để cập cảng Hải Phòng, ở phía kia...

"Cháu đã bao giờ ra kia chưa?" - Bà cụ chỉ tay về phía biển - "Ra nơi chỉ trời và nước?" "Chưa ạ!" - Tôi nói, và trên khóe mắt, bất chợt ùa ra một giọt nước mắt, chỉ một giọt, lăn dài trên gò má. "Bà thì đã từng, thời bà còn trẻ, như cháu bây giờ. Bà từng biết thế nào là sóng lớn, từng biết say...". "Vâng, ngoài kia sóng lớn…" - Tôi đáp, như một phản xạ tự nhiên, nghe lòng quặn lên một thứ cảm giác xốn xang, thổn thức.

*

Mẹ gọi điện thoại. "Có một sự hiểu lầm..." - Chị Hiền nói với mẹ. "Thật sao? Ơn trời...". Tôi cầm máy, nghe mẹ khóc trong máy. Mẹ khóc, rồi mẹ cười. "Ôi, con gái của mẹ! Con của mẹ - Mẹ lắp bắp. "Con sắp về!" - Tôi nói với mẹ, "Ừ, về đi con. Tất cả mọi người đang chờ con..." - Mẹ đáp, hồ hởi.

"Sang năm lại ra nhé!" - Cả nhà bác Thuấn lưu luyến tiễn tôi. "Vâng, sang năm cháu lại ra!" - Tôi đáp và nhìn mặt biển thêm một lần trước khi rời xa nó. Ngoài kia, những con tàu lớn có cột buồm màu trắng vẫn chỉ ngang qua, trước tầm mắt, để cập cảng, ở phía kia. Vũng biển trước mặt, bây giờ vẫn không hề có sóng...

Trần Thanh Hà | Baovannghe.vn

Lũ vịt giời - Truyện ngắn của nhà văn Tạ Duy Anh Tuần có sáu ngày - Truyện ngắn của Phong Điệp Chuyến tàu ngược thời gian. Đọc "Trăng lu" của Đinh Sỹ Minh Hoa đèn trang giấy - Truyện ngắn của nhà văn Chu Văn
Văn nghệ Trẻ, số 22/1996
Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Baovannghe.vn - Cứ mỗi lần đến ngày lễ 30-4, tôi lại nhớ đến chuyến đi với nhiều nhà văn , nhà thơ vào dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn
Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phóng vấn về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Baovannghe.vn- Hôm nay thổ cẩm về xuôi/ mang hoa văn của núi đồi về theo/ này là suối nhỏ trong veo/ này là nắng quái chân đèo hoàng hôn
Vui Trung Thu - Thơ Vũ Thị Thanh Hòa

Vui Trung Thu - Thơ Vũ Thị Thanh Hòa

Baovannghe.vn- Bé theo đoàn rước khắp làng/ Trung thu trăng sáng rộn ràng soi chung/ Tùng rinh trống ếch theo cùng/ Mẹ bày mâm cỗ kẹo vừng bánh đa